Sản xuất tạp chí, thiết kế poster, phát hành sách tranh tô màu, sáng tác truyện, vẽ nón lá… là những dự án thú vị mà các MCer khối 8 thực hiện trong bài học lịch sử về biển đảo Việt Nam.
Quá trình thực hiện thú vị…
Thầy Mạnh Hùng (GV Lịch sử) cho biết, để học trò nhớ lâu và hiểu sâu hơn phần lịch sử về biển đảo Việt Nam, đặc biệt là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thầy đã tổ chức thực hiện bài tập tổng kết dưới dạng dự án. Mỗi lớp được phân thành nhiều nhóm, tự chọn cách trình bày sao cho sản phẩm cuối cùng không chỉ đầy đủ thông tin mà còn ấn tượng, sáng tạo.
“Sau một tháng triển khai, tôi rất bất ngờ và vô cùng hài lòng với sản phẩm của các con. Nhóm viết truyện, nhóm làm sách tô màu, nhóm in ấn tạp chí… Mỗi sản phẩm đều được đầu tư công phu, chỉn chu từ nội dung tới hình ảnh minh họa. Điều đó cho thấy các con đã biết làm việc nhóm hiệu quả, cũng như rất hào hứng với việc tổng hợp kiến thức thông qua dự án”, thầy Mạnh Hùng nói thêm.
Nhóm Lan Phương, Hồng Minh, Ngọc Hà, Gia An, Minh Khôi và nhóm Ngọc Anh, Minh Châu, Châu Anh, Duy Long (8I3) gây ấn tượng với 2 tập truyện hấp dẫn mang tên “Cuốn sách kỳ bí” và “Lịch sử du hí”.
Lan Phương chia sẻ: ““Cuốn sách kỳ bí” là sách truyện lịch sử - địa lý, gửi gắm thông điệp “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”. Qua cuốn sách, chúng mình muốn truyền tải những kiến thức truyền thống theo cách mới mẻ và lý thú”.
Nhóm Hương Thảo, Thảo Chi, Tường Vy, Gia Linh, Ngọc Anh, Hương Giang (8I3) lại rất tâm huyết với cuốn sách tranh tô màu mang tên “Biển Đông - Hoàng Sa và Trường Sa”. Khác với những nhóm khác, bên cạnh những thông tin lịch sử ý nghĩa, các bạn còn thiết kế những bức tranh sinh động.
Các bạn cho hay: “Sở dĩ chúng mình chọn ý tưởng này vì mong muốn không chỉ người lớn, mà các em từ mầm non đều có thể biết về biển đảo Việt Nam. Các em có thể nghe bố mẹ đọc thông tin và tự tô màu theo ý mình. Chúng mình nghĩ, nếu được học Lịch sử theo cách như vậy, chắc chắn mọi người sẽ hứng thú hơn”.
Còn nhóm Khánh Ngọc, An An và Minh Anh quyết định thực hiện cuốn tạp chí “Biển đảo Việt Nam”. “Chúng mình rất thích thú với đề tài mà thầy đưa ra. Khi thực hiện, mỗi thành viên đều đóng góp ý kiến để xây dựng nội dung hoàn hảo nhất. Nhờ có sự ăn ý trong cả quá trình, nhóm đã nhanh chóng hoàn thiện sản phẩm.
Với việc tự tay thực hiện tác phẩm, chúng mình đã trau dồi thêm những kiến thức và thông tin bổ ích về các quần đảo của Việt Nam. Không chỉ vậy, làm việc nhóm còn giúp chúng mình có tinh thần đồng đội cao, đoàn kết hơn trong học tập và thấu hiểu nhau hơn”, các bạn bày tỏ.
Trong khi đó, để hoàn thiện cuốn “Lịch sử du hí”, nhóm Châu, Anh và Long đã dành 2 - 3 giờ để vẽ tranh minh họa, tỉa từng sợi tóc cho nhân vật, xây dựng tình tiết hợp lý, tính cách nhân vật hấp dẫn…
“Càng ngày, chúng mình càng bị cuốn vào câu chuyện mà cả nhóm dựng lên. Chúng mình dường như hóa thân vào nhân vật để tìm kiếm những kiến thức lịch sử đầy thú vị. Những ngày gần cuối hạn nộp, cả nhóm sốt sắng í ới nhau tiến độ. Ai cũng thấy vui và hào hứng mong đợi đến ngày được giới thiệu sản phẩm của mình tới cả lớp”, các bạn vui vẻ nói.
Nhóm Hà My, Lệ Lâm, Thảo Nguyên, Khánh Hà, Thanh Hà, Thiên Bình và Bảo Lam (8M2) mang tới buổi tổng kết dự án sản phẩm poster biển Đông độc đáo cùng chiếc nón lá in hình hoa sen sống động.
Các bạn chia sẻ: “Để hoàn thành poster và nón lá, chúng mình mất khoảng 3 tuần. Thiên Bình có thế mạnh về lịch sử nên đảm trách phần tìm kiếm thông tin, tra cứu. Thanh Hà, Thảo Nguyên có năng khiếu nghệ thuật nên có nhiệm vụ vẽ phác thảo. Sau đó, cả nhóm cùng hoàn thiện việc thiết kế poster”.
… đến những bài học đáng nhớ
Có thể nói, việc học lịch sử thông qua các dự án thực tế không chỉ giúp các bạn hiểu sâu hơn các sự kiện mà còn phát triển kỹ năng nghiên cứu, phân tích; thúc đẩy sự sáng tạo, khả năng tự học và xây dựng kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm. Đặc biệt, các bạn nhận thức đầy đủ những vấn đề về lịch sử đất nước; cũng như cảm nhận rõ hơn lòng tự tôn, tự hào dân tộc.
Thiên Bình kể: “Trong suốt thời gian thực hiện dự án, chúng mình đã trải qua nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Đó là những khi mải mê làm nên ăn trưa muộn rồi phải vẽ đi, vẽ lại nhiều lần trên nón; khiến ai cũng lo lắng… Nhưng rồi cả nhóm lại động viên nhau cố gắng và quyết tâm hoàn thành. Nhờ sự đồng lòng đó, nhóm đã hoàn thành sản phẩm đúng tiến độ và nhận được nhiều lời khen của thầy cô, bạn bè”.
Trong quá trình thực hiện cuốn sách tranh tô màu, mỗi thành viên của nhóm Hương Thảo hiểu rõ hơn về ý nghĩa và tầm quan trọng của biển đảo Việt Nam. Các bạn khẳng định: “Những dự án thực tế như vậy giúp chúng mình có thêm trải nghiệm mới mẻ. Không những thế, việc tự mày mò, khám phá càng khiến chúng mình có những góc nhìn sâu rộng và đúng đắn hơn về lịch sử đất nước”.
Các thành viên của nhóm Lan Phương nhớ như in lần lên ý tưởng. “Hôm đó, cả nhóm ngồi quây quần bên chiếc bàn ở canteen, vừa nói chuyện vừa ngồi nghĩ tên cho nhân vật. Thật sự rất vui! Hay những lần chúng mình vừa ngồi xem đấu bóng vừa nghĩ ý tưởng. Ai cũng hào hứng.
Trong lúc làm việc, mỗi người một nhiệm vụ, tưởng chừng sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng cả nhóm luôn chia sẻ ý tưởng và giúp đỡ nhau, khiến mọi việc trở nên thuận lợi. Sau khi hoàn thành tác phẩm, các thành viên đều cảm thấy hài lòng vì đây không đơn giản là một bài tập do thầy giao mà còn là cách để thỏa trí sáng tạo và hiểu nhau hơn”, các bạn cho biết.