Hơn 20 năm ra trường, chị Lê Ngọc Liên (CHS P, 96 - 00) vẫn hình dung được khung cảnh Marie Curie thời đó. Chị nhớ lại: “Những năm cuối 90, góc nào ở MC cũng đẹp, cũng nên thơ, từ lán để xe đạp ngay cổng trường - nơi có cây bằng lăng to cho đến khu giảng đường, ký túc xá, nhà ăn… Ngồi học ở giảng đường có cửa sổ to, ngắm trời, ngắm đất thì hết sảy. Chắc vì thế mà mình có cảm hứng làm thơ”. Những câu chuyện về “MC ngày xưa ơi!” cứ thế nối dài qua giọng kể đầy say sưa của chị…
MC nên thơ, góc nào cũng “chill”
Thời mình học, trường MC thuê cơ sở của trường Sư phạm Mẫu giáo ở Khương Đình. Khu giảng đường dùng chung với trường khác; trường mình ở tầng 3, 4. Còn khu ký túc của trường mình cả. Trường có sân trước, sân giữa và sân sau. Sân trước chủ yếu là chỗ đỗ xe buýt. Đi qua sân trước, rẽ trái là cầu thang lên giảng đường, các lớp đều học ở đó vào buổi sáng. Phía bên phải là khu văn phòng và một số phòng học nhỏ dành cho các lớp buổi chiều. Đi qua dãy hành lang đầu tiên thì đến sân giữa - địa điểm diễn ra mọi hoạt động chung của trường như: khai giảng, chào cờ, thể thao…; đồng thời là sân chơi chính của học sinh vào giờ giải lao. Dãy nhà bán trú thì mặt trước nhìn ra sân giữa, mặt sau nhìn ra sân sau - nơi có nhà ăn và phòng y tế.
Tụi mình sáng học ở giảng đường, trưa đi ăn cơm rồi về phòng bán trú. Buổi chiều chủ yếu tự học ở phòng bán trú, chỉ 1 - 2 buổi có tiết mới lên lớp. Phòng bán trú hồi đó kê 6 chiếc giường tầng, mỗi tầng nằm 2 đứa nên ban đầu xếp lớp, nhà trường xếp rất cân đối (24 nam, 24 nữ). Các hoạt động ngoại khóa như: trang trí phòng, trung thu, sinh nhật… đều tổ chức ở khu nhà bán trú. Ngoài ra, còn có những sự kiện thú vị khác như: giải bóng đá mini, cuộc thi “HS96” biến tấu từ “SV96” của Đài Truyền hình Việt Nam, dã ngoại 2 ngày 1 đêm…
Bây giờ, trường có cơ sở riêng to đẹp, hiện đại. Nhưng mình và đám bạn khóa ấy vẫn rất nhớ ngôi trường ngày xưa vì đó là nơi gắn bó thời học sinh. Mỗi khi kể lại, mình vẫn hình dung hết khung cảnh của trường thuở ấy, từ lán để xe đạp ngay cổng trường - nơi có cây bằng lăng to cho đến khu giảng đường, ký túc xá, nhà ăn. Tụi mình ở đó 4 năm, mỗi năm học từ tháng 7 năm trước tới tháng 5 năm sau nên trường thân thuộc chẳng khác gì nhà.
Khóa mình phân lớp theo chữ cái đầu trong tên gọi các thành viên của gia đình Curie (M - P - G - I). Hồi ấy, trường xếp loại học sinh giỏi thành 4 mức: G1, G2, G3, G4; trong đó, G1 được nhận học bổng. Những năm ở MC chỉ toàn kỷ niệm vui cùng bạn bè, thầy cô. Đó cũng là 4 năm vui nhất thời đi học của mình. Đến giờ, lớp mình vẫn chơi rất thân; năm nào cũng tụ tập vài lần và hỗ trợ nhau hết mình trong cuộc sống.
Lớp mình được chủ nhiệm bởi cô Quỳnh Giang (lớp 6, học kỳ I lớp 7), cô Phương Nga (học kỳ II lớp 7, lớp 8) và cô Thu Bích (lớp 9). Ngoài các cô chủ nhiệm là gần gũi nhất, hầu như đứa nào cũng ấn tượng và yêu quý thầy Khang. Mình vẫn nhớ ngày đầu nhập học lớp 6, thầy lên từng phòng bán trú, nói chuyện. Thầy bảo: “Các con giờ lên cấp 2 rồi, phải học cách tự lập nhiều thứ: học văn hóa, ăn, ngủ và cả đi…tè”. Lớp mình ngày đó được học Toán với cô Nghĩa, cô Hoa; học Văn với cô Hương Giang; học Hóa với cô Phương; học Lý với cô Liễu; học Sinh với cô Thơ; học Địa với cô Thu Anh, cô Hạnh; học Sử với thầy Nam, cô Khuyên; học Tiếng Anh với cô Lệ Anh, cô Nga, cô Yến; học Tin với cô Hiền… Lần nào họp lớp, tụi mình cũng mong về lại trường, nói chung là nhớ nhiều lắm!
MC nuôi dưỡng tình yêu thơ văn
Cô Quỳnh Giang dạy Văn cho mình năm lớp 6. Cách giảng của cô giản dị, bám sát vào tác phẩm. Cô Hương Giang dạy năm lớp 7, 8 thì giảng rất lôi cuốn vì giọng cô hay, bay bổng, có nhịp điệu nên nhiều bạn thăng hoa cảm xúc theo cô luôn. Lên lớp 9, cô Bích giảng văn cũng rất “mượt”, ngoài ra còn rất chỉn chu phần từ ngữ, ngữ pháp. Cô rất kỹ tính khi rèn học sinh viết dấu câu. Viết câu mà khi kết thúc không có dấu chấm là bị trừ điểm ngay. Vì dạy lớp cuối cấp nên cô cũng rất chú trọng cho học sinh luyện viết để chuẩn bị sẵn sàng kiến thức và kỹ năng tham gia các kỳ thi.
Mình thích thơ và bắt đầu sáng tác năm 10 tuổi. Có lẽ, mình may mắn được thừa hưởng sự nhạy cảm với vần điệu từ ông bà nội. Sau này lớn hơn, tự đọc các tác phẩm trong sách rồi rút ra quy luật gieo vần, kết hợp với những phân tích của các cô trên lớp thì mình biết nhiều hơn về các thể thơ và tập tành viết theo. Đối với mình, thơ là cách giải tỏa tinh thần. Khi căng thẳng hay mệt mỏi mà viết được một bài thơ thì mình cảm thấy rất nhẹ nhõm.
Mình có tình yêu bất tận với ngõ phố Hà Nội, thích lang thang ngắm phố phường. Mình luôn coi viết lách là niềm vui, chủ yếu ghi lại những gì mình thấy, cảm nhận và yêu mến. Mình cũng tham gia sáng tác thơ và may mắn được góp mặt trong ấn bản của một số cuộc thi, tờ báo in. Mình vẫn ấp ủ ra một tập thơ riêng. Hy vọng có thể cho ra mắt “đứa con tinh thần” ấy vào năm tới!
Dù công việc hiện tại không liên quan đến văn thơ nhưng với mình, thơ văn chính là chỗ dựa tinh thần. Có một điều rất đặc biệt là mình luôn nhận được lời động viên từ các cô chủ nhiệm ngày xưa. Mỗi khi có tác phẩm mới, mình đều được các cô khen. Mình thầm cảm ơn thầy cô và ngôi trường MC đã nuôi dưỡng tình yêu văn thơ và tâm hồn mình từ đó đến giờ.
Học văn là một trải nghiệm hữu ích
Hồi đó, dù không được xếp vào nhóm giỏi Văn nhưng mình không hề sợ môn này. Mình thấy, với những môn tự nhiên, bạn chỉ cần hiểu lý thuyết là làm được và khi đánh giá đúng - sai thì rất rõ ràng. Nhưng môn Văn lại khác. Bạn có thể nắm được lý thuyết nhưng viết đúng là chưa đủ mà còn cần hay nữa. Nhưng yếu tố này tùy vào quan điểm của từng người. Thế nên, sự đánh giá định tính ấy làm học sinh bị áp lực, mà học áp lực thì sẽ khó vào. Thêm nữa là ngữ pháp. Khi tiếp cận ngoại ngữ, bạn cũng phải học ngữ pháp nhưng học ngữ pháp tiếng Việt - tiếng mẹ đẻ lại dễ bị chán vì có tâm lý “đương nhiên là vậy”, chứ “không phải kiến thức mới để khám phá, tìm tòi”.
Lứa tuổi học sinh thường nghĩ: “Làm văn chỉ là bình tác phẩm nào đó một cách máy móc”. Nhưng sau này lớn lên, bạn sẽ thấy học Văn là cần thiết. Bởi làm văn rèn khả năng diễn đạt; học từ ngữ, ngữ pháp nhằm viết câu đầy đủ thành phần và thuần Việt. Đặc biệt, văn nghị luận xã hội giúp lập luận, đưa dẫn chứng để chứng minh cho quan điểm, luận điểm của bạn. Bên cạnh đó, không ít bạn cho rằng, sau này không theo công việc viết lách thì không cần để tâm đến môn Văn. Nhưng bạn biết không, dù là công việc gì thì vẫn cần trình bày quan điểm, soạn thảo văn bản… Lúc ấy, bạn sẽ thấy việc rèn giũa kỹ năng viết có tác dụng như thế nào.
Vì thế, theo mình, cùng với việc truyền đạt những tác phẩm hay, thầy cô cần giúp học trò hiểu rằng, học Văn không đơn thuần chỉ là phân tích, bình tác phẩm mà thông qua đó còn rèn tư duy, cách biểu đạt câu chữ. Ngoài ra, cách đánh giá môn Văn không nên đặt nặng yếu tố hay mà cần chú trọng tới phần đúng vì hay là năng khiếu, không phải ai cũng có. Chắc chắn khi không cảm thấy áp lực, học sinh sẽ học vui và hiệu quả hơn.
------------------------------------------------------
Thông tin liên lạc:
- https://ngoclien28.blogspot.com/
- https://www.facebook.com/thaian28