Tự do sáng tạo, thỏa sức thể hiện khả năng vẽ, nâng cao khả năng làm việc nhóm, ghi nhớ bài nhanh hơn… là những điều MCer 5M1 nhận thấy trong tiết học Kể chuyện bằng phương pháp bản đồ tư duy.
“Chúng tớ gọi đó là vẽ tư duy hoạt hình” - Lê Anh (5M1) dí dỏm miêu tả về phương pháp bản đồ tư duy mà cả lớp vừa được học. Các bạn được cô Thu Hà (GVCN 5M1) hướng dẫn tỉ mỉ cách làm trong tiết Kể chuyện với chủ điểm: “Cánh chim hòa bình”. Ghi nhớ câu chuyện mà không cần đọc thuộc làu, chỉ trong thời gian ngắn, các bạn đã hiểu và tóm tắt câu chuyện nhanh chóng.
Mỗi tổ được chia hai nhóm, từng nhóm sẽ thực hiện một sơ đồ tư duy về câu chuyện đã học như: “Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai”, “Ê - mi - li, con”, “Anh bộ đội cụ Hồ gốc Bỉ”, “Những con sếu bằng giấy”. Mỗi bức vẽ thể hiện nội dung, ý nghĩa câu chuyện, các tình tiết, nhân vật… thông qua hình ảnh mà các bạn tưởng tượng, cũng như lời thoại, kịch bản.
Việt Dương khoe: “Chúng tớ cùng bàn ý tưởng, tự vẽ, tô màu để có một sơ đồ tư duy sinh động và dễ nhớ nhất. Với cách này, chúng tớ được thỏa sức sáng tạo, tư duy và làm việc nhóm và điều ấy khiến cả lớp hào hứng, vui hơn nhiều”.
Thảo Linh cho biết: “Đây là lần đầu tiên tớ được học theo cách này, rất thú vị. Đặc biệt, một tiết học có thể kết hợp ba tiết Kể chuyện, Tiếng việt và Mỹ thuật. Nhóm tớ thống nhất ý tưởng nội dung trước khi bắt tay thực hiện. Sau đó, mỗi người đảm nhận một nhiệm vụ như: vẽ tranh, tô màu, tổng hợp nội dung…”.
Không chỉ ghi nhớ câu chuyện, các bạn còn được thỏa sức vẽ tranh, sáng tạo ra các đoạn hội thoại rất thú vị, hài hước. Đó là kết quả tuyệt vời của tinh thần làm việc nhóm khi mang lại nhiều kỷ niệm, niềm vui cho MCer 5M1.
Cô Thu Hà kể rằng: “Các con tỏ ra rất hào hứng khi vừa được sáng tác truyện, vừa ghi nhớ cốt truyện, lại vừa tăng khả năng tự tin, giao tiếp. Có bạn nhút nhát, ngại nói trước lớp trong giờ Kể chuyện nhưng với phương pháp này, bạn nào cũng được tham gia và thể hiện khả năng của mình. Khi nhìn thấy các bản vẽ, mình rất hài lòng trước khả năng tư duy tốt, vẽ đẹp và sự sáng tạo của các con”.