Rừng và các động vật hoang dã là những thành phần không thể thiếu trong sự sống của Trái đất. Thấu hiểu điều đó, nhiều MCer đã theo đuổi các hoạt động, dự án bảo vệ thiên nhiên. Chắc chắn những câu chuyện về rừng và động vật hoang dã của họ sẽ giúp bạn học được cách sống hài hòa với môi trường!
Chuyến thăm rừng thú vị
Tháng 8 vừa qua, tớ có cơ hội đến thăm rừng Quốc gia Cúc Phương. Chuyến đi đã để lại trong tớ nhiều ấn tượng. Bên cạnh việc khám phá vẻ đẹp của khu rừng, tớ còn được ghé thăm và tìm hiểu về Trung tâm bảo tồn Save Vietnam’s Wildlife (SVW).
Vừa bước xuống xe, tớ đã thích mê không gian ngập tràn màu xanh và không khí trong lành của rừng nhiệt đới Cúc Phương. Từng chiếc lá, bông hoa, nhánh cỏ… đều khiến khu rừng trở nên mát mẻ, màu sắc hơn. Càng đi sâu vào phía trong, tớ cảm thấy mình như đang đứng dưới máy điều hòa công suất lớn. Cảm giác mát lạnh lan tỏa đến từng chân tơ, kẽ tóc.
Ngoài việc thu lượm nhiều kiến thức về các loài động thực vật, điều tớ mong đợi nhất trong chuyến đi là được đến thăm tổ chức SVW và tìm hiểu công việc của các cô chú đang công tác tại đây.
Trung tâm được chia thành ba phân khu: cá thể linh trưởng, cá thể rùa và cá thể động vật ăn thịt nhỏ. Loài linh trưởng được phân làm bốn nhóm: cu li, voọc, vượn, khỉ. Những động vật được cứu hộ ở đây đều thuộc nhóm đang gặp nguy hiểm, cần được bảo tồn. Tớ cùng các bạn đã đi xem hai cá thể voọc quý hiếm là voọc mông trắng và voọc Cát Bà.
Các cô chú kể rằng, chúng sống ở Cát Bà và thế giới hiện chỉ còn khoảng 60 - 70 con. Sau đó, tớ được ghé thăm chuồng cu li. Vì loài vật này hoạt động vào buổi tối nên tớ phải rất cẩn thận để không làm ảnh hưởng giấc ngủ ban ngày của chúng.
Tiếp theo là khu cá thể rùa. Qua tìm hiểu, tớ được biết, loài rùa sống ở hồ Hoàn Kiếm nay chỉ còn ba cá thể và rùa Trung Bộ chỉ còn một, hai cá thể trên thế giới. Điểm đến cuối cùng mà tớ được nghe nhiều câu chuyện cảm động nhất chính là khu của động vật ăn thịt nhỏ như: tê tê, rái cá, cầy mực, cầy vòi…
Tớ rất xúc động khi nghe cô Đặng Mỹ Hạnh (Cán bộ của SVW) chia sẻ về một em tê tê. Cô kể: “Hôm đi giải cứu tê tê, cô thấy chúng bị nhốt trong những chiếc lồng thô cứng, bị nhồi bột và thật buồn khi tất cả đã chết. Cô chợt thấy một tê tê mẹ cuộn tròn thân mình để bảo vệ đứa con. Các cô đã mang bạn tê tê con ấy về nuôi và đặt tên là Kim. Vì Kim rất yếu, thậm chí chưa mở mắt nên bác sỹ thú y phải chăm chút như chăm em bé mới sinh, cứ hai tiếng lại cho uống sữa. Rất may là sức khỏe của Kim dần hồi phục! Bây giờ, Kim đã có hộp ngủ riêng và khỏe mạnh nên không phải chăm sóc 24/7 nữa”.
Khi tới thăm tê tê, chúng tớ phải giữ im lặng tuyệt đối vì tiếng ồn có thể khiến chúng bị căng thẳng, mệt mỏi đến mức tự cào bản thân. Tớ đã nhìn thấy một tê tê con với những chiếc vảy vàng còn non. Bạn ấy đứng ngay trước cửa hộp, nhìn tớ. Tớ thực sự không thể hiểu tại sao người ta lại muốn bắt nhốt và giết những bạn tê tê dễ thương như vậy.
Chú Nguyễn Văn Thái, người sáng lập SVW kể cho chúng tớ nghe về quá trình phát triển của tổ chức và công việc của các cô chú. Ngoài nhiệm vụ giải cứu, chăm sóc động vật, họ còn đảm nhận việc tái thả động vật về tự nhiên. Đây là một phần việc rất quan trọng của những chuyên gia bảo tồn.
Có bạn sẽ nghĩ, chúng ta còn nhỏ thì làm được gì. Tuy nhiên, đoàn tham quan rừng Quốc gia Cúc Phương của tớ có rất nhiều em nhỏ. Ví dụ, em Hải Anh chỉ mới 4 tuổi nhưng luôn tò mò trước những kiến thức mới; Diệu An đang học lớp 5 và rất yêu quý động vật.
Tớ cho rằng, chúng ta hoàn toàn có thể làm được điều gì đó, ít nhất là thực hiện ba không: không ăn, không sử dụng và không tiếp tay cho việc buôn bán động vật hoang dã. Thay vì thời gian lướt Facebook hay chơi game, chúng ta hãy đến thăm các khu rừng. Tớ tin chắc, các bạn sẽ thích mê vẻ đẹp của chúng và sẵn sàng tham gia vào việc bảo vệ rừng và các loài vật hoang dã.
NGUYỆT LINH
(6G2)
Tình yêu rừng mãnh liệt
“Tôi luôn cảm thấy tự hào khi được góp phần gìn giữ hay trồng mới, phủ xanh những cánh rừng để mang lại sự sống cho muôn loài, đồng thời duy trì những giá trị sinh thái và lợi ích xã hội bền vững”, chị Nguyễn Bích Hằng (CHS 95 - 98) chia sẻ về công việc quản lý dự án thuộc chương trình bảo vệ rừng của World Wide Fund For Nature (WWF) - quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên.
Từ bé, chị đã mong muốn được làm việc cho một tổ chức quốc tế liên quan tới bảo vệ môi trường hoặc trẻ em. Khi vừa tốt nghiệp Đại học, chị quyết tâm hiện thực hóa ước mơ đó. Tính đến nay, chị đã có 17 năm công tác tại WWF.
Nhớ lại những ngày đầu đi làm, kiến thức lâm nghiệp, cây gỗ, loài gỗ, rừng... của chị còn hạn chế. Khi ấy, chị phải vừa làm vừa học hỏi từ đồng nghiệp, đối tác; đồng thời đọc nhiều tài liệu. Hơn nữa, cường độ làm việc cao trong môi trường quốc tế đòi hỏi mỗi người phải nỗ lực rất lớn. Nhưng vì yêu cây cối, đất đai, lại có bạn bè nhiệt tình hỗ trợ nên chị nhanh chóng thích ứng được với công việc.
Chị thích rừng bởi nó mang đến cho chị sự thư thái, dễ chịu và thoải mái. Mỗi khi ở đó, chị luôn hít căng lồng ngực không khí trong lành, mát dịu. Từ lúc bén duyên công việc này, chị thấy mình có được nhiều thứ.
Trước tiên, chị rất vui khi con gái luôn nói với niềm hãnh diện: “Mẹ đi cứu Trái đất”. Ngoài ra, chị “sống xanh” hơn khi biết sử dụng gỗ bền vững, hạn chế dùng đồ nhựa một lần để giảm thiểu rác nhựa ra đại dương, chỉ ăn những con ghẹ trưởng thành để bảo vệ loài ghẹ… Những điều tưởng đơn giản ấy nhưng nếu không làm việc trong môi trường này, chị sẽ không thể hiểu hết được.
Chị vẫn nhớ như in lần bẫy ảnh trong rừng chụp được hình một con sao la đi ngang qua. Nhờ những nỗ lực bảo tồn vùng Trung Trường Sơn mà WWF đã tìm ra dấu vết của loài động vật vô cùng đặc biệt, tưởng như tuyệt chủng này. Tuy không có mặt tại hiện trường nhưng thành công của các cán bộ kiểm lâm, cán bộ dự án khiến chị vô cùng hạnh phúc.
Chị cho biết: “Sao la được mệnh danh là “kỳ lân châu Á”, là một trong những loài thú quý hiếm trên thế giới, chỉ sinh sống ở vùng rừng rậm hẻo lánh thuộc Trung Trường Sơn, Việt Nam. Chúng được các nhà khoa học phát hiện vào năm 1992 và có nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên rất cao. Việc bảo vệ sao la chính là bảo vệ cảnh quan rừng, sự đa dạng sinh học và những lợi ích sinh thái. Nói cách khác, chính là giữ gìn cuộc sống của chúng ta”.
Với chị, công việc về rừng vô cùng thú vị. Thế nên, nếu MCer nào muốn theo đuổi, chị rất khuyến khích và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của bản thân. Theo chị, ngay từ bây giờ, các bạn có thể bắt đầu bằng việc tiến hành phân loại rác và hạn chế dùng đồ nhựa.
Hiện WWF đang triển khai dự án về giảm thiểu rác thải nhựa ở các trường học. Khi tham gia chương trình, các bạn sẽ được hướng dẫn phân loại rác tái chế, rác hữu cơ và rác độc hại; đồng thời được giới thiệu cách thức hạn chế sử dụng túi nilon; cốc, đĩa, thìa, ống hút nhựa…