Các cặp anh/chị em học chung trường không chỉ có nhiều điểm thuận lợi mà còn được cùng nhau trải nghiệm vô vàn niềm vui, kỷ niệm đáng nhớ. Cùng lắng nghe các cựu MCer này bật mí về khoảng thời gian thú vị ở MC nhé!
Cặp chị em “siêu học bổng”
Lời BBT: Nhắc đến hai chị em Vũ Bách Khoa và Vũ Xuân Linh, các thầy cô gạo cội ở MC, không ai là không biết. Hồi ấy, chị Bách Khoa là lứa học sinh đầu tiên của trường (92 - 96), học cực “chất”; anh Xuân Linh có “thâm niên” bảy năm gắn bó với MC (94 - 01). Cặp chị em “nổi như cồn” bởi đều nhận được học bổng của thầy Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang để rời quê Thái Bình lên Hà Nội học. Chị Bách Khoa ngày ấy đoạt giải HSG Quốc gia môn Toán năm lớp 5. Anh Xuân Linh cũng không kém cạnh khi là Thủ khoa đầu vào và liên tục giành được học bổng của trường những năm sau đó.
Sau khi tốt nghiệp cấp hai MC, chị Bách Khoa học chuyên Toán, khối THPT chuyên ĐH Khoa học Tự nhiên rồi khoa Toán - Tin, ĐH Bách Khoa Hà Nội và hiện làm việc tại Nhật Bản. Còn anh Linh, sau khi tốt nghiệp ĐH Bách Khoa và có thời gian làm việc ở Singapore, Chile, Mỹ thì trở về Việt Nam “đầu quân” cho một công ty tài chính lớn của Mỹ.
Anh chị có thể chia sẻ lý do ngày ấy quyết định vào học MC?
Chị Bách Khoa: Hồi ấy, chị học lớp M khóa đầu tiên, theo quảng cáo trên tivi về một mô hình mới “phát triển tư duy, khơi dậy tài năng, giáo dục nhân cách”. Năm ấy hội tụ toàn HSG Quốc gia ở khắp các tỉnh, thành nhận được học bổng của MC. Đó là điều chưa từng có ở các trường cấp hai lúc bấy giờ.
Anh Xuân Linh: Anh quyết định vào học MC vì mẹ là giáo viên Văn của trường và chị gái cũng đang học tại đó. Chị Khoa hỗ trợ anh rất nhiều trong việc học.
Kỷ niệm đáng nhớ của hai chị em ở MC là gì?
Chị Bách Khoa: Đến giờ, chị vẫn không quên kỷ niệm chụp bức hình thả thuyền giấy với anh Mai Thanh Bình ở hồ cá nhỏ tại cơ sở Khương Đình. Anh chị được thầy Khang chọn làm nhân vật ảnh bìa cho tập san của trường. Có lẽ do anh chị hiền như bột, khuôn mặt bầu bĩnh, dễ thương nên lọt vào tầm ngắm của thầy Khang. Hôm ấy, do cả hai đều là mẫu ảnh nghiệp dư nên có nhiều chuyện đáng nhớ lắm!
Ngày ấy, thầy cô chăm sóc học trò từng chút một, xem ăn có no không, ngủ có đủ ấm không hay học bài có chỗ nào khó hiểu không. Thầy cô còn chở học trò đi chọn từng đôi giày, chiếc áo, bộ váy hay đính lại từng chiếc cúc, vá miếng áo bị rách rồi tâm sự gỡ rối những khúc mắc của tuổi mới lớn. Vào các buổi chiều hay Chủ nhật, các cô ở lại trường kèm cặp thêm cho học trò mà không lấy đồng nào. Đến giờ, chị vẫn thấy chẳng nơi nào tuyệt vời như MC!
Anh Xuân Linh: Vì các thầy cô, học sinh đều ở nội trú rồi hai chị em được ở cùng mẹ tại trường nữa nên MC trở nên rất đỗi gần gũi, thân quen. Hai chị em ăn, ngủ, chơi đều ở trong trường nên có nhiều kỷ niệm lắm! Đáng nhớ nhất là những ngày thầy trò tập hát ca khúc “Em không quên Marie Curie” mà thầy Lê Thống Nhất vừa sáng tác xong. Ai cũng say sưa, hăng hái tập luyện.
Bí quyết học tốt của anh chị là gì?
Chị Bách Khoa: Chị luôn quan niệm, việc học là niềm vui, giúp mình khám phá nhiều điều thú vị về thế giới xung quanh nên luôn có động lực để cố gắng học.
Anh Xuân Linh: Theo anh, chủ yếu là sự cần cù và niềm hứng thú học tập. Ngoài ra, các thầy cô MC rất nhiệt tình và đam mê với nghề. Đặc biệt, các thầy cô dạy ở trường chuyên, có nhiều kinh nghiệm luyện thi HSG đều được thầy Khang mời về MC nên giảng bài hay lắm! Chính điều đó đã góp phần giúp anh hứng thú và say mê học tập hơn.
Thời học trò MC ảnh hưởng thế nào đến định hướng nghề nghiệp của anh chị sau này?
Hai anh chị: Đó là khoảng thời gian đẹp nhất trong đời học sinh của anh chị. Có bạn bè giỏi, thầy cô giỏi và quý mến học trò như con; có cạnh tranh lành mạnh trong học tập và được tham gia nhiều hoạt động tập thể như: đàn, múa, hát, chơi cờ, thi học sinh giỏi... Hồi ấy, trường giống như ngôi nhà đầm ấm mà thầy Khang là “chủ nhà thân thiện”. Tất cả điều đó giúp anh chị có cái nhìn lạc quan về con người, tương lai, xã hội; nuôi dưỡng những hoài bão lớn và khi làm gì thì cũng hướng đến lợi ích chung, cộng đồng.
Xin cảm ơn anh chị về cuộc trò chuyện thú vị này!
Cô Y Linh (GV Toán) nhớ lại: “Khóa của Bách Khoa có nhiều người giỏi, hiện rất thành đạt như: Thanh Bình, Anh Sơn, Trung Tú, Thái Hà, Trung Tiến… Ngày ấy, Khoa được chọn vào đội tuyển Toán của trường, gồm 10 học trò. Khoa học giỏi tất cả các môn, rất chăm chỉ và ham tìm tòi. Bất kể bài kiểm tra nào, Khoa đều có điểm số khiến các bạn phải ao ước. Ngoài giờ đi ăn ở khu nội trú, em hầu như dành thời gian cho việc tự học. Về tính cách, Khoa khá trầm, già dặn hơn các bạn cùng trang lứa. Tôi đánh giá, Khoa là một người toàn diện, khó tìm ra nhược điểm và không bao giờ để thầy cô phải nhắc nhở điều gì. Xuân Linh cũng học tốt các môn. Tôi ấn tượng với cậu học trò này bởi sự năng động, phát triển toàn diện bản thân khi tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa ở trường. Đến giờ, dù đã ra trường nhiều năm nhưng có dịp, hai chị em vẫn đến thăm các thầy cô giáo cũ”. |
“Duyên nợ” với Marie Curie
Lời BBT: 19 năm trước, một cô bé Lào Cai nằng nặc đòi mẹ cho thi vào Marie Curie. Hai năm sau, với lý do chị gái học ở ngôi trường nhiều hoạt động ngoại khóa, vừa học vừa được chơi nên cậu em cũng xin mẹ đi ôn thi để trở thành MCer. Đó là hai chị em Ngô Thị Thu Lý (CHS P, 08 - 02) và Ngô Quốc Tuấn (CHS I1, 00 - 04).
Với thành tích đoạt giải Ba HSG môn Văn Quốc gia khi học chuyên Văn, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, chị Thu Lý được tuyển thẳng vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Hiện chị là Trưởng ban Bất động sản, báo Vietnamnet; kiêm Trợ lý Chủ tịch HĐQT công ty CTX Holdings. Anh Quốc Tuấn tốt nghiệp khoa Tài chính Ngân hàng, ĐH Giao thông Tây Nam (Tứ Xuyên, Trung Quốc) và đang làm chủ một công ty du lịch tại Hà Nội.
Khi nhắc đến MC, anh chị xúc động kể lại kỷ niệm về “một tuổi thơ đúng nghĩa, một thời học sinh đẹp như mơ mà có tiền tỷ cũng không quay lại được!”.
Cơ duyên nào khiến anh chị vào học Marie Curie?
Chị Thu Lý: Mùa hè năm lớp 5, với kết quả học tập tốt, tôi được bố mẹ thưởng cho chuyến du lịch Hà Nội. Hai mẹ con đến thăm một người bạn của bố. Cô ấy có con trai đang ôn thi vào cấp hai Marie Curie. Thật sự lúc ấy, tôi không biết MC là trường nào và tại sao cậu bạn đó phải đi ôn cả Tiếng Việt, Toán, Tiếng Anh. Khi mẹ dẫn đến tham quan trường ở Khương Đình, tôi có cảm giác trường giống như trong giấc mơ vậy. Thế là tôi nắm lấy tay mẹ, một mực xin thi vào trường.
Anh Quốc Tuấn: Vì mẹ dạy ở trường nên tôi được định hướng thi vào MC từ cuối lớp 5. Đặc biệt, thấy chị gái được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, văn nghệ, lại được ở bán trú… nên tôi thích lắm! Trường MC không giống những ngôi trường khác khi học sinh được tiếp cận cách giáo dục cởi mở, không bị căng thẳng, áp lực. Thế nên, tôi càng quyết tâm thi vào đây. Tôi chăm chỉ giải đi, giải lại các đề thi trong quyển ôn tập Văn, Toán của trường. Bởi thi vào MC căng thẳng hơn cả thi đại học với tỷ lệ 1 “chọi” 20, 40.
Anh chị vẫn nhớ ngày dự thi năm ấy chứ?
Chị Thu Lý: Tôi nhớ hôm ấy, trường đông lắm! Các bạn được chở đi thi bằng xe Spacy, @... trong khi mẹ con tôi đi xe ôm đến. Tôi vẫn nhớ lời phát biểu của thầy Khang lúc đó: “Cây cầu ở sông Tô Lịch được người ta gọi là cầu Dream vì nhiều học sinh mơ ước được hàng ngày đi qua nơi này để tới trường Marie Curie học”. Và tôi đã thực hiện được ước mơ của mình.
Anh Quốc Tuấn: Mẹ chở hai chị em tôi trên xe cúp 82 màu đỏ. Chiếc xe cũ với chỗ ngồi sau khiêm tốn đã gắn bó với ba mẹ con tôi trên chặng đường tới trường nhiều năm sau đó. Đi qua cây cầu Dream mà thầy Khang đặt tên, tôi tự nhủ phải cố gắng làm bài thật tốt. Khi tôi vào phòng thi, mẹ và chị ngồi ngoài chờ, mồ hôi nhễ nhại. Cuối cùng, sự cố gắng của tôi và kỳ vọng của gia đình đã được đền đáp khi tôi trở thành một trong 10 thí sinh đạt điểm thi cao nhất năm ấy.
Ấn tượng của anh chị về ngày đầu tiên đến trường như thế nào?
Chị Thu Lý: Ngày tập trung lớp 6, tôi đứng nhầm hàng sang lớp P và được cô chủ nhiệm giữ lại vì trông tôi xinh xắn, có thể đi thi văn nghệ. Ngày khai giảng, thầy Khang phát biểu: “Có những học trò rất bỡ ngỡ, vẫn còn mặc quần xà lỏn đi học…”, cả trường ồ lên cười rồi quay sang nhìn tôi. Lúc ấy, tôi cũng cười hi hi, ha ha vì nghĩ thầy nói ai, mãi sau mới biết là nói mình. Nhưng có lẽ nhờ vậy mà thầy nhớ tên tôi.
Anh Quốc Tuấn: Tôi may mắn bởi được mẹ và chị đưa đến trường ngày đầu tiên. Tôi không quá bỡ ngỡ, hồi hộp do được mẹ dẫn vào hàng. Tôi bắt gặp những gương mặt quen ở “lò luyện”, giờ học chung một lớp. Ấn tượng của tôi về khoảng sân rộng, giường hai tầng ở khu bán trú, phiếu ăn trưa… đến giờ vẫn nguyên vẹn.
MC đã cho anh chị tuổi thơ đúng nghĩa, thời học sinh đẹp như mơ như thế nào?
Chị Thu Lý: Do lớp tôi rất nghịch nên giờ ăn trưa, ra chơi hay tự học luôn vui khủng khiếp. Tôi nghịch đến mức việc bị phạt diễn ra như cơm bữa. Thậm chí có lần, tôi bị cô chủ nhiệm năm lớp 8, 9 chính là mẹ tôi phạt lau dọn hành lang và cọ nhà vệ sinh.
Là người cá tính và luôn đặt mục tiêu trở thành số một nên tôi không ngừng cố gắng học để đạt danh hiệu G1, T1 và giành giải ở tất cả cuộc thi. MC là bệ phóng để tôi thi đỗ trường chuyên và đạt được những thành công trong sự nghiệp sau này.
Anh Quốc Tuấn: Ngày ấy, MC tuy hạn chế về cơ sở vật chất nhưng lại đong đầy yêu thương, sự ấm áp và niềm vui. Tôi luôn tự hào với bạn bè vì trường học bán trú. Chúng tôi được phát phiếu ăn trưa, được ngủ giường tầng và luôn thấy vui vẻ khi đến trường.
Hai chị em học chung trường thì có điểm thuận lợi và bất lợi gì ạ?
Chị Thu Lý: Hàng ngày, dù mưa hay nắng, mẹ đều đèo chị em tôi đi học trên chiếc xe cúp 82. Tôi cảm thấy may mắn vì không phải gia đình nào, chị em cũng thân thiết như thế. Tình cảm của hai chị em càng gắn bó khăng khít khi phần lớn quãng thời gian đi học, chúng tôi luôn đồng hành với nhau.
Tuy nhiên, cũng có không ít chuyện “dở khóc, dở cười” khi ba mẹ con chung trường. Ví dụ, chúng tôi học thế nào, mắc tội gì, thích ai…, mẹ đều cập nhật rất nhanh và nắm rõ như lòng bàn tay.
Anh Quốc Tuấn: Cứ hết tiết học là mẹ ngay lập tức nắm rõ tội của tôi. Nếu lỗi nhỏ, giờ ra chơi, mẹ thường đến lớp tôi, “gõ đầu” chỉ bảo. Nếu mắc tội to, tôi chủ động nghe lời răm rắp, hăng hái làm các công việc nhà để chuộng lỗi với mẹ. Hơn nữa, vì mẹ là giáo viên trong trường nên tôi luôn tự đặt ra mục tiêu cao để phấn đấu trong học tập.
Với anh chị, lễ khai giảng nào ở MC đáng nhớ nhất?
Chị Thu Lý: Với tôi, những ngày khai giảng ở MC đều đặc biệt. Điều ấn tượng nhất là bài phát biểu của thầy Khang mỗi năm một khác. Sau này dự lễ khai giảng vào lớp 1 của con gái, tôi đứng dưới khóc như mưa. Tôi thực sự xúc động khi người thầy năm nào giờ là thầy của con mình. Con được chào đón, mặc đồng phục, cầm bông hoa hướng dương và ngồi cạnh thầy Hiệu trưởng tươi cười rạng rỡ. Lúc ấy, tôi nghĩ mọi nỗ lực của bản thân rất xứng đáng khi con được hưởng một tuổi thơ hạnh phúc hơn mình.
Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang để lại cho anh chị ấn tượng gì đặc biệt?
Chị Thu Lý: Thầy Khang là người thầy mà tôi không bao giờ quên. Ngày xưa, tôi rất sợ vì thầy luôn đứng cạnh, đợi tôi ăn hết bát cơm. Có lần, thầy xuống nhà ăn, hỏi tôi: “Con ở Lào Cai về phải không?”. Tôi xúc động vì sao thầy Hiệu trưởng lại biết điều ấy. Thầy hỏi han tôi ngủ có đủ giấc không, ăn có ngon không, chơi có vui không… Lúc tôi mắc lỗi, thầy vẫn xoa đầu tôi đầy trìu mến. Tình yêu mà con gái của tôi dành cho thầy lại khác. Con rất thích được gặp, chụp ảnh và đứng cạnh “Ông nội” Khang. Thế nên, bức ảnh chụp chung với thầy dịp Trung thu trước khi trở thành học sinh của trường được con giữ gìn cẩn thận. Tôi nhận thấy, với học trò, thầy luôn mang đến sự gần gũi, thân thiết, yêu thương. Thật đáng quý khi đó là văn hóa mà thầy xây dựng ở MC suốt 25 năm nay!
Anh Quốc Tuấn: Thầy là người hiền hậu, gần gũi và luôn được học sinh quý mến. Mỗi lần thầy đi qua, cả lớp tôi lại nhao nhao, vui mừng vẫy chào. Những lần đi dã ngoại, thầy luôn sẵn sàng, hào hứng tham gia các trò chơi cùng học trò.
“Hôm ấy, thầy Khang nhẹ nhàng hỏi tôi: “Mẹ con dạy ở đâu? Con có muốn mẹ về trường dạy con không?”. Tôi đáp: “Con có ạ!”. Tôi vừa dứt lời, thầy liền gọi điện cho mẹ tôi bảo về đây dạy vì thầy thương tôi ở một mình trên này. Thế là mẹ tôi chuyển từ CĐ Sư phạm Lào Cai về MC dạy và gia đình tôi được đoàn tụ. Có lẽ rất ít thầy Hiệu trưởng nào lại tình cảm và vĩ đại như thế! Khi tôi học lớp 12, mẹ tôi gặp tai nạn, bị đứt dây chằng. Thầy Khang đã đến thăm ba mẹ con tôi trong căn phòng trọ bé xíu. Thầy động viên và nói chi tiền taxi để mẹ tôi đi dạy trong suốt một năm. Những điều ấy càng khiến tôi thêm quyết tâm giành giải HSG Quốc gia môn Văn và được tuyển thẳng vào đại học năm ấy. 20 năm qua, gia đình tôi luôn biết ơn thầy và những điều mà ngôi trường này mang đến cho chúng tôi”, chị Thu Lý kể lại. |