Chiều 26/4, MCer THPT đã có buổi ngoại khóa bổ ích với chương trình hướng nghiệp “Cứ đi để lối thành đường” do Vietnam Insight phối hợp với trường Marie Curie tổ chức.
Tại chương trình, chuyên gia Phoenix Hồ (Quản lý bộ phận Giáo dục và Tư vấn hướng nghiệp, CTCP ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt) đã giới thiệu tới các MCer phương pháp trắc nghiệm Holland để xác định sở thích, tính cách, điểm mạnh của bản thân và con đường nghề nghiệp phù hợp. Theo cô, trắc nghiệm khám phá bản thân Holland chia tính cách con người làm 6 nhóm, tương ứng với 6 loại ngành nghề phù hợp, gồm có: Nghiệp vụ, Kỹ thuật, Nghiên cứu, Nghệ thuật, Xã hội, Quản lý.
Chuyên gia đến từ Vietnam Insight đã giải thích chi tiết về 6 nhóm người này. Điển hình như người thuộc nhóm Nghiệp vụ thường thích những công việc liên quan tới dữ liệu, con số; có khả năng làm việc văn phòng, thống kê; thực hiện các việc đòi hỏi sự chi tiết, tỉ mỉ, cẩn thận hoặc làm theo hướng dẫn của người khác. Họ phù hợp với công việc trợ lý văn phòng, nhân viên xuất nhập khẩu hoặc kế toán. Trong khi đó, người thuộc nhóm Kỹ thuật có sở thích làm việc với máy móc, cây cối, dụng cụ. Họ thường ít nói, hay ngại ngùng trước người lạ, không thích học lý thuyết nhưng lại có khả năng học các kỹ thuật rất nhanh như: điều khiển xe hơi, máy bay… Những người thuộc nhóm này phù hợp với các công việc như: phi công, tài xế xe buýt, chuyên viên thiết kế trò chơi, đầu bếp...
Từ những đặc điểm của 6 nhóm sở thích nghề nghiệp, nhiều MCer đã nhanh chóng nhận diện được bản thân. Phan Anh (11E3) cho biết: “Nhờ phương pháp Holland, mình thấy bản thân có nhiều đặc điểm thuộc nhóm Nghiên cứu. Mình rất thích đọc sách, thích đặt ra những câu hỏi. Trong tương lai, mình muốn làm việc trong ngành Tâm lý học hoặc nghiên cứu Lịch sử. Chương trình hôm nay đã cung cấp cho mình rất nhiều thông tin hữu ích để có định hướng rõ hơn cho nghề nghiệp sau này”.
Cũng trong chương trình, cô Phoenix Hồ đã dành nhiều thời gian trả lời những câu hỏi về hướng nghiệp của MCer. Trước phân vân của Hải My (11M1) về việc làm thế nào để tìm một ngành nghề kết hợp được hai nhóm Xã hội và Quản lý, chuyên gia cho biết: “Có nhiều ngành nghề có thể liên kết hai nhóm. Ví dụ, một nhà giáo vừa làm công việc nghiên cứu về giáo dục vừa là hiệu trưởng làm công việc quản trị. Với Hải My, bạn có thể làm công việc tuyển dụng, sau đó làm quản trị nhân sự”.
Với câu hỏi: “Em thích một ngành nhưng lại không học giỏi những môn liên quan đến ngành đó thì có nên theo không?”, chuyên gia khuyên MCer nên lùi lại một bước để nhìn bức tranh rộng hơn. Ví dụ, một người thích làm bác sỹ nhưng không có khả năng thi đỗ Đại học Y. Người này sẽ có nhiều hướng đi cho bản thân như: học từ Trung cấp Y, sau đó học tiếp Cao đẳng rồi lên Đại học hoặc đang làm công việc tài chính, ngân hàng nhưng hàng ngày vẫn chịu khó học hỏi, tích lũy kiến thức y học để một ngày nào đó có thể rẽ sang làm trong bệnh viện với nhiều vai trò khác nhau: thư ký y khoa, trợ lý văn phòng, phó giám đốc, giám đốc…
Trả lời câu hỏi của nhóm Nghiệp vụ: “Những trường nào thuộc nhóm Nghiệp vụ có tỷ lệ sinh viên xin được việc làm cao sau khi tốt nghiệp?”, cô Phoenix Hồ phân tích: “Trường Đại học quyết định sinh viên có việc làm tốt, ngành học quyết định sinh viên có việc làm tốt, các công ty đa quốc gia và Việt Nam nói rằng: “Tôi cần một nhân viên có thái độ, tinh thần trách nhiệm và kỹ năng chuyên môn tốt”.
Đồng tình với chia sẻ của chuyên gia, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang cho rằng, mỗi sinh viên sau khi ra trường muốn được tuyển dụng vào làm việc thì cần phải có tinh thần làm việc, phẩm chất và năng lực tốt. Thầy Khang tiết lộ thêm, hệ thống giáo dục Marie Curie đang được mở rộng và trong tương lai, nhà trường có nhu cầu tuyển rất nhiều giáo viên. Đây là cơ hội lớn cho các MCer đam mê nghề giáo và mong muốn được về trường làm việc. “Ai muốn làm giáo viên MC trong tương lai thì hãy cố gắng ngay từ bây giờ!”, thầy Khang nhắn nhủ.