Nói về phong cách “sống xanh”, các “cư dân” MC cho biết: “Chúng mình luôn ấn tượng hình ảnh thầy Hiệu trưởng nhặt rác ở sân trường và những chia sẻ của thầy về tình yêu thiên nhiên vào ngày Khai giảng. Điều đó thôi thúc chúng mình phải biết “sống xanh” hơn, yêu môi trường hơn vì lợi ích cho bản thân và những người xung quanh”.
“Sống xanh” từ những điều đơn giản nhất
Sau khi tham gia những hoạt động ngoại khóa của trường như Ngày hội tái chế, nhiều MCer đã hiểu hơn về lối sống xanh và quan tâm hơn đến vấn đề môi trường. Phương Quỳnh (9G3) đã từ lâu sử dụng ống hút inox, thay vì ống hút nhựa. Mỗi lần dùng xong, cô bạn đều rửa sạch rồi cất đi để sử dụng lần sau. Với nhiều người, việc này có vẻ rườm rà, mất thời gian nhưng theo Phương Quỳnh, đó lại là niềm vui. Cô bạn chia sẻ: “Khi dùng ống hút inox, hộp bút vải thay cho ống hút nhựa, hộp bút nhựa, tớ thấy bản thân làm được một việc có ích. Đó là góp phần giảm được những chất thải nhựa ra môi trường”.
Ngoài việc hạn chế sử dụng đồ nhựa và túi nilon, Phương Quỳnh còn nói không với thức uống có ga và đồ ăn nhanh. Cô bạn thường ăn sáng ở nhà và ưu tiên dùng các phương tiện công cộng để di chuyển. Đặc biệt, cô bạn tự tay trồng nhiều cây xanh ở ban công gia đình. Mỗi sáng thức dậy, Phương Quỳnh đều tưới nước và thích thú hít hà không khí trong lành, ngắm sắc màu xanh tươi của cây cối. Khi đó, cô bạn thấy tâm hồn thư thái và có thêm năng lượng cho ngày mới. Không chỉ Phương Quỳnh mà các thành viên trong gia đình đều tích cực thực hiện thói quen “sống xanh”. Chẳng hạn, mẹ của bạn ấy không sử dụng túi nilon để đựng đồ hay khi đi chợ nữa mà thay thế bằng túi vải.
Đức Tùng (11I) vẫn nhớ Ngày hội tái chế ở MC. Khi đó, cậu cùng bạn bè tham gia quyên góp giấy vụn để góp phần thực hiện dự án trồng 5.000 cây đước ở vùng Rú Chá, Thừa Thiên Huế. Cậu cũng không thể quên lần vô tình thấy thầy Hiệu trưởng cúi xuống nhặt cốc nước nhựa trên sân trường cho vào thùng rác. Những sự việc đó đã tác động rất lớn tới suy nghĩ, hành động của cậu về ý thức bảo vệ môi trường.
Đức Tùng nói thêm, tuy chưa thực sự làm những dự án lớn nhưng mỗi ngày, cậu luôn tự nhắc nhở bản thân phải “sống xanh”. “Nơi mình ở có hai thùng rác: hữu cơ và vô cơ. Thế nên hàng ngày, mình có thói quen phân loại rác của gia đình trước khi cho vào thùng. Khi đi mua đồ, mình cũng cố gắng hạn chế sử dụng túi nilon. Những chai nước, gói kẹo… thì mình có thể cầm tay hoặc đựng trong túi giấy. Gia đình mình cũng nói không với túi nilon và dùng thay thế bằng túi vải, túi giấy. Đặc biệt, có nhiều loại túi giấy sau khi sử dụng có thể vùi xuống đất để trồng cây. Mình đã làm và thấy rất hiệu quả.
Lớp mình đã tổ chức cuộc thi chế tạo mô hình Toán học bằng đồ tái chế. Với những vật dụng thân thuộc như: vỏ bút bi, bìa sách…, chúng mình cùng nhau tạo ra những đồ dùng phục vụ cho việc học Toán. Mình rất thích hoạt động này vì từ những đồ tái chế dễ kiếm và chỉ cần chút sáng tạo, bạn có thể tự chế nhiều thứ đẹp mắt, ý nghĩa”.
Trên bàn học ở nhà của Nguyệt Linh (5M2) có ba chậu cây nhỏ. Đó là thành quả của cô bạn khi đổi những chai nhựa và sách báo cũ tại hội chợ đồ cũ. Cô bạn cũng từng tham gia dự án Ecobrick hướng dẫn mọi người làm gạch tái chế từ chai nhựa, túi nilon. “Cách làm đơn giản lắm! Sau khi giặt sạch túi nilon, bạn cắt nhỏ rồi lèn thật chặt trong chai nhựa, sau đó mang đến điểm tập kết của dự án. Họ sẽ sử dụng gạch tái chế để làm nhiều công trình có ích”, Nguyệt Linh cho biết.
Phương Trang (8M3) cảm thấy may mắn khi 5 lần được cùng các anh, chị tình nguyện viên nước ngoài trong tổ chức phi chính phủ của cơ quan bố tham gia hoạt động tình nguyện ở Đồ Sơn, Hải Phòng. Tại đây, bên cạnh việc hỗ trợ phiên dịch cho đoàn, cô bạn đã cùng các thành viên và các em ở trại trẻ mồ côi nhặt rác trên bãi biển. Phương Trang kể: “Khi nhìn các anh, chị nước ngoài làm việc hăng say và nhiệt tình, mình càng có thêm động lực. Chúng mình không chỉ làm sạch bãi biển mà còn tận dụng những chai lọ thu gom được trang trí thành mô hình bàn tay khổng lồ để dành tặng Trung tâm bảo trợ xã hội 3, Hà Nội. Hè vừa rồi, một số bạn của mình cũng đăng ký tham gia. Mình rất vui khi có thể lan tỏa tình yêu môi trường tới những người xung quanh. Sau những chuyến đi như vậy, mình đã thay đổi rất nhiều về ý thức giữ gìn môi trường sống. Mình hiểu rằng, những việc làm hôm nay sẽ mang lại ích lợi rất lớn cho mai sau”.
“Sống xanh” hôm nay tạo mầm xanh mai sau
Việc chúng ta bảo vệ môi trường hôm nay không chỉ hữu ích ở hiện tại mà còn góp phần tạo nên sự bền vững cho tương lai. Theo nghiên cứu của các chuyên gia Mỹ và Australia công bố tháng 12/2017, mỗi năm, Việt Nam “đổ” ra biển 1,8 triệu tấn rác thải nhựa và đứng thứ tư trong số những quốc gia xả rác nhựa nhiều nhất ra đại dương. Rác thải nhựa được coi là “tử thần” đối với các loài sinh vật biển khi hàng năm có tới 1,5 triệu động vật chết vì ngộ độc chất thải nhựa. Từ những loài nhỏ như rùa biển đến các loài lớn như cá voi đều là nạn nhân trực tiếp của chất thải này. Nếu tiếp diễn vấn nạn đó thì tới năm 2050, rác thải nhựa trên đại dương thậm chí sẽ nhiều hơn cả cá.
Trong 50 năm qua, lượng nhựa được tiêu dùng cũng tăng gấp 20 lần và dự kiến sẽ nhân lên gấp đôi vào 20 năm tới. Tuy nhiên, vật liệu này rất khó phân hủy. Một chiếc túi nilon chỉ mất 5 giây sản xuất, sử dụng trong vòng chưa tới 5 phút, song để phân hủy thì cần đến 500 - 1.000 năm.
Những thông tin, báo cáo về ô nhiễm môi trường ở mức báo động toàn cầu xuất hiện ngày càng nhiều trên các phương tiện tuyền thông. Phương Quỳnh chia sẻ rằng, vấn đề môi trường không của riêng ai. Bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của mỗi người, từ trẻ nhỏ đến người già. Ngay như ở lớp, nếu mỗi bạn biết giữ gìn vệ sinh chung, trồng thêm các loại cây thì không gian học tập sẽ sạch đẹp và xanh mát hơn. Đức Tùng và Phương Trang cũng cho rằng, “sống xanh” không phải là khái niệm xa vời. Bạn có thể bắt đầu bằng việc nói không với vật dụng nhựa, túi nilon; trồng cây xanh ở nhà và cố gắng dùng những thứ có thể tái sử dụng nhiều lần. Hay đơn giản, bạn sẵn sàng nhặt rác và bỏ vào đúng nơi quy định. https://mostbet-games.net/nz/
Theo các bạn, để MC trở nên xanh - sạch - đẹp hơn và MCer quan tâm hơn nữa đến “sống xanh”, nhà trường có thể tổ chức cuộc thi trồng, chăm sóc cây nhằm nâng cao ý thức của học sinh với không gian sống; thi làm đồ tái chế để kích thích sự sáng tạo. Ở các hành lang nên có hai thùng rác để “cư dân” MC học cách tự phân loại rác. Ở canteen nên sử dụng cốc giấy, túi giấy; thay cho cốc nhựa, túi nilon. Các bạn tin rằng, mỗi hành động nhỏ của MCer không chỉ giúp trường trở thành nơi học tập, sinh hoạt lý tưởng mà còn đóng góp rất lớn cho việc bảo vệ môi trường.
Theo MCer Link 39