“Tên lửa của chúng tớ bay xa nhất đấy!”, “Tên lửa của nhóm tớ được trang trí rất đẹp nhé!”, “Thật tuyệt khi chúng mình được tự tay làm và nhìn thấy tên lửa của nhóm bay cao!”… là những xúc cảm khó quên của các MCer khối THCS khi cùng tham dự hoạt động chế tạo tên lửa nước trong mùa hè này.
Sáng 4/7, các “cư dân” MC tỏ ra khoái chí khi được chế tạo những “cỗ máy tên lửa” có “1-0-2”. Sau khi theo dõi video hướng dẫn, các bạn chia nhóm để bắt tay chế tạo. Bạn nào cũng hăng hái hoàn thành sản phẩm sớm nhất, đúng kỹ thuật nhất và đẹp nhất. Nhóm Nguyệt Nhi (6A-MĐ) phân công mỗi bạn một công đoạn. Sau khi lắp ráp phần thân và cánh, các bạn cùng dán và trang trí để sản phẩm thêm bắt mắt, sinh động.
Kết thúc phần chế tạo, các lớp hồi hộp dõi theo màn đấu bắn tên lửa nước ở sân trường. Những “cỗ máy” lần lượt vào vị trí và bay vút lên cao. Chăm chú quan sát màn thi tài, bạn nào cũng đều trầm trồ trước sức mạnh của những tên lửa mang dấu ấn của các MCer.
Sản phẩm của nhóm Thiên Bảo (6B-VP) khiến mọi người trầm trồ khi phóng xa nhất. Lương Nghĩa (7A-VP) dù đã tìm hiểu về tên lửa nước từ năm trước nhưng lần này mới được tự tay thực hiện tất cả các công đoạn nên rất hào hứng tham gia. Các bạn nói: “Chúng tớ thấy hoạt động này rất thú vị, nhất là lúc xem tên lửa của nhóm nào phóng xa hơn. Dù cấu tạo khá đơn giản nhưng nếu dán không kỹ thì nước sẽ bị rò và tên lửa không thể bay được”.
Sau khi được cô Mỹ Dung và thầy Trường Mẫn (GV KHCN - VH) hướng dẫn chi tiết, các MCer - Việt Hưng háo hức bắt tay vào thực hiện. Tuy là lần đầu tiên làm tên lửa nước nhưng các “cư dân” khối 6 làm khá thuần thục. Các thành viên 6A-VH khoe thành quả là 3 quả tên lửa bắt mắt và hứa hẹn sẽ “bay cao, bay xa”.
Nhóm của Trí Anh và Bảo Trâm (7A-VH) sung sướng khi 2 tên lửa nước của lớp đã đạt kỷ lục của cuộc thi. “Tên lửa của chúng tớ bay vút lên với khoảng cách xa nhất với số điểm 100 và 80 điểm. Chúng tớ nhảy cẫng lên khi mang về thành tích tốt nhất cho lớp.
Chúng tớ mất khoảng 35 phút để hoàn thành tên lửa. Để tên lửa bay tốt, cần chú ý tới một vài chi tiết: quan trọng chóp phải nhọn; đủ 3 cánh để định hình đúng hướng. Khi làm bệ phóng, cần bôi keo nến thật chắc ở mối nối để không bị rò rỉ nước trong quá trình bơm. Hoạt động này thực sự rất vui, mang lại nhiều tiếng cười. Chúng tớ có thể ứng dụng những điều thực hành hôm nay vào cuộc sống thực tiễn”.
Thầy Văn Quỳnh (GV Mỹ thuật - MĐ) tấm tắc khen ngợi những sản phẩm của các học trò. Thầy bày tỏ: “Các bạn không chỉ làm đúng kỹ thuật mà còn sáng tạo thêm những họa tiết độc, lạ. Những hoạt động như thế này sẽ kích thích trí tò mò, cũng như khơi nguồn cảm hứng tìm tòi trong học sinh, giúp các bạn có thể tự tạo nên những sản phẩm khoa học vừa vui vừa hữu ích”.