Tình bạn diệu kỳ của thầy cô MC

Như một định mệnh, có những thầy cô gặp gỡ nhau từ thời sinh viên để rồi thêm gắn kết khi cùng làm việc ở Marie Curie. Bên cạnh đó, cũng có những thầy cô bỗng một ngày đẹp trời… trở thành bạn thân dưới mái nhà thân thương này. 

Tôi và Hạnh Thủy (GV Âm nhạc) đã cùng trưởng thành và nắm tay nhau đi qua thời thanh xuân tươi đẹp. 14 năm trước, chúng tôi gặp nhau vào một ngày Hà Nội nắng như đổ lửa. Khi ấy, chúng tôi chuẩn bị bước vào kỳ thi Đại học - bước ngoặt lớn trong cuộc đời mỗi người.

Một hôm, tôi đang chăm chú hoàn thiện bài biểu diễn chuyên ngành tại nhà cô giáo dạy ôn thi thì bất chợt có tiếng chuông cửa. Bước vào căn phòng là một cô bạn với dáng người nhỏ nhắn, sau lưng đeo cây sáo nhỏ. Sau cái gật đầu chào nhau, tôi trở về với tác phẩm của mình, còn cô bạn cùng cô giáo ngồi trao đổi chuyện bài vở.

Lần thứ hai, chúng tôi gặp nhau ở lớp ôn thi Văn tại một lò luyện. Lớp học đông đến mức ai không đến sớm thì phải kê bàn ngồi ngoài cửa lớp. Hôm ấy, tôi đến khá sớm nhưng trong lớp đã có chừng 30 bạn. Lấy sách vở xong, tôi thấy một tốp nữ đang túm tụm nghe ai đó say sưa kể chuyện. Sau một hồi quan sát, tôi ngạc nhiên khi nhận ra cô bạn gặp ở nhà cô giáo hôm trước. Lúc ấy, tôi thầm nghĩ, cô bạn này thật có khiếu nói chuyện.

Lần thứ ba, chúng tôi gặp nhau khi cả hai làm thủ tục nhập học. Bước vào phòng, nhìn thấy Hạnh Thủy, tôi thực sự tin rằng, chúng tôi có duyên với nhau. Bởi cả hai cùng ôn luyện, cùng thi và cùng đỗ vào khoa Âm nhạc, ĐH Sư phạm Hà Nội.

Những ngày tháng sau đó, chúng tôi chơi thân từ khi nào không hay. Thủy thích nói chuyện, còn tôi khá kiệm lời. Thủy thích các trò chơi mạo hiểm, thể thao cảm giác mạnh; còn tôi thích đọc sách, trồng cây, viết lách… Giữa chúng tôi có khá nhiều điểm khác biệt nhưng như người ta nói, trái dấu thì hút nhau. Dường như chúng tôi ở bên nhau là để người này bổ sung cho người kia.

Thời sinh viên, chúng tôi hay bàn luận về thần tượng, cuộc sống, những vấp ngã và cả những ước mơ ấp ủ trong lòng. Sau khi lập gia đình, chúng tôi lại trao đổi chuyện con cái, những món ăn dặm hay những lớp học làm mẹ, tập yoga…

Giờ đây, chúng tôi lại trở thành đồng nghiệp dạy chung trường. Ngày ngày, chúng tôi trò chuyện về những điều tuyệt vời ở ngôi trường này, về những học sinh đáng yêu hay cách biến kiến thức thành trò chơi để mang đến những tiết học hạnh phúc, tràn đầy tình yêu thương cho học trò… Ngay lúc này, khi còn cách hai chữ “đã già” một khoảng xa vời, tôi có niềm tin vững chắc vào lời ước hẹn: “Nhiều năm sau nữa, chúng ta vẫn là bạn thân”.

Mai này khi đã già, con cái bắt đầu có cuộc sống riêng, chúng tôi sẽ ngồi bên ấm trà trước hiên nhà đầy hoa, ôn lại những kỷ niệm xưa và cùng chơi những bản nhạc nhẹ nhàng.

TUYẾT MAI

(GV Âm nhạc)

 

Tôi đến Marie Curie bằng một tinh thần lạc quan. Với tôi, ngôi trường này không chỉ đẹp về hình thức mà còn cả tâm hồn. Đây thực sự là nơi làm việc thú vị, đúng như câu nói: “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Tôi luôn tin vào chữ duyên. Tôi nhận ra, được làm việc ở Marie Curie là một cái duyên; được quen biết, gặp gỡ những đồng nghiệp tốt bụng, vui tính cũng bởi chữ duyên. Đặc biệt, tôi đã có “duyên sâu nặng” với 7 người bạn, anh chị tại đây. Chúng tôi quen nhau khi cùng làm việc trong một khối và thực sự gắn kết sau những lần đi chơi, chụp chung những bức ảnh.

Tôi nghĩ rằng, để chơi thân thì trước hết, nhóm bạn phải có những điểm chung. Bên cạnh đó, tính cách của người này sẽ bù trừ cho người kia.

Trong nhóm của tôi, chị Hải Vân được gọi là “Chị Đại” với “độ tuổi phụ huynh nhưng gương mặt, tâm hồn học sinh”. Chị giúp đỡ những đứa em học hỏi rất nhiều thứ trong công việc và cuộc sống.

Một người “tuổi phụ huynh nhưng gương mặt, tâm hồn học sinh” khác là anh Lê Huy. Có thể đặt cho anh ấy biệt danh “Đại gia chân đất”. Do công việc bận rộn nên anh thường đi chân đất trong phòng làm việc cho thuận tiện. Khi dép bị hỏng, anh cần tư vấn việc mua đôi dép mới thì chẳng ai trong nhóm đồng tình vì sợ rằng “lại để làm cảnh thôi”.

Tuy hay trêu nhau nhưng thực lòng, chúng tôi rất tôn trọng anh chị vì cả hai luôn gương mẫu, là đầu tàu cho nhóm. Chị Vân khá điềm tĩnh, tận tụy, cẩn thận trong công việc và luôn sẻ chia với người khác. Anh Huy rất chăm chỉ, tốt bụng và dễ mến. Tất cả điều ấy đã lan tỏa tới các thành viên, giúp chúng tôi ngày càng hiểu nhau và hoàn thiện bản thân.

“Người già” tiếp theo trong nhóm là chị Tươi với tính cách chín chắn, điềm tĩnh, ít nói nhưng lần nào phát ngôn thì “chuẩn không cần chỉnh”.

Chị Ngọc, chị Linh đúng là sinh ra để dành cho nhau với gương mặt giống nhau và sự hài hước “thượng thừa”. Đây là hai “cây hài” cho những ngày giông bão, u buồn của nhóm.

Còn chị Phương “béo” thì khó mà bỏ được biệt danh này vì lần nào gặp, chị cũng nói: “Chỉ uống trà sữa nốt hôm nay thôi!”. Thậm chí, chị còn thường xuyên mời cả nhóm uống trà sữa để “chúng mình cùng nhau béo lên”.

Người có tên gọi là thứ mà ai cũng ngóng chờ vào cuối tháng là bạn Lương. Cô bạn này được gọi là “Thánh ảnh” vì đi đâu cũng chụp số ảnh ngang ngửa tổng số lượng ảnh của cả nhóm. Còn mình chẳng có tật xấu gì ngoài việc hơi “giờ cao su”, “chậm một nhịp” trong các cuộc vui.

Nhà tâm lý học Ron Friedman từng nói: “Chúng ta không thể làm việc tốt nhất trừ khi được kết nối với những người khác”. Tôi thấy mình thật may mắn khi được là một phần của Marie Curie. Tôi thầm cảm ơn nơi đây vì đã cho tôi thực hiện ước mơ, gặp gỡ những đồng nghiệp dễ mến và có những tình bạn đẹp.

Với tôi, có nhóm bạn thân ở nơi làm việc là điều thật tuyệt. Bởi chúng tôi có thể chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống; trao đổi kinh nghiệm làm việc hay học hỏi nhau những điều hay, thiết thực. Hơn nữa, khi thầy cô vui vẻ thì chắc chắn, học sinh sẽ được lan tỏa tinh thần: Học sinh hạnh phúc - Thầy cô hạnh phúc - Trường học hạnh phúc.

LAN ANH

(GV Tiểu học 1)

 

Thấm thoát đã 3 năm kể từ ngày tôi về công tác ở Marie Curie. Quãng thời gian ấy tuy không quá dài nhưng đủ để tôi có thật nhiều kỷ niệm.

Nhớ buổi họp đầu tiên của năm học mới, tôi được phân công giảng dạy khối 1 và kết thân với chị Khánh Linh, chị Lan Anh từ lúc nào không hay. Bây giờ, nếu chỉ có hai trong ba người chúng tôi đi với nhau thì các đồng nghiệp khác sẽ ngay lập tức hỏi về người còn lại.

Tuy mỗi người một tính cách nhưng chúng tôi có điểm chung là thích học hỏi, khám phá và đi du lịch.

Trong kỳ nghỉ hè của năm học đầu tiên, chúng tôi đã “tậu” được chuyến đi Thái Lan vô cùng “xịn sò” và khó quên. Trong chuyến du lịch ấy, chị Lan Anh là người lên lịch trình, chị Khánh Linh phụ trách tính toán các khoản chi tiêu sao cho hợp lý; còn tôi giữ vai trò thư ký, ghi lại toàn bộ lịch trình hoạt động. Sau những lần đi chơi xa như vậy, chúng tôi không chỉ biết thêm vẻ đẹp của vùng đất mới mà còn hiểu nhau hơn.

Trong nhóm, chị cả Khánh Linh thông minh, xinh đẹp, nói chuyện lôi cuốn và cư xử khéo léo. Mỗi lần gặp vướng mắc trong cuộc sống, hai người em đều hỏi chị đầu tiên. Còn chị hai Lan Anh vô cùng cẩn thận, tỉ mỉ. Khi được nhờ bất kỳ việc gì, chị đều làm đến nơi, đến chốn. Trong công việc cũng vậy, chị là giáo viên tràn đầy nhiệt huyết, luôn quan tâm và chăm chút cho học sinh.

Những lúc rảnh rỗi, chúng tôi thường la cà các quán cà phê, tâm sự chuyện trường lớp, học trò, cách dạy học và giao tiếp với phụ huynh. Có nhiều câu chuyện đáng yêu lắm!

Ví dụ như một buổi sáng đến lớp, chị Khánh Linh phát hiện có một tấm bảng ghi dòng chữ: “Đọc kỹ tên lớp trước khi vào!”. Chị tìm hiểu lý do thì được biết, từ hôm qua đến giờ, do có gần chục bạn vào nhầm phòng học của 3I3 nên các học sinh lớp chị đã làm tấm biển đó. Thế mới thấy tinh thần giữ lớp của các bạn nhỏ đáng yêu đến nhường nào!

Hay chị Lan Anh cứ 7h00 hằng ngày là có mặt tại Nhà ăn để hỗ trợ học trò lớp 1 bê đồ ăn nóng như: bún, phở… Việc làm tuy nhỏ nhưng cho thấy chị rất quan tâm và chăm sóc học sinh một cách chu đáo. Thực sự, mỗi câu chuyện ở trường đều là những khoảnh khắc thú vị, những trải nghiệm tuyệt vời đối với chúng tôi.

Chúng tôi mong rằng, tình bạn này sẽ luôn thắm thiết và có thêm thật nhiều kỷ niệm đẹp dưới mái trường Marie Curie.

LÊ LIÊN

(GV Tiểu học 2)

 

Những ngày đầu bước chân lên Hà Nội ôn thi Đại học, mọi thứ với tôi lạ lẫm lắm! Nhưng thật may mắn khi tôi gặp được Trần Khánh (GV Mỹ thuật) - người gắn bó với nơi này từ nhỏ nên thông thạo mọi thứ! Nhờ có cậu bạn mà tôi dần hoà nhịp với cuộc sống phố thị để rồi cùng dắt tay nhau bước vào cánh cổng Đại học.

Chuyến đi xa quê lần ấy của tôi là để theo đuổi đam mê. Thế nhưng, muốn làm được điều đó thì trước hết phải có nơi an cư. Thế rồi, tôi tình cờ gặp Nguyễn Hoài (GV Mỹ thuật) - chàng trai đến từ phố núi Lào Cai, cũng đang trăn trở tìm chỗ ở nơi đất khách, quê người. Trong lúc cả hai đang loay hoay thì Khánh lại xuất hiện đúng lúc, tận tình tìm nơi ở phù hợp cho chúng tôi. Thời gian trôi qua, 3 chúng tôi cứ thế trở nên thân thiết như anh em một nhà.

Kỷ niệm thời sinh viên thì vô vàn nhưng có một ký ức mà mỗi khi nhắc lại, 3 anh em vẫn bồi hồi xúc động. Đó là lần nhà trường tổ chức cho sinh viên trải nghiệm cuộc sống vùng biển. Chúng tôi có nhiệm vụ vẽ lại cảnh sinh hoạt hằng ngày của người dân miền biển.

Sáng sớm hôm ấy, xe ô tô xuất phát và gần trưa thì tới biển Tĩnh Gia, Thanh Hoá. Vừa bước xuống xe, chúng tôi đã cảm nhận được hương vị mặn mòi của biển và sự chân thành, hiền hoà, cởi mở của những ngư dân làng chài. 3 anh em may mắn được bố trí ở cùng chỗ. Lúc đó, tôi thầm nghĩ, nhất định sẽ cùng hai người bạn đi tìm hiểu thật kỹ lưỡng cuộc sống vùng biển…

Nhờ có chuyến đi ấy, tôi đã hiểu thêm về cuộc sống, sự can trường và đặc biệt là sức sáng tạo của người dân miền biển trước đại dương đầy trắc ẩn. Trong mọi hoàn cảnh, họ luôn tìm ra cách thích nghi với môi trường. Tôi cũng thầm cảm ơn hai người bạn đồng hành trong quãng thời gian xa nhà, đã cùng tôi trải nghiệm nơi đầy sóng và gió.

Với tôi, thời sinh viên là những năm tháng tươi đẹp nhất cuộc đời khi được thoải mái trải nghiệm, thoải mái làm những điều mình muốn cùng hai cậu bạn thân.

Thầy BÁ THƯỢNG

(GV Mỹ thuật)

 

Những cơ duyên đẹp thường mang lại nhiều màu sắc cho cuộc sống; cũng giống như thiên nhiên có mùa xuân ấm áp, có mùa hè nắng cháy, mưa rào và cả những ngày thu trong veo, yên ả. Theo tôi, thanh xuân luôn ẩn chứa nhiều bất ngờ, như một cú “plot twist” của nhà biên kịch mang tên số phận. Ngày thi Đại học năm ấy đã qua từ rất lâu nhưng với tôi, dường như 14 năm đó chưa hề trôi qua…

Phía ngoài hành lang trường THPT Nguyễn Huệ hôm ấy, sau cơn mưa rào mùa hạ, khoảng sân lấp lánh những vũng nước nhỏ, nắng vàng bao phủ khắp các tán cây. Xa xa, có bạn hát thật to để tự xua đi cảm giác căng thẳng, có bạn bịn rịn không muốn rời tay người thân để bước vào phòng thi...

Đang nhìn ra xa thì khi bất giác quay sang bên, tôi thấy một cô bạn với dáng người mảnh dẻ, tóc ngắn, lãng đãng ngắm sân trường. Bình thường, tôi ít khi lên tiếng trước, vậy mà lúc ấy đã chủ động tiến tới, hỏi: “Bạn cũng tên Hoa, đúng không?”… Đó là lần đầu chúng tôi gặp và chào nhau. Thoắt cái đã 14 năm trôi qua…

Cuộc nói chuyện chỉ có vài ba câu nhưng đủ để tôi nhớ tên và khoa thi. Tới ngày thông báo kết quả, tôi reo lên khi thấy cả hai thi đỗ. Cuộc sống sinh viên náo nhiệt, bận rộn với rất nhiều dự định, chuyện thi cử, công việc tình nguyện, làm thêm… khiến chúng tôi tuy gặp nhau nhiều nhưng chủ yếu vẫn là vài ba câu xã giao.

Chúng tôi ra trường rồi mất liên lạc một thời gian dài. Như bao thanh niên thời ấy, cứ vài năm, tôi lại nhảy việc tìm bến đỗ khác. Ngày phỏng vấn công việc mới, tôi rất phấn chấn. Khi tới nơi, tôi vô cùng ngạc nhiên khi gặp lại cô bạn năm nào.

Từ khoảnh khắc đó, tôi biết là có những lương duyên không phải liền mạch mà đứt đoạn để rồi đậm sâu hơn. Từ ngày song hành với nhau ở ngôi trường MC, chúng tôi nhận ra có nhiều điểm chung, từ tên gọi rồi tới tên bố của chúng tôi cũng giống hệt. Sau này kết hôn, “một nửa” của chúng tôi cũng có tên khá giống nhau. Ngoài ra, cả hai còn có nhiều điểm tương đồng như: ăn uống, sở thích, quan điểm dạy học…

Có lẽ, điều giúp chúng tôi thân thiết và gắn kết bền lâu như vậy chính là ngôi trường Marie Curie. Không chỉ có cơ duyên trở thành “cạ cứng”, chúng tôi còn là đồng nghiệp ở cùng tổ Tiếng Anh khối Tiểu học.

Càng cống hiến và gắn bó với nơi đây, chúng tôi càng hiểu rằng, tình bạn, tình thân của cả hai thật may mắn khi được nuôi dưỡng trong môi trường tràn ngập yêu thương, tử tế này.

Với chúng tôi, Marie Curie giống như ngôi trường Tomoe mà bao trẻ em mong ước trong câu chuyện của cô bé Tottochan - nơi chứa đựng rất nhiều ước mơ và có thầy Hiệu trưởng luôn lắng nghe trẻ em bằng trái tim nhân hậu…

HẢI HOA

(GV Tiếng Anh)