“Designer” được gọi là “phù thủy thời hiện đại” khi bàn tay “ma thuật” của họ có thể biến hóa những thứ tưởng chừng đơn giản trở thành một sản phẩm tuyệt đẹp. Nhưng để theo được nghề, ngoài năng khiếu, gu thẩm mĩ cao, tính sáng tạo, họ còn cần phải kiên trì và thực sự đam mê. Anh Bùi Trí Thanh (CHS I2, 05 - 08) là một người như thế!
Từng trốn bố mẹ đi học vẽ
Đam mê vẽ là lý do đầu tiên để anh Trí Thanh quyết định theo nghề thiết kế. Từ bé, anh rất thích vẽ và có thể mê mẩn suốt ngày với những gam màu trong các bức tranh của mình. Nhưng lên cấp ba, anh đành tạm dừng đam mê đó bởi gia đình định hướng cho anh theo ngành Điện tử Viễn thông.
Đến đầu năm lớp 12, đam mê hội họa lớn đến mức anh trốn bố mẹ đi học vẽ trở lại. Nhưng con đường theo đuổi đam mê của anh khá chông gai. Sau khi tốt nghiệp THPT, anh theo học khoa Điện tử Viễn thông, ĐH Điện lực. Hơn một năm học ngành mà bản thân không thích, anh suy nghĩ, tìm hiểu và quyết định theo học hai trường. Ban ngày, anh lên giảng đường ĐH Điện lực; tối đăng ký học thiết kế ở trường Arena Multimedia.
“Lúc đăng ký khóa học ở Arena Multimedia, mình phải vay tiền bố mẹ để đóng học phí. Số tiền hơn 60 triệu không nhỏ. Ban đầu, bố mẹ cương quyết phản đối. Nhưng khi hiểu được đam mê của mình, bố mẹ gật đầu đồng ý. Tiền lương của công việc thiết kế đầu tiên, mình dùng để mua tặng bố mẹ một món quà. Đó như là lời cảm ơn bố mẹ đã tin tưởng vào con đường mình lựa chọn. Một năm sau khi ra trường, mình đã hoàn trả đủ khoản học phí ấy. Tính đến nay, mình đã theo nghề này 5 năm”, anh Trí Thanh kể.
Anh chia sẻ, thời gian đầu làm quen với nghề thiết kế không hề dễ dàng. Ngoài giờ học trên lớp, anh phải tự tìm tòi, tham khảo tài liệu, thực hành và học hỏi rất nhiều để nâng cao kiến thức, tay nghề. “Lúc ấy, nghề “design” rất “hot” nhưng không phải ai cũng đủ kiên nhẫn theo đến cùng. Có lẽ mọi thứ luôn cần bắt nguồn từ đam mê. Hiện có rất nhiều công việc, lĩnh vực đòi hỏi số lượng lớn “designer”. Nhưng con đường nào cũng “trải gai hoa hồng”, khó khăn không ít. Điều quan trọng là bạn phải tự biết vượt qua và dần biến con đường chông gai ấy trở nên bằng phẳng hơn”, anh cho biết.
Không ngừng nâng cao tay nghề
Anh Trí Thanh kể, ngay từ đầu, nghề thiết kế đã “ăn sâu vào máu” nên anh chưa bao giờ có ý định từ bỏ. Với anh, công việc “design” đã trở thành một phần của cuộc sống và mối duyên nợ từ bao giờ. 5 năm gắn bó với nghề, công việc hiện tại mang đến cho anh nhiều thành công nhưng cũng không ít vấp ngã. Chính đam mê và tinh thần không bỏ cuộc đã giúp anh vượt qua những điều đó.
Anh quan niệm: “Nghề “design” thuộc nhóm nghề kỹ năng. Tức là để trở thành một chuyên gia, bạn phải thành thạo tay nghề. Vì thế, ngoài việc học, mình luyện tập rất nhiều để tích lũy kinh nghiệm và nâng cao năng lực. Tuy nhiên, đừng vội cho rằng, sử dụng thuần thục các phần mềm đồ họa là đủ! Thực tế cho thấy, người thiết kế giỏi cần hội tụ nhiều kỹ năng như: khả năng tổ chức, quản lý thời gian; nắm bắt nhanh nhạy các sự kiện; thông thạo marketing và tận dụng được sức mạnh của nhiều mảng trong ngành thiết kế. Ngoài giỏi chuyên môn, bạn còn phải có thêm kỹ năng PR bản thân, sự năng động và kết nối được với mạng lưới rộng lớn của ngành. Vì vậy, mình luôn tự nỗ lực, trau dồi và phấn đấu để có được những kỹ năng làm việc tốt nhằm phát triển bản thân hơn”.
Hiện nay, có rất nhiều lĩnh vực trong ngành thiết kế mà MCer có thể lựa chọn. Ví dụ: thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang, thiết kế nội thất, thiết kế quảng cáo, thiết kế điện ảnh… Chúng mình hãy cùng anh Trí Thanh tháo gỡ những thắc mắc liên quan đến công việc thú vị này nhé! Em không có năng khiếu vẽ nhưng lại rất thích sáng tạo và muốn theo nghề “design” thì có được không? Vẽ không phải là yếu tố chính để quyết định việc bạn có thể trở thành “designer” hay không. Bởi thiết kế là một thuật ngữ mang nội hàm rất rộng và có vô vàn công việc liên quan tới thiết kế; từ thiết kế công nghiệp (xe, nội thất…), in ấn (tạp chí, catalogue…) tới công nghệ (website, mobile)... Do vậy, dù không có năng khiếu vẽ nhưng bạn vẫn hoàn toàn theo được nghề “design”. Điều quan trọng là bạn phải xác định được đam mê, sở thích của mình, định hướng phát triển bản thân chuyên về lĩnh vực nào... Hiện có rất nhiều trường ĐH, CĐ hay các trung tâm đào tạo về thiết kế để bạn theo học. Còn ở thời điểm bây giờ, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, bạn hãy học thật tốt, có định hướng nghề nghiệp rõ ràng và phù hợp với bản thân để sau này theo đuổi. Những kỹ năng nào là cần thiết đối với một chuyên gia thiết kế đồ họa, thưa anh? Theo anh, những yêu cầu cơ bản là tính sáng tạo, khả năng phát triển ý tưởng, chịu được áp lực cao và dĩ nhiên phải sử dụng thành thạo các phần mềm thiết kế đa phương tiện như: Adobe (Photoshop, Illustrator, InDesign, Premiere Pro, After Effects, Dreamweaver...), 3Ds max, Autocad, CorelDraw... Ngoài ra, chuyên gia thiết kế đồ họa cần nắm rõ và sử dụng tốt nguyên lý màu sắc để tạo ra sự tương phản, biến hóa nhằm làm hài hòa/nổi bật thiết kế. Đặc biệt, mỗi người cần tạo dựng một phong cách riêng. Tất nhiên, kỹ năng giao tiếp, nhạy bén kinh doanh... cũng không thể thiếu nếu bạn muốn trở thành một nhà thiết kế tên tuổi. Em rất thích truyện tranh Nhật Bản và có chút khả năng vẽ manga, anime. Liệu em có thể theo nghề thiết kế không? Với kỹ năng hiện có, bạn hoàn toàn có thể trở thành “designer” giỏi. Bởi năng khiếu hội hoạ, tư duy và phát triển nội dung là bàn đạp tốt để bạn dễ dàng tiếp cận nghề này. Bạn có thể phù hợp với một trong những lĩnh vực sau: kiến trúc, thiết kế sản phẩm, quảng cáo, giao diện, hình ảnh, thương hiệu… Nhà em không có ai làm nghề thiết kế. Bố mẹ định hướng cho em học kinh doanh nhưng em muốn học thiết kế đồ họa. Anh có thể cho em lời khuyên không? Để thuyết phục bố mẹ, trước hết, bạn hãy học thật tốt, đạt kết quả cao và tập trung vào những môn năng khiếu để bổ trợ cho đam mê, kế hoạch của mình. Bởi các nghề có mối liên quan nhất định với nhau. Ví dụ: là một “designer”, bạn vẫn có thể trở thành nhà kinh doanh với những sản phẩm thiết kế do chính mình tạo ra. Hay trong tương lai, bạn hoàn toàn có thể mở công ty thiết kế của riêng mình. Vì vậy, đừng quá lo lắng mà hãy ngồi tâm sự chân thành với bố mẹ về những suy nghĩ, đam mê của mình! Chắc chắn, bố mẹ sẽ ủng hộ bạn! |
“Năm 2012, trường Marie Curie tổ chức cuộc thi “MC’s Got Talent” nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập. Tình cờ, mình thấy trường phát động cuộc thi trên fanpage nên liên hệ nhận làm các hạng mục thiết kế. Lúc ấy, mình vui lắm vì đã góp phần tạo nên thành công cho sân chơi hấp dẫn này”, anh Trí Thanh chia sẻ. |
PROFILE: Anh Bùi Trí Thanh là cựu Bí thư Chi đoàn I2, 05 - 08; tốt nghiệp khoa Điện tử Viễn thông, ĐH Điện lực và khóa thiết kế tại Arena Multimedia. Hiện anh là Phó phòng Marketing, Trưởng nhóm thiết kế tại Salonzo Group. Sở thích: tham gia hoạt động xã hội - từ thiện, quay phim, chụp ảnh, thiết kế, tổ chức sự kiện, chơi thể thao… Anh từng là Trưởng ban cố vấn đội TNTN Sông Mã thuộc Hội Sinh viên ĐH Ngoại thương; thành viên BTC lễ hội Hoa Anh đào Nhật Bản tại Việt Nam. Tài lẻ: chụp ảnh, chơi guitar, nhảy dance sport, múa Yosakoi, MC... Câu nói ưa thích: “All humanity is passion; without passion, religion, history, novels, art would be ineffectual” (Honore de Balzac). |