Chuyện thú vị về những cuộc họp CMHS

“Cách thức tổ chức buổi họp đầy sáng tạo của thầy cô đã làm chúng tôi thay đổi suy nghĩ. Không còn là những báo cáo dài dòng về thành tích hay vấn đề tài chính, những cuộc gặp mặt ấy đều diễn ra vui vẻ, ngắn gọn và thiết thực”, đó là chia sẻ của các ông bố, bà mẹ về những cuộc họp CMHS ở MC. 

Thầy cô tổ chức hoạt động ý nghĩa

Cô Nguyễn Tuyền (GVCN 1P4) quan niệm, cuộc họp CMHS là cơ hội quý, giúp giáo viên và các bậc cha mẹ gặp mặt, trao đổi trực tiếp để phối hợp ăn ý trong việc nuôi dạy con cái. Do đó, trước mỗi buổi họp, cô luôn tổng hợp thông tin chi tiết về tình hình chung của lớp, đặc điểm riêng của từng học sinh để chia sẻ kỹ lưỡng nhất tới CMHS. Bên cạnh những nhận xét về học tập, rèn luyện, cô còn chuẩn bị thêm hình ảnh, clip, mẩu chuyện đáng yêu của các con. Cô cho biết: “Tôi thường làm những clip ngắn mà trong đó, các con là nhân vật chính, nói lên suy nghĩ về vấn đề nào đó hoặc thổ lộ tâm sự với bố mẹ. Bởi vậy, thay vì lo lắng bị kể tội, các con rất hào hứng tham gia chia sẻ để bố mẹ thấu hiểu mình hơn. Tôi còn lồng ghép hoạt động đọc thư và hồi đáp cho các bố mẹ. Bởi hình thức viết thư tay để lại rất nhiều cảm xúc. Trước hôm họp CMHS, các con sẽ nắn nót viết lời cảm ơn, kể cho bố mẹ về những điều làm được hay nhắn nhủ lời hứa cố gắng hơn. Lúc nhận thư, các bố mẹ rất xúc động. Sau khi đọc xong, các bố mẹ sẽ ngồi tại chính bàn học của con để viết thư khen ngợi, động viên. Sáng hôm sau tới lớp, các con đều bất ngờ, chăm chú đọc thư của bố mẹ và cười tủm tỉm, khoe với bạn bè”.

Cô Nguyễn Tuyền

Không chỉ góp mặt trong clip mà ở các buổi họp, MCer còn biểu diễn những tiết mục văn nghệ đặc sắc cho bố mẹ xem. Nhờ vậy, không khí cuộc họp trở nên rất hứng khởi; các bố mẹ cũng hiểu thêm về con, bạn bè của con. Quả thật, những hoạt động đó như một gia vị khiến buổi họp trở nên đáng nhớ hơn. Không nặng nề tính hình thức hay những báo cáo khô khan, đó thực sự là cuộc gặp gỡ vui vẻ giữa giáo viên và CMHS. Với cô Nguyễn Tuyền, buổi họp CMHS cuối năm học 2019 - 2020 để lại nhiều ấn tượng nhất. “Hôm đó, tôi nhớ mãi khoảnh khắc xem video về những hình ảnh trong năm học đầu tiên của các con; từ sự non nớt khi mới vào trường đến sự trưởng thành khi kết thúc lớp 1. Những tâm sự, nhắn nhủ của các con đã được Bảo An thay mặt cả lớp, bày tỏ trong clip. Những lời nói ngây thơ, trong sáng ấy khiến không khí cuộc họp chùng xuống, tất cả bố mẹ rất cảm động. Các mẹ đã khóc và nói rằng, năm học đầu tiên của các con trôi qua thật nhẹ nhàng và vui vẻ, khiến họ rất vui mừng, hạnh phúc. Ngay sau đó là những lời cảm ơn của bố mẹ dành cho tôi. Chính tôi cũng không kìm được cảm xúc. Tôi khóc vì một năm học thành công, vì các con đã khôn lớn, vì nhận được quá nhiều tình cảm của CMHS”, cô Nguyễn Tuyền nhớ lại.

Cô Hải Vân

Cô Hải Vân (GVCN 1P1) cũng rất chú trọng những buổi họp CMHS khối 1. Cô cho biết: “Với các con lớp 1, việc làm quen môi trường mới, cô giáo mới, bạn bè mới, nề nếp học mới là điều không dễ dàng. Vì vậy, chuyện các bố mẹ lo lắng là điều không tránh khỏi. Do đó, cuộc họp CMHS đầu năm rất quan trọng. Nếu giáo viên thống nhất được với cha mẹ về cách chăm sóc, dạy dỗ các con, các quy tắc trong lớp học, cũng như tháo gỡ hết những băn khoăn của họ thì “chuyến đò” năm đó sẽ thành công”.

Cô Hải Vân luôn chuẩn bị công tác họp đầu năm rất chu đáo và cẩn thận, từ trang phục đến không gian lớp học. Bởi cô mong muốn CMHS có ấn tượng tốt đẹp và cảm giác thoải mái khi bước vào lớp. Nhưng quan trọng hơn cả là nội dung, cách thức chia sẻ trong cuộc họp để CMHS nắm đầy đủ thông tin về lớp trong khoảng thời gian ngắn với không khí vui vẻ, thân thiện. “Trong buổi họp cuối năm, ngoài việc báo cáo tình hình của trường, lớp, tôi còn tổ chức trò chơi cho các cha mẹ tham gia. Ví dụ như trò “Tìm con”. Tôi sẽ nêu 3 từ chỉ đặc điểm của một học trò để họ đoán xem đâu là con mình. Qua đó, họ nhận ra cần quan tâm con hơn ở khía cạnh nào, cũng như hiểu hơn những sở thích mà trước đó, con chưa bộc lộ hay tâm sự”, cô Hải Vân kể.

Cô Thanh Hương

Với cô Thanh Hương (GVCN 4G), cuộc họp CMHS là buổi gặp mặt định kỳ, giúp cha mẹ hiểu hơn phương pháp giảng dạy của giáo viên, điều chỉnh phương pháp học tập của con để đạt kết quả tốt nhất; đồng thời là cầu nối gắn kết nhà trường, giáo viên với CMHS. Để không khí buổi họp sôi nổi, tránh nhàm chán, rập khuôn thuyết trình và vấn đáp đơn điệu, cô luôn cố gắng mang đến sự mới mẻ, sáng tạo.

Cô nhớ như in buổi họp CMHS lớp 5M2 do cô chủ nhiệm vào cuối học kỳ I năm ngoái. Cô kể: “Lần ấy, tôi chuẩn bị kịch bản rồi giao cho học sinh dẫn chương trình. Minh Khuê làm MC của “Bản tin thời sự 5M2”, báo cáo tình hình học tập, rèn luyện; sau đó mời bố mẹ tham gia bình chọn “WeChoice Awards - Sự kiện truyền cảm hứng 5M2”. Lần lượt 5 sự kiện tiêu biểu được đánh số từ 01 đến 05 được trình chiếu trong clip (giải Nhất kéo co, giải Nhì bóng rổ nữ, giải Triển vọng Hội diễn văn nghệ, danh hiệu Tập thể tiêu biểu khối 5, lớp “ăn chơi” nhất khối 5). Đây là cách cô trò chúng tôi vừa khoe khéo thành tích vừa lồng ghép những khoảnh khắc đáng nhớ của lớp. CMHS nhắn tin bình chọn theo cú pháp 5M2_X_Y (trong đó: 5M2 là mã chương trình, X là mã số bình chọn, Y là số người có cùng bình chọn) rồi gửi về tổng đài 1900100biết, cước phí 2009 đồng/tin nhắn (2009 là năm sinh của các con). Tiếp nối “Bản tin thời sự 5M2”, Bảo Anh tổ chức trò chơi ô chữ cho các bố mẹ. Nhiệm vụ của CMHS là lần lượt mở từng ô hàng ngang với nội dung xoay quanh các hoạt động tiêu biểu trong học kỳ 2 (kéo Co - giẢi bóng rổ - trắc nghiệM - ba mưƠi hai - toáN) để mở ra từ khoá ở ô hàng dọc (CẢM ƠN). Sau đó, các con nói lời cảm ơn cha mẹ và thầy cô. Lúc này, tôi xuất hiện, cảm ơn toàn thể cha mẹ và học sinh. Đi họp mà vừa xem thời sự vừa tham gia bình chọn, lại được chơi game nên các bố mẹ rất hào hứng, thích thú. Phần còn lại của buổi họp, tôi tổng hợp kết quả học tập, rèn luyện của lớp trong học kỳ vừa qua; giới thiệu các hoạt động trong học kỳ tới và giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của CMHS”.

Với mong muốn buổi họp không căng thẳng, đơn điệu nên cuối năm học, cô đã mời CMHS lên dẫn chương trình. Nhờ thế, cuộc họp càng thêm thú vị và hấp dẫn.

… bố mẹ tích cực tham gia

Chú Hồng Hà (bố của Hằng Anh, 12G1 và Hà Anh, 6I2) vô cùng ấn tượng với những cuộc họp CMHS ở trường Marie Curie. Chú bảo: “Từ khi con đi học, vợ tôi thường đi họp CMHS. Thú thực, tôi từng không đặt ưu tiên cho việc này vì cứ nghĩ, đây là những buổi báo cáo thành tích của giáo viên và nhà trường. Tuy nhiên, năm học 2019 - 2020, do vợ đi công tác nên tôi có dịp tham dự buổi họp ở lớp 5M2 và tôi đã phải thay đổi quan niệm”.

Chú cho biết, buổi gặp mặt ấy không có những báo cáo thành tích dài dòng, những trao đổi khô khan. Thay vào đó là những thông tin thiết thực như: kế hoạch chi tiết của năm học mới, những nội dung mà giáo viên và cha mẹ cần đồng hành trong năm cuối cấp, những hỗ trợ thiết thực của nhà trường và cả những lời tư vấn của giáo viên... Hơn nữa, cách thức tổ chức buổi họp tạo nên nhiều ấn tượng tốt. Học sinh là người dẫn chương trình, theo đúng tinh thần lấy học trò làm trung tâm. Ngoài ra, chú rất ấn tượng với sự hỗ trợ chu đáo, tận tình của các bộ phận trong trường khi tổ chức buổi họp; từ việc sắp xếp nơi để xe của CMHS đến bố trí không gian vui chơi an toàn cho các con theo bố mẹ đi họp…

Chú cho rằng, những cuộc họp CMHS ở MC mang nhiều ý nghĩa, không chỉ với học sinh mà cả cha mẹ và thầy cô. Vì đây là những cuộc họp đúng nghĩa. “Cha mẹ có cơ hội hiểu về ngôi trường mà con theo học, về chương trình học của con. Hơn nữa, cha mẹ được tham vấn chuyên môn, từ đó có sự đồng hành tốt hơn với con. Đây cũng là cơ hội gắn kết các bố mẹ với nhau, là cơ sở tạo nên một tập thể vững mạnh. Tôi đi họp và chứng kiến các cháu đi theo với tâm trạng đầy hào hứng. Nhiều lớp họp với sự tham gia chính thức của học sinh: dẫn chương trình, đóng góp các tiết mục văn nghệ… Các cháu xem đó là cơ hội làm “sứ giả” để giới thiệu trường tới bố mẹ một cách đầy tự hào. Với giáo viên, họp CMHS là dịp để chia sẻ, trao đổi thông tin và có thêm góc nhìn khác về mỗi học sinh, từ đó thực hiện tốt hơn công tác chủ nhiệm”, chú Hồng Hà bày tỏ.

Mỗi lần tham gia họp CMHS là một lần cô Thu Hằng (mẹ của Trung Lâm, 2P4) được trải qua những cảm xúc đáng nhớ. Cô nhớ buổi gặp gỡ thân mật giữa giáo viên và các bố mẹ đầu năm học 2019 - 2020. Bằng giọng nói dịu dàng, tác phong nhanh nhẹn cùng chương trình họp sôi nổi, cô Nguyễn Tuyền đã giúp các bố mẹ xích lại gần nhau, trở thành tập thể CMHS P4 đoàn kết. Đợt nghỉ dịch Covid-19, không họp được trực tiếp, cô chủ nhiệm cùng các bố mẹ đã họp online. Các thông tin về tình hình trường, lớp vẫn được cập nhật, chia sẻ thường xuyên. Đến cuối năm học, khi được trở lại trường và kết thúc năm học, các bố mẹ cũng đã có buổi họp tổng kết đầy xúc động.

Cô Thu Hà (mẹ của Duy Anh, CHS G2, 16 - 20) không thể quên những lần đi họp CMHS. Cô bảo: “Họp xong, mọi người thường khoe về thành tích học tập của con. Nhưng mình chỉ muốn khoe cô giáo và những câu chuyện xúc động trong buổi họp. Với tình yêu học trò cháy bỏng và sự tinh tế trong cách ứng xử, cô chủ nhiệm Thái Lê luôn khiến các bố mẹ phải nhìn lại cách giáo dục con cái. Trong cuộc họp, cô tâm sự chuyện của các con theo cách của một người bạn lớn. Cô tế nhị tiết lộ một số điều thầm kín của cô trò nhưng đủ khiến các bậc cha mẹ phải suy ngẫm. Quả thực, mình từng tham dự nhiều buổi họp CMHS nhưng chưa nơi nào tổ chức quy củ, ý nghĩa như ở trường Marie Curie”. 

Buổi họp cha mẹ học sinh “kỳ lạ”

Tôi đã tham dự buổi họp CMHS nhân dịp sơ kết học kỳ I, năm học 2011 - 2012 ở trường Marie Curie với những cảm xúc khó tả.

Cô chủ nhiệm bước vào lớp; các ông bố, bà mẹ không ai bảo ai, cùng đứng dậy chào. Sau một thoáng bỡ ngỡ, cô mỉm cười, thong thả nói về chuyện trường lớp, chuyện học hành, chuyện chơi của những cô, cậu học sinh bắt đầu bước vào tuổi ẩm ương.

Một vị CMHS rơm rớm nước mắt, giơ tay xin phát biểu. Chị nói: “Trong số các vị đến đây, có lẽ tôi là người mong cuộc họp này nhất. Bởi bây giờ, tôi mới có cơ hội nói lời cảm ơn tới các vị vì đã sinh ra những đứa con làm tôi hết sức ngưỡng mộ. Đó là những người bạn tuyệt vời của con trai tôi, đã giúp cháu vượt qua giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời”.

Chị là mẹ của cháu Cường- một học sinh ham học và học giỏi. Trước đó, cháu trải qua cuộc đại phẫu, phải nằm bất động điều trị dài ngày ở nhà. Bố mẹ của Cường đã nghĩ tới khả năng bảo lưu kết quả học tập một năm cho con vì lý do sức khỏe. Thế nhưng sau mỗi buổi học, các bạn cùng lớp đã chủ động thay phiên nhau mang vở ghi bài giảng đến cho Cường. Mặc dù cô giáo cho phép cháu không phải chép lại bài, có thể dùng bản photocopy nhưng Cường kiên quyết từ chối sự ưu tiên ấy. Cháu gắng gượng chép từng bài một, lúc nào mệt quá thì nhờ bố mẹ chép hộ.

Khi có thể di chuyển bằng xe lăn, Cường nằng nặc đòi đi học. Mẹ của Cường kể tiếp: “Đưa con vào lớp, tôi lo thắt ruột. Cả ngày hôm ấy, tôi chẳng làm được việc gì ra hồn, chỉ mong hết giờ đến đón con. Khi nhìn thấy ánh mắt hân hoan sáng bừng trên gương mặt xanh xao của con, tôi òa khóc vì biết mọi chuyện đã tốt đẹp”.

Trong suốt thời gian ở lớp, các bạn phân công nhau giúp đỡ Cường; từ chiếc bút, quyển vở đến cốc nước, bát cơm. Giờ ra chơi, một bạn hiếu động nhất lớp còn tự nguyện đứng chắn trước mặt Cường để tránh việc các bạn khác đùa nghịch, có thể va phải, làm Cường bị đau. Điều đáng nói là tổng kết học kỳ I, Cường vẫn đạt danh hiệu G1T1, đứng đầu lớp với điểm trung bình 9,6. Cháu còn là thành viên đội tuyển HSG môn Văn của khối.

Cô chủ nhiệm kể lại: “Nét đáng yêu đặc biệt của học sinh lớp ta là tinh thần đồng đội. Thường khi có học sinh nào bị điểm kém, các thầy cô sẽ giao thêm bài để các con có cơ hội gỡ điểm. Ở cái tuổi còn ganh đua, tôi đã gặp trường hợp các em đố kỵ nhau vì bạn được điểm cao. Thế nhưng ở lớp này, mỗi khi có bạn nào gỡ được điểm, cả lớp đồng loạt vỗ tay chúc mừng”.

Tôi lắng nghe và tự hỏi, không lẽ nét đáng yêu này tự dưng mà có? Nhưng khi nghe cô giáo nói về trường hợp của cháu Lan thì tôi đã hiểu. Cô kể: “Lan là một học sinh khỏe mạnh, sôi nổi, thể hình tốt nhưng hay chành chọe với bạn. Khi lớp thành lập đội bóng rổ, Lan thích lắm, xin tham gia. Nhưng sau khi suy nghĩ, tôi đã từ chối. Tôi bảo: “Cô biết con có thể chơi tốt nhưng con chưa hòa đồng với các bạn. Hơn nữa, đây lại là môn thể thao mang tính đồng đội”. Lan buồn lắm! Hôm sau, em và một số bạn trong đội bóng lên gặp tôi, hứa sẽ sửa khuyết điểm, miễn là được vào đội. Đến lúc ấy, tôi mới đồng ý. Kết quả, đội bóng nữ của lớp đoạt giải Nhất toàn trường, còn Lan thi đấu xuất sắc. Buổi liên hoan đội bóng, Lan gặp tôi, chỉ hỏi đi, hỏi lại một câu: “Cô ơi, con đã ngoan hơn chưa ạ?”. Tôi ôm chặt lấy em, muốn ứa nước mắt”.

Đến lượt một ông bố xin phát biểu: “Vừa rồi, mẹ của cháu Cường đã nói lời cảm ơn tới các vị. Còn tôi muốn xin lỗi các vị. Cháu Thắng nhà tôi hiếu động nên có thể đã làm tổn thương con của các vị…”. Lập tức, mọi người động viên: “Trẻ con ấy mà!” “Thắng chính là cậu bé đứng chắn trước mặt cháu Cường nhà tôi để bảo vệ bạn đấy!”...

Kết thúc buổi họp, hội CMHS xin phép cô giáo được họp riêng về vấn đề tài chính. Cô chủ nhiệm nói: “Tuy buổi họp chính thức đã xong nhưng tôi xin tham dự tiếp, được không ạ? Bởi các vị bàn về việc của học sinh ngay trong lớp của các con nên cô chủ nhiệm không thể không biết”. Điều cô giáo muốn lưu ý chúng tôi là chấp hành nghiêm chỉ thị của Bộ GD&ĐT về sử dụng Quỹ hội CMHS đúng mục đích; tránh những hiểu lầm, dư luận không hay…

Nhìn từ một buổi họp CMHS cuối năm, có thể chưa đầy đủ nhưng thêm một lần giúp chúng ta nhận thấy, rất cần sự phối hợp, sẻ chia, thấu hiểu giữa gia đình và nhà trường; cộng với phương pháp giáo dục phù hợp lứa tuổi, giới tính, thời đại và một môi trường nhân ái, lành mạnh để giúp các cây con lớn lên an toàn, tỏa bóng mát.

HỮU VIỆT

(Đăng trên Vietnamnet, ngày 13/2/2012)

 

21

Tháng 11/2024

SÔI NỔI HOẠT ĐỘNG VĂN NGHỆ CHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM

SÔI NỔI HOẠT ĐỘNG VĂN NGHỆ CHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM

SÔI NỔI HOẠT ĐỘNG VĂN NGHỆ CHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM

Thứ năm, 21 Tháng 11 2024 08:17 Viết bởi TRUONG MARIE
Hòa chung không khí hân hoan của cả nước hướng tới kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, tại hệ thống giáo dục Marie Curie, Hội diễn văn nghệ lần thứ 32 diễn ra sôi nổi với gần 240 tiết mục từ các lớp mầm non đến THPT. Chương trình này cũng là cơ hội để các MCer, thầy cô và bố mẹ được toả sáng trên sân khấu lung linh.
Xem thêm

21

Tháng 11/2024

LỄ TRAO GIẢI HDVN32: ẤN TƯỢNG KHÓ QUÊN

LỄ TRAO GIẢI HDVN32: ẤN TƯỢNG KHÓ QUÊN

LỄ TRAO GIẢI HDVN32: ẤN TƯỢNG KHÓ QUÊN

Thứ năm, 21 Tháng 11 2024 08:10 Viết bởi TRUONG MARIE
Sáng 20/11, tại nhà hát Thăng Long - cơ sở Việt Hưng đã diễn ra chương trình tranh giải Đặc biệt và vinh danh các tập thể xuất sắc nhất Hội diễn văn nghệ lần thứ 32.
Xem thêm

20

Tháng 11/2024

MỘT NGƯỜI THẦY TRÂN QUÝ

MỘT NGƯỜI THẦY TRÂN QUÝ

MỘT NGƯỜI THẦY TRÂN QUÝ

Thứ tư, 20 Tháng 11 2024 15:26 Viết bởi TRUONG MARIE
Mang trong mình nhiệt huyết và đạo đức của nghề giáo, trong suốt 30 năm làm nghề, thầy Nguyễn Xuân Khang – Chủ tịch Hệ thống giáo dục Marie Cuire Hà Nội đã là người gieo mầm xanh của sự tử tế vào tâm hồn của biết bao thế hệ học sinh.
Xem thêm

20

Tháng 11/2024

CHUNG KHẢO HDVN32 K89-MĐ: TRÂN TRỌNG TỪNG KHOẢNH KHẮC BÊN NHAU

CHUNG KHẢO HDVN32 K89-MĐ: TRÂN TRỌNG TỪNG KHOẢNH KHẮC BÊN NHAU

CHUNG KHẢO HDVN32 K89-MĐ: TRÂN TRỌNG TỪNG KHOẢNH KHẮC BÊN NHAU

Thứ tư, 20 Tháng 11 2024 09:07 Viết bởi TRUONG MARIE
Những thước phim quay chậm trên sân khấu MC đã mang tới cho người xem cảm nhận sâu sắc hơn về ý niệm thời gian. Thông qua 26 tiết mục ý nghĩa, các MCer khối 8, 9 - Mỹ Đình đã lan tỏa thông điệp “Đừng bao giờ để đến ngày mai những việc có thể làm hôm nay!”.
Xem thêm

19

Tháng 11/2024

CHUNG KHẢO HDVN 32 THPT-VP: ĐÊM DIỄN VỚI NHIỀU DẤU ẤN RỰC RỠ

CHUNG KHẢO HDVN 32 THPT-VP: ĐÊM DIỄN VỚI NHIỀU DẤU ẤN RỰC RỠ

CHUNG KHẢO HDVN 32 THPT-VP: ĐÊM DIỄN VỚI NHIỀU DẤU ẤN RỰC RỠ

Thứ ba, 19 Tháng 11 2024 14:59 Viết bởi TRUONG MARIE
Tối 16/11, Chung khảo khối THPT - Văn Phú đã đưa mọi người trải qua nhiều cung bậc cảm xúc: từ háo hức, chờ đợi, lắng đọng khi từng lời ca, giai điệu được vang lên cho đến bồi hồi, suy ngẫm về hai chữ “Thời gian”.
Xem thêm