Tôi nhớ như in ngày bắt đầu đi dạy ở MC, 28/6/1993. Dù trong cuộc đời, tôi có thể đã quên nhiều thứ nhưng những kỷ niệm tại MC thì vẫn vẹn nguyên. 20 năm gắn bó với trường, đến giờ mỗi lần nhắc lại những ký ức ấy, trong tôi lại trào dâng cảm xúc khó tả.
Ấn tượng của tôi về MC thì nhiều lắm nhưng tất nhiên, sâu đậm nhất vẫn là thầy Khang. Tôi nhớ ngày đến trường xin việc, thầy trực tiếp phỏng vấn. Tôi lo mình mới ra trường, chưa được nhận bằng. Thấy vậy, thầy nói: “Tôi chỉ quan tâm cô làm việc như thế nào. Tôi trông cô rất trẻ, như học sinh cấp 3, không giống vừa tốt nghiệp Đại học, chưa đủ chững chạc để đứng lớp. Nhưng nhìn vào đôi mắt của cô, tôi thấy được sự quyết tâm. Tôi có thể cho cô một cơ hội”.
Lúc đó, cân nặng của tôi chỉ hơn 40 kg, người be bé, tóc buộc kiểu đuôi ngựa, đúng là không giống một sinh viên vừa tốt nghiệp. Bộ dạng ấy của tôi liên quan đến một kỷ niệm không thể quên khác. Đó là khi tôi vào nhận lớp chủ nhiệm (10G) với những bước chân đầu tiên lên bục giảng, vừa tỏ ra chững chạc, tự tin vừa thăm dò thái độ học trò. Tôi đứng ngay ngắn ở bàn giáo viên, cất lời: “Chào các em! Cô xin tự giới thiệu… là giáo viên chủ nhiệm chính thức của các em từ hôm nay”. Lớp học bỗng vang lên tiếng vỗ tay sôi nổi, khiến tôi hết sức ngỡ ngàng. Sau này, cô học trò An Thủy Tiên mới “bật mí”: “Lúc cô bước vào, tụi em tưởng có học sinh mới. Lớp học đã chật nên tụi em không thích. Thật bất ngờ khi cô giới thiệu là giáo viên chủ nhiệm!”.
Tôi kể kỷ niệm này không phải để tự khen mình trẻ mà muốn nói lên sự biết ơn sâu sắc từ đáy lòng với thầy Khang - thầy Hiệu trưởng có “1-0-2” mà tôi may mắn được gặp trong đời. Thầy đã trao cho chúng tôi sự tin tưởng vô điều kiện; đánh thức sự tự tin, cống hiến của tuổi trẻ cũng vô điều kiện như thầy đã tin tưởng chúng tôi vậy. Thầy nghiêm khắc nhưng cũng rất hài hước, nói đùa như thật, bao phen khiến chúng tôi “dở khóc, dở cười” và khoảng cách cứ xóa dần. Chúng tôi luôn chờ đón thầy ở phòng giáo viên, bao giờ cũng có thứ gì đó trong tủ lạnh từ phòng thầy được chuyển sang chỗ chúng tôi. MC khi ấy đích thực là một ngôi nhà hạnh phúc, đầy ắp tiếng cười. Lứa giáo viên chúng tôi ngày đó vì thế mà hồn nhiên, vô tư trong sáng đến không ngờ.
Sau 2 năm về trường, tôi làm đám cưới. Tôi chọn ăn hỏi vào đúng dịp nghỉ 2/9 và ngày cưới vào cuối tuần vì không muốn nghỉ nhiều. Thầy không đưa ra quy định phải thực hiện như thế mà là do sự tự nguyện, tự giác của chúng tôi với học sinh. Bởi tất cả tâm trí chúng tôi đều để hết ở ngôi trường thân yêu. Từ con người thầy đã tạo nên môi trường tràn ngập tình yêu thương và trách nhiệm. Thông qua thần thái, cách cư xử, những cuộc họp giáo viên, trò chuyện với học sinh của thầy, chúng tôi nhận ra điều đó, thấm thía và ngấm vào máu tới tận bây giờ. Không có thầy Khang thì không có lứa giáo viên tràn đầy nhiệt huyết, tự tin, cống hiến hết mình với sự phát triển của nhà trường như vậy. Những tháng ngày ở MC đã định hình phong cách làm việc của chúng tôi: không bị gò bó bởi quy chế, quy định; thoải mái sáng tạo trong điều kiện lấy học sinh làm trung tâm. Khi trải qua nhiều môi trường, chúng tôi vẫn luôn mang phong cách Marie Curie bên mình. Và những điều đặc biệt ở MC, chúng tôi không bao giờ tìm được ở nơi khác.
Giáo viên chúng tôi gắn bó, thân thiết với nhau lắm! Vào những buổi trưa khi học trò đi vào giấc ngủ, các cô giáo tuổi đôi mươi bắt đầu những câu chuyện thú vị của mình, nói từ ngày này sang ngày khác mà không có hồi kết. Cùng trang lứa với tôi ngày ấy có Mai Lan, Thu Anh, Hồng Mai, Phương Nga, Bảo Yến, Phạm Thủy, Thanh Hà, Thục Hiền… Rồi chúng tôi lần lượt lấy chồng, lần lượt dự đám cưới của nhau, lần lượt sinh con. Cứ thế, chúng tôi bên nhau theo năm tháng.
Ngày ấy, ngoài lũ choai choai đồng trang lứa, còn có U Nhung (dạy Lý, từng làm quản lý học sinh), U Thu (dạy Toán), U Trâm (dạy Hóa). Đó là những người phụ nữ mà chúng tôi rất đỗi ngưỡng mộ. Bên cạnh đó là “Đại ca” Hoa, “Đại ca” Bích, “Đại ca” Hương (Toán), “Đại ca” Hương (Văn), “Đại ca” Liễu… hay chị Y Linh, chị Phương và rất nhiều đồng nghiệp mà tôi không thể kể ra hết. MC ngày ấy có U Thuần (Lao công) rất đáng yêu, cứ mỗi sáng lại chào thầy Khang: “I love you” vì được học trò nghịch ngợm dạy đó là: “Chào buổi sáng”.
MC còn đặc biệt về tình thầy trò. Những lứa học sinh ngày ấy học và chơi đều hết mình. Thầy và trò cũng rất gắn bó. Không chỉ là sự khăng khít mà còn là sự thân thuộc, thấu hiểu, vượt ra khỏi những ràng buộc truyền thống khi thầy trở thành những người bạn lớn của trò. Đến giờ, những lứa học sinh mà tôi chủ nhiệm ở MC vẫn thường xuyên liên lạc với thầy cô và bên nhau trong từng câu chuyện cuộc sống.
Bất kỳ ai từng gắn bó với MC thời Khương Đình đều có đầy ắp trong hành trang về những tháng ngày tươi đẹp, trong veo. Đó là những thân thương của dãy nhà 5 tầng lộng gió mỗi trưa; của hương vị bếp ăn; của các tuyến xe buýt đưa đón học sinh mỗi sáng, chiều; của sân bóng sau nhà C mà từ cầu thủ đến người hâm mộ sau mỗi trận cầu đều lấm lem bụi đất như công nhân mới ra khỏi hầm than… Bởi vậy, “những người muôn năm cũ” mỗi lần gặp nhau lại hàn huyên về những năm tháng rực lửa một thời.
Sau này, do biến cố lớn của gia đình, tôi phải rời MC sang môi trường công tác khác nhưng tâm hồn tôi vẫn vẹn nguyên ở MC.
Nhân dịp kỷ niệm 29 năm ngày thành lập trường Marie Curie, tôi xin gửi tới thầy Khang lời biết ơn sâu sắc về những ân tình mà thầy đã dành cho chúng tôi. Tôi cũng xin gửi đến các thế hệ học sinh và các đồng nghiệp tình cảm ấm áp, chân tình nhất mang tên “Em không quên Marie Curie”!
Cô MAI KHUYÊN
(Cựu GV Sử)