Chuyện chưa kể về “Ông nội” ở Marie Curie

Ở Marie Curie, học trò gọi thầy Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang bằng hai tiếng thân thương: “Ông nội”. Nhưng ít ai biết, thầy từng là cậu bé 12 tuổi bán kem dạo ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An; là cậu học trò cấp 3 nghèo, chỉ có một hào trong người, đi bộ gần 200 cây số... 

Câu chuyện về sự giành giật giữa sự sống và cái chết

Trong đêm prom 12, nhìn thế hệ học trò trưởng thành, thầy rơi nước mắt nghĩ về những ngày học phổ thông cách đây 50 năm. Thầy kể, nửa thế kỷ đã trôi qua với rất nhiều thay đổi khi chuyển mình từ thế kỷ 20 sang thế kỷ 21. Lứa của thầy đã trên dưới 70 tuổi, chỉ còn lại một nửa, một nửa đã “khuất núi”.

Thầy học lớp năng khiếu Toán đầu tiên của tỉnh Nghệ An. Thầy tốt nghiệp cấp 3 khóa 1965 - 1968 sau khi hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông 10 năm. Thời ấy, thầy không phải trải qua bất cứ cuộc thi gắt gao nào để vào Đại học mà là sự giành giật giữa sống và chết trong cuộc chiến tranh khốc liệt.

“Năm ấy, đế quốc Mỹ ném bom miền Bắc. Lớp học của tôi một nửa chìm, một nửa nổi trên mặt đất. Học sinh phải đội mũ rơm để tránh bom đạn. Những buổi đêm, tôi học bài bằng chiếc “đèn phòng không”. Đó là chiếc đèn dầu nhỏ đặt trong hộp gỗ khoét một chiếc lỗ vừa đủ cho ánh sáng hắt vào trang sách.

Thời của tôi cũng là thời của các cô gái ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn ngã xuống khi còn rất trẻ... Tôi cũng là người tiễn đưa thế hệ chị Đặng Thùy Trâm, anh Nguyễn Văn Thạc ra chiến trường.

Hôm ấy, máy bay Mỹ ném bom vào nơi sơ tán của trường làm hơn 10 bạn phổ thông của tôi mất. Thầy trò chúng tôi bới xác bạn bị bom vùi lấp rồi tiến hành chôn cất. Đau thương vô cùng! Anh Lê Văn Đạt bị vỡ ngực, tim trồi ra ngoài, chính bàn tay của tôi ấn tim anh trở lại bên trong và cùng những người khác khiêng xác anh về văn phòng trường.

Đêm hôm đó, chúng tôi cưa chiếc cánh cửa cũ để dựng quan tài. Tuổi 17, 18 chưa bao giờ đóng quan tài, chúng tôi phải chọn một người bạn cao tầm anh Đạt nằm xuống để đo”, thầy kể trong nước mắt, đôi tay run lên khi nhớ lại.

Rồi thầy cất lời hát trong tiếng khóc nức nở: “Hà Thị Thanh ơi, em mất rồi, em còn đâu nữa? Năm tháng qua đời, em như đoá hoa tươi, trong nắng ban mai ríu rít cùng ngàn muôn hoa lá...”. 50 năm đã trôi qua, thầy vẫn nhớ những câu hát, hình ảnh của buổi học đầy nước mắt ấy.

“Những câu hát ấy viết về sự mất mát của người bạn tên Thanh. Buổi sáng hôm đó, thầy Vương Nải Hoa dạy Vật lý nói với chúng tôi rằng: “Đêm qua chấm bài, gặp bài của Hà Thị Thanh vừa mất buổi chiều, thầy không thể tiếp tục chấm. Hôm nay, xin lỗi các em, thầy không dạy được, thầy muốn các em học hát cùng thầy”, thầy thuật lại.

Năm 1968, thầy trở thành sinh viên năm 1 khoa Lý, ĐH Tổng hợp Hà Nội (nay là trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia). Năm ấy, trường phải đi sơ tán lên Đại Từ, Bắc Thái (bây giờ là tỉnh Thái Nguyên). Sinh viên trở thành thợ mộc vì phải vào rừng chặt cây về dựng lớp học, nhà bếp, nhà ở. Từng cá nhân phải tự làm giường và bàn học cho mình. Nhà trường cung cấp lương thực, thực phẩm và tiền cho lớp để tự tổ chức nấu ăn. Lớp chọn người đảm đang làm quản lý bếp ăn, chọn người cẩn thận làm thủ kho, luân phiên nhau đi chợ và nấu nướng. Các món ăn quanh năm chỉ là cơm, ngô, bánh mỳ, canh rau cải, rau dền, rau muống. Thịt lợn, thịt bò, thịt gà, cá... là thứ xa xỉ, chỉ xuất hiện trong giấc mơ đêm.

Năm 1970, trường ĐH Tổng hợp trở về Hà Nội. Mỗi học sinh được hưởng chế độ ưu đãi của nhà nước, mỗi tháng được 10 đồng và 13,5kg gạo với giá mậu dịch. Một bát phở lúc đó có giá 3 hào, 10 đồng có thể mua được 33 bát phở. Sinh viên lúc nào cũng đói bụng, thèm ăn.

Trong ba năm 1970 - 1972, các bạn lần lượt ra chiến trường, người cầm súng, người làm phóng viên hay giáo viên vùng giải phóng. Những dãy nhà trong trường trước có hàng trăm sinh viên, giờ vắng lặng, lòng thầy chùng xuống. 

Khóa 1968 - 1972 của thầy lúc vào trường là 275 người, đến khi tốt nghiệp chỉ còn 72 người. Khi đất nước thống nhất, hoà bình lập lại, các bạn từ chiến trường trở về tiếp tục học thêm một vài năm rồi tốt nghiệp. 

Đi bộ gần 200 cây số với 1 hào

Đó là câu chuyện khi thầy học xa nhà. Mỗi tháng thầy được bố mẹ trợ cấp số tiền ít ỏi để duy trì cuộc sống. Nhớ có lần đã hết tiền, chờ mãi không thấy mẹ gửi, thầy đi bộ 80 cây số đường đồi núi để tránh máy bay ném bom, từ thành phố Vinh về miền Tây Nghệ An, nơi sơ tán của mẹ.

Lúc đi, trong túi thầy chỉ có một hào, tương đương với năm nghìn đồng bây giờ, có thể mua được một gói xôi nhỏ hoặc vài ba củ khoai. Nhưng thầy vẫn giữ trong người, khát hay đói, ghé vào nhà người dân đều được mời nước, củ khoai hay mấy củ lạc cho qua bữa.

Cuối cùng cũng về được đến nơi sơ tán của mẹ. Nhưng lúc ấy, thầy mới biết mẹ đã đạp xe đến trường để gửi tiền cho, thầy liền đi bộ quay lại trường. Số tiền vỏn vẹn một hào vẫn còn nguyên trong túi. Vậy là cả đi và về 160 cây số, thầy không tiêu hết một hào. Câu chuyện này khiến bạn bè đặt biệt danh hóm hỉnh cho thầy là “tướng một hào”.

Người thầy nghèo dạy Đại học

Sau khi tốt nghiệp, thầy được giữ lại trường dạy Vật lý cho khối phổ thông chuyên Toán, ĐH Tổng hợp - nơi có rất nhiều học sinh đạt giải Olympic Toán quốc tế với những lứa đầu gồm có: Hoàng Lê Minh, Đàm Thanh Sơn, Ngô Bảo Châu...

Là một thầy giáo nghèo trong trường Đại học, thầy chỉ có một bộ áo quần lành lặn để đi dạy. Có lần, học trò thắc mắc: “Thầy ơi, sao thầy không thay áo quần?”. Thầy nói vui rằng: “Các em nhầm, thầy đâu chỉ có một bộ, thầy có năm bộ giống nhau mà”.

Đám học trò tinh khôn đã dùng bút bi đánh dấu sau lưng áo của thầy. Những ngày sau thấy thầy vẫn mặc bộ áo quần đó, học trò nói: “Thầy đừng nói dối tụi em nữa. Tụi em đánh dấu rồi. Thầy chỉ có một bộ áo quần!”.

Thầy nói, thực ra ai chẳng phải thay áo quần. Thầy dạy ban ngày, tối về giặt và phơi khô, sáng hôm sau lại có thể mặc đi dạy. Ngày ấy học trò nghèo, thầy cũng nghèo nhưng sự quan tâm của các em khiến thầy vô cùng cảm động. Có lẽ vì thế mà đến giờ, thầy Khang trong mắt MCer luôn là người giản dị, gần gũi. Thầy từng nói: “Tôi không có vinh dự nhận chức vụ cao nào ngoài việc được các học trò gọi là “thầy Khang””.

Cậu bé bán kem và tấm lòng thầy Hiệu trưởng

Thầy Hiệu trưởng tặng hàng trăm que kem cho học trò không còn là chuyện lạ ở Marie Curie. Trong đêm prom, thầy thường đứng lặng trên sân khấu khi nhớ về mấy chục năm trước. Hình ảnh cậu bé 12 tuổi với hai bên hông là phích kem, hai tay giữ chặt, chạy lon ton bán kem ùa về. Thầy rao: “Ai kem đây? Ai kem nào?” khiến học trò xúc động rơi nước mắt.

Thầy nói, ăn kem để các trò nhớ về cậu bé ấy. Và giờ, hơn 50 năm sau, cậu bé ấy có những que kem ngon, mát dành tặng học trò. Đó là bài học, thông điệp mà thầy muốn nhắn nhủ với học sinh của mình trước ngày ra trường: “Hãy sống tử tế, cần mẫn rồi có lúc, các con sẽ thành công! Hôm nay, ăn kem của thầy để rồi sau này, các con có thể tặng kem cho mọi người như thầy”.

Với những câu chuyện, bao điều ý nghĩa mà thầy đã làm cho Marie Curie, cho học trò trong 26 năm qua, thầy chính là tấm gương về sự tử tế trong cuộc sống. Thầy nói: “Tôi không có gì ngoài học vị cử nhân cách đây hàng chục năm; học hàm không, danh hiệu không, giải thưởng không. Tôi chỉ là nhà giáo của nhân dân”.

21

Tháng 11/2024

SÔI NỔI HOẠT ĐỘNG VĂN NGHỆ CHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM

SÔI NỔI HOẠT ĐỘNG VĂN NGHỆ CHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM

SÔI NỔI HOẠT ĐỘNG VĂN NGHỆ CHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM

Thứ năm, 21 Tháng 11 2024 08:17 Viết bởi TRUONG MARIE
Hòa chung không khí hân hoan của cả nước hướng tới kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, tại hệ thống giáo dục Marie Curie, Hội diễn văn nghệ lần thứ 32 diễn ra sôi nổi với gần 240 tiết mục từ các lớp mầm non đến THPT. Chương trình này cũng là cơ hội để các MCer, thầy cô và bố mẹ được toả sáng trên sân khấu lung linh.
Xem thêm

21

Tháng 11/2024

LỄ TRAO GIẢI HDVN32: ẤN TƯỢNG KHÓ QUÊN

LỄ TRAO GIẢI HDVN32: ẤN TƯỢNG KHÓ QUÊN

LỄ TRAO GIẢI HDVN32: ẤN TƯỢNG KHÓ QUÊN

Thứ năm, 21 Tháng 11 2024 08:10 Viết bởi TRUONG MARIE
Sáng 20/11, tại nhà hát Thăng Long - cơ sở Việt Hưng đã diễn ra chương trình tranh giải Đặc biệt và vinh danh các tập thể xuất sắc nhất Hội diễn văn nghệ lần thứ 32.
Xem thêm

20

Tháng 11/2024

MỘT NGƯỜI THẦY TRÂN QUÝ

MỘT NGƯỜI THẦY TRÂN QUÝ

MỘT NGƯỜI THẦY TRÂN QUÝ

Thứ tư, 20 Tháng 11 2024 15:26 Viết bởi TRUONG MARIE
Mang trong mình nhiệt huyết và đạo đức của nghề giáo, trong suốt 30 năm làm nghề, thầy Nguyễn Xuân Khang – Chủ tịch Hệ thống giáo dục Marie Cuire Hà Nội đã là người gieo mầm xanh của sự tử tế vào tâm hồn của biết bao thế hệ học sinh.
Xem thêm

20

Tháng 11/2024

CHUNG KHẢO HDVN32 K89-MĐ: TRÂN TRỌNG TỪNG KHOẢNH KHẮC BÊN NHAU

CHUNG KHẢO HDVN32 K89-MĐ: TRÂN TRỌNG TỪNG KHOẢNH KHẮC BÊN NHAU

CHUNG KHẢO HDVN32 K89-MĐ: TRÂN TRỌNG TỪNG KHOẢNH KHẮC BÊN NHAU

Thứ tư, 20 Tháng 11 2024 09:07 Viết bởi TRUONG MARIE
Những thước phim quay chậm trên sân khấu MC đã mang tới cho người xem cảm nhận sâu sắc hơn về ý niệm thời gian. Thông qua 26 tiết mục ý nghĩa, các MCer khối 8, 9 - Mỹ Đình đã lan tỏa thông điệp “Đừng bao giờ để đến ngày mai những việc có thể làm hôm nay!”.
Xem thêm

19

Tháng 11/2024

CHUNG KHẢO HDVN 32 THPT-VP: ĐÊM DIỄN VỚI NHIỀU DẤU ẤN RỰC RỠ

CHUNG KHẢO HDVN 32 THPT-VP: ĐÊM DIỄN VỚI NHIỀU DẤU ẤN RỰC RỠ

CHUNG KHẢO HDVN 32 THPT-VP: ĐÊM DIỄN VỚI NHIỀU DẤU ẤN RỰC RỠ

Thứ ba, 19 Tháng 11 2024 14:59 Viết bởi TRUONG MARIE
Tối 16/11, Chung khảo khối THPT - Văn Phú đã đưa mọi người trải qua nhiều cung bậc cảm xúc: từ háo hức, chờ đợi, lắng đọng khi từng lời ca, giai điệu được vang lên cho đến bồi hồi, suy ngẫm về hai chữ “Thời gian”.
Xem thêm