Theo ông Nguyễn Nhật Cảm - Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, người dân không nên quá hoang mang vì thực ra kiến ba khoang là một loài côn trùng đã có từ lâu. Nó cũng không đáng lo ngại như những loài côn trùng truyền bệnh (bọ xít, muỗi vằn). Loài côn trùng này không cắn, đốt người mà do con người vô tình tiếp xúc với chất độc trong cơ thể kiến, gây viêm da kích ứng.
Theo ông, có thể do điều kiện môi trường thuận lợi nên kiến ba khoang có xu hướng gia tăng xuất hiện. Tháng 9, 10, 11 lại là thời kỳ sinh sản của loại côn trùng này nên chúng sinh sản với mật độ nhiều hơn, đặc biệt ở các khu tập thể ngoại ô, gần cánh đồng.
Kiến ba khoang khiến nhiều người dân ở Hà Nội bị ngứa, rát, phồng rộp.
Tiến sĩ Phạm Thị Khoa - Khoa Hóa thực nghiệm, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho rằng, thực chất nhiều loại côn trùng đang phát triển một cách bất thường, chứ không chỉ kiến ba khoang. Nguyên nhân có thể là do kiến ba khoang ăn rầy nâu trong khi nguồn thức ăn phong phú (người dân phun hóa chất bừa bãi nên rầy nâu kháng thuốc rất nhiều), số lượng kiến ba khoang vì thế cũng nhiều lên.
Theo các chuyên gia, nhiều người không biết, khi bị ngứa lại gãi hoặc nghĩ là mắc zona nên tự thuốc bôi khiến bệnh càng nặng hơn, lâu khỏi. Có người lấy tay giết kiến rồi bôi lên khắp người khiến lây lan vùng bệnh.
Theo bác sĩ Vũ Mạnh Hùng - Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Hà Nội, những trường hợp nhầm lẫn giữa bệnh zona và bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng như trên không phải là hiếm gặp. Nhiều người bệnh cứ thấy có mụn phồng rộp, đỏ là nghĩ đến bệnh zona, tự đi mua thuốc, thường là thuốc kháng virus. Tổn thương càng đỏ hơn, nặng thì biến chứng nhiễm trùng. Cứ 10 bệnh nhân đến khám thì có đến 3 người tự ý sử dụng sai thuốc.
Triệu chứng đầu tiên của bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng là ngứa, rát chỉ sau vài phút tiếp xúc côn trùng, sau đó đỏ, phồng rộp lên. Tùy vào độc lực của côn trùng mà mức độ tổn thương da nặng hay nhẹ. Nếu là do kiến ba khoang thì bệnh thường nặng hơn. Nhẹ là rát, đau; nặng là đỏ, phồng rộp lên như bỏng, hoại tử da.
Trong khi đó, bệnh zona thần kinh là do virus. Ban đầu người bệnh sẽ thấy đau, tổn thương da, bọng nước thành từng đám, có hạch ở khu vực; nếu bị ở mặt thì có hạch ở cổ; bị ở tay thì có hạch ở nách.
Kiến ba khoang độc hơn nhiều loại côn trùng khác nên gây tổn thương trên da bệnh nhân nặng hơn.
Bác sĩ Hùng cho biết, trong số những côn trùng gây đợt viêm da tiếp xúc diện rộng tại Hà Nội vừa qua thì có cả các loại bướm, bọ nhưng nhiều nhất là do kiến ba khoang. Người bị ngứa thường do đi đá bóng buổi tối hoặc ở nhà bật điện mở cửa côn trùng bay vào. Có trường hợp phơi khăn ngoài ban công, côn trùng bay đậu vào, đến khi dùng khăn rửa mặt thì chỉ một lúc thấy cả vệt dài ở mặt... Bệnh nhân không chỉ ở các quận, ngoại thành mà cả ở những quận nội đô như: Ba Đình, Cầu Giấy, Tây Hồ, Đống Đa…
Thực tế, kiến ba khoang rất khó diệt. Những loại thuốc xịt côn trùng thông thường, phun sương không có tác dụng. Để diệt, chỉ có cách phun tồn lưu, dàn trải một lượng hóa chất lên tường khi kiến bò vào thì chết. Tuy nhiên, cách phun này khó áp dụng ở các gia đình vì tốn kém. Hơn nữa, nhà có trẻ con thì không nên dùng cách phun này.
Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội đã có kế hoạch phối hợp cùng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, tuyên truyền, phòng chống kiến ba khoang cho người dân.
Đặc điểm của côn trùng là thích ánh sáng xanh, kiến ba khoang thường tập trung vào khu vực có ánh đèn. Vì thế, vào buổi tối, người dân nên đóng cửa, hạn chế bật đèn. Đồng thời, thường xuyên quét dọn sạch sẽ nhà cửa; trước khi đi ngủ nên giũ chăn màn, giường chiếu. Cho trẻ đi chơi thì nên tránh chỗ đèn sáng. Các gia đình nên dùng lưới chống muỗi, côn trùng, quanh nhà có thể đặt các cây đuổi côn trùng như sả, dạ hương…
Nếu thấy kiến ba khoang đậu trên người thì thổi nhẹ cho nó bay đi, chứ không chà xát mạnh. Tuyệt đối không được lấy tay đập kiến, thay vào đó dùng găng tay, vỉ đập ruồi…
Nếu vô tình tiếp xúc với kiến ba khoang thì nên rửa sạch bằng nước lạnh hoặc nước muối loãng. Không rửa bằng nước xà phòng vì sẽ làm tăng kích ứng. Tuyệt đối không được gãi hay chà xát mạnh vùng da bị tổn thương, sau đó bôi hồ nước để làm dịu, mát chỗ tổn thương. Nếu thấy da bị phồng rộp, bỏng, rát thì nên đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Theo VnExpress