Sau một thời gian học trực tuyến qua mạng Internet và truyền hình, cộng đồng MCer ngày càng hứng thú hơn với phương pháp này. Bên cạnh sự hỗ trợ nhiệt tình của thầy cô và sự đồng hành nhiệt thành của bố mẹ, các bạn đã chủ động thay đổi để thích ứng.
>> "Bí kíp" tạo nên giờ dạy trực tuyến hấp dẫn của thầy cô MC
>> Sôi động lớp học trực tuyến của cô trò MC
Thầy cô hỗ trợ
Cô Minh Thùy (GV Toán) kể: “Lúc nhận thông tin tập huấn về dạy học trực tuyến, mình khá mong chờ nhưng cũng có chút lo lắng. Mình mong vì thời gian nghỉ dài khiến cô trò thật sự thèm nghe tiếng nói cười của nhau. Mình lo lắng vì không giỏi về công nghệ thông tin. Nhưng với sự quyết tâm của bản thân, những khó khăn ban đầu đã qua đi... Đến giờ, cô trò đã làm tốt hơn những gì chúng mình nghĩ”.
Ban đầu, cô Hoàng Hoa (GV Ngữ văn) cũng có đôi chút lo lắng khi nghĩ đến việc dạy - học online. Đó là khi không giao tiếp trực tiếp, học trò có tập trung lắng nghe, học bài hiệu quả không. Đặc biệt với những học sinh cần giảng bài một cách chi tiết, liệu có theo kịp các bạn không. Tuy nhiên sau một thời gian giảng dạy, những lo lắng ấy dần biến mất. Vì thực tế, việc dạy - học trực tuyến thú vị và hấp dẫn hơn cô nghĩ rất nhiều.
Đầu tiên là việc cô được nghe giọng nói của học sinh sau một thời gian nghỉ dài. Qua "headphone", cô trò như thì thầm, tâm sự với nhau. Thứ hai, việc dạy - học online giúp giáo viên và học sinh tương tác nhiều hơn. Sau mỗi buổi học trực tuyến, học sinh có thể chủ động trao đổi những khúc mắc thông qua kênh "chat".
Buổi học trực tuyến của cô trò trường Marie Curie.
Để một giờ học trực tuyến hiệu quả, thầy cô cần chuẩn bị bài công phu hơn. Không còn là bảng đen và phấn trắng, thầy cô truyền tải bài học qua ứng dụng MS. Powerpoint. Hình ảnh càng sinh động, giờ học càng hấp dẫn. Theo cô Minh Thùy, với môn Toán, phần mềm tạo đề trắc nghiệm MS. Forms rất phù hợp. Giáo viên có thể chuẩn bị đề trước, học sinh làm bài trên máy, hệ thống sẽ báo điểm khi các bạn nộp bài. Cô luôn cố gắng tạo ra nhiều hoạt động để giờ học không bị nhàm chán như: dạy lý thuyết trên hình ảnh slide đẹp mắt; cho làm bài tập chấm nhanh; làm đề trên form... nên 90 phút học Toán trôi qua rất nhanh.
Những "mini game" được các cô tạo ra nhằm tăng thêm tính hấp dẫn cho giờ học.
Cô Hoàng Hoa cho rằng, điều quan trọng để tiết học trực tuyến trở nên hiệu quả là việc kết nối mạng Internet và các thiết bị hỗ trợ (loa, mic, thiết bị quay có camera) được chuẩn bị chu đáo. Nếu đường truyền mạng không ổn định, học sinh có thể liên tục bị “out” khỏi buổi học, ảnh hưởng đến việc theo dõi bài. Nếu học sinh không có mic hoặc mic không nói được thì sẽ không thể trả lời trực tiếp câu hỏi của giáo viên. Điều quan trọng tiếp theo là ý thức của các thành viên trong lớp học. Học sinh cần chủ động, tự giác hơn trong việc nghe giảng, ghi chép bài.
Cụ thể với môn Ngữ văn, cô luôn cố gắng sáng tạo trong mỗi tiết dạy để buổi học trở nên hấp dẫn. Với phân môn “Đọc - hiểu văn bản”, cô sử dụng ưu thế của thiết bị âm thanh để truyền tải ngữ điệu, sắc thái truyền cảm nhất. Với phân môn “Tiếng Việt”, sau phần lý thuyết, cô luôn dành thời gian cho MCer luyện tập, thực hành thông qua những trò chơi. Ví dụ: ở trò chơi “Ai nhanh nhất?”, các bạn sẽ đưa ra đáp án vào ô “chat trong cuộc họp”. Bạn nào trả lời đúng và nhanh nhất thì sẽ được trao thưởng. Hoặc trong trò chơi “Vòng quay may mắn” có kết cấu giống như "gameshow" “Chiếc nón kỳ diệu”, học sinh được quay vòng quay may mắn để ngẫu nhiên chọn phần thưởng khi trả lời đúng. Đa phần các bạn đều rất hứng thú với cách luyện tập này. Cuối giờ học, các bạn còn làm thêm bài kiểm tra ngắn để tổng kết kiến thức đã học.
Bố mẹ đồng hành
Sau thời gian đồng hành với con trong việc học trực tuyến tại nhà, cô Hoàng Thủy (mẹ của Mỹ Linh, 7M1) đánh giá: “Học trực tuyến là phương pháp dạy và học tối ưu trong điều kiện hiện nay. Các con được phát huy các kỹ năng và tư duy sáng tạo như: sử dụng máy vi tính, tra cứu tài liệu, có nhiều cách để tiếp cận với bài giảng... Trong quá trình học, các con cảm thấy thoải mái, không gò bó. Vì được trò chuyện với thầy cô, bạn bè nên các con rất tích cực tham gia xây dựng bài”.
Cô Anh Thư (mẹ của Ngọc Chi, 7G2 và Sỹ Phúc, 2M1) cho rằng, việc học online giúp các con không mất thời gian đi lại, chủ động sắp xếp thời gian theo lịch có sẵn. Hơn nữa, các con có thể xem lại bài giảng và chủ động tìm hiểu thêm kiến thức trên mạng Internet.
Đồng quan điểm với nhiều bố mẹ khác, chú Trọng Tuấn (bố của Hoàng Ngân, 8P1) nhận thấy những hiệu quả nhất định của việc học trực tuyến. “Thứ nhất, các con không bị quên kiến thức đã học. Thứ hai là được trao đổi với bạn bè, thầy cô dù chỉ qua màn hình. Tiếp đến là các con biết sử dụng thời gian rảnh rỗi một cách ý nghĩa hơn”, chú nói.
Tuy nhiên, theo các bậc CMHS, để việc học online đạt hiệu quả, bố mẹ cần đồng hành, động viên, kiểm tra việc học, khả năng tiếp thu bài; cũng như nắm được lịch học của con trong các nhóm lớp để đôn đốc vào học đúng giờ. Nếu được, bố mẹ có thể cùng tham gia các giờ học. Ngoài ra, bố mẹ cần kiểm tra việc hoàn thành, nộp bài tập của con ở các môn.
MCer chủ động
Không đợi bố mẹ, thầy cô nhắc nhở, các MCer đã chủ động thay đổi để thích ứng với cách học mới. Minh Thư (9I1) học online vào 9h15 từ thứ Hai đến thứ Bảy trên kênh truyền hình Hà Nội. Sau đó, cô bạn tiếp tục học qua mạng Internet cùng lớp khoảng 2 tiếng.
Minh Thư cho hay: “Mới đầu, mình chưa quen lắm do những giáo viên dạy trên truyền hình có cách giảng bài khác với thầy cô MC. Nhưng với sự động viên của thầy cô và bố mẹ, mình đã cố gắng thích nghi. Theo mình, để học trực tuyến hiệu quả, chúng mình không chỉ nên nghe giảng một lần mà nên xem lại bài học nhiều lần. Ngoài ra, mình cần chủ động tự học, làm bài tập và gửi lại cho thầy cô”.
Lịch học online của Nhật Lammy (8P3) bắt đầu vào 10h và 14h các ngày trong tuần. Sau một thời gian, cô bạn nhận thấy phương pháp học này khá thú vị, giúp mình học thêm nhiều điều. Cô bạn chia sẻ: “Lâu nay, tớ chỉ sử dụng điện thoại hay máy vi tính để chơi game. Nhưng từ khi học online, tớ đã biết thêm nhiều tính năng công nghệ như: biết cách tra cứu thông tin ở những kênh chính thống; biết sử dụng các ứng dụng, phần mềm hữu ích, tiện lợi...”.
Chung cảm nhận với Minh Thư và Lammy, Diễm Như (6P4) và Minh Nhật (9P1) rất vui khi được trao đổi với thầy cô, bạn bè. Hai bạn cho biết: “Nhờ học trực tuyến mà chúng mình không quên kiến thức và vơi dần nỗi nhớ thầy cô, bạn bè”. Theo các bạn, để giờ học trực tuyến đạt hiệu quả, ngoài sự hỗ trợ của thầy cô, MCer cần chủ động học tập nghiêm túc. Ví dụ như: giữ thói quen vào lớp đúng giờ và lắng nghe nhiều hơn, tích cực đặt câu hỏi qua nhóm "chat", tận dụng những phút ngồi trên máy...
Ngoài những giờ học trực tuyến với thầy cô MC, MCer còn tích cực theo dõi bài giảng trên truyền hình.
Những kỷ niệm đáng nhớ
Ngoài việc gắn kết, duy trì ôn luyện kiến thức, những tiết học trực tuyến còn mang tới cho cộng đồng MC những câu chuyện đáng nhớ.
Cô Hoàng Hoa nhớ lại lần bị lỗi kết nối mạng Internet: “Mình thường hẹn giờ cho những bài kiểm tra vào cuối buổi học. Đến lúc đó, bài tập sẽ xuất hiện để học sinh "click" vào làm. Tuy nhiên có một hôm, đường truyền gặp sự cố nên cô trò đợi khá lâu mà không thấy bài hiện lên. Học sinh liên tục hỏi: “Cô ơi, đã có bài kiểm tra chưa ạ?”, “Cô ơi! Con vào đâu để làm bài ạ?”… Mình cũng khá hoang mang vì không biết bài đang ở đâu. Thế là cô trò đành học tiếp. Đang thảo luận thì bài kiểm tra bỗng hiện lên như có phép màu, học sinh vui mừng "click" vào làm bài, còn mình thở phào nhẹ nhõm”.
Lammy cũng trải qua nhiều khoảnh khắc vui vẻ trong các tiết học online. Cô bạn chia sẻ: “Tiết Ngữ văn hôm ấy, máy vi tính của cô giáo bị trục trặc, không thể trình chiếu MS. Powerpoint. Một lúc sau, cô quyết định dạy chay. Mới đầu, ai cũng nghĩ tiết học sẽ nhàm chán khi không có những hình ảnh sống động. Nhưng rồi chúng mình nhận ra, cô chính là nguồn cảm hứng cho tiết học. Giọng đọc ngọt ngào, êm dịu của cô hoà vào bài giảng, vượt qua cả rào cản màn hình máy vi tính; khiến mọi người như đang ngồi trong lớp học tại trường”.
Minh Thư nhớ những hôm cùng bố mẹ học tiếng Anh trên truyền hình. Cô bạn kể: “Kể từ khi nghỉ tránh dịch Covid-19, sáng nào, bố mẹ cũng học ngoại ngữ với mình. Ban đầu, bố mẹ chỉ quan sát xem mình học bài như thế nào nhưng dần dần, hai người còn hăng hái hơn cả mình. Có bố mẹ học cùng, mình thấy vừa vui vừa thú vị”.