“Tớ đã có khoảng thời gian khó quên với những người bạn mới và học được nhiều bài học thú vị về lĩnh vực ngoại giao” - Hà Mi (CHS E1, 2008 - 2012) hào hứng chia sẻ suy nghĩ của mình sau chuỗi ngày tham gia VYMUN 2014.
VYMUN là gì?
Vietnamese Youth Model United Nations (VYMUN) là chương trình mô phỏng phiên họp của Liên hợp quốc dành cho thanh niên Việt Nam. Các bạn học sinh, sinh viên sẽ đóng vai những nhà ngoại giao đại diện cho quốc gia làm việc trong Hội đồng Liên hợp quốc. Tại đây, mọi người sẽ cùng nhau thảo luận, đàm phán và giải quyết các vấn đề kinh tế - chính trị - xã hội của toàn cầu. Năm nay, với chủ đề “Hòa bình và phát triển vì thế hệ tương lai”, VYMUN là dịp để các bạn trẻ nâng cao ý thức giữ gìn hòa bình, cũng như định hướng về quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.
Ngày đầu nộp hồ sơ
Một hôm lướt Facebook, tớ tình cờ truy cập vào page của chương trình VYMUN. Vốn từ nhỏ đã mong muốn trở thành nhà ngoại giao nên tớ quyết định đăng kí tham gia ngay. Bởi đây có thể là bước đầu tiên để tớ hiện thực hóa ước mơ của mình… Cũng giống như các chương trình khác, VYMUN yêu cầu ứng viên viết một bài luận ngắn về các vấn đề mang tính quốc tế. Tớ nhớ rất rõ khi đó, mình đã phải viết đi viết lại không biết bao nhiêu lần để đưa ra câu trả lời tốt nhất. Đến lúc nộp đơn đăng kí, tớ vẫn không khỏi băn khoăn: “Mình trả lời như vậy, liệu đã thể hiện được hết khả năng chưa? Ban giám khảo có hài lòng với tờ đơn của mình không?”. Những ngày chờ đợi kết quả luôn khiến tớ thấp thỏm, hồi hộp. Mọi chuyện chỉ trở nên dễ thở hơn khi tớ nhận được mail xác nhận tham gia vòng sau của Ban tổ chức.
Ngay sau vòng nộp hồ sơ, tớ phải đối diện vòng phỏng vấn trực tiếp. Các ứng viên được chia thành nhiều nhóm để thảo luận về những vấn đề liên quan tới hòa bình - xung đột, chương trình phổ biến hạt nhân, ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hóa... Do không thể sắp xếp thời gian tham dự buổi thi tuyển trực tiếp nên tớ được Ban tổ chức bố trí phỏng vấn qua Skype. Hôm đó, vì lỗi kĩ thuật nên nhiều lúc, tớ đang thảo luận với ứng viên khác thì âm thanh bị rè hay ngắt quãng. Dù buổi thi diễn ra khá tốt đẹp nhưng thú thật, tớ không mấy tự tin về sự thể hiện của mình tại vòng này. Khoảng thời gian sau tiếp tục là chuỗi ngày chờ đợi trong căng thẳng đối với tớ… Và thật tuyệt khi tớ đã vượt qua vòng phỏng vấn để trở thành đại biểu chính thức của chương trình!
Chuẩn bị cho phiên họp chính thức
Qua vòng phỏng vấn tức là tớ đã đi được 2/3 chặng đường của VYMUN. Để đến được phiên họp chính thức, tớ vẫn còn nhiều việc phải làm. Bởi tùy theo Hội đồng được phân chia mà mỗi ứng viên sẽ tham gia các chủ đề khác nhau. Chẳng hạn như: Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) thảo luận vấn đề xóa đói giảm nghèo và phòng chống thiên tai. Hội đồng Bảo an về các vấn đề lịch sử (HSC) lại xoay quanh cuộc xung đột giữa Iraq và Kuwait năm 1990. Trong khi đó, các đại biểu thuộc Hội đồng Bảo an về các khủng hoảng (CSC) sẽ không được biết trước chủ đề mà phải trực tiếp xử lý tình huống dựa trên những diễn biến thực tế. Bởi vậy, tụi tớ phải không ngừng làm việc từ tra cứu thông tin, tìm hiểu chính sách trong nước và quốc tế đến viết báo cáo, rèn luyện các kỹ năng mềm. Đối với UNDP, Ban tổ chức sẽ ghép hai người thành một cặp để cùng đại diện cho một quốc gia. Thế là tụi tớ lại có thêm việc tìm hiểu và hợp tác với đối phương để phát huy tốt nhất năng lực trong phiên họp.
Ngày trọng đại đã đến
Tại lễ khai mạc, chúng tớ được gặp gỡ, đối thoại với cô Nguyễn Thị Hồi (Cựu đại sứ Việt Nam tại Áo và Canada), chú Hoàng Anh Tuấn (Viện trưởng viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao), bác Nguyễn Khắc Mai (Nguyên Vụ trưởng vụ Nghiên cứu ban Dân vận TW) - những người đã và đang cống hiến cho hoạt động ngoại giao của nước nhà. Tụi tớ được các cô chú chia sẻ những câu chuyện lý thú về ngoại giao, đồng thời gửi gắm lời nhắn nhủ của những người đi trước tới thế hệ mai sau. Đó là: “Các chủ nhân tương lai của đất nước hãy luôn nỗ lực để đưa Việt Nam vươn lên tầm cao mới bằng tất cả trí tuệ và tài năng của mình”.
Hai ngày làm việc của phiên họp chính thức luôn diễn ra trong bầu không khí khẩn trương, nhộn nhịp. Ai cũng sôi nổi trình bày ý kiến với những lý lẽ, lập luận sắc bén. Ngay cả lúc giải lao, tụi tớ vẫn hăng say kéo về các bàn họp để bàn bạc cách giải quyết, cứu trợ thế nào, cũng như đề ra chính sách sao cho phù hợp. Hết giờ thảo luận tại phòng họp, về nhà tụi tớ lại tiếp tục hội họp xôm tụ trên Facebook… Những đêm miệt mài nghiên cứu, những phút tranh luận căng thẳng và những nỗ lực không ngừng nghỉ của các đại biểu cuối cùng đã được đền đáp xứng đáng khi bản nghị quyết chung của phiên họp được thông qua. Khỏi phải nói cũng biết lúc đó, tụi tớ vui sướng đến cỡ nào.
Mục đích tham gia VYMUN ban đầu của tớ chỉ là nâng cao trình độ nói và viết tiếng Anh. Tuy nhiên, tớ đã nhận được nhiều điều đáng quý hơn thế. Sau những ngày tìm tòi suy nghĩ, những buổi tranh luận căng thẳng và những thời khắc đàm phán khéo léo để mang lại lợi ích cao nhất cho đất nước, ước muốn làm nhà ngoại giao của tớ lại càng trở nên mãnh liệt hơn. Tớ sẽ cố gắng học thật tốt, sau đó tiếp tục trau dồi bản thân để theo đuổi niềm đam mê của mình.
HÀ MI
* Bài viết có mặt trong Nội san MCer Link số 14, phát hành tháng 12/2014.