Những ai yêu thích chương trình “Nhịp đập 360 độ thể thao” của Đài Truyền hình Việt Nam chắc hẳn đã quá quen thuộc với hình ảnh Biên tập viên (BTV) Quang Việt. Nhưng ít ai biết rằng, người dẫn chương trình thông minh, hóm hỉnh ấy chính là cựu học sinh MC niên khóa 2001 - 2005.
Marie Curie, nơi khởi nguồn ước mơ
Chào anh! Anh có thể chia sẻ lý do theo học Marie Curie ngày ấy?
Lúc anh học lớp 6, gia đình bắt đầu chuyển tới Hà Nội sinh sống. Khi đó, dù có nhiều trường học để lựa chọn nhưng bố mẹ vẫn quyết định cho anh theo học Marie Curie. Bởi từ ngày ấy, MC đã nổi tiếng về môi trường giáo dục toàn diện, chất lượng đào tạo ngoại ngữ tốt và hoạt động ngoại khoá phong phú, hấp dẫn. Hơn nữa, việc MC triển khai mô hình học bán trú, giờ tự học vào buổi chiều càng khiến gia đình anh yên tâm, tin tưởng.
Hoạt động ngoại khóa nào của MC để lại cho anh nhiều kỷ niệm nhất?
Anh rất nhớ những buổi sinh hoạt bóng đá vào buổi chiều. Vốn yêu thích đá bóng từ nhỏ nên anh luôn mong chờ đến hôm đó để được mang giày, mặc quần áo thi đấu và ra sân tập luyện. Hơn nữa, tụi anh còn được gặp bố “Biên” - HLV bóng đá của MC thuở ấy. “Bố” sống tình cảm nên tụi anh yêu quý lắm! Bên cạnh đó, việc được đi bơi hằng tuần và đi dã ngoại hằng năm cũng khiến tụi anh rất háo hức, mong đợi.
Những kỹ năng, kiến thức ở Marie Curie đã giúp ích gì cho công việc và cuộc sống hiện tại của anh?
Quãng thời gian học cấp hai MC thực sự đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển sau này của anh. Trước đây, anh sử dụng tiếng Anh không tốt lắm! Nhưng từ khi vào MC, khả năng ngoại ngữ đã được nâng cao rất nhiều. Cách truyền đạt kiến thức của các thầy cô khiến học sinh tụi anh không thể không yêu các môn học. Hơn nữa, việc được tham gia các buổi lễ khai giảng, hội diễn văn nghệ ở Cung Thiếu nhi vào tháng 11 hay Gala kỷ niệm ngày thành lập trường... luôn thôi thúc anh quyết tâm, cố gắng học tập. Thông qua các hoạt động ngoại khóa, anh đã được trau dồi nhiều kỹ năng mềm bổ ích như: sự tự tin trong giao tiếp, chủ động trong công việc và hơn hết là quyết tâm theo đuổi đam mê.
Thú vị hơn, sau này đi làm, anh có cơ hội gặp lại nhiều cựu học sinh MC thành đạt, chẳng hạn như anh Phúc Long - vận động viên Billiard nổi tiếng của Việt Nam. Điều đó càng dấy lên trong anh niềm tự hào khi từng theo học ngôi trường Marie Curie.
Khát khao vươn cao cùng trái bóng
Từ bao giờ anh bén duyên với công việc BTV Thể thao?
Hiện anh công tác tại Ban sản xuất các chương trình thể thao của Đài Truyền hình Việt Nam với vai trò phóng viên, BTV và người dẫn chương trình. Khi còn là sinh viên năm ba, anh đã bắt đầu cộng tác dịch tin bài cho VTV. Sau khi ra trường, anh được nhận vào làm chính thức ở đây. Tính đến nay, anh đã có hơn 6 năm gắn bó với truyền hình. Đối với anh, công việc này rất thú vị vì được chia sẻ đam mê thể thao và truyền tải thông tin tới khán giả dưới góc nhìn của mình. Hơn nữa, thể thao vốn là niềm đam mê từ nhỏ nên dù công việc phải thức đêm, dậy sớm nhưng anh vẫn cảm thấy dễ chịu, thoải mái khi làm việc.
Anh có thể chia sẻ cảm giác khi đứng trước ống kính máy quay?
Những ngày đầu lên sóng, anh cũng không tránh khỏi sự lo lắng, hồi hộp. Anh vẫn nhớ những bản tin đầu tiên, anh đang dẫn mà chân run run. Nhưng dần dần, cảm giác này qua đi. Giờ anh thấy mỗi lần lên hình, đứng trước ống kính máy quay thực sự là niềm thích thú vì anh được trò chuyện, chia sẻ với những khán giả có chung tình yêu bóng đá.
Theo anh, để trở thành một BTV Thể thao thì cần những yếu tố gì?
Để trở thành một người dẫn chương trình hay BTV Thể thao truyền hình chuyên nghiệp, trước tiên, bạn cần nuôi dưỡng niềm đam mê với bóng đá. Thứ hai, bạn cần cố gắng rèn luyện thân thể để có sức khoẻ tốt vì cường độ làm việc lớn, phải thức đêm nhiều. Ngoài ra, sự tự tin khi đứng trước đám đông, tinh thần ham học hỏi, tìm hiểu những vấn đề liên quan đến bóng đá, văn hóa, xã hội là điều không thể thiếu. Nhưng quan trọng hơn cả là niềm tin, sự quyết tâm theo đuổi nghề đến cùng của bản thân.
Anh cảm thấy thế nào khi được sống với đam mê của mình?
Làm BTV Thể thao giúp anh có cơ hội tác nghiệp ở nhiều nơi trên thế giới. Kỷ niệm đáng nhớ nhất là lần đi công tác tại Indonesia vào cuối năm ngoái khi đội tuyển bóng đá Quốc gia thi đấu AFF Cup. Khi nhìn thấy những người hâm mộ Việt Nam vượt quãng đường xa xôi tới cổ vũ cho đội nhà và giơ cao lá cờ Việt Nam trên đất nước bạn, trong anh trào dâng niềm tự hào về Tổ quốc.
Anh cũng nhớ lần tác nghiệp tại nước Anh. Anh được đặt chân tới sân vận động Old Trafford, gặp gỡ những cầu thủ nổi tiếng thế giới. Đặc biệt, anh được giao lưu với đội bóng yêu thích Manchester United. Đó quả thực là giấc mơ có thật đối với anh. Ngoài ra, anh có cơ hội làm quen với các đồng nghiệp quốc tế và giúp họ hiểu thêm về đất nước Việt Nam. Nhiều người bạn mà anh quen trong chuyến đi ấy đã lựa chọn Việt Nam làm điểm đến du lịch.
Trong chuyến bay tới Anh làm việc với CLB Chelsea cách đây không lâu, anh may mắn xin được chữ ký của nhiều ngôi sao như: John Terry, Cesc Fabregas, Pedro, Falcao, Eden Hazard... Với một người say mê bóng đá như anh, chiếc áo này là món quà vô giá. Tuy nhiên, khi biết tin người bạn thân mắc căn bệnh ung thư, anh đã quyết định đem bán đấu giá nó để giúp đỡ anh ấy. Tất cả số tiền thu được từ việc bán áo và quyên góp của bạn bè, khán giả đã được gửi tới cậu bạn đó. Thật hạnh phúc khi hiện giờ, người bạn của anh đã khỏe lên rất nhiều!
Cô Vũ Hồng (GV Toán) rất tự hào khi nhắc đến cậu học trò Quang Việt giỏi giang, nhỏ nhắn năm nào. Cô chia sẻ: “Ngày đó, Quang Việt khá nhỏ con nhưng rất nhanh nhẹn, thông minh và hoạt bát. Em học khá môn Toán, luôn đứng tốp đầu của lớp. Em luôn là một trong những học trò tìm ra nhiều phương pháp giải Hình học hay nhất. Việt say mê bóng đá từ ngày còn học MC. Sau giờ học, chiều nào, tôi cũng thấy em chơi thể thao. Tôi thực sự rất vui và tự hào khi em theo đuổi được đam mê của mình”. |