Thời ấy, THPT Marie Curie nằm ở số 3 Trần Quốc Toản. Cứ mỗi mùa Hội diễn văn nghệ 20/11, không gian ấy lại rộn ràng tiếng ca, điệu múa. Cô trò cùng làm biên đạo và hăng say tập đến 21h - 22h rồi gọi gánh xôi rong vào sân trường chụm đầu ăn. Căng thẳng nhất là hôm chấm Sơ khảo ròng rã 2 ngày, chỉ chọn 28/150 tiết mục vào Chung khảo biểu diễn tại Cung Thiếu nhi Hà Nội.
Chúng tôi vẫn nói với nhau, thầy Khang là người có tâm hồn nghệ sĩ. HDVN năm nào, thầy cũng đưa ra một chủ đề độc đáo mà không năm nào trùng lặp.
Hồi ấy, mỗi lớp được đăng ký từ 3 - 5 tiết mục ở vòng Sơ khảo và không thuê biên đạo chuyên nghiệp như bây giờ. Các thầy, cô chủ nhiệm là những người dàn dựng tiết mục. Tôi, cô Hương Giang và một số GVCN khác mượn được tivi 25 inch của các chú bảo vệ, bê đặt ở sảnh và mở xem các loại đĩa ca nhạc Việt Nam, hải ngoại để chọn bài đúng chủ đề của Hội diễn, trong khả năng diễn được. Cô trò cùng xem họ biểu diễn rồi tập theo.
Lớp nào có nhân tố tài năng là thấy vui và an tâm nhất. Ví dụ: cặp múa sinh đôi Mai Anh - Phương Anh, Sương Mai (I1) thổi sáo; Hồng Minh (P) chơi violin, giọng hát của Xuân Nam (P); Ngọc Linh (M2), Quỳnh Hương (G3) với màn múa bình mê hoặc… Còn tôi sở hữu dàn mẫu nam đẹp trai, dáng chuẩn; cô Giang lại có đội nữ xinh đẹp, múa hay.
Nói đến tập văn nghệ 20/11 ở số 3 Trần Quốc Toản là phải nhắc đến những gánh xôi. Tiếng rao: "Ai xôi nào?” giống như “cứu cánh” cho cô trò lúc 20h - 21h. Vì cuộc đua vào vòng Chung khảo đâu dễ dàng, chỉ chọn 28/120 tiết mục nên cô trò tập hăng say, có hôm đến 22h. Bên gánh xôi đêm, chúng tôi chụm đầu ăn rồi lại tập tiếp.
Ngày ấy, trong khuôn viên nhỏ, cứ đến 11h45, khi trống trường vang lên, mọi ngõ ngách trở nên sôi động bởi các lớp tập văn nghệ. Tôi rất thích đi “tour” một vòng xem và động viên các lớp nhưng kinh nghiệm của tôi là không được khen: “Hay quá, đẹp quá!”. Bởi các năm trước đó, vì khen các con múa đẹp, hát hay lúc tập mà đến khi Sơ khảo không được chọn, các con lại thắc mắc tại sao bị loại. Quả thật, chỉ được động viên mà không được trầm trồ thì khó ghê!
Khi lục lại những ký ức ấy, tôi càng thấy nhớ và yêu học sinh đến lạ. Thời ấy không có sân khấu rộng và đẹp như bây giờ. Lúc đó, khoảng sân 50m2 giữa tòa nhà 500m2 chính là nơi duyệt văn nghệ của 36 lớp, là sân khấu cho các con tỏa sáng. Ở cột chính giữa sân, chúng tôi làm “banner” thả xuống, ghi dòng chữ “Hội diễn văn nghệ lần thứ…”.
Ban giám khảo ngày ấy gồm có tôi, cô Hương Giang (GV Ngữ văn), cô Hồng Hà (GV Tiếng Anh) và cô Lệ Thanh (GV Tiếng Anh). Những người được thầy Khang đưa vào danh sách BGK khi đó thấy rất áp lực. BGK chấm theo khả năng cảm nhạc như một khán giả. Vòng Sơ khảo diễn ra trong 2 ngày ròng rã: thứ 7, Chủ nhật; hôm nào cũng 20h mới kết thúc. Sân khấu là sân trường nhưng học sinh vẫn diễn hết mình; giờ nghĩ lại, tôi vẫn thấy cảm động vô cùng.
Tôi, cô Giang và các thầy cô khác thời đó kiêm luôn Ban tổ chức HDVN: lên kịch bản, sắp xếp tiết mục, phụ trách cánh gà, phục vụ đạo cụ... BTC cấp 2 làm giám khảo cho cấp 3 và ngược lại. Sau mỗi cuộc chấm Sơ khảo, vì chỉ chọn 28 trên tổng số 120 - 150 tiết mục nên rất áp lực, căng thẳng. Thầy Khang nói vui với chúng tôi: “Các cô đã đội nồi cơm điện lên đầu chưa?” vì có lớp “biểu tình” không học, lên gặp BTC thắc mắc: “Cô ơi, sao lớp con hay thế mà không được vào?". Có lớp lại “biểu tình” bằng cách đem hết đạo cụ để vào phòng giáo viên... Lúc đó phải giải thích để thuyết phục các con. Tuy nhiên, thấy các con đáng yêu vô cùng!
Nhớ lớp I của cô Lệ Thanh 3 năm liền múa đi, múa lại bài “Em đi xem hội trăng rằm”. Trưa nào trong giờ nghỉ, các thầy cô cũng nghe câu hát: “Ông trăng í a nằm nghiêng”. Năm lớp 10 bị loại. Lên lớp 11, cứ đến giờ trưa, cả lớp mang nón mũ, bật nhạc múa bài đó, vang cả góc trường nhưng năm đó cũng không được chọn. Đến lớp 12 thấy lại múa bài đó, tôi hỏi thì cô Thanh trả lời: “Các con nói đến khi nào ông trăng nằm nghiêng được vào Chung khảo, lớp sẽ hết nằm nghiêng”. Thế là 12I1 được chọn biểu diễn sau 3 năm miệt mài múa một bài.
28 tiết mục vượt qua Sơ khảo sẽ được biểu diễn tại Cung Thiếu nhi Hà Nội nhân dịp 20/11. Thời ấy không có màn led, chỉ có cái phông do bên Cung làm. Các tiết mục được chọn đa dạng về thể loại: đơn ca, song ca, tam ca, hợp xướng, tập thể…
Sau khi kết thúc Chung khảo, BTC thường về phòng Hội đồng giáo viên số 3 Trần Quốc Toản, nằm thở phào vì sự thành công của hội diễn. Năm nào cũng vậy, vào khoảnh khắc ấy, chúng tôi nhận được 2 câu thơ của thầy trích từ bài thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Lòng khoẻ nhẹ, anh dân quê sung sướng/ Ngửa mình trên liếp cỏ ngủ ngon lành”. Thầy gửi trên đường từ Cung Thiếu nhi Hà Nội về nhà. Chúng tôi nhận được câu thơ giống như lời động viên, có cảm giác sung sướng vô cùng; khiến mọi vất vả đều tan biến.
Bây giờ, HDVN đã chuyên nghiệp, hoành tráng hơn rất nhiều. Học trò MC thời nào cũng tuyệt vời, đáng yêu và tài năng. Và cứ mỗi mùa hội diễn tới, tôi lại nhớ đến gánh xôi mà cô trò cùng ăn ở số 3 Trần Quốc Toản năm nào, được đặt tên là “Gánh xôi nghệ sĩ MC”. Đúng là một thời để nhớ!
Cô TRẦN NHUNG
(Trưởng khối THPT - Mỹ Đình)