Viết về mái trường Marie Curie luôn là thách thức rất lớn với tôi bởi quá nhiều chuyện xảy ra trong bốn năm đó thật không dễ diễn tả lại bằng lời. Mỗi người sẽ nhớ và quên đi rất nhiều thứ nhưng kỷ niệm về Marie Curie trong tôi thì không bao giờ.
Quay ngược thời gian trở lại mùa thu năm 2009. Năm ấy, tôi thi đỗ vào lớp 6 của trường. Giây phút ấy, con bé 11 tuổi là tôi không hề mảy may biết rằng, mình sắp trải qua bốn năm đáng nhớ nhất của tuổi học trò. Ngày 1/7/2009, mẹ dắt tôi vào phòng B14 - phòng học của lớp 6P. Tôi vẫn nhớ rõ khung cảnh của buổi tập trung đầu tiên ấy. Khi đó, cô chủ nhiệm Nguyễn Phương Nga mặc chiếc áo màu ghi xám với mái tóc đen xõa ngang vai. Cô nhìn vào danh sách lớp, đọc rõ tên tôi “Trần Mẫn Linh” và mỉm cười trìu mến. Trang ký ức đầu tiên về Marie Curie trong tôi bắt đầu thân thương như thế đấy.
Bốn năm ở Marie Curie đã đưa tôi đi qua những mùa tựu trường đầy xúc động. Hồi đó, cơ sở Trung Yên 10 nhỏ bé lắm, không rộng rãi để tập trung tất cả học sinh như bây giờ. Chúng tôi ngồi tựa vào vai nhau trên những chiếc ghế nhựa màu đỏ, lắng nghe thầy Khang phát biểu khai giảng năm học mới. Nếu như ở các trường khác, hầu hết thầy/cô Hiệu trưởng đều đọc bài diễn văn theo khuôn mẫu có sẵn thì điều đó không bao giờ xảy ra ở Marie Curie. Thầy Khang luôn tự viết những bài nói bằng chính tình cảm, suy nghĩ thật của thầy. Tôi vẫn rất nhớ câu cuối cùng trong mỗi bài phát biểu của thầy: “Thời gian cứ âm thầm trôi mãi, chỉ còn ta với ta và mùa thu ở lại”. Sau này ra trường, tôi luôn mong mỏi và kiếm tìm một ngày khai giảng đong đầy háo hức và hy vọng như thế nhưng chẳng còn nữa.
Biết nói thế nào nhỉ, cho đến tận bây giờ, tôi luôn rất thích được bạn bè hỏi rằng: “Cấp hai, cậu học trường gì?” để được trả lời là: “Marie Curie”. Thú thực, Marie Curie đã cho tôi quá nhiều thứ! Thời gian được sống và học tập ở MC tuyệt vời đến nỗi tôi không thể tìm được những điều như vậy lần thứ hai. Nếu như với hầu hết mọi người, cấp ba là quãng thời gian đẹp nhất thời học sinh thì với tôi, đó lại là cấp hai. Tôi cũng từng đi qua những năm cấp ba trong trẻo, đong đầy mộng mơ nhưng Marie Curie mới thực sự là nơi tôi trưởng thành. Khi chưa học ở Marie Curie, tôi vẫn nghĩ giáo viên chủ nhiệm là người duy nhất quan tâm và gắn bó với lớp. Nhưng tôi đã nhầm. Những người làm nghề giáo ở ngôi trường này không dạy với tâm lý để đủ giáo án, để kiểm tra và bắt lỗi học sinh mà để trở thành một người bạn lớn cho chúng tôi chia sẻ bất cứ điều gì. Đến giờ, những lời dạy về cuộc sống của các thầy cô vẫn ở lại trong tâm trí tôi. Tôi nhớ như in tháng 3/2011, thảm họa động đất, sóng thần xảy ra ở Nhật Bản đã cướp đi sinh mạng của hàng chục ngàn người. Khi đó, cô Phương Nga đã dành hẳn một tiết tự học để nói với chúng tôi về sự mất mát, để dạy chúng tôi biết trân trọng từng giây, từng phút được sống. Tôi quên sao được những ngày mở mắt dậy và nhận ra hôm nay là thứ Bảy. À! thứ Bảy là ngày có hai tiết Văn. Tôi lại háo hức khoác lên người bộ đồng phục để đến trường, để được nghe cô Hoa, cô Lê giảng bài. Nhớ ngày 8/3, cô Lê giao cho chúng tôi “bài tập về nhà” là hãy viết, vẽ tranh, làm thơ… về mẹ và đưa cho mẹ chấm. Điểm số mẹ cho sẽ là điểm hệ số hai của chúng tôi. Còn cô Hoa yêu cầu chúng tôi tìm những câu chuyện cảm động về mẹ và chia sẻ với cả lớp. Trường của tôi chưa bao giờ treo khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” nhưng điều đó luôn hiện hữu trong tâm trí của mỗi thế hệ học trò.
Tôi chợt nhớ về những ngày gặp chuyện buồn. Thực lòng chỉ muốn ngủ một giấc để sáng hôm sau tỉnh dậy được chạy ào đến Marie Curie, được vào canteen ăn một bát bún riêu cua nóng, được tâm sự với các bạn, được nghe thầy cô kể chuyện và giảng bài. Mỗi giờ trôi qua ở Marie Curie là những tràng cười không ngớt, đến nỗi tôi từng cảm thấy mình là người hạnh phúc nhất thế gian. Tình yêu của tôi với nơi đây đến từ những điều rất đơn sơ, nhỏ bé. Tôi chưa thấy ngôi trường nào mà học sinh thân thiết, gắn bó với các bác bảo vệ, các cô lao công, các bác nhà bếp như ở Marie Curie. Nhớ những hôm đi học muộn, bác Lục, bác Phương lại đùa bảo tôi: “Sáng nay lại ngủ quên hả? Đi muộn là không cho vào lớp nữa đâu nhé!”. Vài ba lần tôi bất cẩn ngồi ghế đá chơi, để quên điện thoại đều được bác Lục nhặt được và đưa lại. Tôi nhớ những buổi trưa khi trống hết giờ vừa điểm, tôi liền chạy thật nhanh xuống nhà ăn để lấy suất cơm có món “gà rang muối” ưa thích, nhớ nụ cười hiền hậu của các bác đưa cơm và câu hỏi: “Thích ăn món nào để bác lấy cho?”. Hôm tôi xuống sớm hay xuống muộn, các bác đều ân cần hỏi han. Tôi nhớ cả sự háo hức vào mỗi trưa hè oi nóng, chạy xuống canteen để mua que kem ốc quế rồi khoác tay đứa bạn thân ra sân trường xem tụi con trai chơi bóng rổ. Khoảng sân trường năm ấy chứng kiến bao cảm xúc vui, buồn, vỡ òa của chúng tôi; đã nhìn chúng tôi khôn lớn qua bốn mùa cây thay lá.
Kỷ niệm với Marie Curie còn là những trưa tập văn nghệ không ngủ, những mùa Noel đầm ấm, những cái Tết quây quần bên nhau đón năm mới, là giây phút vỡ òa ngày sinh nhật “mẹ”... Cũng chính tại nơi này, tôi đã biết tự tay gói chiếc bánh chưng đầu tiên. Người ta hay gọi ngôi trường họ yêu quý là “nhà” và Marie Curie thật sự là một nơi như vậy. Không hề nói quá hay khuếch trương lên khi học sinh ở đây gọi các cô là mẹ, các thầy là bố vì có những chuyện, chúng tôi chia sẻ được với thầy cô; còn với bố mẹ thì lại không. Những người thầy tần tảo đã chăm lo cho chúng tôi từng bữa ăn, giấc ngủ; đã chợt đau lòng khi học trò của mình gặp chuyện; đã hạnh phúc khi thấy chúng tôi làm được việc tốt; đã cười khi chúng tôi cười và khóc khi chúng tôi khóc...
Tôi không bao giờ có thể viết đủ về Marie Curie, ngôi nhà thứ hai của tôi. Bốn năm học tại nơi này đã in dấu quá nhiều kỷ niệm, đã cho tôi gặp những người quan trọng suốt cuộc đời. Những ngày cuối cùng ở Marie Curie là chuỗi ngày buồn nhất trong bốn năm đó. Tôi trân trọng từng buổi sáng tỉnh dậy đến trường, cố ghi lại trong tâm trí hình ảnh của 48 thành viên 9P, tranh thủ nói chuyện với thầy cô nhiều hơn, miết tay lên từng dãy bàn học, hàng ghế đá, góc sân trường… Bốn năm là hàng chục nghìn tiết học và hồi trống, là hàng nghìn buổi trưa đi ăn với nhau, là hàng trăm bài kiểm tra, hàng chục kỳ thi, là bốn mùa tựu trường, bốn mùa hoa phượng nở... Để rồi, tất cả những thân thương đó được gói gọn chỉ trong vài giờ đồng hồ ngắn ngủi của một ngày cuối tháng 5.
Giờ đây, khi đã là cô sinh viên Đại học, tôi vẫn nhớ về những ngày cấp hai khi thấy nhành phượng vĩ đỏ rực trên nền trời xanh thẳm, khi nghe những cánh hoa bằng lăng tím biếc chậm rãi rơi trên lối đi. Ở nơi đó, tôi đã sống, đã yêu thương bằng tất cả chân thành và khát vọng, đã cho đi thật nhiều mà không hề tiếc nuối. Thi thoảng tôi vẫn ước giá có thể ngủ một giấc thật ngon để sáng hôm sau tỉnh giấc, thấy mình đang ở Trung Yên 10. Tôi thèm được nếm lại hương vị bát bún riêu cua nóng hổi ở canteen năm nào, thèm được nghe tiếng cô giảng bài, tiếng bạn bè nô đùa, cười nói hay thanh âm trong trẻo của những ngày đã cũ.
Tháng 11/2012, tôi và đám bạn xếp hàng nghiêm chỉnh trên sảnh vào của Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Năm đó, trường tôi tròn 20 tuổi. Năm năm sau, tôi ngồi viết những dòng này, gửi lại Marie Curie tuổi 25 trang hồi ức của tôi bằng tất cả sự biết ơn và thương nhớ.
Đến hết cuộc đời này, tôi vẫn là đứa con của Marie Curie.
Dù thời gian có biền biệt trôi, dù bước chân tôi có đi về trăm ngả thì mỗi độ thu sang, “lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường”.
Buổi tựu trường mùa thu năm 2009. Tôi đi học ở Marie Curie.
(Tác phẩm đoạt giải Khuyến khích cuộc thi “My school”)
MẪN LINH
(CHS P, 09 - 13)