Tuy đã nghỉ hưu nhưng “cặp đôi hoàn hảo”: cô Nguyễn Thị Liễu và cô Nguyễn Như Phương vẫn để lại nhiều ấn tượng trong lòng đồng nghiệp và các thế hệ học trò MC.
Cô giáo viết chữ đẹp như in
Nhắc đến cô Nguyễn Như Phương, hầu hết giáo viên của trường đều nhớ đến chữ viết đẹp như in của cô. 23 năm công tác tại MC, cô từng làm giáo viên bộ môn rồi chủ nhiệm kiêm công tác văn phòng.
Khi số lượng học sinh lên tới hàng nghìn, cô vẫn miệt mài viết tay giấy khen. Nhiều hôm, cô còn đem việc về nhà, thức đến 1 - 2 giờ sáng để làm. Nhưng vì thích viết nên cô không thấy mệt. Cô cầm bút nhiều đến mức ngón trỏ của cô có chỗ chai cứng lại. Cô kể: “Với lớp có nhiều học sinh giỏi, viết xong giấy khen, mình xếp hết ra rồi ngồi ngắm. Nhờ vậy, mình lại có cảm hứng viết tiếp. Mình dồn tình cảm vào từng giấy khen nên nét chữ trong đó có hồn hơn. Có năm, trường cấp gần 200 suất học bổng, mình vẫn tỉ mẩn ngồi viết giấy khen cho từng bạn”.
Trước đây, cô được giao quản lý toàn bộ học bạ, hồ sơ kiểm tra/ thi cử, bằng tốt nghiệp của khối THCS và THPT. Với cô, vui nhất là khi hồ sơ của trường MC được cán bộ trường khác khen ngợi trong những đợt kiểm tra chéo trước mỗi đợt thi tốt nghiệp.
Để các giáo viên chủ nhiệm không viết sai học bạ, cô Phương cẩn thận viết ra giấy từng bước làm rồi phát cho mọi người. Làm sổ điểm cũng vậy, cô tỉ mẩn viết quy trình để đồng nghiệp thực hiện được thuận lợi.
Nét chữ đẹp như in của cô Nguyễn Như Phương.
Không chỉ viết chữ đẹp có tiếng, cô Phương còn là giáo viên chủ nhiệm tận tụy, hết lòng vì học trò. Cô nhớ nhất lớp 11M, 93 - 94 gồm 60 học sinh. Lớp đó được ví nghịch như giặc nhưng sau này, có rất nhiều học sinh thành đạt.
Có lần vào giờ Thể dục, gần chục học sinh lớp đó nghỉ tiết. Hôm sau cô hỏi thì hai bạn khai nhận đi chơi bờ Hồ. Khi cô đến nhà của một học sinh xác nhận lại thông tin thì mẹ bạn ấy nóng giận, định đánh con. Nhưng cô liền bảo: “Chị hãy bình tĩnh nghe tôi nói! Tôi đến đây không phải vạch tội cháu mà để nắm rõ tình hình. Chị mà đánh cháu thì việc tôi đến đây là thất bại. Khi đứa trẻ lỡ làm điều sai, chúng ta hãy cố gắng tìm giải pháp!”. Khi đó, người mẹ nói trao quyền quyết định hình thức kỷ luật cho cô. Cô nhìn học trò, nói: “Hình thức kỷ luật như thế nào, em hãy tự đề ra cho chính mình!”. Sáng hôm sau, trong 15 phút sinh hoạt đầu giờ, bạn ấy đã đọc bản kiểm điểm trước lớp. Những bạn hôm trước tự ý nghỉ tiết cũng thành khẩn nhận lỗi.
Đi qua bao nhiêu lớp, dạy bao nhiêu thế hệ học trò nhưng ở chính mái trường MC, cô lại học được rất nhiều điều, nhất là từ thầy Khang.
Cô được giao phụ trách việc thu bài làm của các lớp sau mỗi buổi thi và phát cho giáo viên chấm. Có lần, cô không tìm thấy tập bài thi học kỳ của một lớp đâu. Cô liền lên trình bày với thầy Hiệu trưởng trong tâm trạng lo lắng. Lúc ấy, thầy Khang điềm tĩnh nói: “Giờ tôi có giải pháp là cô trao đổi với học sinh để các em làm lại bài thi tại lớp luôn”. Nghe xong, cô nhẹ hết cả người. Sau sự việc ấy, cô rút ra, trong quá trình làm việc, nếu gặp vướng mắc ở chỗ nào thì hãy mạnh dạn trao đổi với thầy Khang. Chắc chắn, thầy sẽ chỉ cho hướng giải quyết hợp tình, hợp lý.
Một phần tính cẩn thận, chính xác của cô cũng được rèn giũa trong thời gian làm cùng thầy Khang. Cô kể: “Năm 1992 chưa có máy vi tính, danh sách học sinh thi vào cấp hai khoảng hơn 400, cấp ba hơn 100. Tất cả đều phải viết tay. Cũng may được thầy Khang hướng dẫn cách làm nên cô không để sai hay thiếu cái tên nào”.
Cô còn học được ở thầy cách quan tâm, chia sẻ với học sinh và thái độ làm việc hết mình. Cô nhớ năm chủ nhiệm lớp 12G, có chương trình giao lưu với một trung tâm quốc tế. Thầy cử lớp cô tham dự. Buổi đầu, học sinh đến rất đông nhưng về sau thì thưa dần do bận ôn thi. Khi chỉ còn tám bạn, cô thấy số lượng ít quá, chi phí đi lại thì tốn kém nên lên xin ý kiến của thầy. Thầy bảo rằng, kể cả chỉ còn một học sinh thích thú, đi học thấy hiệu quả thì nhà trường vẫn sẵn sàng chi tiền cho các em tham gia.
Cô giáo nghiêm khắc nhưng giàu tình cảm
Từ khi theo nghề giáo, cô Nguyễn Thị Liễu đã có duyên chủ nhiệm các lớp nghịch ngợm. Cô nhớ lần đi “dẹp loạn” một lớp 8. Lớp đó có ba học sinh nam rất nghịch, buổi trưa không ngủ mà bày đủ trò. Một buổi trưa, cô nói: “Mời các em sang lớp tôi chủ nhiệm để ngủ. Khi nào ngủ ngoan thì tôi cho về lớp, còn không thì cứ ngủ ở đây đến hết năm lớp 8”. Nghe xong, ba cậu bạn cắp chiếu, gối đi theo cô. Tới nơi, trải chiếu xong, cả ba nằm im thin thít. Thậm chí nhiều hôm trống báo giờ dậy mà các học sinh này vẫn ngáy khò khò. Hết một tuần, ba cậu bạn thỏ thẻ xin cô được trở về lớp. Cô đủng đỉnh bảo: “Các em về hỏi cô chủ nhiệm. Nếu cô ấy nhận thì các em về, còn không thì tiếp tục ngủ bên này”. Lúc đó, cô chủ nhiệm chưa đồng ý nên cả ba học sinh “phải” ngủ bên lớp cô Liễu trong một tháng.
Lớp đầu tiên cô Liễu chủ nhiệm tại MC là P, 92 - 96. Có lần, cô không khỏi băn khoăn khi thấy cô học trò tên Huyền không chịu đến trường. Cô hỏi cả lớp thì ai cũng ngần ngại, lảng tránh trả lời. Sau đó, cô âm thầm tìm hiểu thì biết hai bạn Huyền và Thu xảy ra xích mích. Cô liền đạp xe đến tận nhà Huyền khuyên bảo: “Mai em cứ đến lớp. Các bạn có thể chưa hiểu rõ em và ngược lại, em cũng chưa hiểu rõ các bạn. Cô nghĩ, các em dần dần sẽ gần gũi và thương yêu nhau hơn”. Nhưng hôm sau, Huyền vẫn không đến lớp. Cô lại đạp xe đến nhà Thu. Cô giao Thu tìm mọi cách nói chuyện với Huyền để bạn ấy đi học trở lại. Sau đó, hai cô bạn đã bắt tay giảng hòa. Trong dịp cựu học sinh niên khoá 92 - 96 kỷ niệm 20 năm ngày ra trường, hai học trò năm xưa đều có mặt. Qua trò chuyện, cô cảm nhận được cả hai giờ vẫn là đôi bạn thân thiết.
Cô Liễu kể thêm: “Có một lớp không ngủ trưa mà mải đùa nghịch. Nhưng lúc tôi lên kiểm tra thì các em nằm ngủ rất ngoan như chưa có chuyện gì xảy ra. Mãi về sau ra trường, khi đến thăm tôi, các em mới thú nhận đặt một chiếc gương ở cửa. Thế nên, khi tôi vừa bước lên cầu thang, các em ngay lập tức biết và báo động cho nhau ổn định lại trật tự”.
“Trong công tác chủ nhiệm, ngoài chú ý đến hoàn cảnh gia đình của học sinh, tôi còn dành thời gian tìm hiểu tâm tư, sở thích hay thể trạng của từng trò để có cách ứng xử phù hợp với mỗi tình huống gặp phải”, cô Liễu chia sẻ.
Một điều thú vị là sau khi ra trường, những học trò nghịch ngợm mà cô Liễu chủ nhiệm năm nào đều trưởng thành và rất chững chạc. Những lần gặp lại cô giáo cũ, các anh chị đều bảo rằng: “Cô ơi! Nếu không có cô thì không có chúng em hôm nay”. Nghe xong, cô không khỏi rưng rưng xúc động và thấy yêu hơn nghề giáo mà cô đã gắn bó trong những năm tháng qua.