Trở về từ tâm dịch Đà Nẵng sau khi hoàn thành nhiệm vụ, bác sỹ Anh Đức (CHS P, 99 - 03) đang thực hiện quy định cách ly tại Bệnh viện Công an TP. Hà Nội. Anh là 1 trong 4 bác sỹ vinh dự được chọn trong tổng số 1.200 nhân viên của Bệnh viện 198 tình nguyện xung phong vào tuyến đầu chống dịch. Những ngày cùng đồng đội tham gia chiến đấu với “giặc dịch” đã trở thành ký ức không thể nào quên trong cuộc đời của cựu MCer.
Theo bác sỹ Anh Đức, đây là chuyến công tác đặc biệt nhất trong suốt những năm anh làm nghề. “Covid-19 bùng phát lần thứ hai đã khiến Đà Nẵng trở thành tâm điểm của dịch bệnh. Khoác trên mình 2 màu áo, màu áo blouse của bác sỹ và màu áo xanh của lực lượng vũ trang, chúng tôi tình nguyện tham gia tuyến đầu vào Đà Nẵng để tiếp sức cho đồng đội tại Bệnh viện 199. Từ khi nhận được chỉ đạo của cấp trên, chúng tôi có 24h để chuẩn bị hành trang. Chúng tôi đi vào "tâm bão" nhưng lòng nhẹ như cánh hoa rơi!”, bác sỹ cho biết.
Khi đặt chân đến Đà Nẵng, anh Anh Đức và đồng đội mới thực sự cảm nhận được sức nóng tại đây. Hàng loạt bệnh viện lớn của thành phố bị phong tỏa, mất dấu F0. Điều này gây sức ép cho các bệnh viện còn lại, đặc biệt với các bệnh nhân nặng cần phải đến viện điều trị hay những trường hợp cấp cứu. Trong khi đó, ngoài đường vắng lặng; các chốt kiểm dịch xuất hiện ở khắp ngõ phường, lối phố.
Tuy nhiên, các anh không hề nao núng mà bắt tay ngay vào việc. Từ khâu nắm bắt tình hình thực tế, phân tầng bệnh tật, thiết lập mạng lưới phòng bệnh, đến trực tiếp phẫu thuật cho các bệnh nhân. Bác sỹ Anh Đức kể: “Có những ca bệnh, chúng tôi phải chia 2 kíp mổ đồng thời song song can thiệp cùng lúc để phẫu thuật; điều trị nhiều ca đa chấn thương, đại phẫu. Có những khi mổ từ sáng đến xuyên trưa, quên cả việc ăn uống và lúc bước ra khỏi phòng thì đã xế chiều, nhưng ai nấy đều nở nụ cười và vỗ vai động viên nhau. Cảm giác được góp một phần sức lực nhỏ bé của mình vào cuộc chiến chống đại dịch thật ý nghĩa”.
Tạm gác nỗi nhớ nhà, ngày qua ngày, các anh sát vai chiến đấu vì mục tiêu trả lại cho Đà Nẵng vẻ đẹp thơ mộng và bình yên vốn có. Dần dần, tình hình dịch bệnh ở đây đã được kiểm soát. Các anh càng cảm nhận rõ hơn sự cao quý của nghề Y khi chứng kiến những nụ cười hạnh phúc của các bệnh nhân khỏi bệnh.
Sau gần 1 tháng chiến đấu trong tâm dịch, các anh nhận được lệnh rút về Hà Nội khi tình hình ở Đà Nẵng tạm ổn. Bác sỹ Anh Đức xúc động nhớ lại: “Trước khi về Thủ đô, chúng tôi có buổi giao ban trực tuyến với toàn thể Bệnh viện 199. Ai cũng xúc động trước những phát biểu chân tình của các nhân viên y tế nơi đây. Chúng tôi càng thấy trân quý hơn khi nhận được lá thư cảm ơn của bệnh viện dành cho anh em trong đoàn được đóng khung làm kỷ niệm. Ngày ra sân bay, trời Đà Nẵng nắng xanh nhưng lòng người thì “vắng tanh”. Tôi bồi hồi xao xuyến, y như thời chia tay các bạn cấp 2 trường Marie Curie để vào lớp 10 vậy!”.
Lúc này, trong không khí cả nước hướng về ngày Tết độc lập 2/9, cựu MCer ngồi trong khu cách ly và chia sẻ về chuyến hành trình đã qua của các "chiến binh áo trắng đánh giặc thời bình". Anh hy vọng câu chuyện nhỏ này có thể góp phần truyền cảm hứng cho MCer. Qua đây, anh muốn nhắn nhủ rằng, dù bạn chọn nghề gì và làm việc/sống ở đâu thì hãy nhớ luôn là chính mình, tự tin thể hiện bản sắc riêng của một MCer. Và trên hết là “khi Tổ quốc gọi, chúng tôi trả lời. Vinh dự khi được phụng sự!”.