MCer thường xuyên được thực hiện những “project” (dự án) hấp dẫn trong các môn học; từ diễn kịch, đóng phim đến thuyết minh, thực hành làm sữa chua… Mỗi dự án đều mang đến cho các bạn những bài học khó quên và kỷ niệm đáng nhớ.
Hành trình thực hiện…
Gia Linh (9M2), Minh Dũng (9P1) và Mai Linh (11E3) rất thích thú với những lần thực hiện dự án môn học cùng bạn bè.
Gia Linh kể: “Dự án mình thích nhất là diễn kịch “Cô bé bán diêm” bằng tiếng Anh. Nhóm gồm 5 bạn. Mới đầu, chúng mình gặp nhiều khó khăn trong việc lựa chọn tác phẩm để diễn. Vì ai cũng bỡ ngỡ khi lần đầu thực hiện; hơn nữa phải tìm được câu chuyện không quá phức tạp, không trùng lặp với các nhóm khác. Sau hồi lâu bàn bạc, tranh luận, chúng mình cũng chọn được tác phẩm và triển khai việc phân công nhiệm vụ. Một bạn dẫn truyện, kết hợp thực hiện “behind the scenes”. Một bạn quay phim chính kiêm chỉnh sửa. Một bạn đóng vai người cha và chuẩn bị đạo cụ. Một bạn đóng vai người qua đường và cuối cùng, một bạn vào vai cô bé bán diêm”.
Gia Linh (9M2)
Dự án này khá khó với nhóm Gia Linh vì các bạn phải trình bày dưới dạng kịch, chứ không phải thuyết trình. Hơn nữa, thời gian chuẩn bị không có nhiều. Do đó, khi đã nắm rõ nhiệm vụ, mỗi người tự viết một kịch bản rồi cả nhóm họp lại, chọn ra bản thảo tốt nhất để chuyển lời thoại và lời dẫn sang tiếng Anh. Tiếp theo, các bạn học thuộc lời và tranh thủ ở lại trường tập vào thứ Bảy. “Ngày đầu do chưa quen nên cả buổi trưa, nhóm chỉ đóng xong một phân cảnh. Vì thế, chúng mình quyết định đến trường vào Chủ nhật để tập tiếp. Sau đó, chúng mình mất 2 ngày để diễn xuất và chỉnh sửa phim sao cho vừa đủ thời gian được yêu cầu và chèn thêm một số hình ảnh phía sau hậu trường”, Gia Linh nhớ lại.
Minh Dũng ấn tượng với dự án thuyết minh về cách làm bánh chưng trong môn Ngữ văn. Cậu cho biết, sau khi nhận đề tài, nhóm đã nhanh chóng phân chia công việc. Mỗi người tự tìm hiểu thông tin để viết phần mình được giao. Sau đó, các phần được gộp lại thành bản nháp chung rồi các bạn giỏi văn sửa lần cuối để hoàn chỉnh bài thuyết trình và làm “slide”. Dự án này đòi hỏi các bạn phải trình bày lôi cuốn nên nhóm đã phân chia mỗi thành viên nói một phần. Lúc tập luyện, mọi người liên tục chỉnh sửa cho nhau để nói thật truyền cảm và tự nhiên.
Với Mai Linh, dự án thực hành làm sữa chua mít trong môn Công nghệ đã trở thành kỷ niệm đẹp. Bởi cô bạn được trổ tài làm món ăn yêu thích. Ở “project” này, các bạn vận dụng kinh nghiệm ăn uống, cộng thêm việc tra cứu thông tin ở những trang mạng về ẩm thực để thực hiện. Mai Linh cho biết: “Sau khi tham khảo công thức pha chế chuẩn, chúng mình phân công nhiệm vụ. Người mang dao, thớt; người chuẩn bị cốc, thìa. Một nhóm đi mua nguyên liệu từ cửa hàng thực phẩm sạch. Đến ngày thực hành, chúng mình háo hức như đi thi “master chef”. Hôm ấy, cả lớp ngập tràn hương hoa quả và sữa”.
Để hoàn thành những dự án đó, các bạn không chỉ bỏ công sức, thời gian làm việc mà còn phải vượt qua nhiều thử thách. Gia Linh cho hay: “Thật không may vào hôm ghi âm lời thoại, một số bạn bị đau họng, khàn giọng! Dù sản phẩm chưa hoàn hảo lắm nhưng chúng mình đã rất cố gắng để hoàn thành. Nhưng khó khăn chưa dừng lại tại đó. Hôm tổng kết dự án, máy chiếu bị hỏng, loa không có tiếng. Chúng mình phải loay hoay một lúc mới tìm được cách giải quyết”.
Minh Dũng (9P1)
Nhóm Minh Dũng cũng đối mặt với một số khó khăn trong quá trình thực hiện dự án. Đầu tiên là phải tìm ra cách thức triển khai để tạo nên bài thuyết minh khác biệt với các nhóm khác. Thứ hai là nhiều bạn trong nhóm không tự tin về khả năng thuyết trình. Vì thế, khi được phân công, các bạn khá lo lắng và hồi hộp. Tuy nhiên, các thành viên có lợi thế về độ “tương thân, tương ái” nên khi trao đổi hay thảo luận, không có nhiều lần bất đồng ý kiến. “Hôm báo cáo dự án, mọi thứ diễn ra đúng như dự định. Các bạn lần lượt lên thuyết trình theo kịch bản. Tuy có một chút lỗi nhưng nhóm đã hoàn thành khá ưng ý”, Minh Dũng kể lại.
Ở dự án “ăn uống”, nhóm Mai Linh không gặp nhiều khó khăn. Nhiều bạn sử dụng thuần thục dao, thớt nên nhóm không bị mất nhiều thời gian làm quen. Chỉ có sự cố nhỏ là thay vì chia đều các phần trái cây rồi đổ sữa lên thì các bạn cho hết hoa quả đã cắt nhỏ vào bát to rồi đảo cật lực với sữa. Lúc ấy, nhóm còn tưởng chế biến thành món sinh tố sữa chua mít. Nhưng kết quả, món ăn ấy trông vẫn ổn.
… và cái kết hoàn mỹ
Dù quá trình thực hiện gặp nhiều thử thách nhưng cuối cùng, vở diễn của nhóm Gia Linh, bài thuyết minh của nhóm Minh Dũng và món sữa chua mít của nhóm Mai Linh đều đạt điểm cao và được thầy cô khen ngợi.
Gia Linh khẳng định: “Sau lần diễn kịch bằng tiếng Anh ấy, chúng mình đã rút ra nhiều kinh nghiệm trong cách phát âm. Đến giờ, chúng mình vẫn duy trì việc hỗ trợ nhau dịch bài và luyện nói ngoại ngữ theo phản xạ. Nhưng hơn hết, thông qua những dự án như vậy, chúng mình càng thêm gắn bó, đoàn kết và cùng tạo nên kỷ niệm khó quên”.
Minh Dũng nhớ hôm đó, cô Thu Bích (GV Ngữ văn) nhận xét bài thuyết minh của nhóm hay; phần thuyết trình được thực hiện tự tin, đầy đủ. Kết quả là nhóm giành được 9 điểm. Không chỉ lần đó mà nhiều dự án về sau, Minh Dũng nhận ra, lớp ngày càng gắn kết hơn. Đồng thời, qua mỗi dự án, các bạn chủ động hơn trong việc lĩnh hội kiến thức, rèn luyện tư duy, khả năng sáng tạo, cũng như trau dồi các kỹ năng mềm như: lãnh đạo, phản biện, thuyết trình…
Mai Linh (11E3)
Mai Linh cho biết, tiết học Công nghệ hôm ấy đầy ắp tiếng cười. Các bạn không chỉ học được cách làm việc nhóm mà còn biết cắt gọt hoa quả, tự làm sữa chua mít… Hơn nữa, nhờ có những dự án thú vị đó mà lớp có thêm nhiều ký ức ngọt ngào về tuổi học trò.
Có thể nói, học theo dự án là cách mà giáo viên đặt học sinh trên một con đường để các bạn tự suy nghĩ cách đi đến đích. Qua đó, giáo viên tạo hứng thú, sự vui vẻ cho tiết học; truyền tải kiến thức một cách nhẹ nhàng và giúp học sinh ghi nhớ kiến thức lâu hơn. Lớp 6 - 7, tôi thường giao cho các bạn những dự án nhỏ như: Theo dòng lịch sử - tìm hiểu các truyền thuyết và dấu ấn của chúng tại các di tích lịch sử...; lớp 8 - 9 là những dự án lớn, phức tạp hơn như: dự án về các văn bản nhật dụng, liên hệ đến vấn đề môi trường, gia đình, học đường, quyền trẻ em, giữ gìn bản sắc văn hóa, đoàn kết, vấn đề thời sự nóng bỏng; dự án thuyết minh về di sản văn hóa; dự án “Cuốn sách tôi yêu”; dự án hình tượng người phụ nữ, người lính qua các tác phẩm…
Để thực hiện dự án, học sinh được làm theo nhóm. Các bạn chủ động triển khai thực hiện, sử dụng các phương tiện kỹ thuật để hỗ trợ. Ngoài ra, các bạn được khuyến khích sử dụng nhiều hình thức để trình bày sản phẩm như: thuyết trình, làm clip, sân khấu hóa, vẽ tranh, làm “talk show”, đóng vai phóng viên phỏng vấn… Từ đó, học sinh được phát triển kiến thức và các kỹ năng mềm thông qua những nhiệm vụ mang tính mở; tăng sự ham học hỏi, tìm tòi, vận dụng kiến thức trong sách vở vào thực tế. Cô HỒNG MINH (GV Ngữ văn)
Dạy học dự án là mô hình giảng dạy lấy học sinh làm trung tâm. Khi được sử dụng tối ưu, phương pháp này sẽ giúp ích rất nhiều cho học trò. Đầu tiên là tăng khả năng tự học và khuyến khích học sinh tìm tòi tài liệu; rèn sự năng động, tự tin. Bởi để làm dự án, các bạn phải thu thập khá nhiều tài liệu thông qua báo chí, các trang mạng và đặc biệt là các nhân chứng sống. Tiếp theo là lôi cuốn được đa số học sinh cùng tham gia, thấy hứng thú hơn với bài học. Hơn nữa, các bạn được thỏa sức trình bày quan điểm của mình. Cuối cùng, khi cùng nhau làm, thảo luận và hoàn thành công việc, các bạn sẽ hiểu nhau hơn, đoàn kết hơn. Thầy MẠNH HÙNG (GV Lịch sử) |