Không muốn nhưng vẫn cô độc
Người bạn tôi than thở: "Mình cảm thấy cô độc. Vô lớp học thêm chẳng thể trò chuyện cùng tụi bạn. Có lúc đi chơi, ăn uống chung mà vẫn xa cách lạ lùng".Công bằng nhận xét thì bạn tôi khá ưa nhìn, học khá, tính nết hiền dịu, biết lắng nghe có gì tệ hại đâu mà sao vẫn "cô độc".
Bởi đôi khi "cô độc" chỉ là cảm giác do bản thân tưởng tượng. Thực ra ai cũng có một thế giới riêng với biết bao nỗi niềm, và dù một nhóm người gắn kết với nhau vẫn có lúc không thể nào chia sẻ được. Cứ thế, mỗi người trôi về mỗi phái tâm trạng khác nhau, rồi tự nghĩ mình cô độc, "Sao tôi lạc lõng giữa mọi người?". Đó chỉ là cảm xúc nhất thời, nhưng nếu cứ lặp đi lặp lại nhiều lần thì ý nghĩ "cô độc" càng mạnh mẽ, vô hình ta tự tạo khoảng cách với mọi người.
Đôi khi "cô độc" chỉ là cảm giác do bản thân tưởng tượng mà thôi.
Bí quyết xóa suy nghĩ đó, là sự chia sẻ. Đừng nghĩ: "Họ có tâm trạng làm sao tôi chia sẻ được" hay "Tính nết không hòa hợp nên tôi sẽ không tâm sự với người đó" hoặc "Liệu mình có yếu đuối quá không". Hãy dẹp bỏ những suy nghĩ tiêu cực đó để gắn kết với bạn bè.
Hãy chia sẻ, dành thời gian trò chuyện với bạn bè, dành tặng những món quà nho nhỏ, giúp đỡ lẫn nhau trong học hành, công việc và cùng nhau vượt qua những nỗi buồn, khó khăn, thử thách trong cuộc sống... Với sức mạnh của lòng chia sẻ, mối quan hệ giữa con người vô cùng khắng khít. Do đó, dẫu có gần, xa; ồn ào, tĩnh lặng... thì trong tâm trí chúng ta luôn chắc chắn rằng: "Tôi không cô độc. Tôi có bạn bè để sẻ chia"...
Vô tình cô độc
Chính thói quen, sở thích, và cái tôi cá nhân vô tình gây ra sự cô độc trong con người.
Bạn tôi, thích ngồi bàn đầu, yêu và giỏi văn, ghét chuyện phiếm và không quan tâm đến dư luận.Trong mắt bạn bè, cô nàng giỏi, nhưng khó tính và khinh thường mọi người. Do đó, không có gì làm lạ khi bạn bè trong lớp, chẳng ai "kết thân" với cô nàng và dĩ nhiên, cô nàng luôn thấy mình cô độc.
Có nhiều người kiểu như vậy. Giỏi, cái tôi lớn và có một bản tính "mạnh mẽ" để sống, giải quyết mọi chuyện một mình và luôn cảm thấy an toàn trong thế giới riêng. Rốt cuộc, tự thân cô độc, bạn bè ngại tiếp xúc, thậm chí có kẻ ghét, dè bỉu, châm chọc.
Bí quyết vẫn là sự sẻ chia. Cô nàng và mọi người vượt qua cái tôi cá nhân để gần nhau hơn, học hỏi lẫn nhau.
Sẻ chia là cách hữu hiệu giúp teen nhanh chóng vượt qua cảm giác cô độc.
Muốn cô độc
Nhiều teen muốn cô độc, vì mất niềm tin , sợ hãi con người. Họ hoặc nhìn người bằng ánh mắt khắt khe, hoặc đầy nghi vấn.
Sở hữu nhiều mối quan hệ, gặp nhau là nhoẻn miệng cười. Dù khiến bạn bè phải trầm trồ vì khả năng "quảng giao" của mình nhưng Thùy (17 tuổi) luôn bảo: "Thùy không có bạn thân. Toàn là xã giao với lũ giả tạo, dối trá". Bởi thế, Thùy luôn rúc vào thế giới riêng. Còn Linh (17 tuổi) do được giáo dục bởi tư tưởng "Bạn bè làm gì? Bạn bè để phản bội nhau à?" của bà nội nên rất không thích tiếp xúc với người khác. Cả hai đều khẳng định: "Cô độc quen rồi!".
Khi lớn lên, bước ra thế giới bên ngoài, đấy là lúc teen tiếp nhận nhiều luồng ý kiến, tư tưởng khác nhau; quen biết với nhiều kiểu người khác nhau... nên thật khó để có cái nhìn chuẩn xác về con người và cách đối xử phù hợp. Hoặc teen sẽ có định hướng rõ ràng, có vốn sống để duy trì mối quan hệ với mọi người. Hoặc e sợ!
Lúc này, teen cần một sự định hướng từ phía gia đình, sự quan tâm, chia sẻ chân thành ở bạn bè để có cái nhìn tích cực, niềm tin vào con người.
Không cô độc!
Đừng tự dối lòng rằng tôi mạnh mẽ để sống cô độc. Cũng đừng vì vết thương mà sợ hãi con người. Và đừng nên để cái tôi cao chót vót ngăn cách con người đến gần nhau hơn.
Với lòng chia sẻ, ta đạt được hạnh phúc và dễ dàng vượt qua cảm giác cô độc. Hãy chia sẻ để gắn kết với mọi người, tiến đến bậc thang đầu tiên của hạnh phúc!
Theo Mực tím