“Hàng ngày tới trường, được ngắm nhìn các con vui chơi dưới tán cây tỏa bóng mát hay thỏa chí cười đùa trong không gian xanh sạch, tôi cảm thấy rất mãn nguyện”, đó là chia sẻ của cô Trần Thị Thực (Nhân viên phòng Vận hành) khi được hỏi về công việc chăm sóc cây xanh ở MC.
Chăm cây như chăm con
Bất kỳ ai đến MC đều ấn tượng với không gian xanh nơi đây. Những khóm trúc reo vui vẫy gọi; những chậu hoa rung rinh khoe sắc; những hàng cây xòe tán, tỏa bóng mát… Để có những sắc xanh quanh trường ấy, cô Trần Thực cùng các cô, chú thuộc tổ Cây xanh của phòng Vận hành đã ngày đêm tỉ mẩn, cẩn trọng chăm sóc như chăm những đứa con.
Cô Trần Thực chia sẻ: “Mỗi loài cây có nhu cầu nước, đất, ánh sáng riêng. Vì thế, từ việc chọn đất trồng đến bón phân, tưới tắm, các cô phải tính toán kỹ càng. Hôm nào ra thăm cây mà thấy héo hay thiếu sức sống, mình buồn lắm, thấy giống như con mình bị ốm vậy. Còn ngày nào ra vườn mà cây cối xanh tốt, muôn hoa đua nở, lòng mình lại vui lâng lâng”.
Cô cho biết thêm, thời gian làm việc của cô phụ thuộc vào thời tiết mùa vụ trong năm. Trong những ngày hè oi nóng, cô thường bắt đầu công việc chăm sóc cây từ khi trời tờ mờ sáng và kết thúc khi những ánh sao lấp ló trên bầu trời. Bởi vào khoảng thời gian ấy, ánh sáng vừa đủ, không khí mới mát mẻ để cô tưới nước, bắt sâu và nhổ cỏ cho cây. Còn vào những ngày đông lạnh giá, cô tranh thủ làm việc lúc trời ấm, có khi cả lúc giữa trưa. Không gian cô thích nhất là vườn Chà là rực rỡ hoa giấy và lồng lộng gió trời. Còn nơi cô thường dừng chân là bóng mát dưới tán phượng cổ thụ ở cổng Hoàng Sa. Nhiều hôm nắng nóng, thấm mệt, cô ngồi tựa vào gốc cây để nghỉ ngơi. Mùi đất quyện với hương cỏ khiến đầu óc cô trở nên thư thái, bao mệt mỏi cứ thế tan biến.
Theo cô, trong các loại cây, hoa đào là khó chăm sóc nhất. Dù chỉ xuất hiện ở trường vào lễ hội Hoa đào nhưng để nó nở hoa đúng độ và đứng vững trong giông bão không dễ chút nào. “Năm ấy, do mưa to, gió lớn nên cây đào trưng từ hôm Tết bị đổ nhào vào đêm muộn. Lúc đó, mình đang ở nhà, nhận được thông báo của bảo vệ thì không khỏi lo lắng. Trời vừa hé sáng, mình liền tới trường dựng cây và thu dọn. Nhìn cây cối tả tơi sau cơn giông, mình xót xa lắm!”, cô Trần Thực nhớ lại.
MC là nhà
Tính đến nay, cô Trần Thực đã làm việc ở MC được bốn năm. Cô cũng là một trong những người trồng và chăm bón cho những mầm xanh đầu tiên tại vườn trúc, vườn Chà là… Cô vẫn nhớ những ngày đầu khi các khóm tre, trúc chưa bám rễ xuống đất. Bao nhiều lần mưa bão mùa hè làm chúng đổ rạp là bấy nhiêu lần cô cùng mọi người trong tổ quyết tâm dựng dậy và vun trồng. Để đến giờ, sau bốn mùa cây thay lá, những khóm tre, trúc đã bám rễ sâu vào lòng đất, có thể ung dung đứng vững trong mưa to, gió lớn.
Vốn yêu thiên nhiên, cây cỏ nên trước đây, cô từng làm việc cho công ty cây xanh. Khi được công ty cử sang MC hỗ trợ, cô yêu mến luôn nơi này và xin được ở lại làm nhân viên chính thức. Cô xem trường MC như ngôi nhà thứ hai và rất thích ngắm nhìn học sinh vui chơi dưới tán cây mát. Cô cũng cảm thấy hạnh phúc khi được chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây xanh với các thầy, cô của trường. Đặc biệt, cô rất vui khi các học trò tranh nhau giúp cô tưới cây, trồng hoa, nhặt cỏ. Bởi điều đó khiến cô nhận thấy, học sinh MC thực sự trưởng thành và biết tôn trọng công việc của người khác.
Hiện đứa con thứ hai của cô theo học khối THPT của trường. Cô bảo rằng: “MC là nơi không chỉ giúp mình có khoản thu nhập cho gia đình mà còn được làm công việc yêu thích và gửi gắm tương lai của con cái”.
Cô Nguyễn Phương (Nhân viên phòng Vận hành) chia sẻ: “Cô Thực là người cần cù, chịu khó trong công việc. Đối với đồng nghiệp, cô rất hòa đồng và thân thiện. Sự chăm chỉ trong công việc của cô ấy khiến chúng tôi rất nể phục. Nhờ cô mà bốn mùa ở MC, chúng tôi đều được ngắm muôn hoa khoe sắc tươi thắm”. Khi được hỏi cảm nhận về cô Trần Thực, nhiều MCer không ngần ngại bày tỏ: “Chúng mình gọi cô là “Cô cây xanh”. Mỗi lần chơi bóng mà bóng bị bay ra ngoài cổng, chúng mình đều nhờ cô nhặt giúp. Cô luôn trao lại bóng cho chúng mình với nụ cười thân thiện. Mỗi khi chúng mình hỏi về các loài cây, cô đều chia sẻ rất nhiệt tình. Chúng mình thực sự rất cảm ơn cô vì sự dày công chăm sóc cho không gian xanh ở MC”. |
Cô Trần Thực “bật mí” cách chăm sóc một số loài hoa để MCer và các thầy cô có thể tự trồng tại nhà. Theo cô, mỗi loài hoa như: trạng nguyên, lan ý, thu hải đường, dạ yến thảo, dừa cạn, hoa giấy, hồng leo, cúc Indo, ngọc thảo, mười giờ... tuy có cách chăm sóc riêng nhưng đều áp dụng những kỹ thuật cơ bản như sau: - Chuẩn bị đất và trồng cây: Bạn có thể mua đất vi sinh và cây giống ở đường Hoàng Hoa Thám, Viện cây trồng ĐH Nông nghiệp Hà Nội hoặc cửa hàng cây cảnh gần nhà. Trước khi trồng, bạn làm ướt đất rồi cho vào chậu. Sau khi bố trí cây trong chậu theo sở thích của mình, hãy cho đất xung quanh rồi vỗ nhẹ cho đất kín các kẽ hở trong chậu. - Tưới nước: Do trồng trong bồn nên cây sẽ nhanh khô và cần được tưới nước thường xuyên trong ngày. Mẹo nhỏ để bạn biết khi nào cần tưới nước là hãy áp ngón tay vào nền đất trong chậu. Nếu thấy khô thì có nghĩa là cây đang cần nước. - Bón phân: Cây xanh cần được bổ sung chất dinh dưỡng trong suốt chu kỳ sống. Bạn có thể sử dụng phân bón hữu cơ bán sẵn tại các cửa hàng và bón theo hướng dẫn cho cây. Hầu hết các loại chậu cảnh cần được bón theo chu kỳ cách nhau 10 - 14 ngày. Cách bón cho cây cảnh thường là hòa tan các loại phân bón trong nước sạch, ấm với hàm lượng như chỉ dẫn của nhà sản xuất. Bạn còn có thể bổ sung chất dinh dưỡng cho cây bằng cách tưới nước vo gạo hay phủ bã chè, cà phê quanh gốc cây. Lưu ý: Trước khi bón phân, cần kiểm tra chậu cây đủ ẩm hay không! Vì điều này cho phép phân bón được hấp thụ nhanh và đồng đều. Chỉ nên trộn lượng phân bón đủ dùng cho một lần và đừng bao giờ cất giữ lại. Ngoài ra, dùng riêng một thùng chứa để trộn phân bón và không dùng nó cho bất cứ mục đích nào khác. Nếu sử dụng đến các hóa chất, phải đảm bảo chúng được cất ở nơi tuyệt đối an toàn. |