“Đã 29 năm trôi qua kể từ lần đầu tiên mấy cô bé lớp 9 hồn nhiên hát bài “trường ca” - Em không quên Marie Curie. Diễn biến hôm đó, chúng tôi không nhớ được hoàn toàn nhưng cảm xúc và những yêu thương dành cho thầy Khang, các thầy cô, bạn bè ngày xưa cùng những kỷ niệm học trò vẫn nguyên vẹn trong tim”…
1. Một chiều mùa hạ năm 1993, chúng tôi đang ngồi ôn bài và trò chuyện trong căn phòng nhỏ dễ thương ở tầng 2 khu ký túc xá thì bỗng nhận được “lệnh triệu tập” của thầy Lê Thống Nhất (GV Toán) được tụi trò nhỏ hồi ấy yêu mến vô cùng. Thầy bảo: “Mấy đứa xuống phòng thầy Hiệu trưởng có chút việc nhé!”. Hồi hộp dắt nhau vào phòng thầy Khang, mấy cô trò nhỏ được thầy đưa cho một bản nhạc rồi nói: “Các em tập hát thử thầy nghe. Đây là bài hát mà thầy Nhất vừa viết cho trường ta, viết cho các em”. Lúc đó, chúng tôi bất ngờ và háo hức lắm! Hồng Tâm - “cây organ của lớp” sau khi ngâm cứu nhanh các nốt nhạc đã lập tức ngồi xuống, thả tay trên những phím đàn. Các bạn còn lại cũng bắt đầu ngân nga câu hát đầu tiên theo tiếng đệm đàn của Tâm và nhịp hướng dẫn của thầy Nhất. Chúng tôi say mê tập đàn, tập hát và rất nhanh đã tương đối “tròn vành, rõ chữ”. Mấy đứa đứng đung đưa biểu diễn như trên sân khấu để “báo cáo” với thầy Hiệu trưởng. Chúng tôi nhớ thầy Khang rất xúc động, khen mấy đứa hát thật hay. Rồi thầy Hiệu trưởng đề nghị hát để thầy ghi âm bằng một chiếc máy nhỏ. Sau vài lần ghi, bản thu âm hoàn chỉnh đầu tiên được ra đời. Khoảnh khắc đó in đậm mãi trong tâm trí của chúng tôi - những nữ sinh may mắn ấy. Đứa nào cũng lâng lâng vui sướng với thành quả. Bài hát “Em không quên Marie Curie” đã được cất lên những thanh âm đầu tiên cách đây 29 năm ngay tại phòng thầy Khang dưới sự hướng dẫn của chính tác giả… như vậy đó. Thầy Khang đã phát ngay bản thu ấy lên hệ thống loa của trường để các bạn nội trú nghe.
Chị Hồng Tâm
2. Sáng hôm sau đến trường, vừa bước vào cổng đã nghe réo rắt những thanh âm quen thuộc, trong lòng chúng tôi trào dâng cảm xúc hân hoan, tự hào... Bỗng đoạn điệp khúc có một nốt nhạc bị bay lạc đi đâu mất, cả bọn thấy xấu hổ ghê khi hát lạc giọng mà để cả trường nghe được. Chúng tôi vội đi tìm thầy Nhất, thầy cười tươi: “Thầy thấy bản lạc giọng này rất tự nhiên và nghe hay hơn cả bản thu cuối nên phát cho các bạn cùng nghe”. Lúc đó, chúng tôi vừa muốn dỗi thầy vừa thấy xúc động. Những ngày sau, bên cạnh bản thu âm “nuột nà” chính thức, thi thoảng thầy Nhất phát bản “lạc nhạc” qua hệ thống loa trường nhưng nghe quen lại thấy nó thật hay. Chúng tôi không ngạc nhiên khi kỷ niệm 5 năm thành lập trường, qua bình chọn của cả trường, ca khúc ấy trở thành bài hát truyền thống của mái trường thân yêu.
Chị Huyền Linh
3. 29 năm trôi qua, chúng tôi chưa từng quên lời ca nào trong bài hát. Một số dịp được nghe các thế hệ học sinh của trường biểu diễn, cảm xúc lại ùa về tươi mới và chúng tôi cứ thế hát theo từ đầu đến cuối. Năm 2012 kỷ niệm 20 năm thành lập trường, đám học sinh thế hệ đầu tiên trở về trường, trong tiếng nhạc réo rắt năm nào, chúng tôi vai kề vai, đứng trên sân khấu để cùng nhau hát: “Ơi từng cánh chim bay, ơi từng nhành hoa hé nở, có bao niềm mê say, trong tiếng hát em hôm nay...”. Những ca từ đầu tiên của bài hát có lẽ là những ca từ thân thương và yêu thích nhất của chúng tôi. Bài hát đã và mãi trở thành ký ức đẹp trong tâm hồn lứa học sinh Khương Đình thuở ấy, mang giấc mơ tuổi học trò của chúng tôi đi khắp bốn phương trời.
Thầy Lê Thống Nhất
4. Điều làm chúng tôi ngưỡng mộ và cảm phục còn ở tác giả của bài hát - thầy Lê Thống Nhất. Lẽ ra, một giáo viên Toán phải nghiêm nghị, nguyên tắc như những công thức toán học nhưng thầy thật tài tình khi gắn mình vào bài hát “Em không quên Marie Curie” và nhiều bài hát sau này nữa. Có thể nói, thầy đã rất thấu hiểu và chạm đến những mong ước của tuổi thơ chúng tôi bằng âm nhạc.
5. Sau này, cùng bao thế hệ học sinh của trường, mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm trôi qua, lời ca “Em không quên Marie Curie” vẫn luôn được cất lên qua các bản thu âm và ngày một hay hơn, chuyên nghiệp hơn. Tuy vậy, chúng tôi vẫn luôn tự hào khi nhớ về ngày được cầm trên tay bản nhạc, đứng trong căn phòng giản dị của thầy Hiệu trưởng và là những học sinh đầu tiên hát “Em không quên Marie Curie” ngay lúc ca khúc vừa mới “ra lò”. Thật quá đỗi tự hào!
Chị Huyền Linh
Chúng tôi lớn lên, sau 30 năm vẫn là những người bạn thân thiết dù mỗi người lựa chọn đi trên con đường sự nghiệp khác nhau. Mỗi dịp gặp mặt, chúng tôi đều hỏi thăm thầy Khang, các thầy cô cũ, ôn lại những ký ức tuổi thơ và cả bài hát “huyền thoại” năm nào. Các con chúng tôi tiếp tục là những thế hệ học sinh sau này của MC. Các con được thầy cô yêu thương, dạy dỗ mỗi ngày; được nuôi dưỡng tuổi thơ và tâm hồn trong sáng như bố mẹ của chúng khi xưa. Và các con lại được nghe giai điệu mà các mẹ ngày xưa từng ngân nga: “Ơi từng cánh chim bay…”.
HUYỀN LINH, HỒNG TÂM
(CHS 92 - 96)
Lời BBT: Thật không ngờ thầy Lê Thống Nhất hiện vẫn giữ được bản nhạc đó! Thầy kể: “Mình đang viết bằng bút bi màu xanh thì hết mực, đành dùng luôn bút bi màu đỏ để viết. Tên bài hát được nghĩ ra sau khi hoàn thành bản nhạc. Tiếc là trên bản nhạc chỉ ghi “4/1993” mà không ghi ngày… Chắc là vào cuối tháng 4, đã sang mùa hè vì chiều hôm ấy, thấy thầy Khang chơi diều với các bạn lớp 6M ở sân trước gần cổng, mình chợt nghĩ ra những ca từ đầu tiên và vào phòng thầy Khang viết rất nhanh bài hát trên chiếc đàn organ của bạn Hồng Tâm…”. |