Coi tiếng Anh thân thuộc như hơi thở và trau dồi, nâng cao kỹ năng bằng việc tự học, là cách mà Lê Thị Minh Hằng (lớp 10, trường Amsterdam) "làm bạn" với môn học khiến nhiều người ngần ngại.
"Chơi" với tiếng Anh từ nhỏ
Không học bằng cách quá "đao to búa lớn" như phải ngồi vào bàn cày sách vở, luyện nghe bằng các chương trình dài hơi của BBC hay các giáo trình nâng cao, Hằng để tiếng Anh thấm vào mình một cách tự nhiên nhất qua... quả cam, quả táo.
Hằng bắt đầu tiếp xúc với tiếng Anh từ khi học lớp 1, lớp 2. Tới lớp, em và các bạn được nghe, viết những từ đơn giản: quả chuối, cái cốc, quyển vở... Những thanh âm đầu tiên cứ tự nhiên đi vào đầu một cô bé 6 tuổi, nhanh chóng thu hút Hằng giống như âm nhạc, hội họa...
Hằng học mà như chơi, chơi mà như học với môn tiếng Anh cho tới khi học lớp 4, lớp 5 mới bắt đầu "cày" thực sự. Khi đó, ở trường có cuộc thi tiếng Anh, mẹ Hằng động viên con tham dự. Để có kết quả tốt, em đã phải cố gắng làm nhiều bài tập, học ngữ pháp... chứ không chỉ học chơi - chơi học như trước nữa.
Khoảng thời gian mấy năm đầu tiếng Anh thấm vào một cách tự nhiên đã khiến việc ôn luyện lúc đó của Hằng không quá khó khăn, vất vả. Hằng nói, em rất yêu tiếng Anh. "Tiếng Anh có tính thực hành cao. Em có thể nghe hiểu một bài hát, một bộ phim, đọc được sách. Nó giúp em tiếp cận với nhiều tri thức hơn".
Cũng giống như nhiều bạn khác, khi học lên cao hơn, em cũng phải chăm chú "cày" theo các giáo trình nghe - nói - đọc - viết khác nhau, trải qua những kì ôn luyện căng thẳng và tham gia các cuộc thi để cọ xát. Nhưng đối với tiếng Anh, Hằng xác định không nên học theo kiểu nhồi nhét. Bởi càng nhồi nhét càng không hiệu quả.
Phương pháp chính mà Hằng sử dụng là "cày" sách và thực luyện. Em có một cuốn vở ghi tất tần tật những kiểu câu, từ mới... Mỗi khi đi trên đường, Hằng lại lôi ra đọc để "xào đi xào lại" kiến thức trong đầu. Em chăm chỉ dùng phương pháp đọc này mỗi ngày. Mỗi lần học, Hằng không ép bản thân đọc và nhớ quá nhiều. Có khi là vài ba câu có chứa các từ mới, mẫu câu khó... Nhưng ngày nào bạn ấy cũng chăm chỉ thực hiện việc này vài lần. Mưa dầm thấm lâu, kiến thức cứ tự nhiên đi vào đầu mà không cần phải... chen lấn xô đẩy!
Với tiếng Anh, Hằng hay xem phim, nghe nhạc và học ngay trong lúc giải trí. Nghe, xem thấy không hiểu, cô bạn tò mò tìm lời đọc, rồi biết thêm được từ này phát âm thế này, chứ không phải thế kia. Kiến thức cứ như con kiến tha lâu đầy tổ, dần dần, Hằng nắm chắc ngữ pháp, từ vựng tiếng Anh.
Cô gái thích... đi thi
Không chỉ là một cô nàng có duyên với các giải tiếng Anh cấp quận, cấp quốc gia, Hằng còn chơi cờ vua rất cừ. Năm nào Hằng cũng tham gia vài cuộc thi từ nhỏ đến lớn. Suốt ba năm học đầu tiên của cấp 1, em hầu như chỉ dành thời gian cho môn thể thao trí tuệ này. Luyện ở nhà, rồi đi thi cấp quận, không ít lần giật giải nhất. Bây giờ, Hằng tập trung nhiều cho tiếng Anh. Em vẫn đi thi cờ vua, vẫn thi thoảng lên mạng đấu cờ online cho đỡ quên kiến thức, nhưng tần suất đã giảm bớt.
Hằng chia sẻ, em chăm chỉ đi thi bởi "thi trượt thì thôi, nhưng nếu đỗ thì được rất nhiều". Đi thi giúp em quen với sự căng thẳng của việc thi cử, được cọ xát tích lũy kinh nghiệm. Giải thưởng đối với Hằng không quan trọng bằng việc nhìn thấy sự tiến bộ, trưởng thành của mình sau thời gian ôn luyện. Em nói: "Nếu cùng một cuộc thi đó, năm ngoái mình đạt giải, năm nay không thì có nghĩa là mình chưa đủ giỏi, mình học kém đi. Và như thế em cần xem lại nghiêm túc việc học của bản thân".
Hằng có một kỉ niệm rất vui về chuyện thi cử. Mặc dù đi thi nhiều nhưng đôi khi vẫn mắc phải những lỗi lãng xẹt như trong kì thi tiếng Anh năm ngoái, em viết bài làm vào tờ đề vì nhìn thoáng qua tờ đề rất giống tờ bài làm. Tới lúc nộp bài, giám thị nói em mới nhận ra. Lần đó, Hằng đã phải viết đơn trình bày với ban tổ chức. Em đã nghĩ bài làm vi phạm quy chế như thế chắc là không được chấm rồi. May mắn thay, ban tổ chức đã xem xét cho em. Kì thi đó, em đạt giải Nhì.
Người hỗ trợ tuyệt vời
Hằng bảo, em may mắn có được một gia đình tuyệt vời. Bố mẹ quan tâm và thân thiết với con. Anh trai em đang đi học bên Mỹ, tâm lý và chiều em gái. Bà ngoại năm nay 65 tuổi nhưng tính rất thanh niên, là người lắng nghe những câu chuyện không đầu không cuối của một cô gái đang tuổi lớn.
Nhưng người hỗ trợ "đắc lực" nhất cho hai anh em Hằng phải nói tới mẹ. Mẹ là người rất quan trọng. Mẹ luôn quan tâm tới việc học của hai anh em Hằng. Chính mẹ là người tìm tài liệu, giáo trình cho Hằng học, tạo một áp lực vừa đủ cho Hằng chuyên tâm.
Đôi khi mẹ cũng mắng mỏ em như bao ông bố bà mẹ khác. Nhưng trái ngược với các bạn, Hằng lại có suy nghĩ: "Mẹ nói mà mình không làm thì cũng chả tác dụng gì. Quan trọng là tự thân vận động thôi. Học hành khổ thì thương thật nhưng mà phải khổ thì mới trưởng thành được. Khi nhìn lại, em thấy rằng mẹ có mắng thì em mới được như ngày hôm nay".
Mẹ Hằng có một "chiến thuật" nghe rất lạ nhưng kì thực là vô cùng quen thuộc: không phí phạm thời gian ngoài đường! Điều đó đồng nghĩa với việc em không cần đi học thêm nhiều mà chủ yếu về nhà tự học. Sau giờ học trên lớp, kiến thức nền đã được "nạp" đầy đủ, em chỉ cần xào xáo lại chúng trong giờ tự học ở nhà là tự khắc chúng sẽ... ở lại. Việc học thêm cũng không khác việc tự học là mấy, lại còn rèn cho Hằng tính tự lập, tự chủ trong công việc.
Năm học này, Hằng vào lớp 10 trường chuyên Hà Nội - Amsterdam. Cô bạn cho biết sẽ cố gắng học tốt hơn nữa, đặc biệt là tiếng Anh để có cơ hội ra nước ngoài du học.
Họ và tên: Lê Thị Minh Hằng Học sinh lớp 10 trường chuyên Hà Nội - Amsterdam Ngày sinh: 25/2/1999 Thành tích: - Ấn tượng năm học 2013-2014 (trường Marie Curie Hà Nội) - Huy chương Vàng kỳ thi Tiếng Anh IOE toàn quốc - Giải Ba kỳ thi Toefl Junior Partner toàn quốc - Giải Nhì kỳ thi Olympic Tiếng Anh Thành phố. |
Hà Bi
Link bài viết: http://www.tamguong.vn/hoc/guong-mat/686820/Nu-sinh-truong-Amsterdam-chia-se-bi-quyet-hoc-tieng-Anh-tpov.html