Dù ra trường đã lâu nhưng với các thế hệ MCer và bố mẹ, thầy cô cùng mái trường Marie Curie luôn ở trong tim. Thầy cô không chỉ là một phần ký ức của tuổi thơ con mà còn là những người bạn tri kỷ của bố mẹ.
Bao nhiêu năm đã trôi qua nhưng tôi vẫn luôn yêu trường, vẫn dõi theo từng bước lớn mạnh của MC và luôn tự hào con gái chúng tôi từng là học sinh của ngôi trường này. Chúng tôi luôn biết ơn các thầy cô nơi đây đã gieo hạnh phúc, ước mơ và tri thức cho con trên chặng đường đến nước Mỹ.
Con vào trường từ những năm đầu thành lập cơ sở Trung Yên. Tuy vật chất lúc đó không được như bây giờ nhưng cả phụ huynh và học sinh vẫn cảm thấy vô cùng sung sướng, hạnh phúc.
Bởi được học ở trường, được mặc bộ đồng phục MC là ước mơ của bao học sinh và là niềm tự hào của các gia đình. Ngôi trường này đã cho con một khung trời rộng mở, đã nâng cánh và trang bị cho con đầy đủ kiến thức, kỹ năng sống, cũng như ước mơ để làm hành trang trên chặng đường phấn đấu nhận học bổng của một trường đại học tốt của Mỹ.
Nhớ ngày đầu đưa con đi khai giảng, bước qua cổng trường, các con được thầy Hiệu trưởng đón tiếp vô cùng ân cần, niềm nở. Tiếng trống vang lên, cả trường vỡ òa niềm vui, hân hoan, rộn ràng.
Tôi trào lên một niềm xúc động khôn tả. Tôi muốn khóc vì thấy con quá hạnh phúc trong ngày nhập trường, vì đã cho con chọn ngôi trường này.
Ngay từ ngày ấy, tôi đã cảm nhận rằng, với một thầy Hiệu trưởng nhân văn như thế, nhất định con sẽ được sống những năm tháng học trò ý nghĩa và sẽ thành công trên con đường thu nạp kiến thức, định hình nhân cách.
Tôi vẫn nhớ giáo viên chủ nhiệm đầu tiên của con là cô Hồng Ánh - một cô giáo rất trẻ, nhiệt tình và quan tâm học trò. Cô đã dạy con biết quan tâm và có trách nhiệm với bạn bè.
Lần đầu tiên thời học sinh được đi cắm trại cùng các bạn, con vui và phấn khởi đến mất ngủ. Hôm sau lên ô tô, con quên túi đồ cá nhân tại gốc cây trong trường. Gọi điện về báo mẹ, con lo lắng nhưng rất may, cô vẫn thu xếp ổn thỏa. Cô và nhà trường đã tặng các con một chuyến dã ngoại không thể nào quên.
Tôi và các bậc làm cha mẹ vẫn ấn tượng sâu sắc với buổi dạ hội cuối cấp của con.
Hôm đó, cả trường lung linh ánh nến. Các bạn nữ, ai cũng mặc đẹp, xinh xắn như vừa bước ra từ thế giới cổ tích. Các bạn nam thì vô cùng lịch lãm. Các thầy cô hào hứng, vui hết mình với các con.
Thời ấy, những hoạt động như vậy là vô cùng hiếm ở các trường học nhưng trường Marie Curie đã làm rất tốt. Sự vượt trội về chất lượng học và sự khác biệt về cách dạy toàn diện đã đưa Marie Curie lên tốp đầu, là mơ ước của bao thế hệ học trò.
Tôi cũng vô cùng biết ơn cô Thái Lê, giáo viên chủ nhiệm năm cuối cấp của con. Con nói cô dạy Ngữ văn rất hay. Bài giảng của cô có cánh cò bay trên đồng lúa vàng trải dài xa tít, có tiếng sáo diều và có cả lời mẹ ru.
Cô đã biến những con chữ thành bức tranh đầy cảm xúc. Cô đã gieo tình yêu quê hương, đất nước, mẹ cha vào trái tim của các con.
Không chỉ dạy giỏi, cô còn biến năm học cuối cấp của con thành những ngày tháng vui vẻ. Cô đã gắn kết những chú chim nhỏ, non nớt thành một tập thể đoàn kết, thân thiết, yêu thương nhau.
Đến tận bây giờ, con vẫn nói với tôi: “Những năm tháng tại trường Marie Curie là khoảng thời gian vui vẻ, hạnh phúc nhất cuộc đời học sinh của con. Con mong có nhiều MCer được nhận học bổng để thành lập hội cựu học sinh MC ở Mỹ”.
Ngày sang Mỹ, hành trang mà con mang đi có chiếc cốc uống nước in hình logo trường do một người bạn cũ tặng. Quả thật với con, Marie Curie yêu thương mãi mãi ở trong tim và thầy cô, bạn bè nơi đây là một phần tuổi thơ không thể phai nhòa.
Cô MAI XUÂN
(Mẹ của Quỳnh Vân, CHS 09 - 12)
Trường Marie Curie là nơi con gái tôi trải qua bốn năm học cấp 2 với rất nhiều kỷ niệm.
Bốn năm học của con có sự đồng hành của cô Nhị Hằng, cô Hải Quế, cô Vũ Hồng dạy Toán; cô Thái Lê, cô Quỳnh Giang dạy Ngữ văn; cô Hồng Nhung dạy Tiếng Anh… Các cô đều bình dị, trầm lặng, không hù dọa mà luôn thân ái, chân tình.
Cho đến giờ, dù đã là sinh viên năm ba Đại học ở nước ngoài nhưng con vẫn luôn nhớ về những ngày xưa thân thương đó. Mỗi lần về nước, con chưa bao giờ quên tới trường thăm thầy cô.
Mỗi thầy cô đều để lại trong con những ký ức khó phai nhưng kỷ niệm nhiều nhất là với cô Vũ Hồng Nhung, giáo viên chủ nhiệm năm cuối cấp của con.
Thời gian học cô không nhiều nhưng để lại cho con những ký ức khó quên. Cô chứng kiến rất nhiều chuyện của con; từ thất bại đến thành công, từ nước mắt đến nụ cười, từ buổi tối năm cuối bâng khuâng bên nồi bánh chưng ở trường đến đêm prom đầy xao xuyến.
Cô giáo có nụ cười tỏa nắng ấy còn trở thành người bạn tri kỷ của tôi.
Một hôm, tôi đến chờ gặp cô ở quán Highlands gần trường để trao đổi chuyện về con gái. Nhìn cô bước vào với nụ cười hết cỡ trên môi, tôi thấy mọi khoảng cách dường như biến mất. Cảm giác không còn phụ huynh, giáo viên nữa mà như là bạn, cùng có mối quan tâm tới cô con gái và giáo dục.
Nhiều điều con không tâm sự với tôi nhưng tỉ tê với cô, cũng có nhiều điều cô không kể lại cho tôi nghe vì tôn trọng sự riêng tư của con. Nhưng tôi vẫn nhớ lần cô vui sướng một kiểu rất teen khi thì thầm vụ “say nắng” đầu đời của con gái. Có lẽ vì cô sống với những cung bậc cảm xúc của tụi trẻ như của chính mình nên sau bao nhiêu năm, tôi thấy cô vẫn trẻ trung như ngày nào.
Ở cô Nhung có một sự cân bằng. Cô không quá ép các con đạt thành tích nhưng cũng không nương nhẹ. Cô không chỉ quan tâm đến việc học mà còn để ý từng nét mặt, cử chỉ thể hiện niềm vui, nỗi buồn của các con. Thi thoảng, tôi vẫn nhận được những tin nhắn tế nhị của cô: “Mấy hôm nay ở nhà có chuyện gì không chị?”.
Cô cân bằng được mong muốn của bố mẹ với việc các con được sống đúng tuổi thơ và bản thân. Có lẽ vì thế mà đến giờ, các lớp học sinh vẫn nhớ về cô như người bạn thân chấp nhận con người vốn có của chúng: không vì học giỏi, không vì mang lại thành tích cho cô, không phải chỉ cố làm vừa lòng người lớn mà là chính mình với những điều chưa hoàn hảo.
Sau này, mỗi lần trăn trở về con cái hay nghề nghiệp, chúng tôi vẫn hay nhắn tin cho nhau. Đôi khi, cô giáo ngày xưa lại là người cần tư vấn, đôi khi phụ huynh cũ lại trở thành “chiên gia”. Như có thần giao cách cảm, khi nhớ đến cô, tôi lại thấy cô nhắn hay xuất hiện điều gì liên quan tới cô, hình ảnh cô lại hiện lên trong tâm trí tôi.
Chẳng hạn một hôm tự nhiên nghe bài hát “Chân tình” mà học trò cũ Thảo Linh (Tlinh) của cô hát mà tôi nhớ cô da diết. Nhớ ngày cô cho chúng được sống là chính mình, phong cách, tài năng, riêng biệt. Trong thành công của Tlinh, chứng kiến cô đã thương bạn ấy như thế nào, tôi chắc chắn có một phần công sức của cô.
Ngồi nói chuyện với cô, nghe cô tâm sự về những khó khăn, trăn trở của việc dạy online, nhớ về những ngày xưa, tôi thấy bao cảm xúc ùa đến và thời gian như dừng lại. Điều quan trọng trong cuộc sống của chúng ta chính là những khoảnh khắc được trải nghiệm niềm vui, nỗi buồn và những cung bậc cảm xúc rung lên khi được gặp đúng người đồng điệu. Vì thế, tôi vẫn hay nói rằng, dù không gặp nhưng chúng ta vẫn luôn nghĩ tới nhau.
Cô CÚC HÀ
(Mẹ của Lan Chi, CHS E2, 11 - 15)