Cô Trịnh Huế (GV Ngữ văn) đã làm những phiếu học tập nhằm gợi mở, giúp học trò tìm hiểu bài học và phát huy tính sáng tạo. Các MCer đã thích mê khi được sáng tác truyện tranh, tóm tắt/cảm nhận truyện bằng thơ hay viết thư cho nhân vật…
Cô Trịnh Huế nhận thấy các MCer 6 vẽ đẹp, dùng từ giàu hình ảnh, diễn đạt hay và sáng tạo trong cách thể hiện, trình bày vở ghi… Vì thế, cô muốn khai phá và tận dụng những sáng tạo ấy vào tiết Ngữ văn để các học trò tiếp thu bài hiệu quả hơn.
Khi dạy văn bản “Gió lạnh đầu mùa” (Thạch Lam), cô đã giao cho học sinh những nhiệm vụ “sáng tạo” như: vẽ/sáng tác truyện tranh, tóm tắt truyện/nêu cảm nhận thành vần thơ, viết thư cho nhân vật… Điều này đã tạo môi trường cho các MCer phát huy năng lực, khiến bài học trở nên gần gũi, dễ in sâu vào tâm trí hơn.
“Tôi rất bất ngờ về khả năng của các con. Sau khi trình bày trước lớp, các con đã trao đổi và sử dụng kỹ thuật “Cộng tác ghi chú” để góp ý cho sản phẩm của nhau. Qua dự án này, tôi thấy các con hào hứng, thi đua và cố gắng làm ra các sản phẩm độc đáo, hay nhất. Với mỗi thành quả, tôi đều động viên, khuyến khích để các con phát huy hết khả năng của bản thân”, cô Huế cho biết.
Khánh Hà (6I5) đã vẽ câu chuyện và sử dụng trí tưởng tượng để kể lại bằng nhiều thể thơ. Cô bạn thấy đây là một dự án tuyệt vời, khiến ai cũng hứng thú, vừa tiếp thu hiệu quả kiến thức vừa được thể hiện khả năng văn học.
Cô bạn chia sẻ: “Khó khăn mà tớ gặp phải là việc lên ý tưởng. Tuy nhiên, đó là cách để tớ rèn luyện và tạo động lực, thỏa mãn đam mê. Môn học này giúp chúng tớ được tự do sáng tác câu chuyện của riêng mình”.
Đối với Hồng Ngọc (6I5), mỗi dự án mà cô giáo đưa ra chính là những trải nghiệm đáng quý. Cô bạn nói: “Chúng tớ được “phiêu” với câu chữ, thỏa sức sáng tạo. Điều đó đã khai phá những tài năng văn học của lớp. Rất nhiều bạn tưởng tượng tốt và vẽ rất đẹp. Chúng tớ đều tham gia nhiệt tình và hứng thú. Bởi chúng tớ thấy việc học Văn ở MC không bị gò bó với bất kỳ quy chuẩn nào; ngược lại, rất gần gũi, thú vị. Qua hoạt động này, tớ đã tìm được “tâm hồn nhà văn” trong bản thân. Đồng thời, tớ đã tích lũy được nhiều cách diễn đạt, kỹ năng mới mẻ trong viết văn”.
Gia Khoa (6P4) gây ấn tượng khi chọn lọc những câu văn trong tác phẩm gốc để tóm tắt thành bài thơ. “Tớ sáng tác bài thơ trong một ngày. Tớ đã thêm vần để bài thơ thêm sinh động, hấp dẫn. Đây là cách học giúp chúng tớ phát triển ý tưởng, hiểu và ghi nhớ bài tốt hơn”, cậu nói.