Để học tốt một môn đã khó, giỏi toàn diện và giành được điểm cao ở mười mấy môn lại càng khó hơn. Thế nhưng, nhiều MCer đã làm được. Chúng mình cùng tham khảo bí quyết của các bạn ấy nhé!
Mình rất thích đọc sách, đặc biệt là các cuốn Toán nâng cao. Vì mình rất đam mê những con số và phép toán. Ở nhà, mình có hẳn một tủ sách về bộ môn được xem là khô khan và “khó nhằn” này. Theo mình, ngoài việc chăm đọc sách, để đạt kết quả tốt trong các bài kiểm tra, bạn cần ôn tập càng sớm càng tốt. Qua những lần thi học kỳ, mình nhận ra, không ít bạn rơi vào cảnh “nước đến chân mới nhảy”. Ngày mai thi, hôm nay mới bắt đầu tìm sách vở để nhồi nhét kiến thức. Nhiều bạn còn thức khuya rồi đến thi trong trạng thái mệt mỏi. Khi đó, bạn sẽ không đủ tỉnh táo để làm bài.
Mình cho rằng, học là cả quá trình dài; chứ không thể giỏi trong ngày một, ngày hai. Bài càng khó, bạn càng cần phải ôn sớm, đồng thời phân bổ hợp lý thời gian học - nghỉ ngơi để có sức khoẻ, tâm lý ổn định trước mỗi kỳ thi hoặc kiểm tra.
CHÍ DŨNG
(7G1)
Trong mỗi tiết học, phần nào quan trọng và cần lưu ý, mình thường ghi bằng bút màu sắc để làm nổi bật trên trang vở. Mình thường vẽ xung quanh phần kiến thức ấy hình đám mây, bông hoa, cái cây… Bằng cách này, mỗi khi xem lại bài, mình không những thêm hứng thú mà còn hiểu rằng, đó là những ý cần nắm chắc.
Với sở thích vẽ vời, mình còn tự tay trang trí một quyển sổ nhỏ để ghi thời gian biểu hằng ngày. Mình phân ra lịch học cụ thể cho từng môn. Nhờ biết quản lý thời gian một cách khoa học mà mình chưa bao giờ rơi vào cảnh vội vàng, cuống cuồng vì quên làm bài tập hay chưa ôn tập môn học nào đó.
DIỆP ANH
(7I1)
Với mình, để học tốt, điều quan trọng nhất là không được bỏ lỡ bất cứ phút giây nào của tiết học. Mình thường tập trung nghe giảng trên lớp bởi không muốn xao nhãng những kiến thức trọng điểm. Hơn nữa, mình không muốn khi ôn tập lại rơi vào cảnh lúng túng, mơ hồ về phần này, phần kia.
Mình cho rằng, để có thể giỏi đều các môn, bạn còn cần phải tích cực phát biểu xây dựng bài. Bởi khi chia sẻ ý kiến, bạn sẽ hiểu bài hơn. Bên cạnh đó, mình có sở thích triển khai bài học dưới dạng sơ đồ tư duy. Đây là cách học rất hiệu quả với mình trong nhiều năm qua. Mình thường sử dụng thêm bút màu, “sticker”… để trang trí sơ đồ sao cho lôi cuốn. Việc học theo từng nhánh lớn rồi chuyển sang nhánh nhỏ giúp mình không bỏ sót kiến thức và tư duy cũng logic hơn.
LINH CHI
(7I1)
Mình không theo chủ nghĩa chỉ học môn yêu thích mà luôn phân bổ đều thời gian cho các môn. Bởi mình biết mỗi môn học có vai trò và sự thú vị riêng. Do đó, mình cố gắng tìm ra phương pháp học phù hợp với từng môn. Chẳng hạn như các môn xã hội, mình thường gắn các dữ kiện, con số với những dấu mốc đặc biệt - sinh nhật của người thân, “crush”, bạn bè, “idol”... để có thể ghi nhớ dễ dàng và lâu hơn. Mình còn rất thích tham khảo thêm kiến thức bên lề sách vở. Ví dụ như môn Sử, mình hay xem những thước phim tài liệu trên mạng Internet ứng với mỗi giai đoạn lịch sử. Nhờ đó, những con số, sự kiện tưởng chừng rối rắm, khó nhớ lại nhanh chóng in sâu vào tâm trí mình.
KHÁNH NGỌC
(7I1)
Mình thường tự nhủ: “Nếu lười biếng thì mình sẽ nhận kết quả như thế nào? Giữa hối hận và cố gắng, mình nên chọn gì?”. Đương nhiên câu trả lời của mình là phải cố gắng 200% sức lực. Mỗi khi đạt kết quả tốt, mình sẽ thưởng cho bản thân một món quà nhỏ. “Bật mí” thêm là khi không phải tới trường, mình vẫn duy trì việc học. Vào kỳ nghỉ hè, mình thường đọc qua các cuốn sách giáo khoa để tìm hiểu trước kiến thức của năm học tới. Nhờ vậy, mình luôn vững vàng tâm lý, không bị bỡ ngỡ hay quá tải khi học bài mới. Ngày cuối tuần hay dịp nghỉ lễ, mình sẽ dành 2 - 3 tiếng để ôn tập kiến thức đã học. Mình thực hiện cách học này suốt nhiều năm qua và thấy rất hiệu quả.
Ngoài ra, mình luôn chủ động hỏi thầy cô về bài vở. Cô chủ nhiệm của mình là một giáo viên Tiếng Anh. Sau giờ học, mình đều lên nhờ cô giảng giải những phần kiến thức chưa rõ. Mình còn học hỏi cô từ cách phát âm cho tới vận dụng ngữ pháp để sau này có thể thực hiện ước mơ du học.
TUỆ GIANG
(8P1)
Mình thuộc tuýp người ưa sạch sẽ nên luôn sắp xếp gọn gàng căn phòng của mình, đặc biệt là góc học tập. Học môn nào, mình lấy sách vở của môn đó đặt trên bàn, chứ không bày bừa nhiều tài liệu vì như thế sẽ cảm thấy bị áp lực hay “stress”. Hơn nữa, không gian học sạch đẹp còn giúp mình thoải mái tinh thần, kích thích khả năng sáng tạo và tư duy.
Mình luôn dành thời gian hoàn thành bài tập về nhà, tập trung vào chất lượng bằng cách làm chi tiết từng bước; làm đến đâu, hiểu đến đó. Khi không nắm rõ phần nào, mình sẽ chủ động hỏi thầy cô, bạn bè hoặc lên các trang web, tìm kiếm thêm thông tin tham khảo.
Mình muốn nhắn nhủ tới các bạn rằng, dù chăm chỉ đến mấy thì cũng không nên thức khuya. Bởi điều đó vừa gây hại cho sức khoẻ vừa học không hiệu quả, lại còn làm giảm trí nhớ.
BẢO NGỌC
(9P2)
“Tip” đầu tiên giúp mình có thể học tốt là luôn hoàn thành đầy đủ các bài tập do thầy cô giao, nắm thật vững kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa. Tiếp đến là học thuộc bài theo từ khoá. Mình thường vạch ra những điều cần ghi nhớ trong bài dưới dạng một câu hoặc cụm từ. Sau đó, mình đọc thật to rồi ghi âm lại. Cuối cùng, mình mở file thu âm và nghe đi, nghe lại nhiều lần. Mình thường nghe trước lúc đi ngủ. Khi áp dụng cách học này vào nhiều môn, mình nhận thấy tính hiệu quả rất cao. Ngoài ra, mình còn ghi những từ khoá vào tờ giấy “note” rồi dán trước bàn học. Mỗi lần ngước đầu lên, mình sẽ nhìn thấy và lưu giữ kiến thức một cách tự nhiên trong tâm trí.
Không những vậy, mình luôn biết cân bằng giữa việc học và đam mê thể thao. Mình thường đặt ra trong đầu giả định “Nếu… thì…”. Ví dụ: nếu làm hết bài tập môn Toán thì mình sẽ được thưởng 30 phút chơi bóng rổ. Việc tự đặt mục tiêu và vạch ra chi tiết kế hoạch thực hiện thôi thúc mình phải cố gắng hơn mỗi ngày. Nhờ thế mà nhiều năm qua, mình luôn hoàn thành tốt cả việc học và chơi bóng. Hơn nữa, mình còn được bố mẹ hết lòng ủng hộ vì đã chủ động xây dựng phương pháp học tập hiệu quả.
ĐĂNG NGUYÊN
(9M2)