Thế nào là lập trình? Làm sao để các động cơ có thể chạy? Làm thế nào để lắp ráp các mô hình bàn ghế, nhà cửa dễ dàng?... Tất cả những thắc mắc đó của MCer đều được giải đáp qua các tiết sinh hoạt CLB STEM đầy thú vị.
Láp ráp những mô hình quen thuộc
Để các MCer khối 1-2 làm quen với cách láp ráp, vào mỗi giờ sinh hoạt, các giáo viên sẽ dành 20 phút để giới thiệu cho các bạn ấy về các thao tác kỹ thuật. Đồng thời, các thầy cô sẽ làm mẫu để các bạn dễ theo dõi và làm theo. Sau đó, cả lớp được chia theo nhóm thực hành. Những hôm đầu tiên, các bạn lần lượt được lắp ráp mô hình nhà có cây xanh che mát và có ống khói. Với các miếng ghép nhiều màu sắc, các MCer tha hồ thỏa sức sáng tạo theo cách của mình. Những phần nào không hiểu, các bạn đều mạnh dạn hỏi lại thầy cô.
Cô Hồng Gấm và cô Hoàng Yến (Giáo viên STEM) cho hay: “Các bạn đều rất tích cực thực hành. Nhất là các bạn lớp 1, say sưa lắp ghép quên cả giờ ra chơi. Các bạn thích thú nên chúng tôi cảm thấy rất vui và cố gắng truyền cảm hứng hơn nữa qua mỗi giờ sinh hoạt”.
Linh Nhi, Hoàng Nghĩa (1M1) hớn hở khoe về ngôi nhà 2 tầng mà nhóm vừa làm xong. Các bạn đều rất thích khi được tự mình “xây” một ngôi nhà tí hon với nhiều tiện ích như thế.
Minh Châu, Vân Anh (2A) cũng phấn khởi không kém. Lúc ở nhà, hai bạn hay chơi búp bê nhưng khi tới trường, được thực hành STEM thì các bạn như tìm thấy được niềm vui mới. Hai bạn tỉ tê: “Để làm được ngôi nhà này, chúng tớ phải thật khéo léo. Khó nhất là lúc chọn các vật mẫu, các miếng ghép đôi khi rất giống nhau, nên cần quan sát rất kỹ để chọn được miếng ghép phù hợp”.
Học lập trình từ việc làm bánh mỳ mứt
Trong khi đó, các anh chị lớp lớn được làm quen với lập trình. Thông qua việc làm một chiếc bánh mỳ mứt hoặc chơi các trò chơi như ma trận, đố vui… các MCer hiểu rõ được lập trình là gì.
Khánh Ngọc (4B) chia sẻ: “Mới đầu, chúng tớ cứ nghĩ làm bánh mỳ mứt dễ lắm, nhưng hóa ra không phải. Để có một chiếc bánh đó, chúng tớ được thầy cô hướng dẫn làm tới 5 bước. Đầu tiên là mở gói bánh mỳ. Bước 2 là lấy 2 miếng bánh mỳ. Bước 3 là lấy mứt phết lên 1 miếng bánh. Bước 4 là lấy miếng bánh còn lại úp lên mặt miếng bánh mỳ có mứt. Bước 5 là thưởng thức thành phẩm. Vừa học, vừa được ăn lại được chơi nên cả lớp ai cũng hào hứng và xung phong thực hành rất nhiệt tình”.
Theo các thầy cô dạy STEM, việc lần lượt thực hiện các bước để ăn cái bánh mỳ đó chính là lập trình. Tuy chỉ là một thí nghiệm nhỏ nhưng nó là cơ bản, giúp MCer hiểu rõ được bản chất lập trình. Từ đó, các bạn mới có thể đi vào thực hành lập trình các mô hình phức tạp hơn.
Cô Trần Nhung (GV STEM) cho biết: “Buổi sinh hoạt cuối cùng, các MCer sẽ được tham gia một workshop. Tại đó, các bạn sẽ được tự tay làm những mô hình như găng tay vô cực hoặc xe kéo để mang về nhà. Các bạn sẽ tự gắn kết chân led thành mạch điện, gắn các phần gỗ với động cơ để xe có thể chuyển động”.
Khánh Linh, Anh Thư (9A) cho rằng: “Giờ sinh hoạt STEM rất thú vị. Các kiến thức STEM mang lại rất bổ ích. Nó kích thích trí tò mò và giúp chúng tớ trau dồi thêm trí tưởng tượng. Đặc biệt, các buổi thực hành STEM còn gắn kết các bạn trong lớp với nhau, giúp mọi người học cách làm việc nhóm hiệu quả”.