Khi được hỏi về trải nghiệm Tết cổ truyền, MCer ngoại quốc ngay lập tức “bật mí”: “Tết đối với chúng tớ là sự đoàn viên ấm áp cùng gia đình, là những lần về quê thú vị và cả những lần cùng bạn bè vui vẻ tham gia lễ hội Bánh chưng ở MC”.
Tết sum vầy
Mỗi dịp Tết đến, xuân về, ngoài những mong đợi về sức khỏe, may mắn và thành công, mọi người còn trông ngóng sự sum vầy, đoàn tụ bên gia đình. Các MCer ngoại quốc cũng vậy. Maria Halley Louise Le Abad (8P2) không thể nào quên cái Tết năm lớp 4. Cô bạn kể: “Đó là lần đầu tiên đại gia đình bên nội của mình ở Philippines sang Việt Nam đón Tết. Ngày ấy tuy còn nhỏ nhưng mình đã rất tự hào khi kể với người thân về những nét đẹp truyền thống của Tết Nguyên đán. Mình được nhận lì xì, trò chuyện và vui chơi với ông bà nội, ngoại. Chưa năm nào mình thấy vui như vậy!”.
Maria Halley Louise Le Abad
Nguyễn Adam (5G) thích nhất dịp Tết không chỉ bởi những phong bao lì xì đỏ mà còn vì những giây phút được ở cạnh bố mẹ. Cậu tâm sự: “Bố mẹ tớ thường xuyên đi công tác nước ngoài nên việc cả nhà hàng ngày ngồi ăn cơm với nhau là điều không dễ. Từ nhỏ đến giờ, tớ mới chỉ được một lần đón Tết có cả bố mẹ năm 5 tuổi. Thế nên, tớ rất mong Tết này có thể cùng họ đón Giao thừa”.
Adam
Bố của Adam là người Israel, còn mẹ là người Việt. Bố thường kể cho cậu nghe, năm mới của người Do Thái gọi là Rosh Hashanah. Vào ngày này, họ thường tặng nhau tấm thiệp với câu chúc: “Mong bạn được hưởng một năm tốt lành mà Chúa ban tặng!”. Họ dành cho nhau lời chúc này khi đến cầu nguyện tại giáo đường, sau đó trở về nhà và cùng gia đình dự bữa tiệc đón năm mới.
Kenta
Kenta (5M2) và Kasamon Hutapornpraser (8P2) cũng cảm thấy hạnh phúc nhất là khoảnh khắc quây quần cùng gia đình bên mâm cỗ Giao thừa. Kenta được thỏa sức thưởng thức những món ăn ngon của Việt Nam như: nem rán, bánh chưng, giò chả... Cậu còn được mẹ chiêu đãi một số món truyền thống của Nhật Bản như: sushi, kobumaki… Trong khi đó, Kasamon tự tay làm bánh ngọt tặng bố mẹ. Cô bạn không quên dành cho bố mẹ những lời chúc ngọt ngào nhất.
Kasamon “bật mí” thêm: “Bố tớ là người Thái Lan nên tớ đã nhiều lần được về quê nội đón Tết té nước. Tết của Thái vào mùa hè, còn Tết Việt lại vào mùa đông. Tớ thấy, Tết của hai đất nước đều mang thông điệp cầu bình an, may mắn, sự đoàn tụ và hạnh phúc cho gia đình”.
Tết khám phá
Ngoài những giây phút sum họp gia đình, Tết còn là cơ hội để MCer ngoại quốc khám phá đất nước Việt Nam tươi đẹp. SunHwa (3M2) rất vui khi mỗi dịp Tết đến lại được về quê mẹ ở phố Lu, TP. Lào Cai. “Có đợt, tớ được lên Sapa ngắm tuyết. Tuy không lạnh và không nhiều tuyết như ở Hàn Quốc nhưng nơi này cũng rất đẹp”, SunHwa chia sẻ.
Oh Hyun Hee
Oh Hyun Hee (9P3) đã đón 4 cái Tết ở Việt Nam. So với Tết Hàn Quốc, cô bạn thích không khí và tiết trời tại đây hơn, nhất là những chuyến du xuân xuyên Việt cùng gia đình. Hyun Hee kể: “Có dịp Tết, cả nhà tớ đi khám phá Đà Lạt. Không hổ danh là thành phố ngàn hoa, khi bước chân ra khỏi khách sạn là thấy sắc hoa ngập tràn”.
Ở Việt Nam, học sinh được nghỉ Tết dài ngày hơn so với Hàn Quốc nên Hyun Hee tha hồ được đi chơi. Thay vì ngồi nhà chơi game hay xem tivi, cô bạn thường cùng bố mẹ đi dạo phố phường Hà Nội. “Qua những chuyến đi đó, tớ càng thêm yêu quê ngoại Việt Nam. Hè này, tớ sẽ về Hàn Quốc ba tuần rồi trở lại Việt Nam. Tớ mong sau này mình sẽ có nhiều cơ hội khám phá đất nước này hơn nữa”, cô bạn cho biết.
Với Kenta, Tết cũng là dịp trải nghiệm nhiều nét văn hóa đặc sắc của quê ngoại. Kenta “bật mí”: “Tủ đồ của tớ vẫn còn giữ bộ áo dài truyền thống Việt Nam và Kimono Nhật Bản hồi tớ 4 tuổi. Mẹ bảo rằng, hồi bé, tớ thích mặc những trang phục đó lắm! Nhìn tớ đáng yêu nên ai cũng đề nghị chụp ảnh cùng. Nghe kể lại mà tớ thấy sướng phổng cả mũi”.
Giờ mỗi lần ngắm nhìn lại mình trong ảnh, Kenta vẫn rất thích thú, tự hào. Cậu cảm nhận áo dài Việt Nam kín đáo, đơn giản nhưng mang phong thái rất đĩnh đạc.
Tết trưởng thành
Tết còn được xem là khoảng thời gian giúp MCer trưởng thành hơn trong suy nghĩ, hành động. Từ năm 7 tuổi, Kasamon đã bắt đầu phụ giúp mẹ lau dọn, trang trí nhà cửa và sửa soạn bàn thờ vào dịp Tết. Mới đầu là vì tò mò khi thấy mẹ chỉ trong chốc lát đã “hô biến” căn nhà thành nơi muôn hoa đua nở, sạch sẽ tinh tươm. Sau là vì thích thú, muốn tự tay cắm những lọ hoa xinh xắn và ngắm nhìn căn phòng sạch bóng sau những giờ lao động vinh quang nên cô bạn đã xung phong làm với mẹ.
Kasamon
Đặc biệt, Kasamon rất thích khi được tự tay gói 10 chiếc bánh chưng trong lễ hội Bánh chưng tại MC năm ngoái. Cô bạn cho biết: “Lần đầu gói bánh của tớ khá khó khăn. Nhưng vì thích và làm dần thành quen nên giờ, tớ thấy rất đơn giản. Vui nhất là khi tớ mang những chiếc bánh về nhà thắp hương cúng tổ tiên. Dù không phải là món quà đắt tiền nhưng đó là tấm lòng, công sức tớ bỏ ra. Tớ cảm thấy Tết sẽ ý nghĩa hơn khi mình được đóng góp vào niềm hạnh phúc chung của gia đình”.
Với SunHwa, Tết là cơ hội để mang tới niềm vui cho những người bạn dân tộc thiểu số ở vùng cao. Cô bạn tâm sự: “Tết nào, tớ cũng tự tay làm nhiều tấm thiệp chúc mừng để tặng ông bà ngoại và các anh, chị, em họ hàng ở Lào Cai; đặc biệt là các bạn tại trường dân tộc nội trú. Qua lời kể của bố mẹ, tớ hiểu rằng, cuộc sống của các bạn ấy thiếu thốn rất nhiều. Tớ hi vọng món quà của mình có thể đem đến niềm vui cho các bạn”.
SunHwa
Là con trai nhưng Kenta cũng rất khéo tay. Tết năm nào, cậu cũng tự tay làm thiệp tặng mẹ. Kenta vui vẻ kể: “Mỗi lần nhìn mẹ vui vẻ đón nhận món quà, tớ cũng thấy rất vui. Sau đó, tớ còn được mẹ lì xì nữa”.
Vào dịp Tết, Halley luôn dành dụm tiền lì xì để mua những món quà ý nghĩa tặng bố mẹ, bạn bè. Cô bạn cũng không quên tự thưởng cho mình bộ váy xinh đẹp và một số dụng cụ học tập đáng yêu. “Năm nào, mình cũng tự đặt ra cho bản thân những mục tiêu và cố gắng hoàn thành. Khi làm xong điều gì đó, mình sẽ dùng tiền lì xì để mua quà kỷ niệm. Mình nghĩ, việc tiêu tiền đúng mục đích cũng là cách tận hưởng ngày lễ truyền thống trọn vẹn hơn”, Halley nói.
Theo MCer Link 39