Chuyện người mở đường “phi quốc lập”…

Từ một thầy giáo luyện thi nổi tiếng ở Thủ đô, ông giáo xứ Nghệ - Nguyễn Xuân Khang quyết định mở trường tư, chiêu mộ những học sinh rồi trở thành người đặt viên gạch đầu tiên cho cách làm giáo dục kiểu mới.

Khi được Người Đưa Tin (NĐT) hỏi về những năm tháng làm giáo dục kiểu mới, ông Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie vẫn giản dị nhận: “Tôi chỉ là thầy giáo đơn thuần với mong muốn mở trường năng khiếu chứ cũng không nghĩ gì nhiều”.

Nỗi trăn trở mở trường tư của hai ông đồ xứ Nghệ

NĐT: Giáo dục giai đoạn cuối những năm 80 đầu năm 90 ở nước ta có nhiều xáo trộn, quan điểm “ở đâu có phi quốc lập chứ giáo dục thì không” được quán triệt như một thành trì vững chãi. Bối cảnh lúc bấy giờ, lý do gì ông và cố PGS. Văn Như Cương lại quyết định mở trường tư nhân?

ÔNG NGUYỄN XUÂN KHANG: Không khí đổi mới tư duy của nước ta sau Đại hội Đảng lần thứ VI cực kỳ sôi động. Năm thành phần kinh tế đua nhau phát triển, kinh tế tư nhân được “cởi trói”, các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tư nhân xuất hiện sớm nhất chỉ duy còn giáo dục vẫn rất thận trọng.

Tôi còn nhớ sau khi đất nước thống nhất, phong trào luyện thi vào đại học ở Hà Nội ngày một phát triển. Thầy Cương ở Trường Đại học Sư phạm, tôi ở Trường Đại học Tổng hợp, ngoài việc dạy ở trường công, chúng tôi tranh thủ luyện thi bên ngoài để có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống.

Giữa 2 ca luyện thi, “trà dư tửu hậu”, chúng tôi ngẫm đến ngành giáo dục của mình và đặt câu hỏi liệu bây giờ ta có thể được phép thành lập trường tư thục không? Bởi nếu thành lập được rất là hay những chuyện luyện thi vào đại học ta có thể đưa ngay và trong trường, định hướng chọn khối cho học sinh.

Từ những lần như vậy, thầy Cương và tôi bàn với nhau viết thư đặt vấn đề với Bộ trưởng Bộ Giáo dục xem sao. Ngoài việc gửi thư cho Bộ trưởng theo đường bưu điện thông thường, bức thư còn được ông Trường Giang - Tổng biên tập báo Người Giáo viên nhân dân (nay là Báo Giáo dục và Thời đại) ủng hộ đăng lên báo của ngành giáo dục.

Không đến một tuần, Văn phòng Bộ Giáo dục truyền đạt ý kiến của Bộ trưởng Phạm Minh Hạc đồng ý cho chúng tôi viết đề án thành lập trường gửi cho Vụ Kế hoạch và Tài chính để Bộ xem xét.

Ngày 11/8/1988, tại trụ sở của Vụ Kế hoạch và Tài chính (14 Lê Thánh Tông), Bộ tổ chức cuộc họp xem xét đề án xin mở trường tư thục của 2 ông đồ xứ Nghệ. Hơn 3 tiếng đồng hồ sáng hôm đó, ông Đinh Gia Phong - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học chủ trì cuộc họp, kết luận: “Việc mở trường của các thầy có thể được, nhưng các thầy điều chỉnh và bổ sung đề án 3 việc: Thay loại hình trường tư thục bằng trường dân lập và có tên trường cụ thể; Xác định địa điểm mở trường; Nói rõ thêm về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất của trường”.

Sau cuộc họp, một kỷ lục hành chính (vào thời kỳ đó) được xác lập, ngày 20/8/1988 – chỉ sau 9 ngày, Bộ Giáo dục có văn bản gửi UBND Tp.Hà Nội đề nghị Thành phố cho phép thành lập thí điểm trường phổ thông dân lập Lương Thế Vinh, trường dân lập đầu tiên của Thành phố.

Ngày 1/6/1989, UBND Tp.Hà Nội ban hành Quyết định cho phép thành lập trường phổ thông dân lập Lương Thế Vinh, đồng thời ban hành các Quyết định công nhận ông Văn Như Cương là Hiệu trưởng, ông Nguyễn Xuân Khang là Phó Hiệu trưởng.Một năm sau, nhiều trường phổ thông dân lập được ra đời ở thành phố Hà Nội và các địa phương khác.

NĐT: Có lẽ thời điểm bấy giờ, mở trường tư là điều khó tưởng đối với nhiều người, nhiều người ngờ vực, nhiều người tin, ông đã gặp phải những khó khăn về ý kiến trái chiều như thế nào?

ÔNG NGUYỄN XUÂN KHANG: Đúng như vậy! Mở trường tư, ban đầu làm sao để mọi người đều tin tưởng? Khó lắm! Chúng tôi vượt qua trở ngại ban đầu là do “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” khi được Bộ Giáo dục ủng hộ, UBND Tp.Hà Nội ủng hộ, hầu hết các báo đều cổ vũ “đẩy thuyền”. Vào thời ấy, thành lập một trường không đòi hỏi nhiều lắm, không phải đưa hợp đồng thuê cơ sở vật chất, quy định ngặt nghèo như bây giờ.

Thủ đô lại là đất học, trong không khí đổi mới cho nên khi có mô hình mới người dân rất quan tâm, bảo người ta tin tưởng tuyệt đối thì chưa có cái gì để tin nhưng kỳ vọng vào mô hình này là có, mà lại do 2 ông đồ xứ Nghệ – đều là giáo viên của các trường đại học nên chắc vì vậy mọi người cũng gửi gắm hy vọng.

“Không có trường thì đi thuê, không có giáo viên thì tuyển”

NĐT: Vậy tại sao chỉ khoảng 3 năm sau, người ta lại thấy ông giáo Khang đi mở Trường Marie Curie?

ÔNG NGUYỄN XUÂN KHANG: Tôi là giáo viên dạy lâu năm ở khối chuyên Toán, sau này là chuyên Lý ở trường Đại học Tổng hợp nên vẫn luôn ấp ủ mong muốn mở trường dân lập năng khiếu. Vì vậy, đến năm 1992, tôi bàn giao Trường Lương Thế Vinh cho thầy Văn Như Cương, xin phép Thành phố thành lập trường phổ thông dân lập năng khiếu Marie Curie.

Tôi hiểu và muốn có trường phổ thông dân lập năng khiếu để tập hợp học sinh giỏi không những ở Hà Nội mà của các tỉnh cũng được về Thủ đô để luyện học. Hồi ấy có đề án cấp Nhà nước (KX - 18) “phát hiện và bồi dưỡng nhân tài” nên càng thôi thúc tôi đứng ra mở trường dân lập năng khiếu.

Ngay năm đầu tiên mở, các em có thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi các tỉnh về đây học rất nhiều. Học sinh nào đoạt giải quốc gia được đặc cách tuyển thành và miễn học phí, cấp học bổng và học nội trú.

NĐT: Tìm trường, lập lớp, huy động giáo viên là một bài toán rất khó để giải, xuất thân là một thầy giáo không phải là nhà kinh doanh vì sao thầy chỉ mất có 50 ngày đêm để huy động đủ nguồn lực mở trường?

ÔNG NGUYỄN XUÂN KHANG: Xin phép bạn cho tôi cười chút xíu lúc này bởi hồi ấy áp lực quá lớn, cả năm tôi không được cười. Khoảng 15 năm đầu khi được phép mở trường dân lập, hầu hết do giáo viên đứng ra mở trường. Người đời có câu “nhà giáo lấy giáo án dán áo”. Hồi đó dân ta nghèo lắm, mà giáo viên là nghèo nhất. Tôi cũng nghèo.

Nhưng vì luôn nung nấu thành lập trường dân lập năng khiếu nên không có trường thì tôi đi thuê, không có tiền thì đi vay, không có giáo viên thì tuyển. Ông giời thương nên khoảng 50 ngày đêm tôi thuê được trường, vay được tiền và tuyển được giáo viên, kịp tổ chức Lễ khai giảng năm học đầu tiên vào Chủ nhật 6/9/1992.

Khi mở Trường Marie Curie tôi cũng đã có thêm kinh nghiệm về việc này, để làm một cái trường cũng không nhiều kinh phí như bây giờ. Nhưng cũng chỉ là nhà giáo thuần tuý lúc đấy cũng không thể suy tính nhiều, biết định lượng chi phí để mở một trường học là bao nhiêu.

NĐT: Tư tưởng khác lạ thường được cho là “dị”, vì sao thầy lại có ý tưởng học 2 buổi, ăn và ngủ trưa ở trường và thậm chí là tổ chức xe đưa đón học sinh,.. Khi đưa ra quyết định đó thầy có nghĩ đây chính là người mở đường cho cách làm giáo dục kiểu mới?

ÔNG NGUYỄN XUÂN KHANG: Tôi không nghĩ gì nhiều, chẳng mở đường mở lối cho ai. Đơn giản lắm, dân cần gì mình làm nấy, thế là người ta ào ạt đến với mình.

Hồi ấy, chỉ có trường công lập, cấp 1, 2, 3 đều học một buổi (sáng hoặc chiều). Trẻ con học sáng xong, bố mẹ đến đón, lo ăn trưa rồi mang đến cơ quan, tìm cho một góc ngủ trưa, chiều ngồi cạnh mẹ học bài... Nhiều người không thể làm được như thế, rất lúng túng. Có cầu thì ắt có cung, một số giáo viên nhận đón học trò về nhà mình, thu xếp cho ăn và ngủ trưa, chiều kèm các con học bài, cuối chiều bố mẹ đến đón. Gửi cô ít tiền “dịch vụ” là vui vẻ cả đôi đường.

Tôi đến công ty xe bus Hà Nội thuê được 5 xe và được thành phố trợ giá, sau này thì làm tư nhân để tổ chức bán trú học sinh đến trường từ sáng sớm bằng xe bus của trường hoặc xe của bố mẹ. Học sinh 7h30 vào học, 11h ăn trưa và thư giãn, 12h - 13h30 ngủ trưa, 13h45 - 16h học chiều, 16h15 xe bus hoăc bố mẹ đón về nhà. Chỉ mới nói trong hội thảo trước lúc mở trường mà phụ huynh đã mê mẩn, tìm cách dành cho được một suất cho con. Ngay từ năm học đầu tiên trường tôi chỉ có khả năng tuyển 1/5 nhu cầu của bà con.

Trong cuộc họp đầu năm học, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nói: “Thầy Khang marketing giỏi nên tuyển sinh thành công!”

Trường Marie Curie là trường phổ thông đầu tiên ở Hà Nội tổ chức học bán trú, có xe bus đưa đi đi đón về. Sau này nhiều trường cấp 1,2 làm bán trú và cũng thành công.

Hơn 30 năm vẫn có một việc không thể và không bao giờ có thể…

NĐT: Thầy từng chia sẻ “30 năm trước, tôi ước mơ Marie Curie sẽ là một ngôi trường: trường ra trường, thầy ra thầy và trò ra trò, hướng đến chân - thiện - mỹ”. Vậy theo thầy như thế nào gọi là trường ra trường, thầy ra thầy và trò ra trò?

ÔNG NGUYỄN XUÂN KHANG: Sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã yêu cầu ngành giáo dục phải xây dựng cho được: “Trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò, dạy ra dạy, học ra học”.

Đó cũng là lý do để tôi xây dựng Trường Marie Curie trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò. Trước tiên phải có một ngôi trường khang trang của riêng mình, chấm dứt việc đi thuê mướn. Thành phố đã giao cho chúng tôi đất để xây trường: 1 ha ở Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm và 3 ha ở Việt Hưng, quận Long Biên, chúng tôi đã đầu tư lớn ở 2 cơ sở này, đạt yêu cầu “trường ra trường”.

Tuy nhiên, để có đội ngũ giáo viên theo yêu cầu “thầy ra thầy”, không dễ chút nào. Hơn 30 năm nay, chúng tôi kiên trì việc tuyển đủ số lượng, đạt chuẩn và trên chuẩn giáo viên; giao việc phù hợp với năng lực và sở trường; tạo môi trường làm việc hiện đại và thân thiện; thu xếp cho giáo viên có thu nhập đủ sống và có điều kiện cải thiện từng bước chất lượng cuộc sống. 

Đã có trường ra trường, thầy ra thầy thì việc trò ra trò thuận lợi rất nhiều. Học sinh thích đến trường; các con được học kiến thức mới, được phát huy năng lực và phẩm chất cá nhân; được tôn trọng và bảo vệ an toàn; học sinh cảm nhận mình là một mảnh ghép không thể thiếu trong cộng đồng. Học sinh không bị “án kỷ luật” vì mọi nguy cơ dẫn đến phạm lỗi đều được phát hiện sớm và giải quyết bằng “tư vấn tâm lý học đường”; học sinh có thể không học giỏi nhưng phải là người tử tế và có ích cho xã hội.

NĐT: Hiếm có một người thầy, một lãnh đạo nhà trường nào lại gần gũi với học sinh như vậy, nhất là ông ở cái tuổi xưa nay hiếm, liệu đây có phải triết lý giáo dục của ông, tạo nên sự khác biệt của nhà trường đối với các cơ sở giáo dục khác?

ÔNG NGUYỄN XUÂN KHANG: Không có triết lý nào ở đây. Mọi chuyện đều thuộc về tính cách con người. Tôi không sống cao sang được, quen ăn dưa cà mắm muối, mặc dăm ba bộ áo quần bình thường, xe là phương tiện để đi, nhà là cái để ở.

Tôi có 2 con trai và 4 cháu nội đều học Trường Marie Curie. Lúc mới mở trường, tóc còn xanh, học trò là bạn của con tôi, gọi tôi là thầy, là bố. Nay đã phơ phơ đầu bạc, học trò là bạn của cháu nội tôi, gọi tôi là thầy (hơi ngại chút) hoặc là ông nội. Làm bố của các con, làm ông nội của các cháu có ai lại xa cách với chúng nó bao giờ.

Với tính cách giản dị của mình, với vai bố hoặc ông nội tôi cùng ăn, cùng chơi với học trò là chuyện bình thường. Tôi bị người ta gọi là “hiệu trưởng ghế nhựa” vì thích ngồi giữa đám đông học trò với cái ghế nhựa con con. Học trò có thể choàng lên đầu, lên cổ tôi những giải băng để trở thành “cổ động viên sung nhất Marie Curie” khi đứng bên lề sân bóng.

Thầy trò gần gũi với nhau chẳng khác trong một gia đình. Vì thế thầy nói gì trò cũng nghe, trò muốn thầy vui, không muốn thầy buồn. Tôi như vậy nên đồng nghiệp của tôi, thầy cô giáo, chú bảo vệ, bác lái xe, cô cấp dưỡng đều yêu quý các con, không bao giờ la mắng. Như thế nên ai cũng thấy hạnh phúc!

NĐT: Đến nay, hình ảnh phụ huynh xếp hàng để cho con được học tại trường cũng không còn xa lạ, thậm chí năm sau đông hơn năm trước, vậy cái cách mà thầy duy trì được chất lượng đào tạo, uy tín, niềm tin đối với phụ huynh là gì, thưa ông?

ÔNG NGUYỄN XUÂN KHANG: Để duy trì được uy tín, niềm tin đối với phụ huynh thì phải làm nhiều việc lắm. Tất cả những việc cần làm đều hướng đến bà con hài lòng. Học trò hài lòng, phụ huynh hài lòng thì mọi việc sẽ thành công.

Nhưng hơn 30 năm chúng tôi chỉ có một việc không thể và không bao giờ có thể làm tất cả phụ huynh hài lòng, đó là đón tất cả học trò vào trường. Hiện nay hệ thống giáo dục Marie Curie đã có 2 trường tiểu học (Mỹ Đình và Kiến Hưng), 2 trường THCS (Mỹ Đình và Văn Phú) và 2 trường THPT (Mỹ Đình và Văn Phú) vẫn không đáp ứng được nhu cầu của bà con. Chúng tôi sắp xây xong trường liên cấp tiểu học, THCS và THPT ở KĐT Việt Hưng, sẽ tuyển sinh từ năm học 2024 - 2025, nhưng cũng không hy vọng tuyển hết học sinh có nhu cầu vào trường.

Kỳ vọng “đôi cánh” công lập và tư thục

NĐT: Từ mô hình trường dân lập đầu tiên, có thể nói ông là một trong những người tiên phong trong việc thành lập hệ thống giáo dục ngoài công lập ở Việt Nam hiện nay. Ông đánh giá thế nào về vai trò của đội ngũ tư nhân trong sự nghiệp phát triển giáo dục của đất nước?

ÔNG NGUYỄN XUÂN KHANG: 34 năm rồi, trường phổ thông ngoài công lập đầu tiên là Trường Lương Thế Vinh, trường đại học ngoài công lập đầu tiên là Trung tâm giáo dục Đại học Thăng Long (do GS Hoàng Xuân Sính thành lập). Ngành giáo dục không phải quá thận trọng như trước nữa, từ phổ thông lên đại học đều thống nhất một loại hình tư thục, không còn loại hình dân lập.

Khoảng 20 năm trở lại đây, Nhà nước có chính sách xã hội hoá giáo dục, các doanh nghiệp và cá nhân có kinh tế mạnh đã đầu tư vào giáo dục tư thục. Cơ sở vật chất các trường tư thục không thua kém các trường công lập. Các trường tư thục nhiều lên về số lượng và mạnh lên về chất lượng. Tuy vậy, hệ thống các trường tư tập trung phần lớn ở các đô thị. Nông thôn và miền núi khó mở trường tư vì dân không có tiền cho con theo học.

Có thể nói ở các đô thị như Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng… hệ thống giáo dục tư thục góp phần đáng kể trong sự phát triển giáo dục của địa phương. Tôi nghĩ rằng xu hướng của nước ta, khi kinh tế - xã hội phát triển, hệ thống giáo dục tư thục sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa. Giáo dục nước nhà sẽ được bay cao, bay xa nhờ đôi cánh công lập và tư thục.

NĐT: Đối với việc cải cách giáo dục hiện nay còn nhiều vấn đề tranh cãi giữa cái mới và cái cũ. Là người từng đi tiên phong, theo ông yếu tố quan trọng khi đổi mới giáo dục để tìm ra con đường, hướng đi của ngành là gì?

ÔNG NGUYỄN XUÂN KHANG: Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là vô cùng quan trọng, cấp thiết. Ngành giáo dục phải đối diện với 4 thách thức không dễ vượt qua để thực hiện đổi mới: Quan điểm, nhận thức và thói quen cũ đã hình thành nhiều năm; Tìm ra cái mới, cái thích hợp, cái tiến bộ và hiệu quả; Số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ nghiên cứu, giáo viên và nhân viên; Cơ sở vật chất và tài chính.

Với sự cố gắng của ngành giáo dục và của toàn xã hội, 10 năm vừa qua đã có những thành công ban đầu. Cần tích cực hơn nữa trong 2 năm tiếp theo để xong một chu trình đổi mới. Không có công cuộc đổi mới nào mà thành công 100% ngay sau một chu trình.

Tháng 6/2025, chúng ta sẽ nghiêm túc đánh giá, cái được sẽ tiếp tục phát huy, cái chưa được thì điều chỉnh, khắc phục. Kiên trì đổi mới, bình tĩnh khắc phục những điều bất cập, chắc chắn sẽ thành công.

NĐT Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!

Theo Người đưa tin

(https://www.nguoiduatin.vn/e-chuyen-nguoi-mo-duong-phi-quoc-lap)

04

Tháng 12/2024

NHỚ NGƯỜI THẦY NĂM ẤY…

NHỚ NGƯỜI THẦY NĂM ẤY…

NHỚ NGƯỜI THẦY NĂM ẤY…

Thứ tư, 04 Tháng 12 2024 08:48 Viết bởi TRUONG MARIE
Trong cuộc đời, ai trong chúng ta cũng được dạy dỗ bởi nhiều người thầy. Thật may mắn nếu bạn được học những giáo viên không chỉ giỏi chuyên môn mà còn tâm lý, hài hước! Với mình, mỗi thầy cô đều để lại ấn tượng khó quên. Bây giờ, mình rất háo hức chia sẻ với các bạn về những thầy cô tuyệt vời ở MC.
Xem thêm

29

Tháng 11/2024

Thực đơn tháng 12/2024

Thực đơn tháng 12/2024

Thực đơn tháng 12/2024

Thứ sáu, 29 Tháng 11 2024 15:24 Viết bởi TRUONG MARIE
Thực đơn tháng 12/2024 của khối MG - TH - THCS.
Xem thêm

28

Tháng 11/2024

CHUYỆN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC Ở ANH CỦA CỰU MCER

CHUYỆN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC Ở ANH CỦA CỰU MCER

CHUYỆN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC Ở ANH CỦA CỰU MCER

Thứ năm, 28 Tháng 11 2024 09:36 Viết bởi TRUONG MARIE
Nguyễn Tuệ Uyển Nhi (CHS P1, 17 - 21) du học nước Anh từ năm lớp 11. Với sự tự tin và bản lĩnh mạnh mẽ, cô bạn không chỉ vượt qua nhiều thử thách nơi đất khách, quê người mà còn trở thành cố vấn học thuật, tham gia nghiên cứu khoa học và nhận được học bổng từ nhiều trường đại học danh tiếng.
Xem thêm

27

Tháng 11/2024

TÔI TRƯỞNG THÀNH TỪ MÁI TRƯỜNG MC

TÔI TRƯỞNG THÀNH TỪ MÁI TRƯỜNG MC

TÔI TRƯỞNG THÀNH TỪ MÁI TRƯỜNG MC

Thứ tư, 27 Tháng 11 2024 08:37 Viết bởi TRUONG MARIE
Năm tôi học lớp 5, cũng như các phụ huynh khác, mẹ tất bật tìm hiểu trường cấp 2 cho tôi. Mẹ mong muốn tìm một ngôi trường vừa tốt cho chuyện học vừa tổ chức bán trú để đỡ vất vả lo bữa trưa và quản lý tôi nửa ngày còn lại. Sau thời gian tìm hiểu trường Marie Curie ở Trung Yên, mẹ đã gửi gắm niềm tin và hy vọng lớn lao vào đó.
Xem thêm

23

Tháng 11/2024

LỚP HỌC KHÔNG BIÊN GIỚI: TỰ TIN THUYẾT TRÌNH, KHÁM PHÁ

LỚP HỌC KHÔNG BIÊN GIỚI: TỰ TIN THUYẾT TRÌNH, KHÁM PHÁ

LỚP HỌC KHÔNG BIÊN GIỚI: TỰ TIN THUYẾT TRÌNH, KHÁM PHÁ

Thứ bảy, 23 Tháng 11 2024 11:16 Viết bởi TRUONG MARIE
Với dự án học tập “Classroom Beyond Walls - Lớp học không biên giới”, các MCer khối 4 Oxford - Kiến Hưng đã được thực hiện nghiên cứu khoa học đầy thú vị về chủ đề “Xây dựng tòa nhà chống động đất”.
Xem thêm