Từ những năm đầu thập niên 90, khi mới đi vào hoạt động, trường Marie Curie đã chú trọng việc vận hành xe buýt đưa - đón học sinh. Từ phương tiện đến lái xe đều được đảm bảo để học trò tới trường và về nhà an toàn, vui vẻ.
1. Hôm trước, một người bạn “tag” mình vào bài viết trên page “Inter Bus Lines”: “Xe buýt ngày xưa, những ai từng ngồi trên chiếc xe này thì giờ chắc con cháu đầy đàn rồi!”. Mình bỗng thấy bồi hồi khi bài viết đăng hình ảnh những chiếc buýt ở Hà Nội vào thập niên 90; trong đó có loại xe buýt Hải Âu mà trường Marie Curie thường dùng để đưa - đón học sinh ngày ấy. Điều đó làm lòng mình tràn đầy cảm xúc và sự hoài niệm.
Marie Curie là trường học đầu tiên trên toàn quốc theo mô hình trường bán trú. Xe buýt MC đưa - đón học sinh khắp Hà Nội mỗi ngày. Khoảng sân rộng ở Khương Đình luôn rộn ràng giờ học trò đến trường và tan học. “Cư dân” MC ngày ấy tự hào và thích lắm bởi duy nhất trường mình có “xe đưa - xe đón” đúng nghĩa. Từ ngày ấy, đội xe buýt MC đã có những bác tài là “huyền thoại trong lòng học trò” bởi tình yêu thương, sự tận tụy và trách nhiệm.
2. Mình nhớ cô học trò Minh Hương (CHS P, 92 - 95; biệt danh Minu) xinh đẹp, lém lỉnh và tình cảm đi xe buýt tuyến 04 của trường. Em đã viết tặng bác Thắng (lái xe) một bài thơ chan chứa tình cảm. Tác phẩm ấy đã được đăng trên nội san “Tin Marie Curie” số 2, phát hành năm 1993. Ngay lập tức, bài thơ được cả trường biết đến và đem lại niềm vui, niềm tự hào cho đội ngũ tài xế MC. Chính lòng yêu nghề, mến trẻ và sự tận tâm của các bác đã được ghi nhận bởi tình cảm trong sáng, hồn nhiên của học trò nhà trường.
Bác Thắng nhiều lúc chiều học sinh tới mức tìm điểm dừng xe cho các con xuống hàng quán quen thuộc để mua đồ ăn sáng. Bác hiền lành, cởi mở, hay pha trò và nói chuyện với các con rất tình cảm, tâm lý. Không chỉ Minh Hương mà nhiều thế hệ học trò cũng gắn bó với các bác lái xe bằng lòng yêu thương, quý trọng như vậy. Các bác thường nhớ tên, nhớ mặt học sinh tại từng điểm đón; chăm sóc các con mỗi lần lên - xuống xe bằng lời nhắc nhở ân cần, chu đáo.
3. Mình hay đi buýt đến trường cùng học trò. Có những kỷ niệm thật vui. Chẳng hạn, năm 2018, trên chuyến xe từ trường về nhà, bác tài mở tivi cho cô trò xem trận bóng Việt Nam - Malaysia tranh cúp Vô địch AFF. Trong khi bác tập trung lái xe trên đoạn đường đông nghịt người thì cô trò hò hét cổ vũ cho đội nhà, hát vang “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” rồi cầm cờ vẫy khắp xe với khí thế tưng bừng như đang trên sân Mỹ Đình. Dọc thân và đằng trước xe, bác tài cũng treo cờ Tổ quốc khổ lớn cùng khẩu hiệu “Việt Nam vô địch”. Người đi đường nghe tiếng hát rộn ràng và nhìn cờ, khẩu hiệu rực rỡ chắc nghĩ là xe chở cổ động viên đổ bộ về Bờ Hồ để “đi bão” nên phóng theo xe buýt MC đầy phấn khởi... Cô trò hô: “Vào!”, “Việt Nam vô địch!” rền vang qua các phố, khiến ai đi ngang qua cũng mỉm cười rạng rỡ và cùng chia sẻ niềm vui chiến thắng. Thật tuyệt vời! Đường xa hóa gần là bởi có các bác lái xe thật trách nhiệm, tận tình và tâm lý.
4. Trường Marie Curie có một đội ngũ chuyên trách về xe buýt đưa - đón học sinh. Từ việc nghiên cứu xây dựng lộ trình các tuyến, các điểm đón - trả học sinh đến xác định giờ đón - trả mỗi ngày sao cho phù hợp…, các anh chị đều làm rất chuyên nghiệp và tận tâm. Ngoài tài xế, mỗi xe đưa - đón MCer Tiểu học có một cô trưởng xe phụ trách việc quản lý học sinh từ điểm đón đầu đến điểm trả cuối của mỗi tuyến để đảm bảo an toàn. Không chỉ thuộc tên, biết lớp của từng học trò mà các cô còn nhớ địa chỉ nhà, số điện thoại của phụ huynh, cũng như đặc điểm riêng của từng con. Mỗi tuyến xe Tiểu học thường xếp 16 - 20 học sinh để các cô có thể chăm sóc, quản lý các con tốt nhất. Hiện hệ thống giáo dục Marie Curie có hơn 180 tuyến xe buýt cho 4 khối: Mẫu giáo, Tiểu học, THCS và THPT.
Trong 32 năm đưa - đón học sinh trên toàn địa bàn thành phố, đội ngũ xe buýt MC luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm và tổ chức khoa học, hiệu quả công tác vận hành để đảm bảo an toàn cho các con.
5. Từ năm 2019 đến nay, trường Marie Curie tiến hành lắp chuông cảnh báo trên tất cả các xe để không xảy ra sự cố học sinh ngủ quên, bị bỏ lại trên xe. Cơ chế hoạt động của chuông như sau: Khi đưa học sinh đến trường vào buổi sáng hoặc trả học sinh về nhà vào cuối chiều, lúc tắt máy ô tô, lái xe phải xuống cuối xe để tắt chuông an toàn. Việc này giúp lái xe quan sát toàn bộ ghế ngồi để phát hiện trường hợp học sinh ngủ quên. Nếu lái xe không xuống cuối xe, tắt chuông an toàn thì khi ô tô tắt máy, chuông sẽ kêu mãi.
Ngoài ra, mỗi xe đều trang bị túi thuốc y tế dành cho trường hợp cần sơ cứu học sinh; có bình cứu hỏa để phòng hỏa hoạn và búa chuyên dụng đập kính để thoát hiểm.
6. Ngoài việc trang bị chuông an toàn trên xe, mỗi năm học, nhà trường đều tổ chức tập huấn kỹ năng thoát hiểm cho học sinh. Đó là:
- Mở cửa sổ cạnh ghế ngồi của lái xe;
- Bấm còi và bật đèn Hazard;
- Gọi cho thầy cô hoặc bố mẹ nếu có điện thoại;
- Phá cửa kính bằng búa thoát hiểm.
7. Với học trò, xe buýt Marie Curie không chỉ an toàn mà còn đem lại cảm giác thân thiện, tươi vui và ấm áp như trong một gia đình. Mỗi dịp gặp lại nhau vào ngày kỷ niệm thành lập trường, hình ảnh thân thuộc nhất với bao thế hệ học trò là gì? Là phiếu ăn ở canteen trường, là phòng bán trú, là xe buýt trường. Mô hình xe buýt còn được dựng trên sân khấu để học trò ôn lại ký ức về một thời chung xe tới lớp. Rồi vé dự Gala trường, các em cũng thiết kế hình xe buýt. Thật thân thương và gợi nhớ bao kỷ niệm!
Ngoài chuyện học, chơi, ăn, ngủ tại trường thì nhiều em còn gắn bó, đồng hành với nhau trên tuyến xe buýt đến trường mỗi ngày. Mong sao học trò thế hệ nào cũng có thể nói chân thành, hồn nhiên và hạnh phúc: “Chọn trong những từ yêu thương, em gọi bác lái xe là “Bố”” như Minu và các bạn nhỏ Marie Curie.
Cô HỒNG MAI
(GV Địa)