Thường xuyên đọc và ghi chép
Nhiều teen cho rằng để nhớ năm tháng diễn ra sự kiện, cách hữu hiệu nhất là đọc đi đọc lại nhiều lần. Đây là cách học khá phổ biến vì tính truyền thống và dễ thực hiện. Tuy nhiên, sẽ hiệu quả hơn nhiều nếu teen thường xuyên viết ra những gì mình đã học, đã đọc.
Mỗi ngày, teen lựa chọn cho mình một câu hỏi trong đề thi Lịch sử các năm trước để làm và củng cố kiến thức. Thử đặt mình vào tình huống đang ngồi trong phòng thi và cố động não để nhớ những gì đã đọc trước đó và viết ra. Sau khi viết xong, teen có thể kiểm tra, đối chiếu với sách giáo khoa xem mình sai đúng chỗ nào và tự đánh giá bài làm của mình. Teen còn có thể biết được thời gian mình làm câu hỏi đó hết bao lâu, điều này giúp cho teen biết cách phân bổ thời gian hợp lí khi thực sự vào phòng thi. Thách thức này tuy hơi “ảo” nhưng là cách rèn luyện cực kì bổ ích và thú vị.
Sử dụng sơ đồ phân nhánh
Để thực hiện được phương pháp này, trước tiên, teen phải chuẩn bị cho mình một cuốn sổ khổ lớn. Đánh số thứ tự các sự kiện lịch sử xảy ra theo trình tự thời gian, niên đại, triều đại. Mỗi sự kiện được “bao vây” bởi nhiều nhánh nhỏ như nguyên nhân, kết quả, ý nghĩa. Những nhánh nhỏ lại chứa những nhánh nhỏ hơn là các ý, các dẫn chứng chứng minh cho sự kiện ban đầu. Lưu ý, để khỏi nhầm lẫn và mất công tìm kiếm, teen nên phân bố mỗi sự kiện lịch sử và những diễn biến liên quan vào một trang giấy.
Ưu điểm lớn nhất của phương pháp này là teen sẽ dễ dàng nắm được phần khung của sự kiện. Và, chỉ cần nhớ được những luận điểm chính, teen sẽ không gặp nhiều rào cản trong việc tái hiện lại kiến thức bằng những dẫn chứng cụ thể khi làm bài.
Học Lịch sử qua phim ảnh, truyện tranh
Các nhà khoa học đã chứng minh được một điều rằng: học sinh tiếp thu và nắm các sự kiện lịch sử nhanh hơn, lâu hơn nhờ được xem phim hay đọc truyện tranh về sự kiện đó. Đây là phương pháp kết hợp giữa hai hình thức học tập và giải trí. Teen sẽ cảm thấy bị lôi cuốn bởi: những dòng chữ chi chít, dày đặc trong sách giáo khoa nay được thể hiện một cách sống động, chân thực và điều quan trọng nhất là teen có thể cảm nhận lịch sử bằng thị giác.
Học Lịch sử “hai mình”
Khi học bài một mình, teen khó có thể phát hiện được những lỗ hổng trong kiến thức mình đang có. Vậy nên, hãy tìm cho mình một người bạn nữa để cùng trao đổi, phân tích, đánh giá về sự kiện lịch sử. Những sai sót được nhắc nhở kịp thời sẽ là động lực khiến teen ghi nhớ lâu hơn.
Đặc biệt, nếu teen biết hổ trợ, bổ sung những kiến thức còn thiếu cho nhau, tự đặt ra hình thức kiểm tra những gì đã học, thì chắc chắn hiệu quả công việc sẽ đạt được như mong muốn.
Ngoài thời gian học chung, teen có thể tranh thủ thời gian một mình để xem lại những gì đã học. Vì, thêm một lần đọc là thêm một lần nhớ.
Hệ thống hoá kiến thức bài học
Bằng cách tự kiểm tra và hệ thống hoá lại kiến thức sau mỗi buổi học, teen sẽ tránh được tình trạng “học trước quên sau”.
Nắm chắc các chương mục, các phần lớn nhỏ trong bài học là cơ sở nền tảng giúp teen có cái nhìn tổng thể và khách quan hơn khi bàn đến các sự kiện lịch sử trong bài thi của mình.
Để Lịch sử xuyên suốt ngày dài của bạn
Nghe có vẻ hơi trừu tượng, khó hiểu, nhưng teen hãy thử bắt đầu ngày mới bằng cách ghi nhớ một sự kiện lịch sử nào đó, và cũng làm tương tự như thế vào cuối ngày. Đảm bảo teen sẽ có cảm giác cả ngày hôm đó đã “đắm mình” trong sự học, dù thời gian thực sự giành cho nó không đáng là bao.
Đây cũng là cách giúp các sự kiện lịch sử đi vào tiềm thức của teen một cách tự nhiên nhất.
Theo Mực tím