4 bước để đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai

Việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học cần làm điểm trước, sau nhân rộng ra. Với tinh thần chung là nơi nào làm trước được thì làm; không dàn hàng ngang để tiến; không níu kéo, chờ đợi nhau. 

Từ việc dạy tiếng Anh theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành

Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2006, ngoại ngữ là môn học bắt buộc từ lớp 6 - 12 (7 năm). Sang chương trình GDPT 2018, ngoại ngữ 1 bắt buộc từ lớp 3 - 12 (10 năm). Ngoại ngữ 1 gồm 7 thứ tiếng: Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, Nhật, Hàn, Đức. Thực tế, trên toàn quốc học sinh chủ yếu học tiếng Anh, hơn 95%.

Thiếu giáo viên, học sinh từ lớp 3 ở huyện Mèo Vạc (Hà Giang) học tiếng Anh trực tuyến với giáo viên từ "đầu cầu" Hà Nội

Năm học 2022 - 2023, chương trình GDPT 2018 bắt đầu thực hiện ở lớp 3. Nhiều tỉnh thiếu giáo viên tiếng Anh trầm trọng. Cụ thể, H.Mèo Vạc (Hà Giang) có 2.609 học sinh, chia thành 76 lớp 3 thuộc 18 trường Tiểu học. Số tiết Tiếng Anh phải dạy là 10.640 tiết/năm học. Nhưng cả huyện chỉ có 1 giáo viên Tiếng Anh Tiểu học. Huyện Mèo Vạc "cầu cứu" trường Marie Curie (Hà Nội) dạy trực tuyến tiếng Anh cho học sinh lớp 3 của cả huyện!

Chúng tôi nhận lời. Sau một năm học, Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT Hà Giang đánh giá đạt chuẩn. Chúng tôi tiếp tục dạy lứa học sinh này thêm hai năm, cho đến khi hết bậc Tiểu học.

Các lứa học sinh sau đó, theo cách dạy của trường Marie Curie, nhiều địa phương đã nhận giúp huyện Mèo Vạc. Cách dạy này lan tỏa đến một số tỉnh khác, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên Tiếng Anh.

Tuy vậy, giải pháp nói trên chỉ là tạm thời, không thể kéo dài mãi mãi!

Vấn đề cốt lõi ở đây là các địa phương không có nguồn giáo viên tiếng Anh để tuyển, trong khi chỉ tiêu biên chế thì có. Để giúp huyện Mèo Vạc ổn định lâu dài, tôi đề xuất với UBND huyện đào tạo giáo viên Tiếng Anh người địa phương, sau khi tốt nghiệp đại học trở về dạy học sinh của huyện. Cách làm là kết hợp "cử tuyển" và "xã hội hóa", cụ thể: huyện tuyển sinh viên cử đi học đại học ngành Sư phạm tiếng Anh, tốt nghiệp xong trở về dạy trong huyện; trong thời gian học đại học, trường Marie Curie chu cấp học bổng 5 triệu đồng/sinh viên/tháng trong 4 năm học.

Dự án đào tạo giáo viên Tiếng Anh cho huyện Mèo Vạc đã thực hiện được một năm (từ 2023). Hiện nay có 33 sinh viên thuộc dự án. Bắt đầu từ năm 2025 sẽ lần lượt có sinh viên tốt nghiệp trở về huyện dạy tiếng Anh. Đến tháng 6.2028, dự án cung cấp cho huyện 33 giáo viên Tiếng Anh, vượt định mức 3 giáo viên.

Bằng cách này, đội ngũ giáo viên Tiếng Anh của huyện Mèo Vạc mới đủ và ổn định để thực hiện chương trình GDPT 2018.

Có người hỏi tôi về mối liên hệ giữa dự án hỗ trợ dạy tiếng Anh mà tôi đang thực hiện với phổ cập tiếng Anh, đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai… Tuy nhiên, thực tế hai dự án đó chỉ dừng ở việc giúp huyện Mèo Vạc thực hiện đúng và đảm bảo chất lượng môn Tiếng Anh theo Chương trình GDPT 2018.

Vậy, việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai cần làm thế nào?

Xuất phát điểm của Việt Nam đang rất thấp

Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị nêu: "Phổ cập tiếng Anh toàn dân, đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học".

Theo tôi, đây là cả một vấn đề rất lớn, không dễ thực hiện, không thể làm được trong vài ba thập kỷ. Nhưng phải bắt tay từ bây giờ. Vế sau của Kết luận 91 phải làm trước, tức là từng bước "đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học". Sau đó mới là "phổ cập tiếng Anh toàn dân".

Học sinh trường Marie Curie học tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài

Để tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, tôi có thể phác họa những bước cơ bản nhất như sau:

Một là luật hóa môn Tiếng Anh: sửa luật Giáo dục và các văn bản dưới luật, quy định ngoại ngữ 1 trong trường phổ thông là tiếng Anh, tiếng nước khác là ngoại ngữ 2 (học sinh có nhu cầu và nhà trường có điều kiện thì dạy).

Hai là vấn đề đội ngũ giáo viên, phải có đội ngũ giáo viên đủ năng lực tiếng Anh của nhiều môn học (Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin học, Công nghệ…), không chỉ đơn thuần môn Tiếng Anh. Đội ngũ giáo viên này có thể đào tạo người Việt ở trong nước hoặc nước ngoài. Đồng thời "mở cửa" thu hút các chuyên gia giáo dục người nước ngoài, cơ chế phải thông thoáng (cấp thị thực và cấp giấy phép hành nghề).

Ba là làm điểm trước sau nhân rộng ra với tinh thần chung là nơi nào làm trước được thì làm, môn nào làm trước được thì làm; không dàn hàng ngang để tiến; không níu kéo, chờ đợi nhau. Khuyến khích các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM… làm trước.

Trong các thành phố này, "bật đèn xanh" cho một số trường có điều kiện, dạy bằng tiếng Anh một số môn học như toán, lý, hóa, sinh… Đã dạy bằng tiếng Anh thì thôi dạy bằng tiếng Việt. Môn học dạy bằng tiếng nào (Việt hoặc Anh) thì kiểm tra và thi (tuyển sinh, tốt nghiệp) bằng tiếng đó.

Bước thứ tư là một số ngành nghề phải dạy bằng tiếng Anh. Đại học, cao đẳng có một số ngành như: Công nghệ thông tin, Công nghệ bán dẫn, Hàng hải, Hàng không, Du lịch, Khách sạn… dạy bằng tiếng Anh.

Xuất phát điểm của Việt Nam đang rất thấp so với mục đích, yêu cầu của kết luận 91. Từ chính sách (luật, nghị định, thông tư…) đến thực tiễn đều bất cập: đánh đồng tiếng Anh với ngoại ngữ khác; đội ngũ giáo viên có trình độ tiếng Anh rất thấp hoặc bằng không; chuẩn đầu ra về tiếng Anh của học sinh phổ thông rất thấp; điều kiện cơ sở vật chất không đủ đáp ứng; nhu cầu sử dụng tiếng Anh không đồng đều ở các vùng miền và các lĩnh vực…

Marie Curie là trường tư thục ở Hà Nội, hơn 10 năm nay đầu tư rất lớn vào môn Tiếng Anh, trình độ học sinh cao hơn mặt bằng chung của các trường công lập, vượt xa chuẩn của Bộ GD&ĐT. Nhưng để đạt yêu cầu "tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai trong trường" thì chưa được. 20 năm nữa có đạt yêu cầu hay không thì chưa dám chắc.

Thầy NGUYỄN XUÂN KHANG

(Chủ tịch Hội đồng trường Marie Curie, Hà Nội)

 

Theo Thanh niên

(https://thanhnien.vn/4-buoc-de-dua-tieng-anh-tro-thanh-ngon-ngu-thu-hai)