Dù đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của nhà trường nhưng các “nữ tướng” rất khiêm tốn và không thích kể nhiều về bản thân. Đặc biệt, họ luôn xem nơi đây là ngôi nhà thứ hai của mình.
Cô Vũ Thị Nhung (Phó Hiệu trưởng, Kế toán trưởng)
Mọi người vẫn thường gọi cô là “Bộ trưởng ngoại giao” bởi khi đi đến các phòng, ban của quận và thành phố, ai cũng biết tới cô Vũ Nhung ở Marie Curie. 24 năm gắn bó với nơi này, cô cùng các đồng nghiệp luôn coi trường Marie Curie là ngôi nhà thứ hai thân thương và đã cùng nhau vượt qua bao gian khó, thăng trầm. Kể lại những ngày đầu về trường vào năm 1993, cô chợt òa khóc. Bởi với cô, đó là những năm tháng không thể quên. “Hồi ấy, tôi 25 tuổi chân chất với hai bím tóc đuôi gà đỏ hoe, có cơ hội đến tham quan trường. Tôi không khỏi ngỡ ngàng khi có một ngôi trường dân lập nội trú đón học sinh giỏi từ nhiều tỉnh về Hà Nội học miễn phí, chăm lo và tặng học bổng cho các em. Trường còn có ô tô đưa đón học sinh khắp các tuyến đường Hà Nội. Trong buổi nói chuyện với người đồng hương - cô Y Linh (GV Toán), tôi tình cờ được gặp thầy Hiệu trưởng. Lúc ấy, thầy hỏi tôi: “Cô ở đâu và làm nghề gì?”. Tôi trả lời: “Dạ, em học kế toán và đang thất nghiệp ạ!”. Nghe xong, thầy nói luôn: “Cô có muốn về trường làm việc không?”. Tôi nghĩ thầy nói đùa nên nhanh nhảu nói: “Dạ, có ạ!”. Tôi rất bất ngờ khi một tiếng sau, thầy quay lại và nói tôi viết đơn xin việc, lý lịch để ngày mai đi làm luôn. Từ đó đến giờ, tôi đã có 24 năm công tác tại phòng Tài vụ của trường”, cô Vũ Nhung xúc động nhớ lại.
24 năm qua, cô luôn miệt mài, say mê làm việc một cách thầm lặng. Gắn bó với trường trong những năm tháng thăng trầm nhất, cô rất khâm phục “người thuyền trưởng” Nguyễn Xuân Khang đã chèo lái con thuyền Marie Curie vượt qua sóng gió để cập bến bờ hạnh phúc và có được ngôi trường khang trang, chất lượng cho hàng nghìn học trò như hôm nay.
Cô Vũ Nhung chia sẻ: “Thầy là người nhân từ, giàu lòng yêu thương. Trong công việc, thầy quyết đoán, chăm chỉ và luôn đặt học sinh, chất lượng giáo dục lên hàng đầu. Thậm chí, thầy hy sinh bản thân để cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Thầy là tấm gương cho chúng tôi noi theo. Vì thế, tôi muốn mãi được gắn bó, làm việc cho ngôi trường này”.
Đối với cô, những niềm vui, những giọt nước mắt hay những đêm thức trắng ở Khương Đình, Trung Yên 10, Trần Quốc Toản hay Mỹ Đình luôn là kỷ niệm quý giá trong cuộc đời. Khi được thầy Hiệu trưởng trao quyết định làm Hiệu phó, cô vừa vui vừa lo liệu mình có gánh vác được trọng trách này không. Cô luôn tự nhủ bản thân phải cố gắng, làm tốt hơn nữa, chia sẻ yêu thương nhiều hơn nữa để không phụ niềm tin yêu của thầy. Trong mắt đồng nghiệp, với công việc, cô “nói được, làm được”, quyết đoán và bản lĩnh; với cuộc sống hàng ngày, cô luôn cư xử chân thành và không ngại vất vả, khó khăn giúp đỡ mọi người.
Cô cho biết thêm: “24 năm gắn bó với trường, tôi chỉ có một mong muốn. Đó là ngôi nhà lớn Marie Curie ngày càng phát triển, tạo được uy tín hơn nữa cả trong và ngoài nước. Ngôi trường này đã, đang và sẽ tiếp tục đào tạo được nhiều nhân tài cho đất nước. Đứng trước ngôi trường khang trang ở Mỹ Đình và hàng ngày đi qua hai cánh cổng Trường Sa, Hoàng Sa, tôi thấy thật may mắn khi được là thành viên của ngôi nhà MC thân thương. Hơn nữa, trong cuộc sống hàng ngày, tôi luôn tự nhắc mình:
Sống trên đời cần có một tấm lòng
Biết yêu thương, tha thứ và bao dung
Biết nhường nhịn và nhân ái sẻ chia
Hãy nhân từ như cha mẹ chúng ta
Luôn trân trọng từng phút giây bên nhau
Và luôn yêu thương hết lòng, bạn nhé!”.
Bình An (Lớp trưởng I1, 12 - 16) nói: “Cô Nhung là thành viên hội CMHS của lớp. Lần đầu tiên mình gặp, thoạt nhìn trông cô có vẻ nghiêm nghị. Nhưng qua tiếp xúc, mình thấy cô rất dễ gần, luôn sẵn sàng lắng nghe để thấu hiểu học trò. Tuy bận rộn công việc ở trường nhưng cô vẫn luôn dành thời gian quan tâm, lo lắng cho các công việc chung của lớp I1. Cô nhiệt tình hỗ trợ cô chủ nhiệm chuẩn bị cho chuyến tham quan, lễ hội Bánh chưng và động viên tinh thần chúng mình trước trận đấu thể thao hay những kỳ thi… Với mình, cô cũng là một người mẹ thứ hai luôn đồng hành giúp đỡ, ân cần chỉ bảo từng ly, từng tí để mình trưởng thành hơn”. |
Cô Nguyễn Xuân Lan (Hiệu trưởng Tiểu học cơ sở 1)
Ngày 1/4/2017, cô Xuân Lan tròn ba năm công tác tại MC với vai trò Hiệu trưởng Tiểu học cơ sở 1. Trước khi về đây, cô đã có hơn 30 năm làm việc trong ngành giáo dục và từng giữ chức Hiệu trưởng Tiểu học Khương Thượng, Hà Nội. Lúc nghỉ hưu, vì rất yêu nghề và sức khỏe vẫn tốt nên khi biết trường Marie Curie tuyển Hiệu trưởng Tiểu học, cô đã nộp hồ sơ và rất hạnh phúc khi được cống hiến cho ngôi trường này.
7h sáng hàng ngày, cô có mặt tại trường để đón học sinh, sau đó theo sát tất cả hoạt động của cô trò khối Tiểu học, từ học tập, vui chơi đến việc ăn, ngủ… Trưa nào, cô cũng lặng lẽ đứng quan sát học trò ăn có ngon miệng không, có hết suất không rồi mới yên tâm dùng bữa. Cuối buổi chiều, cô đứng ở sân trường, chờ MCer Tiểu học lên xe buýt an toàn thì mới thở phào, vui mừng mỉm cười. Rồi cô và cô Việt Hoàn (Phó Hiệu trưởng Tiểu học cơ sở 1) phân công nhau ở lại và chỉ an tâm về nhà khi nào học trò học xong CLB ngoại khóa.
Kể về ấn tượng khi lần đầu tiên đến MC, cô Xuân Lan nhớ lại: “Cả cuộc đời, tôi chưa thấy ngôi trường nào đẹp như thế, đẹp đến ngỡ ngàng! Cơ sở vật chất hiện đại, sĩ số lớp học quá lý tưởng, đặc biệt là nhà vệ sinh như trong khách sạn năm sao”.
Cô Xuân Lan cảm thấy mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui. Mọi thứ ở đây, từ không gian sạch sẽ, trong lành đến sự niềm nở, chu đáo, ý thức làm việc đầy trách nhiệm của các cán bộ, giáo viên, nhân viên… càng khiến cô thấy yêu nghề, yêu trẻ và mong muốn được tiếp tục gắn bó với ngôi trường này.
Trong mắt cô, học sinh Tiểu học rất vô tư, hồn nhiên và đáng yêu. Cô nhớ mãi cuộc tranh luận của các học trò nhỏ về việc nên gọi là cô, bác hay bà Hiệu trưởng. Lúc ấy, cô mỉm cười, nhẹ nhàng giải thích: “Bạn nào cũng đúng cả. Ở trường, học sinh thường gọi là cô Hiệu trưởng nhưng vì cô lớn tuổi rồi nên gọi bằng bác hay bà cũng không sai”. Khi có bạn mạnh dạn giơ tay hỏi tuổi của cô, cô trả lời: “Năm nay, cô gần 60 tuổi”. Nghe xong, bạn ấy bất ngờ thốt lên: “Ơ, cô già hơn bà của con thì phải gọi là bà Hiệu trưởng mới đúng chứ ạ!”. Sự hồn nhiên của MCer Tiểu học trong câu chào: “Cháu chào bà Hiệu trưởng!” mà cô Xuân Lan nhận được hàng ngày khiến cô cảm thấy rất vui.
Cô có rất nhiều kỷ niệm trong lần đón học sinh lớp 1, năm học 2016 - 2017. Những ngày đầu tới trường, có bạn không chịu vào lớp, cứ mếu máo khóc mãi: “Con nhớ mẹ! Con nhớ bà!”. Đặc biệt, một bạn nữ nhút nhát lắm, cứ xuống xe buýt thấy cô Lan, cô Hoàn ở cổng là nắm chặt tay rồi nũng nịu chờ cô dẫn đi ăn sáng. Lúc ấy, cô phải tỉ tê động viên thì bạn ấy mới chịu lên lớp. Nhưng gần hết học kỳ I, bạn ấy trở nên vui vẻ, cởi mở, hòa đồng với bạn bè hơn hẳn, cứ gặp cô là ngoan ngoãn khoanh tay chào.
“Sau 1- 2 tuần đi học, các con lớp 1 đã biết tự lập, vui vẻ khi tới lớp. Khi được hỏi, các con đồng thanh nói rất thích đến trường, khiến tôi vô cùng hạnh phúc”, cô Xuân Lan chia sẻ.
Hồng Anh (5I) kể rằng: “Mình cảm thấy rất gần gũi, thoải mái khi trò chuyện với cô Xuân Lan. Mỗi lần gặp cô, mình đều khoanh tay lễ phép chào: “Con chào cô ạ!” rồi cô đáp lại: “Ừ, cô chào con!” với nụ cười tươi, hiền từ. Cô là người dịu dàng, nhân hậu, yêu trẻ con và hay cười. Với những bạn làm chưa đúng, cô nhẹ nhàng nhắc nhở. Có một lần, cô vào lớp mình. Khi thấy bàn ghế chưa kê gọn gàng, cô nói: “Lớp 5I có nhiều tiến bộ nhưng cần cố gắng làm tốt hơn nữa!”. Với học trò, cô luôn tận tình chỉ bảo rồi động viên để chúng mình rút kinh nghiệm. Mình rất yêu quý cô!”. |
Cô Nguyễn Tăng Bích Hạnh (Phó Hiệu trưởng, Trưởng khối THPT)
Hơn 20 năm làm việc tại MC, cô Bích Hạnh không sao quên được những ngày tháng đầu tiên về trường. Cô kể, MC hồi ấy chỉ là khuôn viên nhỏ nằm trong trường Trung cấp Sư phạm mẫu giáo & Nhà trẻ TW ở Khương Đình. Khu vực giảng đường, bán trú tách biệt; nhà ăn rất đơn sơ, ít chỗ chơi cho học sinh. Vì không có nhiều không gian chơi nên một lần, học trò do cô chủ nhiệm đã bí mật tổ chức chương trình biểu diễn thời trang ngay tại phòng bán trú. “Các bạn giấu mình, tự lên kịch bản, chuẩn bị trang phục, đạo cụ và trang điểm. Đến “giờ vàng”, các bạn kéo rèm, thi trình diễn “catwalk”. Lúc phát hiện ra thì mình “bất đắc dĩ” trở thành giám khảo của cuộc thi ấy”, cô Bích Hạnh nhớ lại.
Cơ sở vật chất tuy thiếu thốn nhưng con người thì tuyệt vời. Thầy cô luôn tận tâm, giàu lòng yêu thương học trò. Học sinh năng động và được tuyển chọn chất lượng đầu vào rất kỹ. “Mình nhớ mãi ngày thi tuyển vào lớp 6, vui như trẩy hội nhưng không kém phần căng thẳng, hồi hộp như thi Đại học. Năm nào, kỳ thi cũng diễn ra vào Chủ nhật, thế mà vẫn tắc đường. Cha mẹ đưa con đến MC dự thi phải đi qua một cây cầu. Khi thấy hình ảnh ấy, thầy Hiệu trưởng gọi vui là “cây cầu Dream”. Mình rất ấn tượng với bài phát biểu của thầy trong mỗi kỳ thi đầu cấp. Thầy bày tỏ mong muốn sân trường đủ rộng để đón tất cả học sinh và cuối thư luôn có câu: “Thân mến! Thầy Khang”.
Mình cũng không sao quên được những buổi trưa hè, thầy trò ngồi ăn trong phòng nội trú đơn sơ mà mồ hôi nhễ nhại. Chẳng có nhiều quạt mát nhưng thầy trò vẫn thấy hạnh phúc. Rồi những chiều rước đèn trông trăng tại lớp vào ngày Rằm Trung thu, bố mẹ và các con đem “cây nhà lá vườn” đến để tạo thành mâm ngũ quả. Bạn mang quả bưởi, nải chuối; bạn mang quả thị, gói bột canh… Tuy giản dị nhưng rất vui và giàu tình cảm!”, cô Bích Hạnh xúc động kể.
Lúc trường chuyển về cơ sở Mỹ Đình, không chỉ riêng cô mà tất cả giáo viên MC phấn khởi, hạnh phúc khi được giảng dạy trong ngôi trường khang trang, hiện đại bậc nhất Hà Nội. “Vui mừng nhất là học trò được tự do vui chơi vào các giờ giải lao trong khuôn viên rất rộng, từ vườn trúc, sảnh piano, sân cỏ đến hành lang giảng đường… Vậy là ước nguyện ngày nào của thầy Hiệu trưởng đã thành hiện thực”, cô Bích Hạnh chia sẻ.
Nhận xét về MCer, cô Bích Hạnh cho biết: “Học sinh Marie Curie đều được xét tuyển đầu vào nên nhìn chung, các bạn ngoan, có ý thức học tập tốt và rất tự tin giao tiếp, kể cả với người nước ngoài. Các bạn được rèn luyện toàn diện, phát triển kỹ năng sống thông qua các hoạt động thể thao, văn nghệ. Qua đó, các bậc cha mẹ cùng tham gia, hỗ trợ các con; chẳng hạn như các bố trở thành huấn luyện viên thể thao; các mẹ là đạo diễn tiết mục, biểu diễn cùng các con trên sân khấu; ông bà dạy cháu gói bánh chưng… Chính các hoạt động ấy đã gắn kết thầy cô - học trò - nhà trường - CMHS”.
Gắn bó với MC hơn 20 năm nay, cô luôn coi đây là ngôi nhà thứ hai. Mỗi ngày đến trường, cô luôn nhận thấy, tình cảm thầy trò ấm áp như trong một gia đình. Ngoài ra, sự yêu thương, gần gũi của cán bộ, giáo viên, nhân viên, các bậc cha mẹ và học sinh… ở ngôi trường này là những điều quý giá mà cô nhận được trong cuộc đời đi dạy của mình.
Thanh Trà (Lớp trưởng G, 98 - 02) kể lại: “Lớp G ngày ấy rất nghịch và hiếu động. Có lần cả lớp trốn ngủ trưa, trời mưa chạy xuống sân trường đá bóng. Hôm liên hoan chia tay, chúng mình rủ nhau đổ nước vào túi bóng, ném ướt nhẹp hành lang… Kết quả là bị cô phạt viết bản kiểm điểm và lao động công ích. Cả lớp sợ cô buồn nên đã xếp hàng dài xin lỗi cô. Tuy nghiêm khắc nhưng cô rất tâm lý và luôn tận tình quan tâm học trò. Chúng mình rất yêu cô nên khi ra trường, vào dịp 20/11 hàng năm, chúng mình đều rủ nhau về thăm cô”. |
Cô Trần Thị Nhung (Phó Hiệu trưởng, Trưởng khối THPT)
Năm 2000, cô Trần Nhung về trường giảng dạy môn GDCD. Khi ấy, cô 34 tuổi nên thầy Hiệu trưởng dí dỏm gọi cô là “giáo viên già”. Trong thời gian thử việc hồi ấy, cô được giao chủ nhiệm M2 - lớp được gọi là nghịch ngợm, hiếu động thay cho một giáo viên nghỉ sinh con. Các cô, cậu học trò đã ưu ái dành tặng cô lời nhận xét: nghiêm lắm, ghê lắm, dạy hay lắm... “Tiếng dữ đồn gần” cứ như vậy theo cô cùng năm tháng trong ngôi nhà Marie Curie. 15 năm kể từ đó, cô luôn được giao chủ nhiệm các lớp giống như “đứa con đầu lòng” M2 ngày ấy.
Với cô Trần Nhung, những ngày tháng ở số 3 Trần Quốc Toản luôn là quãng thời gian đáng nhớ nhất trong cuộc đời. Đứng giảng 36 tiết/tuần, vừa quản lý học sinh toàn trường, vừa làm cố vấn Đoàn trường, cô gần như không có Chủ nhật hay kỳ nghỉ hè. Nhưng không bao giờ cô cảm thấy mệt mỏi. Có hôm đến trường thấy vắng tanh, cô mới nhớ ra hôm ấy là Chủ nhật nên được nghỉ học. Vì thế mà thầy Khang đặt cho cô biệt danh “Người không thích ở nhà”.
“Sau một năm về trường, tuy cũng có một số cơ hội lựa chọn nhưng mình lại cảm thấy Marie Curie đã trở thành ngôi nhà thứ hai của mình. Cảm nhận đó quả thực không nhầm khi nơi đây đã dệt cho mình một miền ký ức thật tuyệt vời trong cuộc đời làm nghề giáo!”, cô Trần Nhung tâm sự.
Theo cô, thầy cô MC luôn làm việc tâm huyết và thương yêu học sinh như con. Cô nhớ những ngày chuẩn bị cho Hội diễn văn nghệ 20/11, cô trò tự dàn dựng, tập luyện tiết mục đến 9h tối, sau đó vây quanh thúng xôi bán dạo để tự thưởng cho những giờ lao động nghệ thuật say mê; nhớ đại hội bóng nước toàn trường với lỉnh kỉnh xô, chậu, xoong, nồi; nhớ chuyến dã ngoại Tây Thiên, cô trò vui vẻ gồng gánh đồ đạc, gần gũi mà thân thương; nhớ những lần cô trở thành “bồ câu đưa thư”, chuyên gia tư vấn tình cảm hay giúp học sinh gỡ rối chuyện bạn bè… Với cô, được đứng lớp giảng dạy, được chủ nhiệm, được chia sẻ với học trò… là những điều rất tuyệt vời.
Tốt nghiệp khoa Tâm lý, ĐH Sư phạm I nên cô rất hiểu tâm lý và những trò “nhất quỷ, nhì ma” của học sinh. Cô quan niệm, nghề sư phạm đòi hỏi kiến thức, kỹ năng và phải hiểu học sinh. Dù hiếu động đến mấy thì trong sâu thẳm tâm hồn, các em đều hiểu thầy cô rất yêu thương mình.
“I4 của tôi vẫn vụng về câu nói,
Gọi “sát thủ” ngày nào bằng hai tiếng “Mẹ yêu!””
Đó là hai câu trong bài thơ cô tặng học trò khoá cuối cùng mà cô làm chủ nhiệm. Cô gọi lứa học sinh ấy là “con út” vì sau đó, do tính chất công việc, cô không làm công tác chủ nhiệm nữa.
“Mình muốn cảm ơn cuộc đời đã ưu ái cho mình được về đây làm việc - nơi có những đồng nghiệp rất tận tâm và giàu lòng yêu thương, nơi có những thế hệ học sinh với nhiều sắc màu sinh động và rất tình cảm… Cho mình được xếp những yêu thương của ngôi nhà MC vào ngăn riêng trong trái tim để thấy rằng, chọn theo nghề sư phạm là quyết định đúng đắn nhất của mình từ 32 năm trước!”, cô Trần Nhung nói.
Thầy Ngọc Quang (GV bộ môn Âm nhạc - Mỹ thuật) nhớ lại: “Năm lớp 12, do thường xuyên nghỉ học, lại nghịch ngợm nên nhà trường chuyển mình sang lớp I5 do cô Trần Nhung chủ nhiệm. Tuy từ trước đã nghe tiếng cô nghiêm khắc nhưng mình lại cảm thấy bình thường. Một buổi sáng nọ, chuông điện thoại reo lúc 6h30. Mình trả lời với giọng khó chịu vì vẫn ngái ngủ. Đáp lại từ đầu dây bên kia là: “Cô Nhung đây. Em lên trường gặp cô nhé!”. Từ đó, ngày nào cũng vậy, đúng 6h30, cô lại gọi dậy đi học nên mình chẳng dám nghỉ nữa. Cô Nhung là người đầu tiên khiến mình cảm thấy áy náy nếu làm thầy cô buồn phiền. Nhờ đó mà năm ấy, mình đã thay đổi tích cực, chăm chỉ đến trường và hòa đồng với mọi người hơn… Mình biết ơn cô rất nhiều. Đến giờ, mình vẫn gọi cô là “Mẹ Nhung” theo đúng nghĩa nhất”. |
Theo MCer Link 29