Bạn sẽ làm gì nếu được giao trọng trách điều hành đất nước hay đứng đầu một bộ/ngành? Cùng lắng nghe MCer “bật mí” những kế hoạch, dự định sẽ thực hiện khi được “chọn mặt gửi vàng” nhé!
Nếu trở thành Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, việc đầu tiên tôi muốn làm là đảm bảo an toàn giao thông cho trẻ em. Ở các khu vực xung quanh trường học hiện nay, đặc biệt vào lúc sáng sớm và buổi chiều tan học, có rất nhiều phương tiện giao thông di chuyển, gây ảnh hưởng đến an toàn của học sinh. Không chỉ tại các trường học mà ở những nơi công cộng khác như: bệnh viện, công viên…, ý thức tham gia giao thông của người dân cũng chưa được tốt. Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, năm 2017 có đến 20.000 vụ tai nạn giao thông đường bộ, khiến gần 8.300 người chết và hơn 17.000 người bị thương. Tình trạng này có thể giảm đi đáng kể nếu ý thức của mỗi người tốt lên. Để cải thiện văn hoá giao thông, tôi cho rằng, những hình ảnh đẹp khi tham gia giao thông cần được chia sẻ rộng rãi hơn nữa để trở thành nét đẹp, đáng quý cho mọi người học tập.
Là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, tôi sẽ hạn chế những phương tiện giao thông cá nhân chứa nhiều khí thải độc hại và tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Nhiều nước như: Anh, Pháp, Na Uy đã xây dựng kế hoạch loại bỏ hoàn toàn ô tô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch và chỉ sử dụng xe điện để ứng phó với tình hình ô nhiễm môi trường. Việt Nam cũng hoàn toàn có thể dùng xe đạp, xe đạp điện… như một biện pháp thay thế tối ưu cho ô tô và xe máy.
Ngoài ra, một vấn đề khác của giao thông Việt Nam chính là cơ sở hạ tầng. Hàng ngày di chuyển trên đường, không khó bắt gặp những ổ gà, hố ga hay thậm chí là những sợi dây điện rơi võng xuống đường do không được cố định chắc chắn. Đó là một trong những nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn giao thông. Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, tôi sẽ cho cải tạo những con đường xuống cấp và xây dựng thêm nhiều hạ tầng tiện ích khác như: hầm, cầu cho người đi bộ; trạm nghỉ; bến xe… Những việc làm này sẽ không những giúp cải thiện tình hình mất an toàn khi tham gia giao thông mà còn giúp môi trường đô thị thêm sạch, đẹp.
PHƯƠNG THANH
(9P1)
Nếu được bầu làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp, tôi sẽ chỉnh sửa Luật trẻ em cho phù hợp với tình hình thực tế gần đây. Năm 2015 là một ví dụ điển hình cho thấy tình trạng trẻ em bị xâm hại ngày càng gia tăng. Một trong những nguyên nhân là do công tác tuyên truyền, giáo dục về vấn đề bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa thực sự hiệu quả. Do trẻ không được hướng dẫn kỹ càng những kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng tránh bị xâm hại và phần lớn các em khi bị xâm hại đều có tâm lý mặc cảm, sợ hãi, tự ti nên không dám tố cáo kẻ phạm tội. Ngoài ra, cha mẹ cũng ít khi đề cập đến các vấn đề liên quan tới kỹ năng tự vệ khi ở gần người lạ bởi họ không muốn con cái tìm hiểu sâu những vấn đề nhạy cảm…
Hiện nay có 106 điều luật trẻ em nhưng biện pháp xử lý nghiêm các hành vi xâm hại quyền trẻ em vẫn chưa được xem xét kỹ. Do vậy, chúng ta cần phải làm rõ hình phạt để những kẻ phạm tội bị trừng trị đích đáng và có tác dụng răn đe toàn xã hội. Chính quyền địa phương và nhà trường cũng cần nhanh chóng vào cuộc điều tra và sát sao hơn trong việc xử lý các hành vi xâm hại quyền trẻ em để ngăn ngừa tình trạng này.
Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và thứ hai trên thế giới ký, phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em. Hơn nữa, Hà Nội và một số nơi khác đã xây dựng làng trẻ em SOS. Tôi nghĩ cần nhân rộng mô hình này hơn nữa trên khắp các tỉnh, thành của đất nước. Bên cạnh đó, tất cả trường học nên có các câu lạc bộ võ thuật để học sinh được rèn luyện sức khỏe và học các động tác tự vệ cơ bản nhằm ứng phó với kẻ xấu.
BẢO NHI
(7I1)
Thể dục, thể thao giúp con người tăng cường sức khỏe, cân bằng trí óc, giảm áp lực cuộc sống. Tuy nhiên hiện nay, vấn đề này vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức, đặc biệt trong các trường học - nơi đào tạo thế hệ tương lai cho đất nước. Cụ thể, công tác giáo dục thể dục, thể thao ở các nhà trường chưa được coi trọng và chưa đáp ứng được yêu cầu duy trì, nâng cao sức khỏe cho học sinh. Vì thế, thể lực và tầm vóc người Việt Nam thua kém rõ rệt so với một số nước trong khu vực. Có nhiều nguyên nhân cho thực trạng này. Thứ nhất là nguồn giáo viên còn thiếu hụt, nhất là ở vùng sâu vùng xa, vùng núi, hải đảo. Thứ hai, nhiều trường học còn thiếu thốn về cơ sở vật chất: sân bãi, bể bơi… hay các dụng cụ tập luyện để học sinh sử dụng trong tiết học. Điều này đã gây ra nhiều khó khăn cho cả giáo viên và học sinh, đồng thời hạn chế những nội dung có thể giảng dạy. Thứ ba, chương trình học vẫn chưa thực sự hấp dẫn, lôi cuốn học sinh.
Nếu làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tôi sẽ đẩy mạnh việc phổ biến tới toàn dân nói chung và học sinh nói riêng tầm quan trọng của thể dục, thể thao; tránh lối tuyên truyền hình thức và không phù hợp. Đối với đội ngũ giảng dạy, cần ban hành quy chế hỗ trợ thích hợp với các cán bộ, chuyên gia thể dục thể thao trực tiếp tham gia đào tạo chính khóa tại các trường học. Các thầy cô bộ môn Thể dục cũng cần được tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Ngoài ra, nguồn giáo viên nên được phân bổ đều cho các cơ sở giáo dục và trường học, từ thành phố đến vùng sâu vùng xa.
Bên cạnh đó, tôi sẽ tích cực huy động nguồn hỗ trợ từ các doanh nghiệp hay tổ chức xã hội nhằm tài trợ cho các giải đấu thể dục, thể thao trong và ngoài trường học; phối hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức các chương trình và cuộc thi thể dục, thể thao học đường để tạo điều kiện cho học sinh phát triển khả năng của mình. Tuy nhiên, các hoạt động, giải đấu đó cần được kiểm tra, đánh giá thường xuyên để đảm bảo sự phát triển đồng đều, bền vững về thể chất cho học sinh. Học sinh cũng cần được kiểm tra sức khỏe định kỳ để có chương trình học phù hợp nhất.
THANH VĂN
(9M1)
Hiện nước ta đang có nhiều vấn đề cần được quan tâm. Đầu tiên là nạn chặt phá rừng bừa bãi làm mất cân bằng hệ sinh thái, dẫn tới tình trạng lũ lụt hoành hành, khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tiếp theo là các nhà máy, xí nghiệp thi nhau xả khí thải, nước thải ô nhiễm hay người dân vứt rác không đúng nơi quy định đã tác động xấu tới môi trường, cũng như sức khỏe con người. Hơn nữa, rất nhiều hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng... được bán tràn lan trên thị trường. Nếu sử dụng phải những thứ hàng đó, người tiêu dùng sẽ có nguy cơ mắc bệnh rất cao. Tắc đường, tai nạn do người tham gia giao thông không chấp hành đúng quy định, luật lệ; nạn bạo hành, bắt cóc, xâm hại trẻ em… cũng là những vấn đề đáng được lưu tâm.
Nếu có cơ hội trở thành Chủ tịch Quốc hội, tôi sẽ làm pháp luật nước ta trở nên nghiêm khắc hơn với những chế tài xử lý thích đáng. Cùng với đó là tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nâng cao ý thức của người dân. Tôi cũng sẽ đề xuất đưa những bài giảng về pháp luật vào chương trình giáo dục học đường ở các cấp để học sinh từ khi ngồi trên ghế nhà trường thực hiện đúng luật pháp, tránh sa ngã vào con đường tệ nạn xã hội.
BẢO NGỌC
(9G1)