Hạnh phúc là gì? Phải chăng là được sống trong một ngôi nhà mơ ước? Là được chu du vòng quanh thế giới? Marie Curie đã giúp cô bé nhận ra, hạnh phúc không hề xa xôi như vậy. Hạnh phúc chính là được cùng bạn bè trêu đùa, chạy đuổi nhau khắp hành lang; là cùng nhau học nhóm trước những giờ kiểm tra; là mười mấy cái đầu cùng tranh nhau ăn bim bim; là những cái ôm an ủi mỗi khi bị điểm kém; là cùng nhau quyết tâm đỗ vào ngôi trường cấp 3 ước mơ để không phụ lòng thầy cô thân yêu...
Ngày ấy, một cô bé đứng trước cổng trường Marie Curie, tràn ngập sự ngạc nhiên: “Ôi, mái trường này sao to thế? Tòa nhà màu đỏ kia là gì mà cao quá vậy? Trường còn có cả sân bóng ư? Ơ, sao cổng trường to thế này? Tại sao lại đặt tên là Trường Sa, Hoàng Sa mà không phải cổng A, cổng B?”. Cô bé cứ đứng đó, mải mê ngắm nhìn thế giới mới của mình với ánh mắt háo hức bao niềm vui, sự bất ngờ và ngỡ ngàng. Trường Marie Curie cơ sở Mỹ Đình vừa đẹp lại vừa khang trang. Cô bé thật vui khi là thế hệ đầu tiên được học tập trong “lâu đài” ấy.
Bước qua cổng trường, cô bé cảm giác như vừa đi qua cánh cổng thần kỳ, đến một thế giới mới vậy. Cô bé tiếp tục bước đi theo dòng người, quay bên trái hình như là những học sinh mới cũng đang “mắt chữ A, mồm chữ O” ngắm nhìn trường, quay bên phải thấy các anh chị lớp trên, ai trông cũng to cao, vừa đi vừa cười nói vui vẻ… Trông thật “ngầu” quá đi! Phải chăng một ngày nào đó, cô bé cũng sẽ “cool ngầu” giống họ?
Mẹ khen Marie Curie đẹp như trường ở Tây, quả thật không sai! Tường lớp học của cô bé được sơn màu hồng, vừa sặc sỡ vừa đáng yêu rồi bàn ghế có màu kem sang trọng. Mỗi học sinh còn có một chiếc bàn riêng và một ô tủ để đồ riêng nữa. Lớp học tràn đầy những điều mới lạ!
Trường Marie Curie là một mái ấm thật đặc biệt! Trường có “ông nội” Khang, dù tuổi cao và bận rộn trăm bề nhưng vẫn luôn dành thời gian quan tâm đến từng đứa cháu của mình. Liệu ở những trường khác, có người thầy Hiệu trưởng nào lại cùng ăn cơm với học sinh, ngồi ngoài sân cỏ cổ vũ học trò đấu bóng như tại MC không? Thầy đã vất vả gần 30 năm qua để xây dựng mái trường này ngày càng lớn mạnh. Nhờ có thầy mà bao thế hệ học trò mới được hãnh diện khoe với các bạn trường khác rằng: “Mình là một MCer”.
Người ta bảo: “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”. Đám học trò tinh nghịch khiến thầy cô bao phen đau đầu; thế mà thầy cô vẫn không ngừng yêu thương học sinh. Các thầy cô lo cho đàn con thơ từng bữa ăn, giấc ngủ và luôn khích lệ học trò cố gắng học hành. Những người bố, người mẹ đó còn an ủi, tặng cho những đứa con những cái ôm nồng ấm khi có chuyện buồn. Những lời mắng nghiêm khắc của thầy cô hóa ra lại luôn tràn ngập tình yêu thương và sự quan tâm.
Hạnh phúc là gì? Phải chăng là được sống trong một ngôi nhà mơ ước? Là được chu du vòng quanh thế giới? Marie Curie đã giúp cô bé nhận ra, hạnh phúc không hề xa xôi như vậy. Hạnh phúc chính là được cùng bạn bè trêu đùa, chạy đuổi nhau khắp hành lang; là cùng nhau học nhóm trước những giờ kiểm tra; là mười mấy cái đầu cùng tranh nhau ăn bim bim; là những cái ôm an ủi mỗi khi bị điểm kém; là cùng nhau quyết tâm đỗ vào ngôi trường cấp 3 ước mơ để không phụ lòng thầy cô thân yêu...
Ngày ấy, học sinh 6P1 là những gương mặt xa lạ, vậy mà giờ họ đã trở thành những người “đồng chí” thân thiết. Đó chính là thành quả của những tiếng cười, những giọt nước mắt, những cuộc tranh luận nảy lửa, những sự cảm thông và những lời an ủi của tình bạn. Những “chiến sỹ” ấy đã cùng nhau trải qua bao trận đấu bóng quyết liệt, dù thua nhưng khuôn mặt vẫn luôn rạng rỡ nụ cười. Rồi khi cả lớp cùng chung tay xây dựng “ngôi nhà” nhỏ đón Noel, trải qua những lễ hội Bánh chưng thật đáng nhớ. Những kỷ niệm ấy đã đưa tập thể P1 xích lại gần nhau hơn và gắn bó với nhau hơn bao giờ hết.
6P1 dần khôn lớn, trở thành 7P1, 8P1 rồi 9P1. Còn cô bé cuối cùng cũng trở thành “đàn chị” như hằng mong ước nhưng hồi ấy, cô bé sao biết được, làm anh chị lớp 9 lại buồn đến thế. Trước khi chia xa trường, nhìn lại những nơi chứa chan kỷ niệm của tuổi học trò, cô bé buồn lắm! Làm sao có thể rời bỏ chốn lưu giữ bao kỷ niệm này để đến với một mái trường mới đây?
MINH HUYỀN
(CHS P1, 14 - 18)