Khai bút, xưa…
Người Việt ta thường quan niệm rằng, những ngày đầu tiên của năm mới, nếu mọi việc suôn sẻ, vui vẻ thì cả năm sẽ luôn được may mắn, thuận lợi. Chính vì vậy, trong khoảng thời gian ấy, mọi người thường tranh thủ làm những việc để “lấy may” cho cả năm, trong đó có tục khai bút. Khai bút đầu năm là một nét đẹp trong văn hoá của người Việt Nam, thể hiện tinh thần hiếu học, ham học hỏi tìm tòi của người Việt, đồng thời cho thấy sự tôn trọng chữ nghĩa, đề cao sự học của người dân Việt Nam từ bao đời nay,
Tục khai bút thường được các học sĩ, thầy đồ, nhà văn, nhà thơ thời xưa thực hiện, với mong muốn, ước nguyện về một năm mới học hành suôn sẻ, thi cử đỗ đạt, nghiệp văn chương rộng mở… Sau thời khắc giao thừa, người viết sẽ chọn một giờ tốt để làm lễ khai bút. Trước khi khai bút, người viết thường phải thắp hương cúng tổ tiên, thể hiện sự thành kính, tôn nghiêm của việc làm ý nghĩa này cũng như tạo thêm sự linh thiêng để mong những ước nguyện gửi gắm trong từng nét chữ sẽ trở thành hiện thực. Trên bàn viết có đặt lư trầm đã đốt sẵn, người viết dùng cây bút mới, mài mực tàu và hạ bút viết trên những tấm giấy điều (giấy đỏ) những nét viết đầu tiên cho năm mới.
Có người chỉ viết lên ngày, tháng để tượng trưng cho việc khai bút, có người sáng tác cả một tác phẩm đầu năm hay có người lại viết lên những mong muốn cho một năm mới nhiều thuận lợi, cũng có những ông đồ hay nho sĩ khi khai bút lại thường viết câu đối hoặc một chữ đẹp để treo trong nhà vào dịp Tết.
Và khai bút thời nay…
Tục khai bút vẫn còn được rất nhiều người duy trì cho tới hiện nay, dù không còn vẹn nguyên tính chất và cách làm như xưa. Khai bút càng có ý nghĩa đặc biệt đối với những học sinh, sinh viên sắp bước vào những kỳ thi quan trọng. Ngày nay, khai bút không nhất thiết phải thực hiện vào sau thời khắc giao thừa, mà người viết có thể tự chọn một ngày đẹp, ngày tốt trong những ngày đầu tiên của năm mới để khai bút. Học sinh, sinh viên thời nay khai bút, cũng không phải là “bày mực tàu, giấy đỏ” và viết chữ Nho như các học sĩ thời xưa mà có thể chỉ đơn giản là dùng bút bi để viết vài dòng mong ước vào cuốn sổ nhỏ xinh, hay mở cuốn vở để làm một bài tập Toán, Lý, Hóa cô giáo giao trước khi về nghỉ Tết…
Đặc biệt hơn, cùng với sự phát triển của các công cụ trên internet, không ít học sinh, sinh viên khai bút bằng cách viết blog hay viết note lên trang cá nhân trong Facebook…
Cho dù khai bút được thực hiện như thế nào, nhưng người viết vẫn sự được sư tôn nghiêm, trân trọng khi viết, thì tục khai bút vẫn có thể giữ được giá trị và ý nghĩa thực sự của nó.
Một bạn từng chưa chia sẻ: “Ngày xưa các cụ nâng bút trịnh trọng đề thơ đề văn, ngày nay nhiều "con cháu" viết cả Toán, Lý, Hóa. Tuy là nội dung có khác đi, nhưng cái truyền thống hiếu học thì vẫn được đề cao đó thôi. Đó là sự thay đổi để cho phong tục ngày xưa được hợp với thời nay. Như thế rất tốt, tốt hơn rất nhiều việc quên mất phong tục khai bút đầu xuân đó".
Khai bút đầu xuân là một trong những mĩ tục của dân tộc ta, vì thế, rất cần giữ gìn và phát huy truyền thống này. Hãy chọn một ngày tốt vào dịp Tết năm nay và chuẩn bị khai bút nhé!
Theo Tiin