Mỗi khi xảy ra hỏa hoạn, bạn sẽ thấy xuất hiện các cảnh sát cứu hỏa lao vào dập lửa, cứu người và hiện trường. Hình ảnh ấn tượng đó đã đi theo anh Lương Nhất Linh (CHS M, 98 - 02) từ khi còn bé để đến bây giờ, anh trở thành một cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) thực thụ.
Công việc đem lại hạnh phúc cho nhiều người
Từ ngày bé, anh Nhất Linh đã mơ ước trở thành công an. Sau này lớn lên, tình cờ xem một bộ phim về lính cứu hỏa Mỹ, anh rất ấn tượng với sự hy sinh của họ. Qua tìm hiểu, anh được biết ở Việt Nam, cảnh sát PCCC gồm: PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH) - một bộ phận trực thuộc công an nhân dân nước ta. Lực lượng này có nhiệm vụ quản lý, tổ chức, chỉ đạo và thực hiện công tác PCCC, CNCH trên toàn quốc; góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Được sự tư vấn và định hướng của gia đình, anh quyết tâm đi theo nghề này và thi đỗ vào trường Đại học PCCC.
Theo anh Nhất Linh, hiện anh đã có 7 năm trong nghề và 5 năm học tập, rèn luyện tại trường ĐH PCCC. Thời sinh viên, anh sống trong ký túc xá với môi trường kỷ luật nghiêm ngặt; thời gian học tập, sinh hoạt phải đúng giờ. Để trở thành một người lính cứu hỏa, anh phải trải qua khóa huấn luyện về chiến thuật chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, cách thoát nạn, thoát hiểm, giữ bình tĩnh trước những tình huống hiểm nguy; các bộ môn về kỹ thuật như: ô tô, máy bơm; về tự động hóa như: báo cháy tự động, chữa cháy tự động… Bên cạnh công tác chữa cháy, một nhiệm vụ quan trọng khác là phòng cháy. Do vậy, anh được học thêm các môn về tuyên truyền PCCC, kiểm tra an toàn PCCC, điều tra nguyên nhân vụ cháy… Ngoài ra, vì cảnh sát PCCC là một ngành thuộc công an nhân dân nên không thể thiếu các môn cơ sở ngành, luật, võ thuật, bắn súng…
7 năm trong nghề nên anh Nhất Linh có rất nhiều kỷ niệm. Anh nhớ như in lần đầu tiên tham gia chữa cháy. Anh kể rằng: “Lần đầu được ngồi trên xe chữa cháy, thấy ánh đèn xoay trên xe, nghe tiếng còi hú, âm thanh phát ra từ bộ đàm…, mình thấy mọi thứ giống như trên phim nhưng lần ấy, mình là một diễn viên chính. Quả thực khi đó, mình không khỏi hồi hộp, lo lắng. Lúc đến đám cháy, thấy mọi người chạy ra, còn tụi mình chạy vào, trực tiếp đối diện với sức nóng của ngọn lửa, với khói khí độc thì mình mới nhận thấy, công việc này nguy hiểm và vất vả đến nhường nào. Tuy nhiên, khi dập tắt xong đám cháy và được người dân cảm ơn hết lời, dù mặt mũi nhem nhuốc vì khói nhưng mình không thấy mệt và dâng tràn niềm hãnh diện, tự hào về nghề nghiệp”.
Anh Nhất Linh cũng không thể quên lần chữa cháy ở chùa Tảo Sách, Tây Hồ. Khi các anh đang triển khai lực lượng, phương tiện thì gian chùa bị cháy bất ngờ sập xuống, khiến một số đồng nghiệp bị thương; thậm chí có đồng chí bị đá đè lên người. Nhưng mọi người vẫn không lùi bước. Toàn đội vừa tổ chức chữa cháy vừa di chuyển các đồng chí bị thương ra vị trí an toàn để đưa đi cấp cứu. Khó khăn, vất vả, nguy hiểm là vậy nhưng chưa khi nào anh Nhất Linh nghĩ tới chuyện từ bỏ công việc này. Bởi theo anh, không gì tuyệt vời hơn việc mình được làm nghề nghiệp mơ ước và được sống trọn với đam mê.
Anh Nhất Linh cho biết, người lính cứu hỏa phải hội tụ đủ trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tế. Thứ hai là phải có đạo đức nghề nghiệp. Muốn như vậy, mình phải nhận thức rõ, cứu hỏa là một nghề thực sự và cảm thấy tự hào, yêu công việc đang làm. Bên cạnh đó, phải thường xuyên trau dồi kiến thức, rèn luyện học tập để nâng cao năng lực công tác và phẩm chất đạo đức.
Chia sẻ về những điều lưu ý khi xử lý một vụ hỏa hoạn, anh Nhất Linh nói: “Có ba điều cơ bản nhất cần để tâm là: bình tĩnh, quyết đoán và sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Bạn phải bình tĩnh thì mới có thể đưa ra các phương pháp chữa cháy, cứu người tối ưu nhất. Khi triển khai các biện pháp, phải quyết đoán bởi không có thời gian cho sự do dự. Hơn nữa, trong công tác chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn thì thời gian là vàng bạc. Những sự nguy hiểm trong quá trình làm việc có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Nhưng người lính cứu hỏa phải chấp nhận điều đó vì công việc này đem lại hạnh phúc cho nhiều người”.
Anh Nhất Linh “bật mí” thêm, các MCer muốn theo đuổi nghề cảnh sát PCCC phải xác định tâm lý và có sự định hướng ngay từ bây giờ. Vì đây là nghề vất vả, nguy hiểm, đòi hỏi hy sinh, thậm chí thời gian ở đơn vị nhiều hơn ở nhà. Ngoài ra, trường ĐH PCCC có điểm đầu vào tương đối cao nên các bạn phải cố gắng học tập rất nhiều. Bên cạnh đó, thể lực cũng đóng vai trò quan trọng. Để có thể vượt qua vòng sơ tuyển sức khỏe của trường, anh Nhất Linh khuyên các “cư dân” MC hãy nhớ chăm chỉ luyện tập thể thao và ăn uống điều độ.
Marie Curie - một thời để nhớ
Khi nhắc về MC, anh Nhất Linh không khỏi bồi hồi. Anh bảo, từ thời ấy, MC đã là một trong những trường dân lập tốt nhất Hà Nội. Trường không chỉ dạy học tốt mà còn tạo điều kiện cho học sinh tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa bổ ích. Anh và cả bố mẹ đều tin rằng, khi học tại đây, anh sẽ có cơ hội phát triển bản thân, từ kiến thức đến các kỹ năng mềm. Thế nên, anh đã quyết tâm thi đỗ vào trường.
Đúng như mong ước của anh và gia đình, khi vào học MC, anh được tham gia rất nhiều hoạt động. Anh nhớ lần trường tổ chức đi dã ngoại đền Gióng một ngày. Chẳng may hôm đó trời mưa, cô trò đã thi nhau dọn dẹp và dựng lều trại, tuy bị bẩn nhưng ai cũng rất vui. Buổi tối, cả lớp đốt lửa trại, cùng nhau nhảy múa.
Với anh Nhất Linh, thời gian theo học MC đã giúp thay đổi bản thân rất nhiều. Anh có ý thức học tập, tinh thần trách nhiệm hơn và trở nên nhanh nhẹn, tháo vát hơn. Cũng nhờ MC, anh thấy mình tự tin hơn hẳn vì được tham gia nhiều chương trình ngoại khóa bổ ích. Anh chia sẻ thêm: “MC đã cho mình những bài học quý về tình bạn. Hồi học cấp hai, tụi mình học bán trú nên có rất nhiều kỷ niệm. Cái tuổi “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” nghịch ngợm nhưng rất thương yêu, đùm bọc và đoàn kết với nhau. Nhớ lúc chia tay, bạn nào cũng bịn rịn, khóc như mưa. Rồi cả thầy cô ở MC nữa, ai cũng tận tâm và yêu thương học trò như con. Mình nhớ nhất cô Thanh Xuân, giáo viên chủ nhiệm năm lớp 6, 7. Cô sống tình cảm và rất quan tâm đến lớp. Có lẽ tụi mình là lớp khiến cô phải khóc nhiều nhất vì quá nghịch. Mình thực sự biết ơn cô và quãng thời gian học tập ở MC đã giúp mình khôn lớn, trưởng thành như hôm nay”.