Thời học trò của bố/mẹ ở MC có gì khác so với chúng mình? Ăn trưa bằng phiếu ăn, tự trang trí phòng ngủ, thi bày mâm cỗ Trung thu, cắm trại qua đêm ở Đại Lải… và còn nhiều điều thú vị nữa. Chúng mình cùng tìm hiểu thông qua chia sẻ của các bố mẹ là những cựu học sinh MC nhé!
10 điều mẹ thích nhất thời đi học
1. Ăn trưa bằng phiếu ăn: Hằng ngày, lớp trưởng sẽ hỏi buổi trưa, các bạn chọn phiếu cơm hay phiếu phở/mỳ tôm/bún. Bởi tỷ lệ phiếu phở/mỳ tôm/bún luôn ít hơn phiếu cơm nên bạn nào không muốn ăn cơm thì phải đăng ký trước với lớp trưởng. Hội con trai lớp mẹ tớ thường chọn phở/mỳ tôm/bún, sau đó sẽ thêm một bát cơm chan canh vì cơm, canh được lấy thoải mái. Theo mẹ, mỗi ngày được tự chọn món ăn trưa là một điều rất thú vị với mỗi học sinh.
2. Tự trang trí phòng ngủ: Trước đây, phòng học và phòng ngủ của MC ở hai dãy khác nhau. Đầu năm học, các lớp sẽ dọn dẹp và thi trang trí phòng ngủ. Mỗi lớp sẽ tự thiết kế, chẳng hạn như: chọn màu sơn/rèm cửa/giá sách hay mang đồ trang trí của cá nhân đến đóng góp cho lớp. Mẹ tớ chia sẻ rằng, việc nhìn thấy gấu bông thân thương được trưng bày ở phòng học khiến không gian trở nên thân thiện hơn rất nhiều.
3. Đi dã ngoại, cắm trại 2 ngày: Mỗi lớp sẽ tự dựng và trang trí trại theo phong cách riêng. Trong 2 ngày ấy, trường tổ chức rất nhiều cuộc thi dành cho cá nhân, nhóm và tập thể. Trò chơi ấn tượng nhất là bắt gà vì càng bắt được nhiều gà thì buổi tối, nồi cháo của lớp càng thơm ngon. Việc được đi chơi 2 ngày và tham gia những hoạt động thú vị như vậy càng khiến các thành viên trong lớp thân thiết hơn.
4. Tham gia giải đấu thể thao của khối: Ngoài việc tốt cho sức khỏe, các giải đấu này còn giúp lớp gắn kết hơn. Các trận bóng đá tuy diễn ra vào buổi trưa nhưng luôn kín đặc học sinh đứng xem và cổ vũ ở 5 tầng nhà. Đó thực sự là một khung cảnh đáng nhớ với không khí tuyệt vời.
5. Thi bày mâm cỗ Trung thu: Mẹ tớ kể, vào Rằm tháng 8 Âm lịch, mỗi lớp tự bày biện một mâm cỗ để thi với nhau. Các thành viên sẽ mang hoa quả, bánh kẹo, đồ trang trí… ở nhà đến lớp để đóng góp vào mâm cỗ chung. Dù đoạt giải hay không thì điều được mọi người mong chờ nhất là khoảnh khắc cùng nhau phá cỗ.
6. Lớp có đồng phục riêng: Mẹ tớ bảo ở MC, sự khác biệt luôn được khuyến khích. Từ thời đó, mỗi lớp đã được tự chọn và may đồng phục riêng để mặc vào một ngày nhất định trong tuần. Điều ấy đã góp phần tạo nên bản sắc cho từng lớp.
7. Thầy cô giỏi, cá tính và yêu trò: Theo mẹ tớ, tất cả giáo viên MC đều ấn tượng và thân thiện với học sinh. Thầy cô luôn dành tình cảm cho học trò như với những đứa con của mình. Ngoài các sự kiện của trường, thầy cô còn tổ chức thêm những hoạt động riêng để hiểu học sinh hơn và giúp lớp thêm đoàn kết, thương yêu nhau.
8. Chữ viết bảng của thầy Khang: Mẹ tớ kể rằng, mỗi khi trường sắp tổ chức sự kiện nào đó, thầy Khang sẽ dùng phấn viết bảng thông báo. Đám học sinh thường đứng xung quanh để xem thầy viết bảng và ngắm nhìn những dòng chữ với màu sắc ấn tượng.
9. Bạn cùng khối: Việc đi xe buýt trường đã giúp mẹ tớ làm quen các bạn cùng khối, chứ không chỉ giới hạn trong phạm vi lớp. Có bạn cùng khối gần nhà để kết thân, vui chơi khiến mẹ tớ không những thích lớp mà còn thích cả khối, trường nữa.
10. Bạn cùng lớp: Bạn thân ở MC là điều tuyệt vời nhất trong những năm tháng học trò của mẹ tớ. Đến bây giờ, mẹ và những người bạn thân ấy vẫn thường xuyên tâm sự, động viên và giúp đỡ nhau rất nhiều trong cuộc sống.
VI ANH (7I1) - LAM ANH (1M2)
Những trò nghịch ngợm của mẹ
Tuổi học trò luôn là quãng thời gian đẹp đẽ của mỗi người. Với những ai rời xa ghế nhà trường, kỷ niệm của những ngày đi học thực sự là điều trong trẻo, đáng nhớ được cất giữ trong tim. Chẳng thế mà mỗi lần kể về thời “nhất quỷ, nhì ma” ở Marie Curie, giọng nói của mẹ tớ luôn tràn đầy cảm xúc và sự say mê.
Suốt thời đi học, mẹ tớ được thầy cô nhận xét là một học sinh ngoan hiền và có phần nhút nhát. Nhưng qua lời kể của mẹ, tớ thấy mẹ cũng nghịch ra trò.
Chẳng hạn như năm lớp 9, vào buổi trưa hè, mẹ trùm chăn, trốn cô giáo để đọc tiểu thuyết. Hồi ấy, MC đã được đánh giá “xịn” vì có học bán trú, ngủ trưa.
Hết năm lớp 10, cả lớp cùng cô chủ nhiệm ra bãi sông Hồng vui chơi, đá bóng. Là hậu vệ cứng, mẹ tớ không chịu tha cho ống đồng của cô. May mà cô không để bụng, hì hì.
Năm lớp 11 đi cắm trại ở hồ Đại Lải, nửa đêm, cả lớp trốn cô chủ nhiệm, rủ nhau vào rừng tìm ma. Đang đi yên lành, mẹ tớ bỗng hét lên rồi quay đầu bỏ chạy, làm các bạn khác cũng hốt hoảng bỏ chạy theo. Sau một lúc nhốn nháo, thấy không có chuyện gì, cả đoàn mới bình tĩnh đi tiếp. Hóa ra là mẹ tớ hét thử để “khuấy động” chuyến đi, hì hì.
Mẹ bảo, các bạn trong lớp cũng có nhiều trò nghịch ngợm đến mức mỗi lần kể chuyện, mẹ đều cười khúc khích như đang sống lại những giây phút đó. Tuy nhiên, mẹ bảo cả lớp học hành nghiêm túc lắm!
Mọi người hay thảo luận, trao đổi bài vở để cùng “vỡ” vấn đề và tiến bộ. Nhất là những ngày ôn thi cuối cấp, từng nhóm truy bài hoặc rủ nhau đi học ôn, thi thử… Rồi đến kỳ thi, cả lớp đặt ra chỉ tiêu để cố gắng. Không chỉ vậy, các thầy cô có rất nhiều “chiêu”, đặc biệt là bằng tình yêu thương để truyền cảm hứng cho các học trò tìm tòi, khám phá, say sưa với các môn học.
Không chỉ chuyện học mà các hoạt động văn nghệ, thể thao càng khiến lớp mẹ tớ thêm đoàn kết. Đội bóng đá của lớp mẹ vừa thi đấu vang dội vừa “mê hoặc” khán giả bởi lối chơi đẹp mắt, lãng tử; còn các cổ động viên luôn cổ vũ hết mình.
Hoặc hôm thi “HS” (phiên bản sáng tạo của chương trình “SV” đình đám ngày ấy), lớp mẹ làm giám khảo “tâm phục, khẩu phục” khi các đại diện của lớp hát trên sân khấu thì toàn bộ thành viên ngồi cổ vũ phía dưới cũng đồng thanh hát theo. Lúc thi văn nghệ, dàn đồng ca của lớp mẹ còn khiến giám khảo cảm động khi các thành viên nắm chặt tay nhau, hát say sưa và không hề “phô”, lệch nhịp.
Có lẽ, vòng tay yêu thương của các thầy cô cùng những trò nghịch ngợm, những say mê học hành, những gắn kết đầy yêu thương trong mọi hoạt động, những “rung rinh” đầu đời thuở học trò đã trở thành chất keo kết dính mẹ và các cô, chú với nhau để đến giờ, mỗi khi gặp gỡ hay nhắc về nhau, những ký ức vẫn sống động, chan chứa yêu thương.
Được nghe mẹ kể những kỷ niệm và cảm nhận tình cảm với trường lớp, thầy cô, bè bạn năm xưa của mẹ, tớ càng thêm yêu MC và tự nhủ phải trân trọng mỗi khoảnh khắc đang có để mai này lớn lên, khi nhìn lại thì biết mình may mắn mang theo một hành trang vô giá.
TRUNG HÒA (9M1)
MC dạy bố sự tử tế
Bố mình là cựu học sinh lớp P, 97 - 00. Mình và cậu em Trung Kiên (5I3) được bố kể cho rất nhiều câu chuyện về tuổi học trò ở MC.
Bố kể năm đó, sau khi tốt nghiệp cấp 2, gia đình chuyển ra Hà Nội sống với mục đích cho bố vào một ngôi trường tốt. Khi tham khảo nhiều nguồn thông tin, biết MC có tiếng với thành tích dạy tốt, học tốt, tỷ lệ đỗ Đại học 100%; lại quy tụ nhiều thầy cô dạy trường chuyên, Đại học thì ông bà nội đã quyết định lựa chọn ngôi trường này.
Hè năm ấy, bố tham gia lớp ôn luyện tại trường trong khoảng 2 tuần. Bố vẫn nhớ như in ngày đi thi với tâm trạng hồi hộp, căng thẳng. Các thí sinh toàn hạng “cao thủ”, chỉ tiêu tuyển sinh của trường lại ít nên sự cạnh tranh rất lớn. Đến ngày mình thi vào lớp 6, được cầm thông báo nhập học trên tay thì cảm thấy vinh dự, tự hào lắm! Bởi mình cũng được trở thành MCer như bố.
Khi chúng mình còn nhỏ, bố luôn kể về ngôi trường MC. Bố nói, học sinh của trường có sự tự do, khoáng đạt trong khuôn khổ và được phát triển toàn diện. Ở đây, học sinh không chỉ được ăn ngon, mặc đẹp mà còn được vui chơi, tham gia nhiều hoạt động thể thao, dã ngoại.
Đặc biệt, người mà bố nhắc đến nhiều nhất là thầy Khang. Bố bảo thầy vừa có tâm vừa có tầm và luôn quan tâm học trò ở nhiều mặt. MC là ngôi trường rất thân thiện; thầy cô, bạn bè đều là những người tốt nên bản thân bố cũng luôn được hướng đến điều tử tế.
Với chúng mình, Marie Curie luôn là lựa chọn hàng đầu để theo học bởi đó là nơi giúp bố trưởng thành và có nhiều kỷ niệm. Chắc chắn, chúng mình cũng sẽ có thời học trò tuyệt vời giống như bố. Cảm ơn bố vì đã đồng hành cùng chúng con trong những năm tháng không thể nào quên này!
LÊ MINH (7M3)
Yêu MC từ những câu chuyện của mẹ
Năm nay, mình trở thành học sinh của ngôi trường Marie Curie. Đây cũng là nơi mà mẹ mình theo học 4 năm cấp 2 và có rất nhiều kỷ niệm đẹp.
Mẹ thường kể cho mình nghe về sự gắn bó với trường lớp, thầy cô và bạn bè. Mẹ luôn tự hào là một MCer, được trang bị nền tảng tiếng Anh tốt và được sống trong môi trường giáo dục thân thiện, hiện đại.
Hồi đó, mẹ là một cô học trò cá tính, luôn muốn bộc lộ cái tôi. Điều đáng quý ở MC là sự khác biệt của mỗi con người luôn được tôn trọng.
Mẹ vẫn thường ôn lại những kỷ niệm ở bán trú, cùng học, ăn, ngủ với bạn bè. Những chuyến cắm trại qua đêm ở Đại Lải, được ở lại trường rồi cùng học, thi bơi… cũng tạo nên sự đặc biệt cho MC so với các ngôi trường khác thời bấy giờ. Thực sự, những câu chuyện của mẹ đã truyền rất nhiều cảm xúc cho mình và em trai.
Trước ngày dự tuyển vào lớp 6, bố mẹ đã dẫn mình đến tham quan Marie Curie. Mình đã không giấu nổi sự hào hứng khi vừa đặt chân tới cổng Trường Sa, phóng tầm mắt lên dãy nhà với những ô kính màu nổi bật. Mình thích thú ngắm nhìn khuôn viên rộng lớn, nhiều cây xanh, lớp học khang trang, đặc biệt là sân bóng. Mình còn hào hứng tưởng tượng tới ngày được chơi bóng rổ - môn thể thao yêu thích.
Đúng như mẹ nói, thầy cô MC thân thiện, gần gũi như người nhà vậy. Mình đã kịp cảm nhận điều ấy vào hôm dự tuyển. Sự chuẩn bị chu đáo, ân cần của thầy cô đã để lại ấn tượng mạnh, khiến mình càng quyết tâm giành “tấm vé” quý giá vào trường.
Từ nhỏ, mình đã luôn mơ ước được vào ngôi trường này để học hỏi kiến thức, phát triển ngôn ngữ và gặp gỡ nhiều bạn bè mới. Giờ là tân MCer, mình cảm thấy thật tự hào, hạnh phúc khi mẹ là người đồng hành và trở thành động lực thôi thúc mình nỗ lực nhiều hơn. Cảm ơn mẹ đã mang mình đến MC - một chân trời mới, hứa hẹn đầy ắp trải nghiệm cho tuổi học trò!
NHẬT MINH (6M5)