Teen và ông bà – vì sao khó gần?
Teen thường hay giận dỗi bố mẹ bởi những khác biệt trong suy nghĩ. Bố mẹ cho rằng, kiểu tóc của teen quá kỳ cục, chiếc váy quá ngắn, mấy nhóm nhạc thần tượng thật nhảm nhí. Thế là teen vùng vằng bỏ vào phòng ấm ức: “Bố mẹ chẳng hiểu gì về mình!”. Đó mới chỉ là cách biệt một thế hệ thôi đấy, đằng này với ông bà là tận hai thế hệ thì sự “không hiểu nhau” sẽ tăng lên gấp đôi.
Gần đây, có những teen đã lên FB chửi ông bà bằng lời lẽ thiếu văn hóa, khiến dư luận sửng sốt. Tiêu biểu như nick Jaemie Lyl với status vô cảm lạnh người về đám tang của ông mình; Quỳnh Anh viết những lời mạt sát bà ngoại vì thường bắt bạn làm việc nhà và hay “mách lẻo” với bố mẹ bạn. "Cư dân" mạng đã “ném đá” không tiếc tay những teen xấu xí đó nhưng khoảng cách giữa teen và ông bà đã thực sự được rút ngắn hay chưa?
Trang “Mèo” (Hà Nội) nhăn nhó kể: “Bà tớ lúc nào cũng ôn lại chuyện ngày xưa. Có khi cả nhà đang vui vẻ thì bà kể chuyện mấy chục năm trước, ông bỏ bà đi làm ăn xa. Một mình bà với sáu đứa con khổ sở như thế nào rồi lại khóc nấc lên khiến gia đình mất vui. Con cháu đều hiểu sự hy sinh của bà nhưng cứ phải nghe đi nghe lại những chuyện đã thuộc lòng đó thì thật nặng nề”.
Thanh Mai (15 tuổi) xa bố mẹ và ở với ông bà nội từ nhỏ. Bạn ấy đã nhiều phen stress vì sự khó tính của ông: “Mọi thứ trong nhà đều phải theo quy củ, nền nếp. Tớ luôn phải đạt học sinh giỏi. Nếu chẳng may bị rớt xuống tiên tiến thì không biết ông sẽ phạt thế nào. Bạn bè tớ gọi điện đến nhà cũng bị hỏi han cặn kẽ”.
Với teen, ông bà có thật nhiều “nhược điểm”: hay kể "điệp khúc" ngày xưa, hay răn dạy phải làm thế này thế kia cứ như trong sách đạo đức ấy; đôi khi trái tính trái nết, lại còn hay lẫn. Teen năng động, ham chơi, thích những cái mới, thật khó có đủ kiên nhẫn để làm bạn với ông bà.
Yêu thương khi chưa quá muộn
Chắc bạn đã nghe câu chuyện về cậu bé Tích Chu mải chơi mặc kệ bà đau ốm. Bà Tích Chu hóa thành con chim bay đi trong khi cậu gào khóc hối hận. May mà có ông Bụt chỉ cho Tích Chu đường đến suối tiên lấy nước về để bà trở lại thành người. Nhưng trong đời thực thì không hề có ông Bụt và suối tiên, chúng ta chỉ có một khoảng thời gian không dài để sống với ông bà. Khi nó qua đi thì sẽ không còn cơ hội thứ hai.
Người già giống như trẻ con, trái tính và khó chiều. Người già sống về quá khứ, chuyện vừa mới đấy có thể quên ngay nhưng kỷ niệm mấy chục năm trước thì luôn sống động. Điều ông bà cần là sự yêu thương, quan tâm của con cháu trong quỹ thời gian ít ỏi còn lại. Đâu có gì khó khăn, chỉ cần bạn bớt chút thời gian đọc cho ông nghe bài báo, giúp bà xâu kim, cuối tuần tự tay làm một số món ăn ngon mời ông bà, khoe với ông bà những thành tích học tập của mình…
Ai rồi cũng sẽ già đi và trở thành ông, thành bà. Hãy cư xử với ông bà theo cách mà bạn mong muốn nhứng đứa cháu sau này sẽ cư xử với mình, bạn nhé!
Theo Thiếu niên tiền phong