Sai lầm 1: Nghe là được – Nhìn là thuộc
Đây là “quy luật học bài” được teen áp dụng trong các bài kiểm tra miệng hay phải học thuộc lòng nè. Hôm nào không học bài kịp ở nhà hay thời gian gấp rút, thế là teen nhà ta tập trung nhìn vào bài học được ghi trên vở với “niềm tin bất diệt” rằng bài học sẽ được “in” vào trí nhớ. Mà đúng là sau đó, teen mình có “cảm giác” mình đã nhớ, đã thuộc. Nhưng…
Mỗi lần kiểm tra miệng hay kiểm tra 15 phút là y như rằng, những thứ đã “in vào trí nhớ” vài phút trước đó đã biến mất không dấu vết. Khoảng thời gian nhìn bài ngắn, lại cộng thêm áp lực thời gian làm bài nữa nên chỉ “nhìn” thì không ổn chút nào rồi. Hơn nữa, với những kiến thức, ngày tháng, các công thức quan trọng cần phải nhớ sâu, teen phải hiểu bài và “gạo bài” một vài lần trước để ghi nhớ và đảm bảo rằng đã thuộc, chứ không phải “nhìn là thuộc” được đâu nhé ;).
-> Teen nên dành một khoảng thời gian nhất định cho các phần đánh dấu tick “phải thuộc”. Chỉ khi nào bạn có thể ghi được rõ ràng các ý cần nhớ ra giấy thì khi đó mới có thể “nhìn” để kiểm tra lại thôi nhé! ^^
Sai lầm số 2: Bài nhiều thì chia nhau học
Đây là phương pháp phổ biến nhất của teen để đối phó với khối lượng kiến thức nhiều ơi là nhiều mỗi lần có bài kiểm tra. Nó thường được lưu truyền trong một nhóm bạn ngồi gần nhau hoặc ngồi chung một bàn: Có bao nhiêu bài học, bao nhiêu câu hỏi thì chia nhau ra mà học. Đến khi kiểm tra, mem nào học trúng câu nào thì “cố gắng hết sức” đọc cho các mem còn lại… chép ! Teen hí hửng với kiểu chia nhau học và “sống cộng sinh” mà không hề hay biết mình đang rơi vào một “lỗ hổng” rất nguy hiểm:
Này nhé, cứ làm theo kiểu “chia nhau học” thì thể nào cũng có những chỗ hổng kiển thức (do các bạn khác… học giúp) mà mỗi lần thi cuối kì, thể nào bạn cũng phải… học lại từ đầu. Chưa kể đến việc mỗi lần kiểm tra, thầy cô bỗng dưng xếp lại chỗ ngồi là xem như “kế hoạch” của teen… phá sản. Và những “tai nạn nghề nghiệp” như trong lúc căng thẳng, teen nghe không rõ lời bạn đọc nên… chép sai hay bài của cả nhóm đều giống nhau như một.
-> Cách tốt nhất vẫn là “tự thân vận động”, tự mình lên kế hoạch học bài và bỏ qua suy nghĩ “sống cộng sinh” :D.
Sai lầm số 3: “Đầu năm có điểm là an toàn rồi!”
Kiểm tra miệng là một cột điểm quan trọng nên rất nhiều teen hay dựa vào đó để “gỡ điểm”. Và để “an toàn” và có được một điểm số tốt, teen hay tranh thủ dịp đầu năm, khi bài vở chưa nhiều và thầy cô vẫn còn rất “hào phóng” xung phong trả bài. Khi có điểm (khá cao) rồi, teen bắt đầu… dửng dưng với chuyện học bài cũ cùng tâm lí: “Có điểm rồi nên thầy cô không gọi lên bảng kiểm tra miệng nữa đâu”.
Nhưng mà… Cũng như việc chia nhau ra mà học, teen hay chủ quan có điểm kiểm tra miệng rồi thì… không học nữa hoặc chỉ xem “sơ sơ” qua bài cũ thôi khiến kiến thức cứ gọi là chỗ nhớ chỗ quên. Đến cuối kì vẫn phải… còng lưng học lại từ đầu. Đó là chưa kể thầy cô bất ngờ “kiểm tra lại”, thế là điểm kém cứ gọi là...
-> Cho nên vẫn một câu cũ: Cần “tự thân vận động” nếu bạn không muốn nhận điểm kém rồi than thở: “Sao mình… xui xẻo quá!”.
Sai lầm số 4: Ôm tủ “Mình có cảm giác bài này sẽ kiểm tra”
Vâng, thể nào trong “đời đi học” của teen cũng có vài ba lần “ôm tủ”. Cứ học một vài bài teen cho là quan trọng nhất, còn những bài khác, có “cảm giác” thầy cô sẽ không cho trong bài kiểm tra thì… bỏ qua luôn.
Và “hậu quả” là... không nói chắc teen cũng đoán ra rồi.
-> Lịch sử nhà trường có câu “Ôm tủ thì thể nào cũng có ngày bị… tủ đè” nên cứ học cho chắc trước đã, lúc đó không cần “ôm tủ”, teen vẫn vượt qua các bài kiểm tra một cách ngon lành thôi ^^.
Cho dù teen có “tối kiến” đề ra cách học “thoải mái”đến đâu chăng nữa thì cũng dễ dàng bị “sập bẫy” bởi những "mánh" do mình tạo ra. Do vậy, cách tốt nhất vẫn là có kế hoạch học bài hợp lí, học cái nào “chắc ăn” cái đó và tránh những kiểu học không hiệu quả, dễ làm cho teen mình nhận… điểm kém.
Theo VTM