Chọn lựa thật kỹ trước khi "xung trận"
Ôn lại các "bí kíp" trước ở nhà để hôm sau chắc chắn "xung trận" là một trong những chiêu thức hữu hiệu được teen áp dụng triệt để.
Đầu năm học, giáo viên thường để học sinh tự xung phong lên bảng trả bài. Đây chính là cơ hội dành cho teen.
Một teen vui vẻ nói: “Đầu năm học, thầy cô thường khuyến khích học sinh tự xung phong lên bảng. Mình thường cố gắng kiếm điểm để sau này sẽ không bị gọi lên bảng nữa vì mỗi môn thường có một điểm miệng thôi”.
Muốn lên bảng môn nào, ở nhà, teen chỉ cần học trước. Đảm bảo hôm sau trả bài, teen không hề bị "ca-mơ-run" lại được điểm “ngất ngưởng”.
Trợ giúp của "người thân"
Khi lên bảng trả bài, nếu không thuộc bài cũ hay quên vài từ khóa quan trọng thì rất nhiều chiêu trò sẽ được teen áp dụng ngay tức thì. Với ánh mắt ngây thơ nhìn xuống lớp, ngay lập tức teen sẽ nhận được sự giúp đỡ của các thành viên trong lớp, chủ yếu là hội bàn đầu.
Khi giáo viên không chú ý, các "mem" này có thể quay ngược sách lại để cho bạn mình nhìn. Những teen nào bị gọi tên trong sổ "nam tào” sẽ khôn ngoan đứng gần bàn đầu để nhận sự “cứu trợ” trực tiếp.
Cũng có khi, với chỉ số IQ cao, teen sẽ nhận biết sự trợ giúp qua khẩu hình miệng. Các bạn phía dưới chỉ phải mấp máy môi để teen đoán ra đó là những câu chữ nào.
Dùng "phao cứu sinh"
Bên cạnh kiểm tra lý thuyết, với một số môn học, teen còn phải chữa bài tập về nhà. Những lúc thế này, teen thường ghi sẵn bài giải vào SGK rồi ung dung ôm sách lên bảng.
Quốc Hưng, một teen lớp 10 chia sẻ: “Khi thầy cô chữa bài, mình thường ghi sẵn luôn vào SGK cho dễ nhớ, nhân tiện hôm sau có bị gọi lên bảng làm lại thì có cái mà dùng”. Thương tiếc cho quyển SGK mới tinh, Khánh Huyền (bạn cùng lớp của Hưng) rất hạn chế ghi vào SGK mà thường hay mượn sách nhỏ bạn ngồi cùng bàn vì: “Sách của nhỏ đó là sách cũ. Mấy anh chị khóa trước ghi sẵn lời giải rồi”. Một số teen thì "hi sinh" một trang trong sách giải để kẹp vào giữa SGK và hiên ngang mang "phao cứu sinh" ra chép như đúng rồi.
Tuy nhiên, những teen dùng cách này thường để lại hậu quả rất lớn. Nếu thầy cô phát hiện ra trong sách có những dòng chữ lạ thì ắt hẳn, teen sẽ nhận được một "quả trứng" hay "con ngỗng" mang về nhà.
Bảng đen thành cộng sự
Lấy bút chì ghi lại những chỉ dẫn hay những lời giải lên bảng trước giờ vào lớp, khi lên bảng thì chọn đúng chỗ đã được “đánh dấu” để chiến đấu là sự lựa chọn của không it teen. Tiến Sơn (lớp 12) thường đối phó với môn tiếng Anh như vậy mỗi khi được gọi lên bảng viết từ mới. Cách này rất khó bị phát hiện vì chỉ khi nào đứng gần và để ý kỹ thì thầy cô mới có thể nhìn thấy các nét viết bút chì.
“Nhớ là trước khi về chỗ, bạn phải lấy giẻ lau xóa hết những chỗ đã viết bằng bút chì"- Tiến Sơn cho biết.
Nhưng cái kim trong bọc cũng có ngày bị lộ. Trong một lần kiểm tra bài đầu giờ tiết Hóa, anh chàng đã bị thầy giáo phát hiện và chấm ngay cho 0 điểm. Đó là chưa kể hôm sau, Sơn còn phải mời cha mẹ đến để nghe về "chiến tích" chẳng hay ho tẹo nào của mình.
“Gãi đầu gãi tai” với thầy cô
Nhiều teen không nhận sự trợ giúp nào nhưng lại có vô vàn lý do để xin “khất nợ”. Mai Lan (Lớp 7) cho biết: "Cô giáo dạy Giáo dục công dân của mình rất hiền. Nhiều khi, cô gọi trả bài mà không thuộc thì cứ ngoan ngoãn đứng dậy đưa lý do để xin cô cho “nợ lần sau” là được thôi".
Lý do mà các bạn đưa ra để “khất nợ” thành công nhiều vô kể: Hôm nay có nhiều bài tập quá nên chưa thuộc bài lắm, hôm qua bị mệt, hôm nay có tiết kiểm tra… Một bạn kêu rồi cả lớp hỗ trợ theo là sẽ tạo ra ảnh hưởng đối với các thầy cô dễ tính.
Còn vô số cách teen có thể nghĩ ra để đối phó với việc kiểm tra đầu giờ. Nhưng nhiều teen quên rằng: Nếu chỉ học đối phó thì “chữ thầy trả thầy” mà thôi. Ngược lại, nếu áp dụng sự thông minh, sáng tạo của mình học hành nghiêm túc, ôn bài thật kỹ thì teen sẽ đạt được kết quả rất tuyệt đó.
Theo TTVN