“Marie Cuire là nơi khởi nguồn tình yêu, nơi nuôi dưỡng tình bạn. Ngôi trường này đã cho tôi nhiều thứ: người chồng, những đứa con và một công việc. Và giờ tôi hạnh phúc khi thấy hai cậu con trai mình đang trưởng thành từ đây”, cô Trần Hồng Hà (GV Tiếng Anh) chia sẻ.
Tuổi học trò ở MC
Gắn bó với mái trường MC hơn 20 năm từ thời học trò, cô Hồng Hà xem đây là gia đình thứ hai của mình. Cô bày tỏ: “Tôi luôn biết ơn ngôi trường này đã cho tôi nhiều điều quý giá trong cuộc đời”. Đó là người bạn tri kỷ, người yêu và cũng là người chồng của cô, Thiếu tá Phạm Minh Dũng. Hiện chú đang công tác tại Đoàn bóng chuyền Thể công, Cục Quân huấn, Bộ Quốc Phòng.
Gia đình cô Hồng Hà.
Ngày ấy, cô Hà học 9P, còn chú Dũng học 9M. Lên cấp 3, chú Dũng chuyển sang lớp cô Hà (10G) và trở thành “bá chủ” môn Toán, thường dẫn đầu thành tích học tập. Với tính cách giản dị, điềm đạm, chín chắn hơn so với hội con trai trong lớp, thời ấy, chú Dũng được các bạn quý mến và khiến nhiều cô gái ấn tượng, “liêu xiêu”.
Cô Hà cũng “không phải dạng vừa” khi sở hữu khuôn mặt xinh xắn, làn da trắng, lại đảm đang và có bề dày thành tích hoạt động ngoại khóa: giải Ba học sinh thanh lịch, giải Nhì thi nấu ăn của trường, giải Khuyến khích giọng hát hay THPT cấp thành phố… Nổi tiếng trong trường, cô Hà được nhiều chàng trai quý mến, để ý.
“Trai tài, gái sắc” nhưng chẳng ai nghĩ họ lại thành một cặp. Tình bạn cứ lớn dần lên theo năm tháng. Thời bấy giờ, nhà hai người cách trường ở Khương Đình 6 - 7 cây số. Ngày ngày đạp xe cùng nhau đi học, luyện thi ở Bách Khoa, trò chuyện đủ thứ “trên trời dưới biển”. 3 năm học, hai người chơi chung nhóm bạn thân, ban đầu chỉ quý mến nhau với tình cảm trong sáng. Cô Hà nhớ lại: “Tình cảm cứ thế lớn lên, chẳng ai nghĩ thích hay yêu người kia cả. Nhà tôi trong khu tập thể, nhà anh Dũng ở ngoài mặt đường Nguyễn An Ninh. Thỉnh thoảng, anh Dũng sang nhà tôi ăn cơm rồi đi học. Ngày ấy, con đường đi học mấp mô nhiều ổ gà, có lúc hai đứa phải xuống dắt xe đi bộ. Hôm nào về sớm, cả nhóm ghé vào quán vỉa hè ăn chè đỗ đen, ngô nướng, sắn luộc…”.
Chú Dũng rất giản dị, chỉ thích mặc áo sơ mi trắng, mùa đông thì có thêm chiếc ghi lê len. Chú trầm tính, điềm đạm, không quá nổi bật trong đám đông nhưng đó lại là “ưu điểm” trong mắt cô Hà. Tuy nhiên, chú Dũng không dám ngỏ lời, chỉ âm thầm làm bạn vì biết cô có nhiều người thích. Chú nghĩ cô sẽ yêu người có điều kiện hơn vì lúc đó, nhà chú nghèo lắm. Mỗi lần sinh nhật, chú chỉ tặng cô những món quà giản dị như: cái bờm, kẹp tóc…, trong khi những người theo đuổi cô thì tặng gấu bông, bó hoa hồng to.
Rời mái trường MC, cô Hà trở thành sinh viên ĐH Ngoại ngữ, chú Dũng thi đấu trong đội tuyển bóng chuyền Quốc gia và được đặc cách vào ĐH Thể dục Thể thao ở Từ Sơn, Bắc Ninh. Tình cảm của hai người dần nảy nở và được khẳng định qua những lần đi dạo với những câu chuyện không đầu không cuối.
“Những lần đi dạo Hồ Tây, lúc về đứng ngoài đơn vị anh Dũng ở Hoàng Diệu, tôi cứ quyến luyến mãi. Lần vào thăm đơn vị, hình ảnh anh ấy bước ra với bộ quân phục đã chinh phục trái tim tôi. Năm thứ hai đại học, chúng tôi xác định được chuyện tình cảm của mình, nhất là khi mẹ làm hồ sơ cho tôi du học Mỹ. Tôi và anh ấy đã tìm cách không xin được visa để không phải đi. Tôi luôn cảm giác tình yêu của anh ấy rất sâu lắng, bình yên, giản dị và tự nhiên lắm!”, cô Hà bộc bạch.
Tốt nghiệp ĐH, cô học trò năm nào trở thành giáo viên MC. Hình ảnh chú bộ đội mặc quân phục đưa đón cô Hà ở cổng trường vẫn được những bảo vệ cũ của trường nhắc đến.
Chiếc cầu ô thước MC
Ngày hai người kết duyên, mẹ chồng trao xấp bằng khen, bài báo viết về chú Dũng cho cô Hà như “của hồi môn”. Đối với vợ chồng cô, đó là kỷ vật lưu giữ ký ức tình yêu thuở ban đầu của hai người. Để rồi từ đó đến giờ, cô nối tiếp công việc của bà khi làm dầy thêm cuốn kỷ yếu ấy. 20 năm quen, yêu và sống với nhau, chú Dũng chỉ dỗi cô Hà được 1 - 2 lần. Nhiều người theo đuổi cô Hà năm ấy thường trêu rằng: “Chuyện tình của hai người là sốc nhất trong cuộc đời tớ”.
Chú Dũng là người lãng mạn nhưng âm thầm. Ngày kỷ niệm 5 năm thành lập Marie Curie, chú chở cô đến trường. Khi đang trò chuyện với nhóm bạn cũ, cô Hà bất ngờ nhận được bó hoa từ một người lạ với lời nhắn: “Có người nhờ cháu mang hoa tặng cô”. Trên đường về, cô kể với chú Dũng về bó hoa của một người hâm hộ. Lúc ấy, cô mới sững người ngạc nhiên khi biết người tặng chính là chú.
Không nói nhiều, chú quan tâm và thể hiện sự lãng mạn bằng những hành động nhỏ nhất. Trở về từ chuyến công tác Trung Quốc hay tập huấn xa nhà, quà chú tặng cô là vài đồng tiền xu của nước đó và tập giấy ghi những dòng tâm sự tình cảm mà hàng ngày chú viết cho đỡ nhớ.
Quen nhau 10 năm, yêu nhau hơn 6 năm rồi mới cưới nên “đòn võ”, tật xấu của nhau, hai người đều nắm rõ. Biết cô Hà hay mủi lòng, đa cảm, lại nghĩ nhiều, giận dai nên mỗi lần đi công tác, chú có “bài” hôm sau đi, hôm nay mới nói để cô “không có thời gian khóc”.
Những người trong đơn vị chú Dũng rất khâm phục tình yêu và sự hy sinh của hai vợ chồng. Với đặc thù công việc hay phải tập huấn và thi đấu xa nhà, có những giải đấu liên tiếp nhau, chú Dũng vắng nhà 2 - 3 tháng liền. Cô Hà ở nhà chăm sóc con cái và lo chu toàn công việc của hai bên nội ngoại… “Nhớ hồi tôi sinh con đầu lòng được ít ngày, anh Dũng phải đi công tác, đến khi về thì con đã biết lẫy… Cháu thứ 2, tôi sinh sớm hơn dự kiến. Lúc đó, anh cũng đang bận thi đấu cho đội tuyển Quốc gia, lúc về thì con đã đầy tháng”, cô Hà nhớ lại.
Chú Dũng tham dự nhiều giải đấu trong nước và quốc tế, cùng đồng đội giành nhiều cúp và huy chương danh giá cho bóng chuyền Việt Nam. Với những nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ, chú được Bộ Quốc phòng và Ủy ban Thể dục Thể thao Việt Nam trao tặng nhiều danh hiệu, bằng khen, kỷ niệm chương. Đặc biệt, chú còn được giới chuyên môn xem như “tượng đài sống của bóng chuyền Việt Nam”. Thế nhưng khi rời sàn đấu, chú lại sát cánh bên cô Hà trong công việc gia đình, nuôi dạy con cái. Chú còn đi họp CMHS cho các con và xung phong hỗ trợ các hoạt động của lớp dịp Giáng sinh, Halloween hay lễ hội bánh chưng... “Ai cũng phải trải qua khó khăn thì mới có hạnh phúc. Chúng tôi không chọn cách kêu than mà cùng nhau bước qua, cố gắng làm hết khả năng của mình”, chú Dũng khiêm tốn nói.
Nhắc đến Marie Curie, vợ chồng cô Hà xúc động cho rằng, đó là nơi kết duyên, là chiếc cầu ô thước tạo nên định mệnh hai người đến và gắn bó với nhau. Và giờ, hai cậu con trai của cô chú cũng đang học tại trường. Trong bữa ăn hàng ngày, câu chuyện chung của gia đình là về giải bóng ném, bóng rổ, Hội diễn văn nghệ, về thầy Khang và thầy cô trong trường… Tất cả đều trở thành kỷ niệm vui, câu chuyện đáng nhớ của các thành viên.
Mỗi lần trường tổ chức thi hát, thể thao, chú Dũng lại nói vui rằng: “Đấy, hai con đã giành được giải rồi, mẹ phải cố gắng rinh bằng được giải về nhé!”. Cả ba mẹ con cùng nhau “so tài”, thi đua trong các hoạt động của trường. Chưa kể, cô tham gia giải bóng ném thì chú cũng góp mặt trong đội CMHS tranh tài giải bóng đá. Mọi người gọi vui đây là gia đình thể thao của MC.
“Hai con cùng học ở trường nên cả nhà chung một lịch. 6h30, hai con ra chờ xe buýt, 16h10 lên xe về nhà mà không cần bố mẹ đưa đón. Mỗi ngày, tôi hỏi: “Các con ăn có hết suất, ngủ trưa có ngon không?”, “chuẩn bị văn nghệ thế nào?”, “học có vui không?”… Vì hai con đều học ở MC nên tôi nắm bắt được tình hình của con tốt hơn và cảm giác gắn kết nhiều hơn”, cô Hà tâm sự.
“MC là nơi tình yêu bắt đầu, nơi nuôi dưỡng tình cảm. MC cho tôi kiến thức, tình bạn, tình yêu, gia đình và công việc. Tôi thấy hạnh phúc khi nhìn hai con tiếp tục trưởng thành ở chính ngôi trường chúng tôi từng học. Vợ chồng tôi xin cảm ơn chân thành các thầy cô, anh chị em đồng nghiệp đã luôn giúp đỡ, chia sẻ với chúng tôi những lúc buồn, vui trong công việc và cuộc sống. Đặc biệt, cả nhà tôi luôn biết ơn thầy Khang đã cho gia đình tôi, cũng như các thế hệ MC ngôi trường tuyệt vời như vậy!”, cô Hà nhắn nhủ.
* Bài viết trích từ Nội san MCer Link số 21, phát hành 02/2016.