Với MCer, nỗi lo lắng có thể đến từ chuyện học tập, mối quan hệ bạn bè, gia đình hay những kỳ thi… Tuy nhiên, nhiều bạn đã vượt qua được và xem đó chỉ là những thử thách nhỏ để đời sống học trò thêm phong phú, nhiều sắc màu hơn.
Tớ cảm thấy lo âu nhất vào năm lớp 6. Lúc ấy, tớ luôn tự ti vì ngoại hình không đẹp, học không bằng các bạn và tự thấy mình khá xấu tính. Chính vì suy nghĩ tiêu cực nên tâm trạng của tớ luôn không ổn định. Suốt thời gian khá dài, tớ đã sống khép mình. Đến một ngày, cô giáo đổi chỗ cho tớ lên ngồi bàn đầu cạnh nhóm bạn nam. Dần dần, tớ đã tìm lại được niềm vui khi nói chuyện với các bạn ấy. Họ khiến tớ yêu đời hơn, khám phá ra nhiều điểm mạnh của bản thân và biết được nhiều điều tốt đẹp trên đời. Nhờ vậy, tớ không còn buồn bã, lo âu nữa; việc học cũng tốt hơn hẳn… Có lẽ sức mạnh của tình bạn đã giúp tớ nhận ra những giá trị của bản thân và cuộc sống.
ANH THƯ
(8I2)
Trước khi vào phòng thi, mình thường nghĩ đến những điều tiêu cực nên tâm lý bị ảnh hưởng nặng nề, chẳng hạn như sợ quên hết kiến thức đã ôn tập. Thế là trong quãng thời gian dài, mỗi lần có bài kiểm tra, cảm xúc của mình lại bị nỗi sợ ấy chi phối. Hơn nữa, do luôn được bố mẹ đặt kỳ vọng lớn nên mình càng thấy áp lực. Một lần, mình đã thử để cho tâm trạng thoải mái nhất có thể lúc vào phòng thi, không ngờ lại đạt kết quả rất cao. Từ đó, mình rút ra bài học là luôn tự tin vào khả năng của bản thân để “chinh chiến” trong các cuộc thi.
PHAN ANH
(5P2)
Năm lớp 6, các bạn trong lớp mới dậy thì, bắt đầu có những chuyển biến phức tạp về tâm lý. Mỗi người một tính cách nên đôi khi, chúng tớ không hợp nhau. Khi đó, một số bạn do không ưa tớ nên đã nói những lời không hay về tớ với mọi người. Điều ấy khiến tớ không muốn đến trường, thậm chí không muốn gặp gỡ bạn bè.
Lúc đầu, tớ quyết định giữ kín chuyện này, không kể cho cô giáo hay bố mẹ biết vì nghĩ mình có thể tự giải quyết. Nhưng sau một vài tháng, mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, khiến tớ không thể chịu đựng được nữa. Tớ đã dốc hết tâm sự với mẹ và cô. Khi đó, cô đã nói chuyện, giảng giải cho các bạn trong lớp hiểu về sự đoàn kết, tôn trọng lẫn nhau. Nhờ có những lời chỉ bảo tận tình, kịp thời của cô mà giờ lớp tớ rất quý mến nhau. Tớ cũng đã có những tình bạn đẹp. Mỗi lần nhớ lại quãng thời gian ấy, tớ không còn sợ nữa mà chỉ thấy biết ơn. Bởi nhờ vậy mà tớ trưởng thành hơn, biết lắng nghe và chia sẻ với mọi người hơn.
HÀ YẾN
(7I2)
Tuổi học trò không tránh khỏi việc “cảm nắng” ai đó. Mình cũng đã trải qua cảm giác thầm thương, trộm nhớ ấy. Đi đâu hay làm gì, mình cũng nghĩ về cậu ấy. Dần dần, mình muốn cậu ấy biết được tình cảm đó nên có ý định bày tỏ tình cảm. Nhưng mình lại sợ khi nói ra, cậu ấy sẽ từ chối, không trò chuyện, thậm chí ghét bỏ mình. Rất nhiều ngày, mình đã tự hỏi bản thân có nên thổ lộ không hay vẫn thầm lặng dõi theo cậu ấy. Sự lo lắng đó khiến mình luôn cảm thấy bồn chồn, khó ngủ, không thể tập trung vào việc gì. Sau nhiều ngày cân nhắc, mình lựa chọn không để ý bạn ấy nhiều nữa bằng cách xác định giới hạn tình cảm và chỉ nghĩ tới chuyện học, tham gia các hoạt động ngoại khóa... Lúc đầu, việc đó khá khó thực hiện nhưng theo thời gian, nỗi lo cũng dần phai đi.
THU TRANG
(10M2)
Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn giáo dục, sau khi lắng nghe những chia sẻ của MCer, cô Vũ Thu Hương (Tiến sĩ, giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội) chia sẻ: “Cách các bạn vượt qua nỗi lo lắng thật thú vị! Tôi cho rằng, chỉ có các bạn mới giúp được chính mình, chứ không phải ai khác. Chỉ khi nào các bạn tự suy nghĩ, hành động để xua đi những ưu tư, phiền muộn thì các vấn đề mới được giải quyết tận gốc. Tôi mong rằng, các bậc cha mẹ hãy cứ để con mình sử dụng hết sự mạnh mẽ của bản thân và đừng nên làm giảm đi chỉ số vượt khó của các bạn ấy!”. “Bí kíp” đánh bật nỗi lo ra khỏi đầu 1. Nhận diện nỗi sợ hãi: Mọi cảm giác lo lắng, sợ hãi đều có nguyên nhân của nó. Đôi khi là do tưởng tượng, suy nghĩ quá nhiều hoặc quá mong đợi điều gì…, khiến tâm trí trở nên khó chịu, bồn chồn đứng ngồi không yên. Vì thế, để giải quyết, bạn hãy cố gắng nhận diện nỗi sợ hãi bắt nguồn từ đâu và dũng cảm đối mặt với nó! 2. Tập làm quen với nỗi sợ hãi: Tức là bạn không trốn tránh nỗi lo âu mà từ từ đối mặt để vượt qua nó. Ví dụ, nếu bạn thấy lo lắng khi phải thuyết trình trước lớp thì hãy nhờ bạn bè cùng tập nói. Đầu tiên, bạn có thể nhờ 2 - 3 người ngồi nghe bạn trình bày; sau đó tăng số lượng lên 5 - 7 người rồi 8 - 10 người… Chắc chắn, nỗi sợ hãi và lo lắng sẽ giảm dần khi bạn đã làm quen với nó. 3. Hít thở sâu giúp hệ thống thần kinh giữ bình tĩnh: Hít thở là giải pháp hữu hiệu nếu bạn bị căng thẳng khi tham gia các kỳ thi, cuộc thi. Theo nhà nghiên cứu Margarita Tartakovsky, thở sâu bằng cơ hoành là một kỹ thuật vô cùng hữu ích giúp làm giảm nỗi lo âu bởi nó kích hoạt phản ứng thư giãn của cơ thể. 4. Chia sẻ: Không ai có thể sống hạnh phúc, vui vẻ mà không có sự chia sẻ từ bạn bè, gia đình, thầy cô. Vì thế, khi gặp phiền muộn, bạn hãy mạnh dạn nói ra. Hơn nữa, việc trút bỏ nỗi lo sẽ phần nào giúp bạn giải tỏa năng lượng tiêu cực trong cơ thể. Khi đó, cơ hội để bạn giải quyết các vấn đề lo âu sẽ trở nên dễ dàng hơn. 5. Tập thể dục: Theo nhóm nghiên cứu The Mayo Clinic, tập thể dục giúp giảm sự lo lắng. Bởi nó giúp não giải phóng các chất như endorphin, rất có ích trong việc xoa dịu chứng trầm cảm. Ngoài ra, việc tập thể dục còn khiến hệ thống miễn dịch được tăng cường, giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh trầm cảm. 6. Biến nỗi lo thành thử thách vượt qua chính mình: Hãy luôn tin rằng, mình có đủ sự mạnh mẽ, tự tin và lý trí để vượt qua mọi cảm xúc lo lắng! Mình tuy “nhỏ nhưng mà có võ” nhé! Hùng biện ư? Đơn giản thôi, mình sẽ làm được! Cô bạn thân “bơ” mình ư? Chắc là cô ấy muốn tạo bất ngờ gì đó mà. Hôm trước giận nhau cả tháng rồi có sao đâu, chúng mình vẫn giảng hòa được cơ mà… Tóm lại, chẳng có nỗi lo nào làm khó được bạn khi luôn suy nghĩ lạc quan cả. 7. Đừng tốn quá nhiều năng lượng vào chuyện tiêu cực: Nếu hôm nay, đội bạn không giành được cúp Vàng thì hãy cứ cho bản thân buồn 15 - 30 phút, thậm chí 1 tiết học. Tuy nhiên, nhất định vào hôm sau, bằng mọi cách bạn phải thoát ra nỗi buồn rầu, lo âu đó. Hãy nghĩ đến những lời động viên của bố mẹ, cái ôm thật chặt của bạn bè! Hãy nhớ đến cái bắt tay của đối thủ khi bạn ghi bàn thật đẹp vào lưới của họ hoặc đơn giản là những lúc cả đội tập luyện! Mỗi sự việc xảy ra luôn chứa đựng ý nghĩa tích cực. Chỉ cần đừng xoáy sâu hoặc dành quá nhiều năng lượng vào mặt tiêu cực, chắc chắn bạn sẽ nhìn thấy được mặt tích cực và có thể dễ dàng vượt qua nỗi lo lắng, phiền muộn. |
Theo MCer Link 38