Đối với MCer, mẹ chính là những nghệ sỹ thực thụ trong căn bếp nhỏ của gia đình. Không chỉ ngưỡng mộ, các bạn còn rất hạnh phúc khi được mẹ truyền cho đam mê nấu những món ăn ngon.
Mẹ của các bạn đã học nấu ăn như thế nào?
Nguyệt Linh (6G2): Khi bằng tuổi tớ, mẹ bắt đầu học từ bà ngoại. Bà hướng dẫn mẹ cách nấu những món đơn giản. Ngày ấy không có bếp ga, bếp từ như bây giờ; bếp được nhóm bằng bất kỳ vật liệu gì có thể cháy như: lá, củi, trấu… Đó là những kỷ niệm về một thời gian khó nhưng đầy niềm vui và hạnh phúc của mẹ.
Mẹ bảo không có năng khiếu nấu nướng. Nhưng từ khi có tớ, mẹ thấy mình nên biết nấu đa dạng các món để dạy lại tớ. Thế là mẹ quyết định đi học nấu ăn, làm bánh và đồ tráng miệng. Niềm hạnh phúc lúc vào bếp của mẹ là khi tớ cùng tham gia chế biến những món ăn ngon, được bày biện đẹp.
Khánh Ngọc (6I1): “Người ta luôn nói rằng tôi ham ăn/ Vì trong lòng tôi thật ra rất yêu những mâm cơm mẹ nấu/ Mẹ đi chợ xa thật xa lúc hai bố con vẫn say giấc/ Mồ hôi mẹ rơi trong bếp vì tôi”. Mỗi khi nghe bài hát “Chiếc bụng đói” yêu thích, trong đầu tớ lại hiện lên hình ảnh bữa cơm gia đình đầm ấm.
Thuở bé, mẹ tớ đã tập làm nội trợ. Vì ông bà ngoại bận đi làm nên hàng ngày sau giờ học, mẹ đảm nhận việc nấu cơm. Thời đó nấu bằng bếp than rất nóng, lại không có nồi cơm điện như giờ nên cơm dễ bị khê. Bà ngoại đã kiên nhẫn dạy mẹ cách chỉnh lửa để có nồi cơm ngon, cũng như nấu những món ăn đơn giản. Khi mẹ học cấp 3, bà giao những nhiệm vụ khó hơn, chẳng hạn như làm mâm cơm đãi khách. Mẹ rất vui khi bạn bè của ông bà khen nấu ăn ngon. Niềm đam mê nấu nướng của mẹ được bắt đầu từ đó. Dần dần, mẹ tìm đọc các cuốn sách về ẩm thực để có thể chế biến những món ngon hơn, phức tạp hơn.
Lê Minh (6I2): Bà ngoại tớ rất khéo tay. Bất kỳ món ăn truyền thống nào, bà cũng nấu rất ngon. Niềm yêu thích vào bếp của mẹ tớ có ảnh hưởng rất lớn từ bà. Do ông bà đi làm cả ngày, mẹ lại là con cả nên từ lúc tám tuổi, mẹ đã biết nấu ăn. Nhưng niềm hứng khởi và đam mê tìm tòi công thức nấu nướng thực sự bắt đầu từ khi mẹ đi làm, có cơ hội thưởng thức những món ăn mới lạ của nhiều nước. Khi Internet chưa phát triển, bằng vị giác, mẹ đã thích thú tìm hiểu các món mới, vừa ăn vừa đoán thành phần để về mày mò tìm kiếm nguyên liệu nấu cho cả nhà ăn. Mẹ rất hạnh phúc khi thấy mọi người vui vẻ thưởng thức. Tất nhiên có đôi lần thất bại nhưng mẹ vẫn kiên trì làm lại đến khi được như ý mới thôi.
Nam Cường (6I2), Thảo Linh (5I): Mẹ tớ biết nấu các món ăn cơ bản bằng bếp củi từ khi học lớp 1. Nhưng mẹ thực sự đam mê và giỏi nấu nướng là khi học năm cuối đại học, sống xa gia đình và phải tự lập. Mẹ nói, khi nấu những món tâm đắc hoặc mới toanh, mẹ thấy vui sướng trong lòng. Mẹ yêu tiếng cười vui vẻ, hạnh phúc của cả nhà lúc thưởng thức bữa cơm do mình nấu.
Mẹ của các bạn thường cập nhật món ăn mới bằng cách nào? “Món tủ” của mẹ là gì?
Nguyệt Linh: Mẹ thường xuyên tìm công thức trên mạng Internet; khi biết được một món ăn thú vị, mẹ và tớ lại chia sẻ rồi cùng làm. Cả hai còn thường đi mua sách dạy làm bánh, đồ tráng miệng. Thấy hứng thú với món nào, hai mẹ con sẽ đi mua nguyên liệu để làm rồi thưởng thức. “Món tủ” của mẹ con tớ là những món tráng miệng như: bánh ga tô, bánh mousse, caramel, sữa chua, thạch, kem trái cây và sinh tố.
Khánh Ngọc: Mẹ nấu được rất nhiều món mà tớ thích. Mỗi lần đi ăn nhà hàng và thưởng thức một món mới, mẹ đều tìm hiểu rất kỹ hương vị, sau đó tìm kiếm công thức trên Google, YouTube để nghiên cứu rồi nấu thử. Những món ăn mới thường được mẹ cải biên một chút để hợp khẩu vị của gia đình. Cả nhà rất thích đồ ăn do mẹ làm.
Sinh ra và lớn lên ở đất Cảng nên mẹ nấu các món ăn Hải Phòng ngon tuyệt. Tớ rất thích bánh đa cua, nem cua bể, bún tôm mà mẹ nấu; bố tớ lại thích chả rươi, lẩu cá khoai. Không chỉ vậy, mẹ còn biết nấu đồ ăn Tây và làm bánh nữa.
Lê Minh: Để cả nhà thường xuyên được đổi vị, mẹ hay đọc sách, tham khảo các trang web và kênh YouTube về nấu ăn, làm bánh. Tuy nhiên, cách cập nhật quen thuộc nhất là khi mẹ đi ăn tiệc, ăn tiệm. Thấy hợp khẩu vị của gia đình, mẹ sẽ vừa ăn vừa ngẫm xem thành phần gồm những gì rồi về tham khảo thêm trên mạng Internet để nấu cho cả nhà thưởng thức. Tớ thích nhiều món ăn do mẹ nấu lắm, nhất là hàu nướng. Với tớ, mẹ luôn là “siêu đầu bếp”.
Nam Cường, Thảo Linh: Khi có thời gian, mẹ thường tìm hiểu món ăn mới, tốt cho sức khỏe qua Facebook, bạn bè hay bà ngoại, bà nội. Món nào ngon và dễ làm, mẹ sẽ rủ chúng tớ cùng vào bếp thực hành luôn. Mẹ nấu siêu ngon chả cá Lã Vọng. Món ăn ấy còn gắn liền với kỷ niệm của bố mẹ nữa. Lúc mới cưới, bố hay đưa mẹ đi ăn chả cá, mỗi lần “măm măm” xong đều thòm thèm nhưng lại không dám gọi thêm vì nó đắt đỏ. Thế là mẹ quyết tâm tập nấu cho bằng được. Đến giờ, khi được thưởng thức “món tủ” này của mẹ, ai cũng khen vị ngon giống ngoài hàng.
Cả nhà tớ rất thích các món nem nên mẹ đã mày mò học cách làm nem truyền thống, nem ốc, nem cá để đổi vị. Mùa hè, mẹ thường nấu những món canh mát, dễ ăn như: canh cua, canh chua, canh rau thập cẩm…, ngon ơi là ngon!
Tại sao các bạn lại thích vào bếp cùng mẹ? Các bạn vẫn nhớ lần đầu lóng ngóng hỗ trợ mẹ việc bếp núc chứ?
Nguyệt Linh: Tớ thích vào bếp cùng mẹ vì muốn ở gần mẹ và được tự tay làm đồ ăn. Hồi lớp 1, tớ giúp mẹ nhặt, rửa rau; cân nguyên liệu làm bánh; xay sinh tố… rồi dần dần có thể tự nấu những món ăn hay pha chế những thức uống phức tạp hơn. Thi thoảng tớ làm hỏng, mẹ luôn kiên nhẫn làm lại cùng tớ. Được trò chuyện với mẹ trong căn bếp của gia đình, tớ thấy vui lắm!
Kỳ nghỉ hè năm lớp 3, tớ vào bếp cùng mẹ nhiều hơn. Tớ rất thích được mẹ hướng dẫn làm thạch rau câu - cheese - coffee, một món không khó thực hiện nhưng lại cần nhiều thời gian cho các lớp thạch se bề mặt để có thể đổ chồng lên nhau. Giờ tớ và em trai có thể tự nhìn công thức và làm món này.
Khánh Ngọc: Niềm đam mê nấu ăn của mẹ được truyền sang tớ từ rất sớm. Hồi nhỏ, tớ có căn bếp nhỏ bằng đồ chơi của riêng mình. Lên năm tuổi, tớ thường quanh quẩn bên mẹ mỗi lúc mẹ vào bếp. Thế là mẹ bắt đầu nhờ tớ làm những việc vặt như: nhặt, rửa rau; lấy lọ gia vị. Có lần mẹ đang nấu canh mà phải nghe điện thoại, tớ liền nghĩ: “Đến lúc trổ tài rồi!” rồi đứng lên ghế, bắt chước mẹ nêm nếm gia vị cho nồi canh. Sau một hồi loay hoay với nước mắm, tớ khiến món canh mặn chát. Cuối cùng, mẹ phải đổ thêm nước đun lại thì mới có thể ăn được món canh ấy.
Từ khi vào Tiểu học, chiều nào, tớ cũng giúp mẹ nấu cơm. Khi mẹ đi làm về, tớ phụ mẹ làm việc vặt và kể cho mẹ nghe chuyện ở trường, lớp. Sau này nếu đi học xa nhà, tớ sẽ nhớ lắm những giây phút ấy.
Món ăn đầu tiên mẹ dạy tớ làm là bánh trôi, bánh chay lúc tớ năm tuổi. Vì tớ rất khoái đồ ngọt, lại thích chơi đất nặn nên mẹ đã chọn món ấy. Đến giờ, tớ vẫn nhớ hương vị của những chiếc bánh đầu tiên do mình tự làm, sự ngọt ngào của đường quyện với vị bùi bùi của đậu xanh nằm trong lớp vỏ bánh dẻo quánh, thơm thơm.
Lê Minh: Mỗi lần thấy mẹ vất vả vào bếp, tớ rất muốn phụ giúp để mang tới niềm vui cho mẹ. Lúc bảy tuổi, tớ thường giúp mẹ rửa chén, chuẩn bị dụng cụ, nhặt rau… Có lần mẹ dặn tớ trông nồi nhưng vì mải xem tivi nên tớ để nước trào ra ngoài, xém nữa là hỏng món ăn. “Bật mí” là tớ rất thích khoảnh khắc hai mẹ con vừa nấu vừa nói chuyện rất vui.
Lớn một chút, tớ phụ mẹ làm bánh. Tớ đảm nhận rây, nặn bột khi làm cookies, sau đó rửa dụng cụ.
Tớ bắt đầu nấu thành công một món ăn lúc 10 tuổi. Đó là nấm xào bơ kiểu Nhật. Món này cần khoảng 30 phút chế biến. Do nấm ra nhiều nước nên tớ phải canh bếp để chỉnh lửa; nếu không là sơ ý, làm cháy mất. Khi cả nhà ăn và khen ngon, tớ phổng mũi hãnh diện lắm!
Nam Cường: Tớ muốn học cách làm những món ngon để sau này nấu cho gia đình ăn, cũng như có thể tự lấp đầy “chiếc bụng đói” khi bố mẹ bận. Ban đầu vào bếp, tớ giúp mẹ xào thịt, rán đậu/nem, nấu mỳ Hàn. Những lần xào mì bị cháy hay lỡ tay cho quá nhiều dầu ăn là bài học quý, giúp tớ có kinh nghiệm nấu nướng hơn. Tớ thường mất 15 - 20 phút để làm một món. Khi nhìn thành phẩm, tớ thường nói: “Yeah, xong rồi!” và thấy vô cùng vui sướng.
Mỗi lần tớ nấu chưa ngon, mẹ luôn nhẹ nhàng góp ý và hướng dẫn lại cách làm. Mẹ còn chia sẻ với tớ những “bí kíp” nấu ăn và dặn hai anh em hạn chế ăn đường, đồ béo, mặn vì không tốt cho sức khỏe.
Thảo Linh: Tớ muốn học tập mẹ nấu những món ăn ngon để sau này không bỡ ngỡ trong cuộc sống. Từ lớp 3, tớ thường vào bếp, giúp mẹ nhặt, rửa rau và đánh, ốp trứng… Tớ vẫn nhớ lần đầu tiên rửa rau, rán trứng. Do tớ làm qua loa nên hôm đó, cả nhà ăn… toàn sạn; còn món trứng bị cháy và mặn chát. Tuy nhiên, không ai chê trách mà động viên tớ cố gắng hơn. Sau lần ấy, tớ rất tập trung khi làm bếp và thường tự nhủ: “Mình nhất định làm được!”. Tớ càng ngày càng được mẹ tin tưởng giao chuẩn bị bữa ăn cho cả nhà. Mỗi lần vào bếp, hai mẹ con lại hàn huyên về các món ăn và cách chế biến để cả gia đình có sức khỏe tốt và bữa ăn vừa ngon vừa an toàn.
Các bạn có thể kể về “món tủ” học được từ mẹ?
Nguyệt Linh: Đó là kem trái cây và tớ chưa lần nào làm thất bại cả. Tớ mất khoảng 30 phút để cho ra lò một mẻ kem.
Khánh Ngọc: Khi tớ lớn hơn một chút, mẹ bắt đầu dạy những món ăn đơn giản trong gia đình như: rau xào, canh rau, các món trứng. Tớ còn có thể tự chuẩn bị bữa xế cho hai chị em. Cũng như mẹ, ban đầu từ những điều nhỏ nhất, dần dần tớ có thể tự nấu những món khó hơn. Trong đó, tớ thích làm bánh quy nhất. Những chiếc bánh được tớ “biến tấu” thành nhiều hình thù bắt mắt. Việc làm bánh đòi hỏi cao sự kiên nhẫn. Có lần vì nóng vội mà tớ khiến mẻ bánh bị cháy. Hai mẹ con vừa xuýt xoa tiếc vừa nhắc nhau lần sau cần cẩn thận hơn. Đối với tớ, niềm vui lớn nhất khi làm bánh là được mọi người khen ngon và ủng hộ hết mình.
Lê Minh: Món tớ thích nhất là hàu nướng mỡ hành; còn món làm lâu nhất là bánh Opera. Hai mẹ con phải mất nhiều giờ mới làm và trang trí xong chiếc bánh nhiều lớp này. Chia sẻ thêm, mẹ con tớ từng thất bại khi thử món bánh mới như: để lửa to quá, làm cháy bánh; đánh whipping cream quá tay, trộn nguyên liệu kỹ quá khiến lúc nướng, bánh không phồng lên được.
Nam Cường: “Món tủ” của tớ là takoyaki, thịt băm, mỳ Hàn, sườn sốt chua ngọt và mỳ xào. Trong đó, takoyaki là món mà tớ mất cả tiếng để làm xong một mẻ bột và cho ra lò thành phẩm.
Theo các bạn, việc trang trí đóng vai trò như thế nào khi chế biến một món ăn?
Nguyệt Linh: Theo tớ, việc này đóng vai trò rất quan trọng vì nếu trang trí đẹp thì mình, cũng như người khác sẽ muốn ăn nhiều hơn.
Lê Minh: Một món ăn ngon không chỉ ở khẩu vị mà còn ở khâu trang trí. Điều này giúp đồ ăn trở nên hấp dẫn hơn, kích thích trí tò mò và mong muốn thưởng thức của mọi người.
Thảo Linh: Việc trang trí phải có ý tưởng trước trong đầu thì sau đó mới có thể dồn tâm huyết, đầu tư cách bày biện thì món ăn trông mới đẹp, hài hòa, hấp dẫn.
Nam Cường: Tớ thường trang trí các món bằng cách sắp xếp theo những hình thù ngộ nghĩnh, tươi vui, chẳng hạn như mặt cười… Tớ nhận thấy, việc nấu và trang trí món ăn chứa đựng rất nhiều tâm huyết của người đứng bếp. Nếu bàn ăn đặc sắc, mùi vị thơm ngon thì sẽ góp phần tạo nên không khí vui vẻ, giúp những người thưởng thức ngày càng gắn kết tình cảm hơn.
Các bạn có định theo nghề nấu ăn không? Thần tượng ở lĩnh vực này của các bạn là ai?
Nguyệt Linh: Tớ không có ý định theo nghề nấu ăn. Nhưng tớ muốn trở thành người nấu ăn giỏi để nấu cho mình và người thân những bữa ngon, tốt cho sức khỏe. Mẹ tớ nói, nấu ăn làm cho cuộc sống phong phú, nhiều màu sắc hơn và tớ cũng tin như vậy.
Khánh Ngọc: Với gia đình tớ, mẹ chính là “master chef” thực thụ bởi không có món ăn nào làm khó được mẹ. Khoảng thời gian tớ thích nhất trong ngày là bữa tối khi cả nhà quây quần “măm măm” những món ngon do mẹ nấu.
Tớ muốn trở thành một food blogger, đi vòng quanh thế giới và thưởng thức hương vị ẩm thực đặc trưng của nhiều quốc gia. Tớ rất thần tượng vua đầu bếp Gordon Ramsay, người Anh. Chú ấy đã truyền cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ, trong đó có tớ. Tớ còn học được từ chú nhiều điều. Ví dụ, ngoài việc chú trọng tới mùi vị, cách chế biến món ăn thì khâu trang trí cũng không kém phần quan trọng vì nó kích thích vị giác của người thưởng thức.
Lê Minh: Hiện tớ chưa định hình rõ sẽ làm gì trong tương lai. Nhưng có một điều chắc chắn là tớ luôn thích khoảng thời gian vào bếp với mẹ. Thấy mẹ vui khi có tớ giúp đỡ, tớ rất hạnh phúc. Mẹ luôn là “master chef” của riêng tớ.
Nam Cường, Thảo Linh: Tớ luôn thần tượng những “vua đầu bếp” của gia đình tớ. Đó chính là bà nội, ông bà ngoại và bố mẹ.